Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Ukraina: Đừng để nồi da nấu thịt!

Ukraina: Đừng để nồi da nấu thịt!
Ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một cuộc gặp gỡ với đại diện của giới truyền thông để trò chuyện về những gì liên quan tới tình hình ở Ukraina. Mặc dù các phương tiện truyền thông ở phương Tây đang cố sức “bới lông tìm vết” để gièm pha quan điểm của Điện Kremli về Ukraina nhưng thực chất thì những gì mà ông Putin đã đưa ra rất hữu ích trong việc thấu hiểu bản chất của cuộc khủng hoảng chất đầy những hiểm họa toàn cầu này.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một phần nội dung của cuộc họp báo đó trên cơ sở tư liệu do Đại sứ quán Liên bang Nga tại Hà Nội cung cấp.
Tổng thống Vladimir Putin: Thứ nhất, là đánh giá những gì đã xảy ra ở Kiev và tại Ukraina nói chung. Ở đây chỉ có thể có một cách đánh giá mà thôi - đó là một cuộc đảo chính và vũ trang cướp chính quyền một cách vi hiến. Điều này không ai tranh cãi. Ai có thể tranh cãi về điều này nữa đây? Tôi chỉ băn khoăn có một điều, một câu hỏi mà cả tôi lẫn các đồng nghiệp của tôi, những người, như các vị biết đấy, mà tôi đã điện đàm thảo luận về vấn đề Ukraina rất nhiều vào thời gian gần đây, đều không thể trả lời được. Câu hỏi đó là: Làm như vậy để làm gì?

Các vị hãy lưu ý rằng chính Tổng thống Yanukovich với sự trung gian của ba vị bộ trưởng ngoại giao các nước châu Âu - là Ba Lan, Đức và Pháp, với sự có mặt người đại diện của tôi (đảm nhiệm vai trò này là ông Vladimir Petrovich Lukin, thanh tra đặc phái viên về nhân quyền tại Liên bang Nga), lúc đó, vào ngày 21/2, đã ký kết thỏa thuận giữa phe đối lập và chính quyền, chính là bản thỏa thuận mà theo đó, tôi muốn nhấn mạnh điều này (điều này là tốt hay không tốt chưa bàn đến, tôi chỉ muốn lưu ý sự việc), ông Yanukovich thực tế đã giao nộp quyền lực của mình. Ông ta đã đồng ý với tất cả những gì phe đối lập đòi hỏi: Ông ấy đồng ý tiến hành bầu cử nghị viện trước thời hạn, đồng ý bầu cử tổng thống trước thời hạn, đồng ý trở lại bản Hiến pháp năm 2004, những gì mà phe đối lập đòi hỏi. Ông ta phản ứng tích cực với cả yêu cầu của chúng tôi lẫn yêu cầu của các nước phương tây, và trước hết là của phe đối lập, là không áp dụng vũ lực. Chính ông ấy đã không ra bất kỳ một mệnh lệnh trái luật nào về việc bắn vào những người biểu tình bất hạnh. Hơn thế nữa, ông ta còn chỉ thị đưa hết toàn bộ lực lượng công an ra khỏi thủ đô, và họ đã thực hiện mệnh lệnh của ông ấy. Ông ấy lên đường đi dự một hoạt động tại Kharkov, và ngay khi ông ấy vừa rời đi Kharkov, thay vì giải phóng các tòa nhà trụ sở chính quyền đã chiếm giữ từ trước, bọn họ ngay lập tức lại chiếm luôn cả dinh thự tổng thống của ông ấy, cả tòa nhà chính phủ, thay vì thực hiện điều mà họ vừa thỏa thuận.

Tôi vẫn tự đặt cho mình câu hỏi để làm gì? Tôi muốn biết họ làm như vậy nhằm mục đích gì? Bản thân ông ta về thực chất đã bàn giao toàn bộ quyền lực, và ông ta, tôi cho rằng, tôi cũng đã nói với ông ấy về điều này, không có bất kỳ cơ hội nào được bầu lại lần nữa. Tất cả đều đồng ý với điều này, tất cả những đồng nghiệp và tôi vẫn nói chuyện điện đàm trong thời gian gần đây. Với mục đích gì mà phải làm những hành động vi hiến bất hợp pháp và đưa đất nước, đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn hôm nay nó đang lâm vào như vậy? Cho đến tận bây giờ vẫn có những binh sỹ mang mặt nạ cầm súng lang thang khắp Kiev. Đó chính là câu hỏi không có lời giải đáp. Bọn họ muốn làm nhục ai đó, muốn phô trương sức mạnh chăng? Điều đó, theo tôi, là những hành động hoàn toàn ngu xuẩn. Họ đã đạt được, theo tôi cảm thấy, một kết quả trái với sự trông đợi, bởi vì phần lớn chính do những hành động này mà bọn họ đã làm chao đảo vùng miền đông và đông nam Ukraina.

Bây giờ nói về nguyên do, về việc vì sao tất cả tình trạng này đã xảy ra nói chung.

Theo tôi, trạng thái cách mạng này đã hình thành từ lâu, từ những ngày đầu tiên của nền độc lập Ukraina. Người công dân Ukraina bình thường, lão nông Ukraina bình thường, thảy đều khốn khổ, từ thời Nikolai khát máu, cho đến thời Kravchuk, thời Kuchma, thời Yushenko, lẫn thời Yanukovich. Chẳng có gì khá hơn hoặc gần như không có gì thay đổi. Tham nhũng đạt tới mức độ mà chúng ta đây, ở Nga, có nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi. Việc làm giàu và phân hóa xã hội, ngay ở chúng ta vấn đề này cũng đã quá mức, đã mang tính chất rất gay cấn rồi, thế nhưng ở Ukraina còn gay gắt hơn, tồi tệ hơn, gấp hàng trăm hàng nghìn lần. Các vị biết đấy, tình trạng này bên đó đơn giản có thể nói là vượt quá mọi mức độ. Dĩ nhiên về nguyên tắc thì nhân dân từ lâu đã muốn có sự thay đổi, nhưng không được phép khuyến khích việc thay đổi bất hợp pháp.

Trong không gian hậu Xôviết, nơi các cơ cấu chính trị còn non nớt rất dễ đổ vỡ, nền kinh tế còn yếu, thì hành động cần tuyệt đối theo đúng hiến pháp. Vượt ra ngoài khuôn khổ hiến pháp sẽ là sai lầm căn bản. Tiện đây nói thêm rằng tôi hiểu những người ngoài quảng trường Maidan, và mặc dù không hoan nghênh bản thân việc thay đổi chính quyền bằng cách đó, ít nhất tôi cũng hiểu những người biểu tình ở quảng trường Maidan, những người cho đến bây giờ vẫn đòi hỏi không phải là việc sửa chữa nào đó mặt tiền của chính quyền, mà đòi hỏi những thay đổi căn bản. Tại sao họ lại đòi hỏi? Bởi vì họ đã quen với việc bọn lừa đảo này có thay đi thì cũng chỉ được thay bằng bọn lừa đảo và gian xảo khác. Hơn thế nữa người dân ở các địa phương thậm chí còn không tham gia vào việc hình thành chính quyền địa phương của mình. Ở ta có thời kỳ đưa lãnh đạo địa phương lên nắm quyền bằng cách tổng thống đề cử, nhưng dù sao vẫn có cấp Xôviết địa phương thông qua, còn bên đó là bổ nhiệm trực tiếp luôn. Chúng ta bây giờ chuyển sang bầu cử, còn bên đó thì chả có hơi hướng gì. Ở các vùng miền đông người ta bắt đầu bổ nhiệm các tỷ phú, các tài phiệt vào chức vụ tỉnh trưởng. Dĩ nhiên người dân không chấp nhận điều đó, họ cho rằng, cũng như bên ta nhiều người cho rằng như thế, thật ra là nhờ tư hữu hóa không trung thực nên có người giàu lên, đến bây giờ thì người ta kéo bọn giàu đó vào cả chính quyền.

Ở Dnepropetrovsk người ta đưa ngài Kolomoisky vào chính quyền giữ chức tỉnh trưởng. Nhưng đó là một kẻ lừa đảo chính hiệu. Hai hay ba năm trước đây hắn thậm chí còn lừa nhà tài phiệt Abramovich của chúng ta một vố. Hai bên ký kết hợp đồng, một mối làm ăn nào đó bên đấy. Abramovich chuyển cho hắn vài tỷ đôla, còn gã kia thì không thực hiện hợp đồng, lấy tiền đút túi. Khi tôi hỏi Abramovich: “Nghe này, ông làm thế làm gì?” Ông ta nói: “Đến tôi còn chả nghĩ sao lại có thể như vậy”. Tôi không biết chuyện đó kết thúc ra sao, ông ấy có đòi được tiền về không, gã kia có hoàn thành nốt việc làm ăn hay không, tôi không biết. Nhưng đâu đó hai, ba năm trước đúng là có chuyện xảy ra như vậy. Thế mà giờ họ đưa cái gã gian giảo ấy lên làm tỉnh trưởng, đưa về Dnepropetrovsk. Tất nhiên dân chúng không hài lòng. Người ta trước đã không hài lòng, và rồi vẫn sẽ không hài lòng một khi những người tự xưng là chính quyền hợp pháp còn hành động theo kiểu như vậy.

Điều chính yếu là dứt khoát phải trao cho người dân quyền được quyết định số phận của mình, số phận gia đình mình, số phận vùng miền của mình và tham gia trên cơ sở bình quyền, đây chính là điều tôi muốn nhấn mạnh: Bất kể con người ta sinh sống ở nơi đâu, ở bất kỳ vùng miền nào của đất nước, thì anh ta trên cơ sở bình quyền phải được tham gia vào việc quyết định số phận đất nước mình.

Chính quyền hiện nay có phải là chính quyền hợp pháp hay không? Nghị viện – một số bỏ phiếu thuận, tất cả số còn lại thì bỏ phiếu chống, và hoàn toàn không thể nói tổng thống tạm quyền hiện nay là hợp pháp, ở đây đúng ra không có sự hợp pháp nào hết. Về mặt pháp lý chỉ duy nhất có một vị tổng thống hợp pháp. Rõ ràng là ông ta không có chút quyền lực nào, điều này ai cũng hiểu. Song tôi đã nói về điều này, và muốn nhắc lại rằng: Thuần túy trên phương diện pháp lý chắc chắn chỉ có ông Yanukovich là vị tổng thống hợp pháp đó.

Theo luật pháp Ukraina có ba biện pháp để phế truất tổng thống: Thứ nhất là tổng thống qua đời, thứ hai là ông ta tự tuyên bố từ bỏ quyền lực tổng thống và thứ ba là luận tội bất tín nhiệm. Việc luận tội bất tín nhiệm có quy định, đó là một tiêu chí Hiến pháp. Tham gia thủ tục này phải có Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, cả Rada (Quốc hội Ukraina). Đó là một thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài. Thủ tục đó đã không được tiến hành. Vì vậy mà trên quan điểm pháp lý đây là một thực tế không thể chối cãi được.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, có thể chính vì vậy mà cái gọi là chính quyền hiện nay mới thông qua quyết định giải tán Tòa án Hiến pháp, một việc nói chung không phù hợp với khuôn khổ pháp luật Ukraina cũng như khuôn khổ pháp luật châu Âu. Và không chỉ giải tán tòa án một cách phi pháp, mà còn giao nhiệm vụ - xin các vị hãy nghĩ kỹ từ này - cho viện tổng kiểm sát khởi tố vụ án hình sự đối với các thành viên Tòa án Hiến pháp. Đó là gì vậy? Cái đó gọi là tự do tư pháp đấy ư? Nếu như có sự vi phạm pháp luật, có hành động tội phạm nào đó, thì các cơ quan bảo vệ pháp luật tự sẽ thấy và tự phải đối phó. Nhưng giao nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự - thì thật quá vô lý, quá phi lý.

Giờ nói đến việc hỗ trợ tài chính cho Crưm. Các vị biết là chúng ta đã có quyết định tổ chức công tác để các địa phương Liên bang Nga có những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho Crưm, nơi đã kêu gọi chúng ta trợ giúp nhân đạo. Tất nhiên chúng ta sẽ làm điều đó. Giúp bao nhiêu, khi nào giúp, từ nguồn nào thì tôi không thể nói được, việc này do Chính phủ lo. Bằng cách liên kết các địa phương biên giới sát với Crưm, có thể, bằng cách hỗ trợ bổ sung cho các địa phương của Liên bang Nga để những địa phương này hỗ trợ dân chúng Crưm. Điều đó dĩ nhiên chúng ta sẽ làm.

Về việc đưa quân, việc sử dụng quân đội. Hiện nay không cần thiết làm như vậy. Song khả năng làm như vậy thì có. Nhân đây tôi nói luôn là các cuộc diễn tập của chúng ta được tiến hành mới đây không hề liên quan gì đến các sự kiện tại Ukraina. Đó là hoạt động được chúng ta lên kế hoạch từ trước nhưng không công bố, dĩ nhiên vì đó là cuộc kiểm tra bất ngờ khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội tương ứng. Nó được lên kế hoạch từ lâu, Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo với tôi việc này lâu rồi, tôi cũng đã có chỉ đạo từ trước, chỉ thị cho triển khai cuộc tập trận như vậy. Như các vị biết, cuộc tập trận đã hoàn tất, ngày hôm qua tôi đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân sự trở về nơi đồn trú của mình.

Điều gì có thể trở thành nguyên cớ để sử dụng các lực lượng vũ trang? Tất nhiên, đó là trường hợp cùng lắm mới phải làm, trường hợp vạn bất đắc dĩ.

Thứ nhất, về sự hợp pháp. Như các vị đã biết, chúng ta có lời thỉnh cầu trực tiếp của Tổng thống Yanukovich, như tôi đã nói, vị tổng thống đương nhiệm và hợp hiến của Ukraina, về việc sử dụng các lực lượng vũ trang để bảo vệ tính mạng, tự do và sức khỏe cho các công dân Ukraina.

Điều gì làm chúng ta lo ngại hơn cả? Chúng ta thấy sự lộng hành của bọn phát xít mới, dân tộc chủ nghĩa, bài Do Thái, tình trạng hiện giờ vẫn đang diễn ra ở một số vùng Ukraina, trong đó có cả Kiev...

Và khi trông thấy điều đó, chúng ta hiểu ngay điều gì làm người dân Ukraina lo ngại - cả người Nga lẫn người Ukraina, nói chung là dân chúng nói tiếng Nga đang sinh sống ở vùng miền đông và đông nam Ukraina. Họ lo ngại chính tình trạng vô luật pháp không có chừng mực như vậy. Còn khi chúng ta thấy tình trạng vô luật pháp đó bắt đầu tại các vùng miền đông, nếu mọi người yêu cầu chúng ta giúp đỡ, mà chúng ta lại đã có lời thỉnh cầu chính thức của tổng thống hợp hiến đương nhiệm, thì chúng ta sẽ bảo lưu quyền sử dụng tất cả những phương tiện sẵn có để bảo vệ các công dân này. Và chúng ta cho rằng việc đó là hoàn toàn hợp pháp. Đó là biện pháp vạn bất đắc dĩ.


Hơn thế nữa. Tôi muốn nói với các vị điều này: Chúng ta đã, đang và sẽ coi Ukraina không chỉ là láng giềng gần gũi, mà thật sự là nước cộng hòa láng giềng anh em của chúng ta. Còn các lực lượng vũ trang của hai nước – đó là đồng chí đồng đội, là những người bạn, cá nhân nhiều người trong số họ quen biết với nhau. Tôi tin chắc rằng các quân nhân Ukraina và các quân nhân Nga sẽ không ở hai bờ khác nhau của chiến lũy, mà sẽ cùng chung một chiến hào.

Nói thêm rằng chính điều mà tôi đang nói, về sự thống nhất đó, hiện đang diễn ra ở Crưm. Các vị hãy lưu ý, trời ạ, ở đó không có một tiếng súng, không xảy ra thương vong. Mà việc ở đó diễn ra thế nào cơ chứ? Mọi người đến, phong tỏa các đơn vị vũ trang, các đơn vị quân đội và vận động họ nên tuân theo yêu cầu và ý nguyện của nhân dân sống ở vùng lãnh thổ này. Không có bất kỳ sự đụng độ quân sự nào, không ai bắn phát nào, không có một tiếng súng.

Như vậy tình trạng căng thẳng tại Crưm liên quan đến khả năng phải sử dụng lực lượng vũ trang đơn giản là đã triệt tiêu, không còn sự cần thiết nào phải áp dụng biện pháp đó. Duy nhất có một việc cần thiết và chúng ta đã làm, đó là tăng cường bảo vệ các hạng mục quân sự của chúng ta, bởi vì những nơi đó thường xuyên nhận được những lời đe dọa, hơn nữa chúng ta thấy đã có binh sỹ thuộc các tổ chức dân tộc chủ nghĩa đang kéo đến Crưm. Chúng ta đã làm việc này, làm một cách đúng đắn và kịp thời. Chính vì vậy nên tôi cho rằng ở miền đông Ukraina chúng ta sẽ không phải làm việc gì đó tương tự (như sử dụng quân đội).

Song tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa. Dĩ nhiên những điều tôi sắp nói hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của tôi, mà chúng ta cũng không định can thiệp vào. Song chúng ta cho rằng tất cả mọi công dân Ukraina, tôi xin nhắc lại, dù cho họ có sống ở đâu đi chăng nữa, đều cần phải được hưởng những quyền như nhau trong việc tham gia vào đời sống của đất nước và xác định tương lai của đất nước đó.

Tôi mà ở vào vị trí của những người đang coi mình là chính quyền hợp pháp kia, thì hẳn đã phải vội vàng thực hiện những thủ tục pháp lý tương ứng rồi, bởi vì bọn họ chẳng hề có sự ủy nhiệm toàn dân để tiến hành chính sách đối nội, đối ngoại, kinh tế, hơn nữa là xác định tương lai của Ukraina”.

[…]

Trả lời câu hỏi về phản ứng của các nước phương Tây về hành động của Nga, Tổng thống nói: “Bọn họ thường buộc tội chúng ta rằng hành động của chúng ta không hợp pháp, còn khi tôi đưa ra câu hỏi”: “Vậy các vị cho rằng mọi việc của các vị hợp pháp cả hay sao?” - họ nói: “Đúng thế”. Đành phải nhắc lại những hành động của Hoa Kỳ tại Afghanistan, ở Iraq, ở Libya, nơi họ hành động hoặc là không có bất cứ sự cho phép nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hoặc là xuyên tạc nội dung những nghị quyết này, như trường hợp ở Libya. Ở đó, như các vị đều biết, nghị quyết chỉ ghi khả năng đóng không phận đối với máy bay của quân chính phủ, vậy mà tất cả đã kết thúc bằng việc ném bom và sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm vào chiến dịch trên bộ.

Các đối tác của chúng ta, đặc biệt là Mỹ, luôn luôn đề ra cho mình những lợi ích quốc gia và lợi ích địa chính trị một cách rõ ràng, mạch lạc, theo đuổi những mục đích đó rất kiên quyết, còn sau đó, dựa vào câu nói nổi tiếng: “Ai không theo ta là chống lại ta” - họ lôi kéo cả thế giới còn lại về phía mình.

Chúng ta xuất phát từ điều khác, chúng ta xuất phát từ việc chúng ta đang hành động hoàn toàn hợp pháp. Ngay bản thân tôi cũng luôn luôn ủng hộ việc tuân thủ các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh: Chúng ta cho rằng, nếu như chúng ta thậm chí phải áp dụng giải pháp quân sự, nếu như tôi quyết định áp dụng giải pháp sử dụng lực lượng vũ trang, thì giải pháp đó sẽ là hợp pháp, hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn chung của luật pháp quốc tế, bởi vì chúng ta có lời thỉnh cầu của tổng thống hợp hiến, phù hợp với các cam kết của chúng ta, trong trường hợp này là tương đồng với mối quan tâm của chúng ta về việc bảo vệ những con người mà chúng ta coi là gắn bó gần gũi với chúng ta cả về lịch sử cũng như về văn hóa chung, gắn bó chặt chẽ cả trên bình diện kinh tế. Điều này phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta – đó là bảo vệ những người dân này. Đó cũng là một sứ mệnh nhân đạo. Chúng ta không cố tranh đoạt phải nô dịch ai hay chỉ đạo ai làm gì đó. Song dĩ nhiên chúng ta không thể đứng yên ngoài cuộc, khi thấy có kẻ bắt đầu truy bức, tiêu diệt, phỉ báng họ. Rất mong sự việc không tới nước đó (Ukraina).

Về cấm vận. Người phải suy nghĩ về hậu quả của việc cấm vận này trước hết chính là những ai đang chuẩn bị tiến hành điều đó. Tôi nghĩ rằng trong thế giới hiện đại, khi tất cả liên kết tương hỗ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau cách này hay cách khác, dĩ nhiên có thể gây cho nhau những thiệt hại nào đó, song đó cũng sẽ là thiệt hại mang tính tương hỗ, và cũng nên suy nghĩ về điều này. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, đây là điều chủ yếu nhất. Tôi đã nói về các động cơ hành động của chúng ta. Vậy còn động cơ hành động của các đối tác của chúng ra là gì? Họ ủng hộ đảo chính vi hiến và vũ trang cướp chính quyền, rồi tuyên bố những người thực hiện việc đó là hợp pháp và cố gắng hỗ trợ bọn họ. Phải nói thêm rằng trong trường hợp này chúng ta đầy kiên nhẫn và thậm chí còn sẵn sàng hợp tác ở mức độ nào đó, chúng ta không muốn cắt đứt quan hệ hợp tác. Như các vị biết, mấy ngày trước tôi đã giao cho Chính phủ nghĩ xem làm thế nào để có thể tiếp tục mối liên hệ tiếp xúc thậm chí với những phe đang nắm chính quyền ở Kiev, những người chúng ta không coi là hoàn toàn hợp pháp, với mục đích duy trì quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp. Chúng ta coi hành động của mình là hoàn toàn có cơ sở, còn mọi lời đe dọa nhằm vào Nga – đều bị coi là phản tác dụng và có hại.

Những chuyện liên quan đến nhóm G8 thì tôi không biết. Chúng ta đang chuẩn bị cho hội nghị G8, sẵn sàng đón tiếp các đồng nghiệp sang dự. Còn nếu như họ không muốn đến - thì thôi”.

[…]

Trả lời câu hỏi về tương lai của Crưm sẽ như thế nào, có xem xét khả năng kết nạp vùng đất này vào Nga không: “Không, vấn đề đó không được xem xét. Nói chung tôi cho rằng chỉ có các công dân sinh sống ở vùng lãnh thổ này hay vùng lãnh thổ khác, trong điều kiện tự do thể hiện ý nguyện, trong điều kiện an toàn, mới có thể và cần phải xác định tương lai cho mình.

Và nếu, giả sử, người Kosovo, người Kosovo gốc Albania đã có thể làm điều đó, nếu như điều đó có thể làm ở nhiều nơi trên thế giới này, thì quyền tự quyết của một dân tộc, theo như tôi biết là được ghi rõ trong các văn kiện tương ứng của Liên Hiệp Quốc, không ai có thể bãi bỏ. Song chúng ta trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ không xúi bẩy khiêu khích bất cứ ai đi đến những quyết định đó và trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ không kích thích hâm nóng những tư tưởng như vậy...

Đại đa số người Nga hiện nay đang ủng hộ cách ứng xử của Tổng thống Vladimir Putin trong những vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Theo kết quả thăm dò do Trung tâm Điều tra dư luận xã hội toàn Nga tiến hành mới đây nhất, trong tuần đầu tháng 3/2014, đang có tới 67,8% số người Nga được hỏi ý kiến tuyên bố rằng họ ủng hộ đường lối của Tổng thống Putin. Đó cũng là kết quả thăm dò dư luận của một tuần trước đó. Tất cả tâm thế này được duy trì trong bối cảnh tình hình ở Ukraina và đặc biệt là ở bán đảo Crưm vẫn tiếp tục phức tạp trong thời gian gần đây. 53% số người Nga cho rằng, câu chuyện đó đã là tâm điểm trong đời sống thời sự chính trị đầu tháng 3/2014.

Trong hai năm gần đây, chỉ số trên đã là cao nhất trong các cuộc thăm dò dư luận về uy tín của Tổng thống Nga Putin trong con mắt dân chúng.

Huy Dũng - Huy Thanh (tổng thuật)
http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/sotay/2014/3/57284.cand


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét