Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Thói “hôi của”: “Đạo đức xuống cấp trầm trọng”

Thói “hôi của” của người Việt: “Đạo đức xuống cấp trầm trọng”
"Không thể chấp nhận được. Tôi thấy đau xót vô cùng, và không thể tin rằng đạo đức của người dân Việt Nam chúng ta trầm trọng đến mức này”, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sách Thái Hà nhận định.
Hàng loạt vụ hôi của diễn ra trong thời gian qua
Ngày 4/12, chiếc xe tải chở 1.500 thùng bia bị đổ xuống đường tại địa phận TP Biên Hòa, Đồng Nai, khi thấy bia văng vãi khắp nơi, hàng trăm người dân thay vì giúp đỡ xe gặp nạn đã lao ra tranh giành nhau hôi của. 

Nhiều người còn lợi dụng lái xe mải giữ đồ đã leo lên cả thùng xe để lấy bia. Thậm chí, theo một nhân chứng có mặt tại hiện trường, có người còn mang cả xe ba gác ra để chở bia trước sự bất lực của tài xế. Cả xe bia cuối cùng giữ lại cũng chỉ được 10%, con số thất thoát không hề nhỏ.

Nhưng sự việc hôi của không chỉ diễn ra một lần mà trái lại diễn ra ở bất cứ đâu trên khắp đất nước Việt Nam. Có xe dưa hấu gặp nạn bên đường, người dân cũng không bỏ qua cơ hội ào ào nhảy vào tranh cướp từng quả dưa, gây nên cảnh tắc đường ở quốc lộ 1A.

Còn nhớ, cách đây không lâu, ở TP.HCM, một người đàn ông trong vụ cướp giật cố giành lại túi xách từ tay hai tên cướp, thì túi bị rách, tiền chẳng may bung ra. Nhiều người dân ào ra đường, bất chấp nguy hiểm, lao vào, không phải để chống đỡ hai tên cướp giúp đỡ người đàn ông kia mà tranh thủ nhặt, vơ vét những tờ tiền bị rơi. Cuối cùng, chẳng những bị cướp, phải chống chọi với cướp, thì thoát được cướp này, tiền lại rơi vào tay kẻ khác.

Nói về hiện tượng đổ xô đi "hôi của" với sự hả hê mà bất chấp những thiệt thòi, mất mát của người khác, TS Nguyễn Mạnh Hùng bức xúc: “Không thể chấp nhận được. Tôi thấy đau xót vô cùng, và không thể tin rằng đạo đức của người dân Việt Nam chúng ta trầm trọng đến mức này”. 

“Tôi nhớ trong chuyến đi công tác tại Myanmar, một đất nước nghèo hơn chúng ta nhiều, chúng tôi có tặng quà cho người dân nơi đây nhưng họ từ chối rất lịch sự. Họ không nhận vì họ hỏi ngược lại chúng tôi lý do tặng và nhận quà. Họ cho rằng không có lý do thì không thể nhận quà. Khi đó tôi tự nghĩ, kinh tế và xã hội Myanmar sẽ phát triển nhanh lắm đây. Có lẽ chỉ vài ba năm nữa họ sẽ đuổi kịp và vượt Việt Nam, chứ không phải là 10 năm như một số chuyên gia nhận định”, TS Hùng nhớ lại.

Trước thắc mắc trong xã hội hiện nay, khi kinh tế đang được cải thiện, đời sống người dân không còn cảnh “đói kém” như trước, tại sao hiện tượng “hôi của” vẫn tái diễn liên tiếp, TS Hùng khẳng định, vấn đề không phải là kinh tế mà là đạo đức. 

“Bạn sang ngay đất nước láng giềng với chúng ta là Campuchia hay Lào, rồi Ấn Độ mà xem, người dân nơi đây rất nghèo nhưng nhà không bao giờ phải khóa cửa, ra đường hoàn toàn yên tâm. Khi chúng ta đặt tiền lên trên hết, khi chúng ta có tinh thần "ganh đua", muốn hơn người thì sẽ xảy ra nguy cơ tìm mọi cách để vơ vét”, ông thẳng thắn bày tỏ.

Tình trạng đáng báo động về đạo đức

Người hôi của cũng giống bác sĩ, giáo viên, công chức

Theo TS Hùng, thói hôi của cũng chỉ ra lòng tham của con người. Mà lòng tham thì vô đáy. “Bạn thấy đấy, bây giờ kinh tế của chúng ta đã khá lên rất nhiều so với 10 năm trước, ở thành phố lớn có mấy ai đói ăn, thiếu mặc nữa đâu mà người ta vẫn tham, vẫn muốn vơ vét”, ông nói.

TS Hùng cũng chỉ ra rằng, trầm trọng hơn, mỗi người tham một cách khác nhau, bác sỹ tham bằng cách kê đơn thuốc ngoại, liều cao để ăn hoa hồng từ các hãng dược. Thầy cô giáo không giảng hết bài trên lớp để mở các lớp dạy thêm và ra đề thi mà chỉ những em đi học thêm mới có thể giải được. 

Công chức thì ăn cắp thời gian, thay vì làm 8 tiếng/ngày thì họ làm 6 tiếng, có khi còn ít hơn... Và vậy nên người nông dân, ít học hơn hẳn sẽ tham bằng cách phun thuốc sâu, thuốc kích thích... Và những người không có cách nào khác thì nhặt nhạnh, như mấy bác ve chai thì lấy cắp từ đôi dép ngoài cửa, đến cưa cả cổng nhà người ta hay lấy ốc vít đường sắt để... bán sắt vụn. 

TS Hùng cũng không mấy tin tưởng rằng chế tài xử phạt sẽ ngăn được tình trạng này: “Nếu có chế tài, ai đi mà xử, mà xử làm sao xuể...”, ông thắc mắc. 

Việc người dân chỉ lo nhặt nhạnh, vơ vét trước những người bị nạn càng chứng tỏ sự vô cảm có xu hướng ngày càng gia tăng, theo TS Hùng, đó là sự thật đau lòng. “Tôi không biết nếu cứ thế này xã hội Việt Nam sẽ đi về đâu mặc dù tôi là người có tư duy tích cực”, ông chia sẻ. 

Theo TS Hùng, trước thực trạng “đáng báo động” này, cần phải nghiêm túc đưa môn Đạo đức vào nhà trường. Trong các tiết học về kỹ năng sống của bậc học mẫu giáo, tiểu học không thể thiếu bài giảng về luật nhân quả cho các cháu nhỏ. Bên cạnh đó, người lớn, nhất là bố mẹ cần làm gương cho con em mình, thậm chí tích cực tham gia các khóa giảng trong chùa để sống tốt, bớt tham, sân, si.

H.Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét