Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Tên gọi University và College khác nhau thế nào

Tên gọi University và College khác nhau thế nào
Ở Mỹ, khi bạn vào một University nghĩa là bạn sẽ tốt nghiệp từ một College nào đó của trường. Còn ở Canada và Úc, College chỉ cung cấp các loại chứng chỉ.
Ten-truong-3654-1394260273.jpg
Trong hệ thống giáo dục Mỹ, College là đại học chỉ đào tạo và cấp bằng về một lĩnh vực cụ thể, còn University là một tổng thể bao gồm nhiều College với nhiều lĩnh vực đào tạo. Ví dụ, trong một University, bạn có thể tìm thấy College of Business (gồm các ngành như Accounting (Kế toán), Finance (Tài chính), Marketing (Tiếp thị), Business management hoặc College of Engineering (gồm các ngành về kỹ sư phần mềm, vi tính, cơ khí, cầu đường, dầu khí, hóa…), College of Architecture (ĐH Kiến trúc), College of Education (ĐH Sư phạm)...

Ở một số trường đại học, người ta cũng có thể dùng từ School thay cho College. Ví dụ, School of Medicine (ĐH Y khoa), School of Business, School of Engineering…

Nói cách khác, khi bạn vào một University, nghĩa là bạn sẽ tốt nghiệp từ một College nào đó của trường. Do vậy, xét về mặt học thuật, ý nghĩa của hai từ University và College không khác biệt nhiều khi nói đến đại học ở Mỹ. Phần lớn người Mỹ đều dùng từ College thay vì University để nói đến việc học ở cấp bậc đại học.

Người ta chỉ dùng từ University khi đề cập đến một trường đại học cụ thể nào đó, ví dụ như Harvard University, Stanford University, hay University of California in Los Angles...

Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học vẫn giữ chữ College trong tên trường của mình thay vì University vì nhiều lý do. Một trong những lý do đó là ý nghĩa và giá trị lịch sử của ngôi trường. Ví dụ như College of William & Mary ở Virginia, thành lập năm 1693 vẫn giữ nguyên tên này cho dù nó tương đương University.

Hoặc Dartmouth College ở New Hampshire thành lập năm 1769 cũng là một đại học danh tiếng bậc nhất của Mỹ. Cũng có những University hoàn toàn không dùng từ này trong tên trường của mình như Massachusetts Institute of Technology (MIT).

Mặt khác, ở Mỹ, bạn cũng cần phải phân biệt College trong các trường đại học với Community College. Trong khi các trường đại học có thể đào tạo và cung cấp các bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ và làm các công việc nghiên cứu thì Community College chỉ có thể đào tạo và cung cấp các bằng hai năm (Associate’s degree, giống như bằng trung cấp ở Việt Nam), hoặc các chứng chỉ dạy nghề (certificates).

Sinh viên cũng có thể theo học hai năm đầu của bậc đại học ở Community College trước khi chuyển sang đại học để học hai năm cuối và lấy bằng cử nhân tại đại học đó. So với các trường đại học, Community College rẻ tiền hơn và cũng dễ dàng được nhận vào hơn.

Tuy nhiên, ở một số nước nói tiếng Anh khác trên thế giới, việc sử dụng từ University và College cũng có sự khác biệt. Ví dụ, ở Canada, University là nơi cung cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ, nhưng College chỉ có thể cung cấp các loại chứng chỉ.

Tương tự, ở Australia, các trường College được gọi là Technical and Further Education (TAFE) cũng chỉ có thể cung cấp các loại chứng chỉ.

Vì vậy, nếu nhìn ở góc độ của người Mỹ, các trường đại học Việt Nam đều là College vì mỗi trường chỉ đào tạo một lãnh vực riêng biệt. Ví dụ, ĐH Bách khoa chỉ đào tạo kỹ sư, nên nó chỉ có thể là College of Engineering, ĐH Kinh tế là College of Business, ĐH Y là College of Medicine, ĐH Y Dược chỉ có thể là College of Pharmacy, ĐH Sư phạm là College of Education…

Nhưng nếu đem Việt Nam ra so sánh với các nước khác trên thế giới, việc sử dụng từ University hay College cũng có thể được thay đổi tùy theo hoàn cảnh (giống như ở Canada hay Australia). Cho nên, việc dịch tên các trường đại học ở Việt Nam sang tiếng Anh quan trọng nhất là đúng ý nghĩa và chức năng của từng trường và cần có sự thống nhất giữa các trường.

Nguyễn Nghĩa

http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ten-goi-university-va-college-khac-nhau-the-nao-2962657.html
Lộn xộn tên trường đại học bằng tiếng Anh

Nhiều đại học ở Việt Nam tự nhận là "University", gán cả mác "International", thậm chí những trường tên tiếng Việt giống nhau nhưng tiếng Anh khác nhau.

Cuối tháng 1 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định nâng cấp CĐ Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An lên thành ĐH Kinh tế Nghệ An, với tên tiếng Anh là Nghe An College of Economics.
Đây là một trong số ít đại học ở Việt Nam được "gán" tên tiếng Anh là "College" bởi không lâu sau khi nhậm chức, tân Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận xét, tên gọi bằng tiếng nước ngoài của các cơ sở giáo dục hiện rất lộn xộn.
"Không nước nào đặt tên trường như ở Việt Nam, đại học nào cũng dùng University. Tên gọi không chuẩn thì làm sao hội nhập, làm sao để sinh viên tốt nghiệp sang học tiếp ở các trường quốc tế", ông Đam nói.
Rồi ông nhấn mạnh, việc đặt tên trường bằng tiếng nước ngoài tưởng là nhỏ nhưng hậu quả lại lớn. Lãnh đạo Bộ Giáo dục cũng chưa quan tâm đến điều này, thường chỉ để ý đến tên tiếng Việt của các trường.
Để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát thực trạng, đề xuất tên gọi bằng tiếng nước ngoài trình Chính phủ xem xét trong quý 1/2014.
Thực tế, hầu hết các trường ở Việt Nam đều thích dùng "University" hơn là "College" dù trường đó được nâng cấp từ trung cấp, cao đẳng lên đại học. Và mỗi trường tự nghĩ ra một cái tên thật đẹp để khi viết tắt sẽ thành tên miền website, không trùng với những trường khác.
Đơn cử, ở ngành sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội có tên "Hanoi National University of Education", ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là "Hanoi Pedagogical University No2", ĐH Sư phạm TP HCM là "Ho Chi Minh City University of Pedagogy", còn ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) là "University of Education - VNU".
CĐ Sư phạm Hà Nội có tên "Hanoi College of Education", trong khi CĐ Sư phạm Sóc Trăng là "Soc Trang Teacher's Training College", CĐ Sư phạm Nghệ An là "Nghe An Teacher Training College", còn CĐ Sư phạm Đà Lạt lại là "Pedagogical College of Dalat".
Tương tự, dù cùng ngành nhưng tên gọi của các trường lại rất khác nhau. ĐH Công nghiệp Hà Nội lấy tên "Hanoi University of Industry", trong khi ĐH Công nghiệp TP HCM lại là "Industrial University of Ho Chi Minh City"; ĐH Bách khoa Hà Nội có tên "Hanoi University of Science and Technology", ĐH Bách khoa TP HCM là "Ho Chi Minh City University of Technology". Trong khi đó, ĐH Công nghệ TP HCM cũng lấy tên "University of Technology", còn ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại là "VNU University of Engineering and Technology".
Rồi các đại học gắn mác quốc tế cũng mỗi trường một tên. ĐH Quốc tế Hồng Bàng lấy tên tiếng Anh là "Hong Bang University International", ĐH Quốc tế Sài Gòn là "The Saigon International University". 
Tiến Thưởng - Kiều Trinh
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/lon-xon-ten-truong-dai-hoc-bang-tieng-anh-2960822.html

Nói thế phần lớn trường ở VN chỉ là college thôi, khéo cứ tự phong mình là "university" nghe cho nó oai! Mình học ĐH Kinh tế, hoá ra trường này cũng chỉ là college theo cách định nghĩa của Mỹ, vì trường này đâu có trường con nào đâu, và cũng chỉ dạy có mỗi ngành kinh tế. Chỉ có ĐH Quốc gia HN, TPHCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ,... mới là university thôi. Đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu các trường kia đổi tên lại để theo chuẩn quốc tế

Bài viết này rất chính xác. Tôi cũng xin có thêm bổ sung: College là trường nhỏ hơn University. Khi một trường được gọi là University thì sự tiện nghi của những phòng thí nghiệm, phòng computer, đề tài nghiên cứu cũng phải đạt tiêu chuẩn của University. Chỉ trừ một số it trường dù đạt tiêu chuẩn University nhưng vì lý do lịch sử hoặc họ không muốn đổi tên trường thì họ vẫn giữ tên College. Trái lại có một số ít trường tư nhân ở Mỹ dù nhỏ xíu nhưng họ cũng vẫn đổi tên thành University để dễ thu hút học sinh nước ngoài. Xin đổi tên thành University thì phải xin phép và được chấp nhận chứ không phải muốn đổi tên là đổi. Ở Mỹ khi bạn nói chuyện đi học đại học thì dùng từ College như là "I went to college", trừ khi nói cả tên trường thì mới dùng University như là "I went to George Mason University".

Chúng ta đang nói chuyện về tiếng Anh từ góc độ người học tiếng Anh. Đối với người có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, người ta không phân biệt lắm giữa University và College. Có trường, chỉ dùng chữ School thôi, mà nổi danh thế giới, như London School ò Economics, hoặc Stockholm School ò Economics.
Có những trường dùng chữ Institute mà vang danh lừng lẫy như MIT hoặc CIT.
Nói tóm lại, không nên quá tập chú vào tên gọi

Ở Boston có Trường Boston College là một Trường Đại Học rất nổi tiếng, có các chương trình từ Cử Nhân đến Tiến Sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét