Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Nga, Trung bắt tay - “Cơn ác mộng” với phương Tây

Tham thì thâm. Phương Tây chèn ép nước Nga dẫn tới Nga phải tìm đến Trung Quốc (và các nước chống phương Tây) để liên minh. Nếu Nga Trung cam kết ủng hộ nhau thì EU và NATO chắc chắn không thể làm gì được. Xưa kia trong chiến tranh lạnh Liên Xô một mình đơn độc mà EU và NATO đã không thể làm gì được. Chuyện Liên Xô tan rã chủ yếu do nội bộ chứ vai trò của Phương Tây rất thấp. Dĩ nhiên hợp tác Nga Trung sẽ ảnh hưởng bất lợi tới Việt Nam. Nhưng xin nhắc lại đừng bao giờ trông mong người nước ngoài bảo vệ tổ quốc hộ mình; phải tự mình mạnh lên, đoàn kết lại, dũng cảm đương đầu các thách thức thì địch mới ngại không dám xâm lược.
Nga, Trung bắt tay - “Cơn ác mộng” với phương Tây
Mặc dù sự phản ứng đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine rất phức tạp, thể hiện sự đấu tranh giữa những nguyên tắc của Bắc Kinh, nhưng điều rõ ràng là Trung Quốc đã nghiêng về ủng hộ Moskva. Quyết định ủng hộ Moskva của Bắc Kinh là có thể giải thích được, nhưng cũng gây ra nhiều lo ngại và chắc chắn đó không phải là lựa chọn tốt nhất cho những lợi ích lâu dài của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải)
 và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Diplomat
Khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine mới bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cách phản ứng phù hợp với lập trường bấy lâu nay là không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác", và "tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia". Tuy nhiên, những tuyên bố mới đây của Bắc Kinh có vẻ như đã vượt ra ngoài khuôn khổ của chính sách ấy khi nhấn mạnh đến "quyền và lợi ích của tất cả các dân tộc tại Ukraine" - hàm ý về sự ủng hộ đối với cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine. 

Thêm vào đó, Trung Quốc đã từ chối lên tiếng phê phán sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine hay việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về số phận của bán đảo Crimea (Crưm). Bắc Kinh cũng phản đối quyết định của Washington áp đặt lệnh trừng phạt Nga. Các nhà bình luận chính trị của Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn về việc nước này cần ủng hộ Nga nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược là cân bằng ảnh hưởng với phương Tây tại khu vực Á-Âu. Sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moskva là dễ hiểu nếu nhìn vào mối quan hệ chiến lược và kinh tế Trung-Nga. Hai nước đã có chung lập trường trong việc ngăn, không cho phương Tây can thiệp bằng vũ lực vào Syria và Iran, duy trì an ninh tại Trung Á... 

Trong cuộc điện đàm mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Trung Quốc tin tưởng Nga có thể phối hợp với các bên để nhanh chóng đạt được một thỏa thuận chính trị nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực cũng như hòa bình và ổn định của toàn thế giới".

Theo các nhà bình luận chính trị Trung Quốc, Moskva không những giúp cân bằng ảnh hưởng với phương Tây tại khu vực Á- Âu mà còn giúp Bắc Kinh buộc Washington phải dồn sức mạnh quân sự vào khu vực khác. Nhìn chung, truyền thông Trung Quốc cáo buộc phương Tây đã giúp các đồng minh của mình nắm quyền kiểm soát tại Ukraine mà không để ý đến những lợi ích cốt lõi của Nga tại đất nước này. Một bài bình luận của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã nhấn mạnh rằng, đây là thời điểm để phương Tây "từ bỏ tư tưởng chiến tranh lạnh của mình, ngăn cản Nga tham gia giải quyết một cuộc khủng hoảng chính trị mà chính họ (phương Tây) đã thất bại trong việc làm trung gian, tôn trọng vai trò của Nga trong việc định hình tương lai của Ukraine".

Ông Chen Xianyang, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế (Trung Quốc), nói: "Hai bên đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh cả về địa chính trị lẫn ý thức hệ tại Ukraine, và phương Tây đang cố gắng làm giảm vai trò của Nga... Nếu theo dõi quá trình phát triển trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây một cách tỉnh táo và tính toán cả đến mối quan hệ về kinh tế với Ukraine, Trung Quốc cần nhận ra rằng cả Bắc Kinh và Moskva đều đang phải đối mặt với những sức ép từ phương Tây. Vì vậy, Trung Quốc cần tăng cường sự hợp tác chiến lược với Nga để đối phó với sự can thiệp của phương Tây".

Có một sự đồng thuận trong cộng đồng chuyên gia Nga rằng lệnh trừng phạt sẽ đẩy Moskva xích lại gần gũi hơn với Bắc Kinh, trong một kịch bản có thể là “cơn ác mộng” đối với Mỹ và phương Tây khi Moskva đẩy mạnh doanh số bán hàng quốc phòng sang Trung Quốc và định hướng lại xuất khẩu năng lượng của mình từ châu Âu xuống phía Đông, một chính sách mà Nga đã đưa ra cách đây vài năm với việc xây dựng một đường ống dẫn dầu tới bờ Thái Bình Dương và Trung Quốc.

Ngoài ra, trong bối cảnh Trung Quốc đang rất quan tâm đến việc tăng cường quan hệ an ninh với Nga, đây có thể là một thời điểm khích lệ Moskva suy nghĩ về mối quan hệ hợp tác rộng lớn hơn trong khu vực và tại châu Á với Bắc Kinh. Trong bối cảnh Mỹ đang cắt giảm chi tiêu quốc phòng ngày càng mạnh, thì ngược lại Nga và Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu quốc phòng. Do đó sẽ vô cùng dễ hiểu khi Nga muốn chấm dứt tham vọng của Mỹ ở châu Á bằng việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề vũ trang.

Theo tạp chí The Diplomat, những biện pháp đáp trả mà Nga có thể thực thi, trong đó có khả năng Nga sẽ bán những vũ khí hiện đại cho Trung Quốc và Iran, đẩy Mỹ và phương Tây vào một cuộc chạy đua vũ trang còn kinh khủng hơn cả thời Chiến tranh Lạnh.

Các chuyên gia tin rằng mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự với Trung Quốc sẽ là lựa chọn đầu tiên của Moskva trong trường hợp bị trừng phạt mở rộng hơn nữa sang lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, các hợp đồng cung cấp máy bay tiêm kích Su-35 và tàu ngầm thế hệ thứ tư Lada cho Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đàm phán, nhưng quan hệ căng thẳng với phương Tây có thể thúc đẩy quá trính này tăng tốc nhanh chóng.

Theo tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, trong thời gian cả trước mắt và lâu dài, áp lực chiến lược lớn nhất đối với Nga và Trung Quốc sẽ đến từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Áp lực này không chỉ là địa chính trị mà còn về ý thức hệ. Trung Quốc ủng hộ một thế giới đa cực, với một nước Nga phát triển mạnh mạnh mẽ, hơn là một thế giới đơn cực do Mỹ chi phối.

Vũ Thanh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét