Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Tình hình Ukraine: Vũ khí hạt nhân sẽ vào cuộc?

Tình hình Ukraine: Vũ khí hạt nhân sẽ vào cuộc?
(Tin tức 24h) - Ukraine có thể sẽ tự trang bị vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và các cường quốc phương Tây không đảm bảo thi hành hiệp ước quốc tế cách nay 20 năm. Tình hình Ukraine: Nga phô diễn tài thu phục nhân tâm / Ukraine hỗn loạn: Bắt đầu chảy máu kho vũ khí
Lính Nga ở Crimea
Ukraine sẽ tự trang bị vũ khí hạt nhân
Mỹ, Anh, Ukraine và Nga đã ký kết biên bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh tại thủ đô Budapest của Hungary vào năm 1994. Theo đó, hiệp ước quốc tế này bắt buộc các bên tham gia phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, không được đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại Ukraine. Đổi lại, Ukraine sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi đã tuân theo hiệp ước này, từ bỏ vũ khí hạt nhân”, tờ USA Today dẫn lời ông Pavlo Rizanenko, một nghị sĩ Ukraine, cho biết.

Theo USA Today, Ukraine đã từ bỏ hàng ngàn đầu đạn hạt nhân sau khi ký kết hiệp nước này.

“Ở Ukraine hiện có một quan điểm mạnh mẽ cho rằng, chúng tôi đã mắc sai lầm lớn khi ký kết hiệp ước này”, ông Rizanenko nói.

Ông Rizanenko đưa ra phát ngôn trên giữa lúc Nga được cho là sẽ gửi thêm quân đến chiếm toàn bộ khu tự trị Crimea và chính quyền tự trị Crimea (thân Nga) chuẩn bị tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới nhằm sáp nhập Crimea vào Nga, theo USA Today.

Ông Rizanenko và các quan chức Ukraine cho rằng, hiệp ước trên được ký kết nhằm ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine.

Theo ông Rizanenko, nếu Mỹ và các cường quốc phương Tây không đảm bảo thi hành hiệp ước năm 1994, Ukraine có thể sẽ phải tự trang bị vũ khí hạt nhân.

“Trong tương lai, dù cho tình hình ở Crimea có được giải quyết như thế nào, chúng tôi cần có một Ukraine mạnh mẽ hơn”, ông Rizanenko cho hay.

Nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân thì không nước nào có thể xâm lược Ukraine, theo ông Rizanenko.

Trước đó, ông Rizanenko có chuyến thăm đến khu tự Crimea nhưng bị quân Nga ngăn chặn không cho vào.

Hãng tin Interfax (Nga) cho hay, lính Nga ngày 10/3 đã xả súng trường tự động, chiếm một căn cứ hải quân Ukraine ở khu tự trị Crimea.

Còn theo Reuters, lính Nga hiện đang kiểm soát nhiều căn cứ quân sự Ukraine tại Crimea.

Trong một diễn biến khác, Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea, Ukraine ngày 11/03 đã phê chuẩn nghị quyết tuyên bố ly khai khỏi Ukraine.

Tuyên bố nhấn mạnh: Crimea sẽ độc lập nếu 2 triệu người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ Crimea sáp nhập Nga trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân diễn ra vào Chủ nhật, tức ngày 16/ 3 tới.

Được biết, Crimea đang trở thành tâm điểm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Những lo ngại đang ngày càng gia tăng về vấn đề nước Cộng hòa tự trị Crimea tổ chức cuộc trưng cầu ý dân việc sáp nhập vào Liên bang Nga. Điều này sẽ trở thành tiền lệ để những cộng đồng nói tiếng Nga và các nhóm người thiểu số tại Ukraine đòi ly khai.

Chính quyền nước Cộng hòa tự trị Crimea đã gửi thư mời chính thức cho Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tới thực hiện sứ mệnh giám sát cuộc trưng cầu ý dân.

Lời mời này đã được chuyển tới Thụy Sĩ, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu và thư mời riêng tới một số nước thành viên tổ chức này.

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về Ukraine

Trong tình hình căng thẳng ở Ukraine, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/3 có cuộc họp khẩn cấp lần thứ 5 về tình hình Ukraine trong 10 ngày qua.

Phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết chưa có thông tin mới được đưa ra. Đại sứ Lucxembourg tại Liên Hợp Quốc Sylvie Lucas - Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tháng 3 cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân tại Crime đã gây chia rẽ giữa các thành viên trong Hội đồng bảo an.

Trong khi Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Gerard Araud khẳng định tầm quan trong của việc tiếp tục tham vấn bất chấp 6 cuộc họp liên tục trong 10 ngày qua chưa mang lại bất cứ kết quả cụ thể nào.

Ông Araud cũng bày tỏ tin tưởng rằng cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết một cách hòa bình và ủng hộ một cuộc họp giữa các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Thủ tướng lâm thời Ukraine.

Trong một động thái gây sức ép lên Nga, Ủy ban châu Âu cho biết đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Vào ngày 6/3 vừa qua, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu quyết định dừng các cuộc đối thoại với Nga về việc vấn đề miền thị thực cũng như thỏa thuận đối tác mới.

Bất ổn chính trị tại Ukraine khiến nhiều nước đau đầu tìm giải pháp

Các nước Liên minh châu Âu cảnh báo, nếu Nga không đưa ra các bước đi làm giảm căng thẳng trong khu vực, Liên minh châu Âu có thể hủy bỏ Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu-Nga dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, cũng như các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với một số quan chức Nga.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hối thúc tất cả các bên ở Ukraine “kiềm chế không có hành động hấp tấp và giọng điệu khiêu khích. Ông Ban cảnh báo rằng “vào thời điểm quan trọng này, chúng ta không thể tính toán sai hoặc không làm gì cả”.

Theo ông, giải pháp cho cuộc khủng hoảng phải được dựa trên các nguyên tắc trong Hiến chương LHQ, trong đó có việc “giải quyết hòa bình các tranh chấp và tôn trọng sự đoàn kết, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Trong một diễn biến khác, ngày 10/3, Washington kêu gọi Nga hãy chứng minh Moskva sẵn sàng hành động theo một loạt đề xuất của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu lên một số đề xuất với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo “nếu và khi chúng ta thấy được bằng chứng cụ thể rằng Nga sẵn sàng can dự theo các đề xuất này”.

Các đề xuất ngoại giao này sẽ góp phần thúc đẩy đối thoại giữa Nga và Ukraine, sau khi nước cộng hòa tự trị Crimea ở miền Nam Ukraine quyết định trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga.

Ông Kerry nêu ra và thảo luận các đề xuất này với Ngoại trưởng Nga trong cuộc điện đàm hôm 8/3, nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào.

Mai Thùy (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét