Trung Quốc học được gì ở Nga sau biến cố chính trị Ukraine?
ANTĐ - Sau sự kiện Nga thu hồi và sát nhập Crimea vào lãnh thổ của Liên bang Nga, báo chí Trung Quốc đã có nhiều bài viết, đánh giá tình hình và đưa ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra phương hướng phát triển quân đội Trung Quốc trong thời gian tới. Trung Quốc cho rằng lực lượng quân sự có khả năng sẽ được sử dụng nhiều hơn như một đòn bẩy ngoại giao tiềm tàngTham vọng của ông Putin xem ra không phải là mở rộng bản đồ lãnh thổ thêm 0,2% diện tích, cái mà ông muốn là sự tôn nghiêm và phục hưng của một cường quốc. Moscow cho rằng, phương Tây đã bắt đầu chiến lược vây ép Nga từ hơn 20 năm qua, kể từ khi Liên Xô tan rã, mà Nga vốn không ngăn được quán tính của nó
Hậu quả khủng hoảng ở Crimea và toàn bộ Ukraine xem ra nghiêm trọng hơn mọi người nghĩ. Mặc dù cho đến bây giờ không xảy ra xung đột quân sự giữa các thế lực chính, nhưng cuộc khủng hoảng này đã khiến cho cả phương Tây và Nga đều phải đánh giá lại thái độ thù địch của nhau. Sự “xét lại” này có thể gây ra mất kiềm chế, quá khích, dập tắt nốt chút lòng tin cuối cùng trong tái hợp tác giữa Nga và phương Tây. Chính tư tưởng này đã khiến phương Tây tự tay đóng lại cánh cửa quan trọng nhất, để đạt được sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa họ và Moscow.
Tổng thống Mỹ Barak Obama ngày 17-3 đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga và liên minh châu Âu cũng đưa ra hàng loạt biện pháp cấm vận khác. Phương Tây không thể thừa nhận thất bại trong vấn đề Ukraine. Nhưng Moscow và Tổng thống Putin cũng không thể chấp nhận thất bại ở Crimea. Cả phương Tây và Nga hiện đều cần một lối thoát cho riêng mình.
Cho dù các nhà lãnh đạo phương Tây hay Tổng thống Obama biết trước được những khó khăn khi đối đầu với bức tường Nga đã xây ở Ukraine thì Washington và EU cũng khó có thể điều chỉnh chiến lược của mình đối với Moscow.
Châu Âu sẽ không tái sử dụng chiến tranh lạnh, nhưng quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi là điều không thể tránh khỏi. Tư duy và một số biện pháp của thế kỷ trước cũng có thể sử dụng lại, không khí chính trị toàn cầu sẽ trở nên nhạy cảm và đáng lo ngại, bất ổn sẽ dần lan rộng từ lĩnh vực chính trị sang các khu vực khác.
Một khi cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga mất kiểm soát, cuối cùng sẽ mang lại tai họa cho Trung Quốc. Đây không phải là cuộc đấu của “hai con dế” mà là “hai con khủng long” đang gầm gè nhau. Khi đánh giá lại cục diện quốc tế sẽ dẫn đến sự thay đổi cách hành xử của nhiều quốc gia, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự biến đổi môi trường chiến lược quốc tế và những lựa chọn mới.
Để tránh sự xuất hiện của một tình huống xấu, Trung Quốc cần phải hành động, mà trước hết là làm thế nào để tình hình ở Ukraine không tiếp tục leo thang căng thẳng. Trung Quốc phải tích cực hơn trong vai trò của một trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây, giúp hai bên xây dựng những bước đi hòa hoãn.
Trong thời gian tới, quan hệ giữa Nga và phương Tây có đi đến bờ vực thẳm hay không, tiếng nói của Trung Quốc đối với cả 2 bên không phải là không được tính đến. Tuy không thể làm trọng tài phân xử, nhưng thái độ và trọng lượng lời nói của Trung Quốc sẽ giúp phần nào giảm căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược
Trung Quốc cần phải nhìn thấu sự bạc nhược của các nước phương Tây khi đối đầu với một nước Nga có GDP ít ỏi. Để giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chơi chính trị, thực lực quân sự là công cụ hỗ trợ không thể thay thế. Nước Nga, sau một thời gian dài suy yếu vì Liên Xô giải thể và suy thoái kinh tế, vẫn có thể làm cho phương Tây sợ hãi. Đây là điều mà Trung Quốc, hiện có GDP gấp 4, gấp 5 lần Nga, không thể làm được.
Trung Quốc cần phải đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là cần phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược, đây là những thành tựu to lớn mà sự tiến bộ của những lĩnh vực khác không thể thay thế.
Sự kháng cự của Nga lần này đã đòi hỏi phương Tây phải đánh giá lại sức mạnh tổng hợp của các cường quốc, lực lượng quân sự có khả năng sẽ được sử dụng nhiều hơn như một đòn bẩy ngoại giao tiềm tàng. Mà dĩ nhiên, trong số các nước lớn, Trung Quốc là một ví dụ điển hình về sự khiếm khuyết trong vận dụng quân lực.
Ngoài ra, Bắc Kinh ít kinh nghiệm và thiếu tính dân tộc trong đối kháng với phương Tây. Khi hữu sự, xã hội Trung Quốc khó có thể đứng vững trước sự liên thủ bao vây của Mỹ và các đồng minh.
Thu Huệ
Theo Thời báo Hoàn Cầu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét