Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

(?) Khủng hoảng Ukraine đe dọa kinh tế toàn cầu

Đọc cho vui thôi chứ khủng hoảng Ukraine làm sao mà đe dọa được kinh tế toàn cầu
Khủng hoảng Ukraine đe dọa kinh tế toàn cầu
Ukraine có thể bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ, giá nhiên liệu và ngũ cốc trên thế giới tăng mạnh, thương mại Nga - châu Âu chao đảo và kinh tế các nước mới nổi khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Khủng hoảng tại Ukraine đang được các nền kinh tế lớn theo dõi sát sao. Ảnh: NYT
Trong khi cả thế giới đang dõi theo khủng hoảng leo thang tại Ukraine, nhà đầu tư và các lãnh đạo trên thế giới cũng phải cân nhắc ảnh hưởng của sự kiện này với kinh tế toàn cầu. Dưới đây là 5 lý do các nền kinh tế lớn nhất thế giới phải bám sát diễn biến từ Ukraine, theo phân tích của CNN.

1. Ukraine là cầu nối quan trọng giữa Nga và châu Âu

Ukraine có vị trí địa lý rất chiến lược. Nga cung cấp 25% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, một nửa số đó được bơm qua các đường ống tại Ukraine. Moscow đã vài lần cắt đứt nguồn cung này sau các cuộc tranh cãi với Kiev những năm gần đây. Việc này có thể đẩy giá năng lượng đi lên.

2. Nga có thể bị trừng phạt

Việc top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trừng phạt nhau là rất hiếm hoi. Tuy nhiên, cuối tuần trước, Nga đã tuyên bố cử quân đội sang kiểm soát tình hình tại Ukraine. Đáp lại, Mỹ lên án hành động này đe dọa hòa bình khu vực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ “hoàn toàn” sẵn sàng cân nhắc trừng phạt Nga. Còn Tổng thống Barrack Obama cho biết đang “xem xét tất cả lựa chọn”.

Việc này có lẽ đã nằm trong dự liệu của Chính phủ Nga, ông John Beyrle - cựu đại sứ Mỹ tại Nga cho biết. Ông nhận xét Nga “có vẻ rất nghiêm túc về mục đích kinh tế” trong các động thái về quân sự và ngoại giao. “Nga đang phụ thuộc vào kinh tế thế giới theo cách rất khác so với 10 năm trước. Một nửa ngoại thương hiện tại của họ là với châu Âu. Nga phụ thuộc vào nhập khẩu châu Âu để lấp đầy các kho hàng và duy trì mức sống mà người dân nước này đã quen thuộc”, ông nói.

Dù vậy, kể cả nếu lệnh trừng phạt không được thực hiện, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng sẽ xuống dốc. Dù Tổng thống Obama đã bỏ ra hơn một giờ nói chuyện với Tổng thống Putin hôm thứ Bảy, giới phân tích vẫn cho rằng Mỹ sẽ bỏ cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị G8 tại Sochi (Nga). Hôm qua, giới chức Mỹ cũng đã hủy các cuộc đàm phán về thương mại và nhiên liệu sắp tới với Nga.

3. Thương mại châu Âu và toàn cầu có thể bị ảnh hưởng

Ảnh hưởng này có thể còn vượt ra ngoài châu Âu nếu nguồn cung ngũ cốc cho thế giới bị tác động. Ukraine là một trong những quốc gia xuất khẩu ngô và bột mì hàng đầu thế giới. Vì thế, giá cả các mặt hàng này có thể tăng do lo ngại nguồn cung xuất khẩu bị đình trệ.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại được châm ngòi do Chính phủ Ukraine từ chối một thỏa thuận thương mại giúp Ukraine và châu Âu thân cận hơn. Họ đã hủy bỏ các cuộc đàm phán từ tháng 11 trước áp lực từ Nga. Trong khi đó, Nga lại đưa ra chính sách giảm giá khí đốt tự nhiên nếu Ukraine ký một hiệp ước thương mại với nước này.

4. Chính phủ Ukraine đang nợ ngập đầu và cần giải cứu

Tình hình sẽ không nghiêm trọng như hiện nay nếu kinh tế Ukraine mạnh và ổn định hơn. Ukraine đang ôm khối nợ 13 tỷ USD và 16 tỷ USD sẽ đáo hạn vào năm 2015. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, họ sẽ vỡ nợ.

“Để ngăn chặn vỡ nợ hoàn toàn trong vài tuần nữa, Ukraine cần tiền ngay bây giờ. Họ không thể tồn tại mà không cải tổ trong vài tháng tới”, Lubomir Mitov - kinh tế trưởng khu vực châu Âu mới nổi tại Viện Tài chính quốc tế cho biết.

Hiện giới quan sát vẫn chưa rõ ai sẽ là người giải cứu Ukraine. Đặc biệt sau khi các quan chức thân Nga trong Chính phủ bị lật đổ, khiến Moscow đóng băng khoản viện trợ 15 tỷ USD và tình hình này chưa có dấu hiệu xoay chuyển. Khả năng lớn nhất là viện trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Giám đốc điều hành IMF – bà Christine Lagarde cho biết họ đang bàn bạc với các cơ quan khác để có thể huy động đủ 35 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, để các cuộc đàm phán được tiến hành trơn tru, Ukraine vẫn cần phải ổn định Chính phủ trước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew cuối tuần trước cũng cho biết Mỹ “đang chuẩn bị làm việc với các đối tác để cung cấp tài chính cho Ukraine”, nhằm giúp nước này bình ổn và tăng trưởng kinh tế.

5. Ukraine không phải là nước mới nổi duy nhất trên thế giới gặp rắc rối

Bất ổn tại Ukraine diễn ra đúng lúc các nước mới nổi trên thế giới cũng gặp khó khăn. Tăng trưởng tại các nước này đã chậm lại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm gói kích thích tiền tệ. Vì thế, tình hình tại Ukraine có thể khiến các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro tại các thị trường mới nổi khác. Việc này cũng có nguy cơ làm tổn hại các ngân hàng Nga, do họ cho vay rất mạnh tay với Ukraine. Từ đầu năm, đồng ruble Nga đã giảm 10%.

Hà Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét