Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Nơi học sinh vừa thấy thầy cô là... bỏ chạy

Nơi học sinh vừa thấy thầy cô là... bỏ chạy
Con đường tới lớp của cả thầy và trò ở những xã vùng sâu của huyện Kbang này còn nhiều vất vả. Phần lớn gia đình học sinh đều nghèo nên việc học cái chữ cũng lắm khó khăn. Còn giáo viên, vì nghiệp gieo chữ mà nhiều người đã suýt mất mạng...
Thầy Xươi vừa "bắt" được 3 học sinh vào lớp 
Ở rất sâu trong núi rừng huyện Kbang, Gia Lai, việc học hành của con trẻ vẫn là một chuyện gì đó xa vời. Ở đó, giáo viên cắm bản phải lên tận rẫy gọi từng em về mà dạy chữ. Ở đó, việc đọc thông viết thạo của học sinh lớp 5 chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
Và khi cái đói vẫn hiện hữu từng ngày thì không hề có chuyện học sinh đi học lớp này trường nọ, học thêm học kèm như ở các phố thị...

“Các em ơi đi học”

Từ trung tâm huyện Kbang đi vào xã Kroong mất gần 50km đường nhựa cũng như đường đất. Tại xã này chỉ có trường tiểu học và trường cấp hai. Học sinh đi học phải ra trung tâm thị trấn, nhưng con số cũng hiếm hoi lắm. 

Ông Đinh Ních, chủ tịch xã, cho biết: “Gần 5.000 dân ở xã phần lớn là người dân tộc Bana. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc học hành của các cháu cũng vất vả lắm”.

Do địa hình đồi núi, diện tích rộng nên trường tiểu học Lê Văn Tám phải phân ra nhiều điểm trường ở các làng. Mỗi điểm trường có khoảng 4-5 giáo viên phụ trách. 

Theo chân cô giáo Trần Thị Kim Hòa, giáo viên dạy lớp 4 ở điểm trường làng Tung, làng Gút mới thấy được cái vất vả của nghiệp dạy chữ tận sâu trong vườn quốc gia Kon Ka Kinh này. Cô Hòa vừa nhận công tác tại đây gần 2 năm. Khác hẳn với những ngày còn là sinh viên đại học đi thực tập ở dưới đồng bằng, những cái vất vả của nghiệp gieo chữ ở vùng sâu này khiến Hòa gặp rất nhiều bỡ ngỡ. 

“Các em đều là người dân tộc Bana, do trình độ dân trí của phụ huynh chưa cao nên việc học hành của con em cũng thường bị lơ là”, Hòa cho biết.

Mỗi buổi sáng, từ 6 giờ, Hòa cùng ba đồng nghiệp phải đi bộ từ trung tâm xã vào thôn dạy học. Muốn vào được làng Tung phải đi qua dòng sông Ba chảy xiết. Khoảng năm 1996, con đường bắc qua ngầm sông Ba bị nước cuốn nên cách đi lại duy nhất là qua cầu khỉ. Nhưng rồi cầu khỉ cũng bị cuốn trôi nên chính quyền đã cho dựng một cây cầu treo bằng dây thép bện lại. Mất gần nửa tiếng vượt qua các dốc đồi giáo viên mới vào được điểm trường.

Làng Tung, làng Gút xưa vốn nằm sâu trong rừng. Mới đây chính quyền cho xây dựng khu tái định cư mới và vận động bà con ra ở. Dọc trục đường chính của thôn, cây cỏ mọc um tùm, rác rưởi không được quét dọn.

Trường học vừa được xây dựng rất khang trang, dù đã gần đến 8 giờ nhưng rất im ắng vì không có người. Bỏ vội cặp sách, Hòa cùng đồng nghiệp bắt đầu đi vào làng để gọi học sinh. Đi cùng các giáo viên, tôi loáng thoáng vài tiếng Bana mà họ dùng để vận động học sinh đến lớp. “Đe oh năm học - Các em ơi đi học” hay “Mẹ, bă ăn đe con oh năm học - bố mẹ cho con em đi học”… cứ như vậy, các giáo viên đi hết nhà này đến nhà khác. Tôi quan sát thấy vài em gật đầu đồng ý, một số thì vừa thấy thầy cô đi tới là bỏ chạy.

Cô Lê Thị Bích Liên - giáo viên mầm non làng Gút- kể: “Bây giờ chính quyền vận động bà con ra nên việc các em đến lớp còn dễ chứ trước đây họ ở trên rẫy, giáo viên phải lội suối băng rừng vào kêu gọi ra, có khi ở đó cả mấy ngày”. Hôm tôi cùng các giáo viên vào làng nhằm dịp mừng lúa mới của người Bana ở đây nên hầu như dân làng có mặt đông đủ, việc gọi học sinh tới lớp cũng phần nào dễ dàng hơn.

Khoảng gần 1 tiếng đồng hồ, các giáo viên cũng đã gọi được một nhóm học sinh đủ lứa tuổi tới trường. Thầy Đinh Văn Xươi dạy lớp 5, cô Hòa dạy lớp 4, cô Nông Thị Mến dạy lớp 3, cô Đinh Thị Thúy Kiều dạy lớp 1, 2.

Thế nhưng, lớp thầy Xươi dạy chỉ có 3 em, những em khác, dù học lớp 5 nhưng có bạn học bên lớp 4 nên chạy qua học cùng… cho vui. Có những em, dù đủ tuổi học lớp 8 nhưng vẫn trọ trẹ chưa hết chữ của cấp tiểu học.

“Các em đến lớp học là tốt rồi, còn việc vận động các em học chữ, học tính đúng lớp đúng tuổi thì phải từ từ chứ không là các em bỏ không đến lớp”, thầy Xươi tâm sự.

Thế rồi trường học lại vang lên tiếng đánh vần ồn ã. Việc học chữ của các em rất khó khăn vì là người dân tộc, kinh tế gia đình lại khó khăn nên cứ sau khi tan lớp lại theo cha mẹ lên rẫy làm việc.

Nhiều em, chỉ một chữ cái nhưng học hôm trước thì ngày hôm sau đã quên. Việc học vì vậy cũng chỉ đơn giản là đọc thông viết thạo và biết thực hiện phép tính. Cũng vì thế, hành trang đến lớp của các em chỉ gồm một cuốn vở và cây bút; tuyệt nhiên không có cảnh "gồng gánh" sách cặp quá khổ người như học sinh ở những nơi khác.

Đang giữa buổi học, bỗng có một nhóm người đi vào lớp học và đưa cho con củ mì, nắm xôi ăn. Những đứa trẻ xúm xít bên cha mẹ và cắn mì ăn ngon lành. Tranh thủ trước lúc ổn định lại lớp, cô Hòa chia sẻ: “Ở đây là như vậy đó anh, chuyện giáo viên đi vận động gia đình cho con em đi học, thậm chí mua kẹo để “phỉnh” các em tới lớp là bình thường. Chỉ mong sao các cấp, ngành cùng tham gia vận động bà con hơn nữa để con em họ học được cái chữ”.

Gian truân đường tới lớp

Tại xã Kroong, đường đi bộ duy nhất vào 4 làng bên kia sông Ba là đi qua cầu treo. Tuy nhiên cây cầu làm quá sơ sài nên việc đi lại rất nguy hiểm, nhất là vào mùa lũ. Chuyện giáo viên bị trượt chân rơi giày dép, vật dụng thường xuyên xảy ra. Những lúc nước lên quá to thì các thầy cô phải ở lại trong làng và nhờ cơm của đồng bào.

Thầy Lê Đăng Huân - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám - cho biết: “Toàn trường có 444 em học sinh, trong đó có gần 200 em ở bên kia sông. Cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc dạy học còn vất vả lắm. Đó là chưa kể đến các tập tục riêng của các làng, cũng chi phối đến việc học của các em”.

Em B'lức hầu như cả tuần chỉ mặc một chiếc quần đùi vào cái áo ấm rách nát.

Thầy Huân kể, có những ngày bà con cúng làng, họ quy định không cho người lạ vào, vậy là giáo viên đành phải quay về chờ. Hay những dịp như ăn lúa mới, lễ hội, ma chay thì học sinh đều nghỉ học, việc duy trì sỉ số cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đây là điểm chung ở các xã vùng sâu của huyện Kbang như Kroong, Đắc Roong, Kon P’Ne…

Ở những xã này, kinh tế của đồng bào chủ yếu nhờ vào nương rẫy hoặc đi rừng. Sản xuất kinh tế thô sơ đến nỗi lúa trên rẫy chỉ tuốt bằng tay. Hết mùa lúa, cả gia đình lại lũ lượt kéo nhau vào rừng săn bắt, hái lượm kiếm sống. 

Cái chữ đối với các em học sinh, vì vậy cũng trôi dần theo từng con dốc núi; lớn lên đủ sức lao động là lại cùng cha mẹ vào rừng kiếm sống, rồi lấy vợ gả chồng, con cái nheo nhóc.

Em Đinh Đuê - học sinh đọc tiếng Việt sõi nhất, làm tính nhẩm giỏi nhất của điểm trường làng Tung, làng Gút- kể: “Nhà em nhiều anh em lắm, em cũng muốn học nhưng hết lễ cúng lúa mới là em phải lên rẫy cùng cha mẹ tuốt lúa rồi”.

Cái sự thật đáng buồn đó có lẽ ảnh hưởng lắm tới những người làm công tác quản lý giáo dục vì “sức ép từ trên xuống”. Vì sự thật hiển nhiên rằng công tác dạy học ở các xã vùng sâu, vùng xa như trên thì chỉ mong cho đủ sĩ số - theo đúng nghĩa đen nhất - là tốt rồi. Còn việc truyền dạy kiến thức cho các em thì còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có việc các em từ nhỏ đã phải phụ giúp gia đình lao động kiếm ăn.

Bà Vương Thị Hồng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kbang, cho biết: “Tỉ lệ học sinh đến lớp 5 ở xã Kroong đọc thông viết thạo là 70%, còn ở xã Đắc Roong thì cao hơn”.

Lê Đình Dũng
(Một thế giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét