Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Việt Nam cần một Nguyên thủ như Putin để đưa đất nước đi lên

Tiêu đề bài viết này rất đúng. Tuy nhiên thể chế hiện nay của Việt Nam hầu như không thể tạo ra một Nguyên thủ như Putin. Khả năng lớn là Việt Nam sẽ theo bước các nước XHCN đi trước: sẽ có một thời kỳ hỗn loạn kéo dài cả chục năm, trong quá trình hỗn loạn (nhưng dân chủ) đó mới sinh ra một Nguyên thủ quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Putin.
Việt Nam cần một Nguyên thủ như Putin để đưa đất nước đi lên
Vì sao từ một nước yếu kém, tan rã, nước Nga trở nên hùng mạnh như ngày hôm nay? … và vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn Việt Nam thì chưa? Câu trả lời ở ngay trong chính cơ chế của chúng ta.
Nhìn lại những gì mà Putin đã và đang làm cho nước Nga có thể thấy rằng, không có Putin thì không có nước Nga hùng mạnh và thịnh vượng như ngày hôm nay. Và nước Nga rất cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán như Putin. Với bản năng là một điệp viên thông minh, quyết đoán và chớp thời cơ, Putin đã đưa nước Nga trở nên hùng mạnh, thịnh vượng và được tôn trọng.

Và Nhật Bản cũng cần phải có một Thủ tướng Ikeda Hayato (1960-1964) nổi tiếng với kế hoạch “dốc toàn lực cho chính sách gấp đôi thu nhập” và đã được toàn dân ủng hộ mạnh mẽ, đưa nước Nhật phát triển thần kỳ trở thành đại cường quốc kinh tế.

Nếu như Nhật Bản phát triển với tốc độ chóng mặt làm nên “sự thần kỳ Nhật Bản”, thì Hàn Quốc cũng làm nên “Kỳ tích sông Hàn” được Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng, thực hiện công nghiệp hóa thần tốc thông qua hỗ trợ các chaebol hùng mạnh như Samsung, Hyundai, Daewoo, LG và SK.

Từ một nước nhỏ bé không có tài nguyên, không có nguồn nước, Lý Quang Diệu đã đưa đảo quốc Singapore đứng vào hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới với chính sách bao dung tôn giáo và hoà hợp chủng tộc, thượng tôn luật pháp, trọng dụng người tài.

Còn Việt Nam ta thì sao? Và vì sao Việt Nam có rất nhiều người tài và tâm huyết với đất nước mà chưa thể có một người xuất chúng đủ khả năng đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển thành công?

Trước đây, quyền lực tập trung vào một người là nhà vua, nay quyền lực của Nhà nước được phân tán ra làm ba nơi: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó là cơ chế rất tốt cho tất cả các quốc gia trong thời đại ngày nay nhưng thực ra không phải như vậy. Vì mô hình nhà nước và thể chế còn nhiều bất cập:

Hiến pháp quy định: “Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vậy thì không có một con người cụ thể nào lãnh đạo, không thể tự quyết và cuối cùng không cá nhân nào chịu trách nhiệm!

Trước đây, quyền lực tập trung vào một người là nhà vua, nhưng các vị vua Việt Nam dù toàn quyền nhưng đã biết đồng lòng nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước hùng cường.

Ở Việt Nam có thể nói bốn người nắm giữ quyền lực cao nhất đó là: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Nhìn vào đây có thể thấy, 4 chức vụ này lại không phù hợp với tam quyền!

Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương lãnh đạo triệt để và toàn diện quân đội có vẻ rất mâu thuẫn với quy định Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang. Thủ tướng đứng đầu Chính phủ nhưng cũng không đủ quyền để tự quyết định chính sách mà phải thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội, của Đảng. Đôi khi không tránh khỏi việc Đảng làm thay Nhà nước.

Những bất cập này dẫn đến hiện tượng chồng chéo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan ban ngành của Đảng và Nhà nước. Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, có quyền sửa đổi Hiến pháp, thế nhưng để sửa đổi Hiến pháp phải chờ nghị quyết của Đảng.

Chưa kể văn hóa của người Việt Nam có cơ chế sống theo thuyết “vô vi”, sống và làm việc chứ có phải thi điền kinh đâu mà cần nhanh. Và chữ “nhẫn” trở thành một trong những slogan hàng đầu cho mọi ứng xử của người Việt Nam.

Cũng vì thế mà nhiều người thấy rằng cơ chế tập trung dân chủ chậm đổi mới, thậm chí vẫn còn là cơ chế tập trung quan liêu, không theo kịp các yêu cầu của đời sống, làm cản bước tiến của xã hội. Tập thể quyết định, khi xảy ra tiêu cực thì tập thể phải chịu trách nhiệm, lỗi chung, thành ra chẳng ai chịu trách nhiệm cả.

Những người lãnh đạo có tài và có tâm muốn đóng góp cho đất nước thì không thể tự quyết vì quyền lực thuộc về tập thể. Khi cá nhân đưa ra một vấn đề, phải bàn lên bàn xuống, hỏi ý kiến người này người kia, chín người mười ý dẫn đến lâu ra quyết định đánh mất nhiều cơ hội và thời cơ cho đất nước.

Ở Việt Nam không có ai đủ toàn quyền để “làm và chịu trách nhiệm” như Putin, Ikeda Hayato, Lý Quang Diệu…hay ít ra được như Tập Cận Bình.

Thật là tai hại cho đất nước mà không ai chịu trách nhiệm. Vì thế cần phải có người đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình trước nhân dân.

Việt Nam cần một Nguyên thủ như Putin để đưa đất nước đi lên

Khi người dân đã thực sự làm chủ đất nước của mình. Khi ấy nhân dân sẽ chọn người lãnh đạo xuất sắc nhất của mình. Các nhà lãnh đạo đưa ra các chiến lược, các chính sách để được dân chúng chọn lựa một người lãnh đạo đất nước vừa có tài, vừa có đức và đặc biệt là đủ quyền lực và tự chịu trách nhiệm để đưa đất nước đi lên.

Không phải ngẫu nhiên nhiều trí thức và các cơ quan đơn vị đã lên tiếng cải cách cơ chế. Cũng không phải ngẫu nhiên phải nhấn mạnh cải cách thể chế. Bộ máy quản lý nhà nước của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, chồng chéo. Nhiều quy định được đưa ra trong điều kiện đất nước chiến tranh quyết liệt một mất một còn trước kẻ thù, nhưng trong điều kiện xây dựng kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cần phải xem lại. Nếu tiếp tục vận dụng các quy định lỗi thời khó có thể hy vọng đổi mới, hoàn thiện tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước một cách có hiệu quả.
....
Chúng ta đã từng mạnh dạn từ bỏ mô hình “hợp tác xã bậc cao”, để dẫn dắt đất nước không chỉ thoát ra khỏi đói nghèo mà còn xuất khẩu lương thực. Chúng ta đã từng đổi mới mạnh mẽ vào năm 1986 với khẩu hiệu “những việc cần làm ngay” của ông N.V.L (Nguyễn Văn Linh), kết quả là đời sống nhân dân được như ngày hôm nay. Để đưa đất nước phát triển hùng mạnh và thịnh vượng, thì tại sao chúng ta không tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế để tạo ra cơ chế cá nhân lãnh đạo và phải chịu trách nhiệm?

Tại sao chúng ta không cải cách mạnh mẽ thể chế để nguyên thủ Việt Nam có đủ toàn quyền để làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân như Putin đã từng làm?
http://truongsahoangsa.info/viet-nam-co-can-mot-nguyen-thu-quoc-gia-nhu-putin.html

1 nhận xét: