Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Nhìn lại những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng

Nhìn lại những chỉ đạo quyết liệt, đầy trách nhiệm của Thủ tướng
Thủ tướng vừa yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ động thông tin về các vấn đề nóng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận, báo chí, không để kéo dài mà không có chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Để tạo sự đồng thuận xã hội, cung cấp thông tin về những việc làm được và kể cả khuyết điểm, yếu kém cũng không giấu giếm.
Chỉ đạo này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Văn phòng Chính phủ (VPCP). Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Công dân có quyền được thông tin. Bây giờ người dân cầm điện thoại di động trên tay cũng có thể truy cập được thông tin và biết được nhiều thông tin. Trách nhiệm của Chính phủ là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ cho người dân".

Từ vụ Cát Tường

Đưa ví dụ về vụ việc cần thông tin cho dân và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng nhắc lại vụ bác sĩ Cát Tường người đứng đầu Chính phủ đã phải trực tiếp nhắc các cơ quan chức năng, dù đây là việc ở tầm các cơ quan chức năng bên dưới có thể xử lý được.

Thủ tướng cho rằng vụ bác sĩ Cát Tường có hành động dã man nhưng chỉ là cá biệt, đội ngũ y bác sĩ phần lớn có trách nhiệm với nghề nghiệp, giữ vững y đức, còn cá biệt thì xã hội nào cũng có, về phía cơ quan quản lý nhà nước phải làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, xem xét các kẽ hở về quản lý nếu có thì đưa ra giải pháp khắc phục ngay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đòi hỏi của xã hội là thông tin nhanh, kịp thời, chính xác. “Do vậy các bộ trưởng, trưởng ngành cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tạo sự đồng thuận xã hội, cung cấp thông tin về những việc làm được và kể cả khuyết điểm, yếu kém cũng không giấu giếm”, Thủ tướng nói.

Đồng thời chú ý đến trách nhiệm giải trình, giải đáp của cơ quan nhà nước đối với những vấn đề còn nổi cộm, những việc chưa thông suốt, những chủ trương, chính sách mới. Bộ trưởng chủ trì việc ban hành chủ trương, chính sách có trách nhiệm giải trình với người dân.

“Trách nhiệm của chúng ta là giải trình, giải đáp cho người dân với tinh thần Chính phủ phục vụ. Có việc thứ trưởng, có việc bộ trưởng hoặc phó thủ tướng, có việc do Thủ tướng Chính phủ phải giải trình, tôi rất sẵn sàng”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tới xăng dầu phải công khai

Đề cập giá điện, giá xăng dầu... Thủ tướng nêu rõ phải công khai các yếu tố hình thành giá, không đơn giản là đưa thông tin lên trang web của doanh nghiệp mà còn phải đưa lên các bản tin thời sự có nhiều người xem nhất. “Công khai cụ thể như bao nhiêu yếu tố hình thành ra mức giá này, lợi nhuận là bao nhiêu. Không được để nhân dân thắc mắc”.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Công thương Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đi nhắc lại bộ này cần nâng hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp...

Riêng đối với quản lý xăng, dầu, điện, Thủ tướng nêu rõ quan điểm điều hành trước hết sẽ phải theo quy luật thị trường, giá phải thị trường, rồi cạnh tranh. Xăng dầu đã không bù lỗ, than đã theo thị trường, “chỉ còn giá điện”. Thủ tướng nói đã yêu cầu phải tính đúng tính đủ, không bù lỗ, giá phải theo thị trường. “Không thể giữ giá điện thấp được”, Thủ tướng nói.

Song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc đi nhắc lại yêu cầu các tập đoàn phải minh bạch về xăng dầu.

Theo đó, các yếu tố hình thành giá bán, lợi nhuận... cần đưa lên truyền hình, đưa vào điện thoại di động để ai quan tâm bật máy lên là biết.

Không thoái vốn sẽ cách chức lãnh đạo

Tại cuộc họp với các bộ ngành diễn ra hồi tháng 12/2013, khi nhắc đến nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo: Sắp xếp cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của công cuộc cải tổ tái cơ cấu.

Theo ông: “Sắp xếp, bố trí cán bộ không tốt thì không tái cơ cấu được gì hết. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu thoái vốn nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ:”Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, lần này phải kiên quyết”.

Và cũng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt này, trong các buổi gặp gỡ tại các ngành, doanh nghiệp, Thủ tướng liên tục đưa ra những thông điệp chỉ đạo phải sát xao việc tái cấu trúc, thoái vốn. Từ tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều phải: “đẩy nhanh cổ phần hóa các đơn vị, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành; đồng thời kiện toàn bộ máy và năng lực quản trị…”.

Điện hạt nhân không đảm bảo an toàn, không làm

Tại lễ tổng kết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể đến năm 2020 mới khởi công.

"Theo IAEA, Việt Nam làm điện nguyên tử cần phải chặt chẽ, hiệu quả (...). Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất thì có thể thời gian khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ lùi lại 2020. Lúc đó luật lệ đầy đủ (...). Vì chúng ta làm phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt cái đó chúng ta không làm", Thủ tướng nói.

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ vui mừng và tin tưởng vào quyết định này và cho rằng làm như vậy là sáng suốt.

GS.TSKH.Trần Hữu Phát cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng thể hiện trách nhiệm cao của Chính phủ trong việc xây dựng điện hạt nhân tại nước ta.

“Qua rất nhiều sự cố đáng tiếc đã xảy ra, đặc biệt là thảm họa Fukushima gần đây tại Nhật Bản, người ta đòi hỏi ĐHN không những an toàn cao mà cần phải an toàn gần như tuyệt đối về mọi phương diện, cả chủ quan lẫn khách quan. Trong giai đoạn đầu chưa cần yêu cầu hiệu quả cao vì tính hiệu quả của ĐHN phải xem xét một cách tổng thể trong khoảng thời gian nhất định”, GS Phát nói.

Với tất cả sự quyết tâm của Thủ tướng chỉ đạo toàn diện các ngành, dư luận đang mong chờ một sự thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu công khai chế độ làm việc công chức
Thủ tướng: "Người dân cầm di động là biết được mọi thứ"
Bích Ngọc
(Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét