Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Nữ sinh “xe ôm”

(PetroTimes) - Dầm mưa, dãi nắng, dễ gặp chuyện đàm tiếu và cả những hiểm nguy bởi phận gái làm nghề xe ôm. Thế nhưng, một số nữ sinh từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thủ đô - mỗi người một lý do lại rất tự tin, yên tâm mưu sinh bằng công việc vốn chưa được gọi là nghề và thường thuộc về phái mạnh.
Đỗ Thị Lê Hoa đang chuẩn bị đi đón khách
Xe ôm thân thiện
Hiện nay, dịch vụ xe ôm ở Hà Nội vẫn phát triển tự phát và chưa được quản lý một cách quy củ, cung cách phục vụ và giá cả thì muôn hình vạn trạng. Các “tệ nạn xe ôm” nhức nhối và báo động như: chặt chém, chèo kéo khách, đi lòng vòng để “vòi” thêm tiền của khách, thậm chí là trấn lột tài sản của khách...

Thực trạng này khiến nhiều người lo ngại, e dè khi lựa chọn loại dịch vụ này. Nắm bắt được điều đó, mong muốn giúp người dân yên tâm hơn với loại hình dịch vụ này, đồng thời chỉnh đốn lại giá cả cũng như phong cách giao tiếp của những người lái xe ôm và khách hàng - hình thức xe ôm thân thiện, xe ôm tính cước tự động đã ra đời.

Nghe đến hai từ “xe ôm”, người ta thường nghĩ ngay đến những bác cựu chiến binh, công nhân thất nghiệp hơn là biết đến một đội ngũ lái xe ôm là các nữ sinh viên đại học. Gần nửa năm nay, Đỗ Thị Lê Hoa, sinh viên năm cuối Trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Thương mại quyết định chạy xe ôm để trang trải cuộc sống và học tập. Hằng ngày, từ 6 giờ sáng Hoa bắt đầu công việc của mình, cô chuẩn bị xe, áo, mũ đồng phục như các nhân viên khác để ra “bến” của mình tại cổng Trường ĐH Công nghiệp.

Thoạt nhìn, Hoa có vẻ rụt rè, nhưng chỉ sau vài câu giao tiếp đã thấy cô gái sinh năm 1994 này có cá tính khá mạnh mẽ, sâu sắc. Hoa kể rằng: “Trước đây em cũng thử làm một số việc khác, tuy nhiên việc năng động mà gò bó về thời gian thì không phù hợp với điều kiện của em. Trước khi làm nghề xe ôm em cũng đã tìm hiểu về Công ty TNHH MTV Vận tải Thân Thiện có dịch vụ taxi, xe ôm nên em đã nộp hồ sơ tại đây. Thế là em thành nữ sinh xe ôm. Các khách hàng đều được công ty lựa chọn để phù hợp với từng nhân viên. Em là con gái nên không phải đi những “cuốc” quá xa và được các anh chị ở công ty chọn lọc khách”.

Anh Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Thân Thiện cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng nên công ty mở ra dịch vụ nữ xe ôm. Sau khi dịch vụ này ra đời, nhiều phụ huynh có nhu cầu thuê xe chở con đi học. Nhiều cháu gái đã đến tuổi dậy thì nên bố mẹ không yên tâm và tin tưởng giao phó con mình cho các tài xế xe ôm, taxi là nam giới. Chúng tôi quyết định tuyển các nhân viên nữ vào làm việc này cũng một phần đáp ứng nhu cầu đó của khách hàng”.

Để có thể làm việc, các bạn nữ đều phải nộp hồ sơ gồm có bằng lái xe và sơ yếu lý lịch rõ ràng. Sau khi được tuyển, các nữ lái xe được đào tạo thêm kiến thức cơ bản về Luật Giao thông, được trang bị đầy đủ phương tiện đi lại, đồng phục. Các bạn nữ chạy xe ôm chủ yếu làm nhiệm vụ đưa đón học sinh đến trường với bán kính dưới 10km. Bởi chỉ phải chạy trên một tuyến đường cố định nên chị em ít bị lúng túng phố này, ngõ nọ.

Hình ảnh những cô nữ sinh tháo vát, ăn nói nhẹ nhàng, làm nhiệm vụ chở khách trên đường phố Hà Nội với tinh thần trách nghiệm cao, đảm bảo độ tin tưởng khiến cho khách hàng yên tâm và đánh giá cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên này nên được các bậc phụ huynh tin tưởng và đặc biệt chị em không làm trễ giờ học của “khách hàng nhí”. Thậm chí, nhiều nữ sinh xe ôm còn tạo được mối quan hệ thân thiết, gần gũi với các em - như một người chị trong gia đình để các em trò chuyện, tâm sự những vấn đề mà nhiều khi các em không dám nói với bố mẹ.

Khác với những suy nghĩ thiếu tích cực của không ít người, nhiều bạn nữ thích nghề xe ôm và coi đó là công việc có ích cho xã hội. Trong mỗi chuyến đi các bạn đều tuân thủ nghiêm ngặt luật an toàn giao thông đường bộ, ân cần dặn dò khách hàng của mình trước khi lên xe để đảm bảo có một lộ trình an toàn nhất. Dịch vụ nữ xe ôm không chỉ giúp cho khách hàng yên tâm về giá cả, thái độ phục vụ, độ an toàn trong hành trình di chuyển, mà bên cạnh đó còn mang lại cho thủ đô một nét riêng thân thiện và năng động.

Xin đừng “kỳ thị”

Mỗi bạn nữ sinh viên khi đến với nghề xe ôm đều gặp những trở ngại. Trước hết là từ gia đình, bố mẹ ngăn cản, cấm đoán, còn bạn bè thì trêu trọc và không ít những ánh mắt dị nghị của mọi người xung quanh. Anh Hiệp chia sẻ: “Hiện nay, xe ôm chưa được coi là một nghề, cho nên việc đưa dịch vụ xe ôm thân thiện, tính cước tự động vẫn chưa được nhiều nơi hưởng ứng và tạo cho những người “làm nghề” có được những điều kiện thuận lợi. Rất nhiều nơi có thể có địa điểm thuận lợi để đưa đón khách nhưng chúng tôi không thể xin chỗ đỗ, nên việc tiếp xúc với khách hàng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ khá khó khăn. Còn đối với các em sinh viên, khi đi làm việc cũng không thể tránh khỏi những ánh mắt dị nghị của mọi người, vì lâu nay việc đó là thuộc cánh đàn ông. Nhưng rồi khách hàng đã bắt đầu thích khi chúng tôi có nhân viên nữ đưa đón con họ, các khách lớn tuổi cũng có lời khen ngợi rất tốt”.

Khi mới làm công việc này, Hoa cũng không dám nói với bố mẹ. Cô tâm sự: “Ban đầu em cũng gặp một số trở ngại về tâm lý vì gia đình không thích con gái mình làm nghề này. Mới đi làm cũng có người trêu kẻ ghẹo nhưng được các anh chị trao đổi phổ biến kinh nghiệm và dần cũng quen, nên em thích công việc của mình hơn. Có lẽ em sẽ gắn bó với nghề này lâu hơn dự định ban đầu”. Hoa còn kể: “Sau một thời gian làm việc tận tụy, nhiều khách hàng đã chủ động gọi điện để “đặt hàng” em đưa đón con cho họ. Có những bác lớn tuổi thường xuyên phải đi ra ngoài cũng gọi em, dù mưa hay nắng em vẫn đưa đón các bác. Với mức lương hơn 3 triệu/tháng, vậy là ổn với sinh viên như em, vừa đỡ được kinh tế gia đình, vừa chủ động được những chi tiêu hằng ngày”.

Khác với Hoa, Đinh Thị Hương, 22 tuổi, sinh viên năm 2, Trường cao đẳng Công nghệ Hà Nội lại đến với nghề lái xe ôm từ sự yêu thích được trải nghiệm. “Có lần đi qua Bến xe Mỹ Đình, em nhìn thấy 4-5 bạn nam mặc áo và mũ bảo hiểm đồng phục màu vàng của Công ty Thân Thiện. Hình ảnh ấy khiến em bị cuốn hút. Lên mạng tìm hiểu thông tin, em được biết công ty cũng đang muốn tuyển nhân viên nữ để đưa đón các em học sinh đến trường nên rất phù hợp với lịch học của sinh viên tụi em. Vì thế, em đã làm hồ sơ xin việc”. Khác với suy nghĩ của không ít người, Hương trân trọng nghề xe ôm và coi nó như một công việc có ích cho xã hội.

Mỗi ngày Hương dậy từ 6 giờ sáng, tới công ty ở đường Minh Khai nhận xe rồi cô đến Từ Liêm chở em Nguyễn Thị Vân (học lớp 8) đến Trường THCS Phú Diễn trước 7 giờ. Những ngày rảnh rỗi, Hương cố gắng chở thêm học sinh nữa để tăng thu nhập.

Hương nói: “Lái xe ôm phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc đưa đón khách đúng giờ theo yêu cầu. Vì thế, dù nắng hay mưa chúng em vẫn phải ra đường và đúng hẹn. Con gái ai cũng ngại nắng e mưa, công việc này quanh năm suốt tháng phơi mặt trên đường bụi bặm nên cũng không tránh khỏi chút ngại ngần ban đầu. Nhưng đã thực sự nhiệt tâm với công việc này thì mọi e ngại đó đều khắc phục được”.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/2012 với 15 chiếc xe ôm gắn đồng hồ tính cước của Công ty Thân Thiện (có trụ sở tại huyện Từ Liêm) chỉ hoạt động ở khu vực Bến xe Mỹ Đình và Trường ĐH Công nghiệp, đến nay công ty đã có gần 70 nhân viên lái xe ôm. Dịch vụ này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người vì hạn chế được tình trạng xe ôm chặt chém khách đang khá phổ biến.

Diệu Thuần, 
Năng lượng Mới số 276

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét