Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

“Thiên đường” của người Hà Nội

“Thiên đường” của người Hà Nội
“Chung sống trên thiên đường” là tên một tác phẩm sắp đặt độc đáo của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng dựa trên chính trải nghiệm tuổi thơ của tác giả và đã từng được mang đi giới thiệu trong một triển lãm tại Đức.
Đó là một căn chung cư điển hình với các ban công cơi nới tứ phía. Chỉ có điều, tác giả Nguyễn Mạnh Hùng đã xây nó cao mãi lên, chọc qua cả những tầng mây trắng, đủ để thấy máy bay lướt vèo ngang cửa sổ. Trên nóc tòa nhà chọc trời ngạo nghễ một cái sân gạch ở nông thôn với cổng lợp ngói và cây rơm.

“Văn hóa làng xã rất khó thay đổi dù kinh tế xã hội có thể phát triển cao hơn nữa”, Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. “Hơn 20 năm gắn bó với một khu tập thể tại thủ đô Hà Nội, tôi thấy nó không mang nhiều nét của đời sống của đô thị mà đúng hơn là một quần thể các khu làng chồng chất lên nhau”. Quan điểm này của tác giả chắc sẽ nhiều người thuộc vài thế hệ chia sẻ khi họ đã kinh qua đời sống chung cư trong vài thập kỷ trở lại đây.

Chuyện vài ba gia đình chia nhau một căn hộ cũng là điều thường gặp. Vì vậy, các cư dân sống các căn hộ tập thể này phải mở rộng không gian sống của mình về tất cả các hướng có thể. Mở cửa ra ban công, ta có thể bắt gặp một cái chuồng gà hoặc lợn, hay có thể thấy một cái vườn treo lơ lửng ở đâu đó với rau, thậm chí còn trồng hẳn cây ăn quả như đu đủ.


Bên cạnh cuộc sống vật chất chung đụng, dân tình còn chia sẻ những thông tin từ loa phường vào những giờ nhất định, hay cùng thức đêm để bơm nước, rồi những lần về muộn phải vác xe đạp thậm chí cả xe máy lên tầng... Những nếp sinh hoạt rồi sẽ trở thành kỷ niệm không phai mờ. Tác giả tâm sự, giờ đây, dù đã chuyển đi ở nơi khác, trong giấc mơ, anh vẫn quay về… khu tập thể Kim Liên - nơi anh sinh ra và lớn lên.

Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Sau một thời gian sống chung với nhau như thế, những thói quen sẽ ăn sâu vào người ta. Người ở chung cư rồi cũng có một ngày lên thiên đường, thành thiên thần. Liệu khi đó họ có tiếp tục sống với nhau như thế?”. Và vì vậy, Chung sống trên thiên đường ra đời. Nó giống như tượng đài của thực thể chung cư được dựng trên thiên đường.

Tác phẩm được làm hết sức tỉ mỉ từ những vật liệu đơn giản, phần nhiều là phế liệu: giẻ rách biến thành cây cối, tuýp sơn dầu dùng hết được tận dụng làm thành mái tôn… Tính ra giá trị nguyên liệu chưa đến 1 triệu đồng.

Hùng đang chuẩn bị cho một triển lãm tranh sơn dầu, nhưng anh cho hay sẽ tiếp tục khai thác hình thức làm mô hình, sa bàn. Người nghệ sĩ hóm hỉnh cho biết: “Nhưng chắc sẽ không to như thế này nữa. Vì tốn kém, hơn nữa lúc vận chuyển hay hỏng hóc. Về mặt kinh doanh chả có lãi, vì đến giờ vẫn chả có ai mua” vì “chung cư” của Hùng có kích thước “chỉ” 70x70cm, cao 3m.

Tác phẩm đã được trưng bày ở gian điêu khắc tại Na-uy và Đức. Tác phẩm cho phép khán giả đi vòng quanh, nhìn và thậm chí sờ hiện vật để có những cảm nhận khác nhau khiến Chung sống trên thiên đường trở thành một bức tranh 3D độc đáo. Nhưng Hùng cho biết, chỉ ở Việt Nam, tác giả mới thấy “thiên đường” này có ý nghĩa vì đặt giữa đất Hà thành, đúng với bối cảnh mà Hùng muốn bày tỏ để chính những người Hà Nội nhìn nó và tự suy ngẫm, bởi trong mô hình của Hùng còn có cả cảnh câu (trộm) điện của hàng xóm.

Tuy nhiên, khi trưng bày ở đây, tác phẩm lại không được “tự do” như mong muốn khi bị “nhốt” sau tấm kính để ngăn người hiếu kỳ “sờ vào hiện vật” nặng tay quá khiến tác phẩm có thể bị hư hỏng. “Khán giả quan sát mô hình một cách khách quan chứ không được sống trong đó”. Nhưng với những ai đã từng một thời gắn bó với những khu nhà tập thể, chắc sẽ hiểu những gì tác phẩm muốn nói, muốn ghi dấu về một thời kỳ đã qua của người Hà Nội, và có muốn nó lặp lại hay không cũng là do chính mỗi cá nhân tự quyết định.

Linh Vũ
Theo globalpanorama

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét