Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Nỗi lòng người tha hương

Nỗi lòng người tha hương
Đối với những người rời bỏ quê hương, xứ sở để đến một nước khác, thích ứng và hội nhập là vấn đề sinh tử. Người tỵ nạn đến từ xứ Việt thì tiến trình ấy gian nan bội phần.
Nhiều người nghĩ rằng đến được các nưóc phương tây, nơi có đời sống văn minh và dân chủ, là “sướng” rồi. Hơn nữa, nhìn thấy những số tiền gửi về giúp đỡ thân nhân, ít ai nghĩ đến sự cơ cực của người tỵ nạn trong thời gian định cư ban đầu.
Gia đình hội nhập của chị Ngự Bình. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Ngoài vấn đề rào cản ngôn ngữ, phong tục, tập quán, họ còn gặp vấn đề kỳ thị bởi người địa phương và nhiều cảnh . . . đổi đời. Khi còn ở trong nước, nhiều ngưới cũng đã trải qua có một số kinh nghiệm đổi đời, nhưng cảnh đổi đời mỗi nơi mỗi khác.

Nhớ lại đợt di cư vào Nam hồi năm 1955, dân Bắc hay bị người miền Nam chế riễu là “Bắc kỳ ăn cá rô cây. . .” hay là dân ăn rau muống. Cũng có những đố kỵ do chưa hiểu biết lẫn nhau, nhưng những người Bắc di cư không gặp nhiều vấn đề hội nhập như thế hệ tỵ nạn sau này.

Thích ứng với cuộc sống mới

Vấn đề đầu tiên phải đối diện là chính là sự khác biệt về văn hóa. Người càng lớn tuổi càng khó thích ứng với môi trường mới. Phần nhiều người lớn tuổi hay bất mãn vì đã quen với cách sống Việt Nam vốn nhấn mạnh vai trò gia trưởng của đàn ông cũng như tôn ti trật tự trong gia đình, trong khi văn hoá Mỹ vốn coi trọng cá nhân và sự bình đẳng nam nữ.

Một ông bác họ của tôi khi còn ở Việt Nam có hai bà vợ chính thức (theo luật từ thời thực dân Pháp). Mặc dù mỗi bà một nhà, nhưng cả hai cùng ở Sài Gòn nên bác thường xuyên qua lại với cả hai bà và hơn mười người con.

Trưóc lúc di tản, bác làm giám đốc một sở thuộc Bộ Canh Nông và là một lãnh tụ đảng phái nên rất . . . oai.

Khi đến Mỹ, vì sinh kế hai bà vợ của bác sốngở hai các tiểu bang khác nhau với các con của họ. Các anh các chị sống cùng tiểu bang với bác cũng không sống cùng nhà.

Do đó, chỉ còn có mình bác và một bác gái nương tựa lẫn nhau, cuối tuần hay thỉnh thoảng các con mới về thăm. Bà vợ cả từ khi theo các con sống ở tiểu bang khác cũng không liên lạc với bác. Buồn cho cảnh cô độc, bác làm hai hai câu thơ, gởi về than thở với bà con còn lại bên nhà:

Từ ngày sang xứ Cờ Hoa
Vợ là hàng xứ, con là người dưng 

Ba tôi đến Mỹ khi đã 70 tuổi. Lúc còn ở VN, tính cụ rất nghiêm, con cái phải vào khuôn vào phép răm rắp, đi đâu cũng phải thưa trình. Đối với con gái, cụ còn qui định . . . giới nghiêm vào 9 giờ tối.

Khi đến Mỹ để đoàn tụ sau hơn 10 năm xa cách, cụ rất mặc cảm, vì không còn được làm chủ gia đình như xưa. Không những không được làm chủ cái nhà cụ đang ở, mà nhất nhất việc gì cũng phải nhờ các con, vì cụ không biết tiếng Anh và không biết lái xe.

Có lần ngồi tâm sự với một người bạn từ tiểu bang khác qua thăm, cụ đã cay đắng thốt lên: Bây giờ thì mù, câm, điếc và què tại xứ cờ hoa. Mù – không đọc được tiếng Anh, câm – không nói được tiếng Anh, điếc – không nghe được tiếng Anh, què – không lái đươc xe.

Cụ bị trầm cảm vì buồn phiền, và căn bệnh ngày càng tăng lên với thời gian. Khoảng hơn 6 năm sau, cụ bắt đầu bị lẫn rồi mất trí nhớ cho tới khi qua đời.

Không riêng gì người già mơí bị trầm cảm, các nghiên cứu về người tỵ nạn Đông Dương ở Hoa Kỳ và Canada cho biết, rất nhiều người có vấn đề sức khoẻ tâm thần (mental health problems), một phần do họ đã trải qua ở VN và sự kinh hoàng trong hành trình vượt biên, và một phần do các khó khăn về hội nhập sau này.

Định cư và xây dựng tương lai

Theo những tài liệu nghiên cứu về di dân ở Hoa Kỳ, người tỵ nạn Viet Nam đến Hoa Kỳ từ sau 1975 được chia làm ba nhóm.

Nhóm thứ nhất thường được gọi là thành phần tuyển chọn (elites) phần lớn là những người di tản vào cuối Tháng Tư 1975. Đa số những người trong nhóm này có căn bản học vấn tốt. Bởi họ là các viên chức dân sự hay quân đội cao cấp ở miền Nam và con em của họ, hay những người nổi tiếng, được người Mỹ giúp di tản.

Nhóm thứ hai là các thuyền nhân (boat people), những người vượt biên bằng đường biển hay đường bộ, ra đi từ khoảng cuối thập kỷ 1970 cho tới cuối thập kỷ 1980. Đây là một thành phần hỗn hợp, gồm nhửng cưụ quân nhân viên chức đã từng bị đi học tập cải tạo, người buôn bán, và cả người ở các vùng quê, nơi tổ chức vượt biên, có khi tiếng Việt viết không thông, tiếng Anh một chử bẻ làm đôi cũng không biết.

Nhóm thứ ba là những người ra đi trong chương trình ODP (Orderly Departure Program) bắt đầu từ cuối thập kỷ 1980, trong đó có chương trình HO (Humanitarian Operations) dành cho những người đã ở trong trại cải tạo ít nhất ba năm và chương trìnhđoàn tụ gia đình do thân nhân bảo lãnh.

Những người trong nhóm thứ nhất mang tiếng là “elites” nhưng lại phải chịu nhiều vất vả nhất trong bước đầu định cư ở Hoa Kỳ. Với chủ trương giúp người tỵ nạn sớm hội nhập, tránh trường hợp bị cô lập trong cộng đồng thiểu số như ở các Chinatowns, những người Việt ban đầu được gởi đi tản mát đến tất cả các vùng từ thành thị đến thôn quê trong 50 tiểu bang.

Với hai bàn tay trắng và không thân nhân, nhiều người chỉ còn biết bấu víu vào người bảo trợ để được giúp đỡ tổ chức lại cuộc sống.
Đa số những nhà bảo trợ nhận khoán của chính phủ Hoa Kỳ khoảng 3,800 đô la để định cư một người. Khi người tỵ nạn có việc làm là cơ quan bảo trợ coi như hoàn thành nhiệm vụ, nên họ luôn luôn hối thúc người tỵ nạn đi kiếm việc và đi làm.

Mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, Anh văn còn phải nói bằng tay, mình nói mình nghe, Mỹ nói Mỹ nghe, bằng cấp hay chuyên môn chưa được cập nhật theo tiêu chuẩn ở điạ phương, thì những người có bằng cấp đại học ở VN, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư… đành phải đi làm . . . cu li và bao chuyện cười ra nước mắt.

Tết ở DC. Ảnh: HM

Gia đình ông bác họ được một nhà thờ bảo trợ đến Ohio. Các anh các chị con bác từng là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, khi xin người bảo trợ giúp cho đi học để cập nhật kiến thức và chuyên môn, những người bảo trợ nói, lớn tuổi rồi nên đi làm.

Một anh, vốn là giáo sư cấp ba lại có thêm bằng cao học (nay gọi là thạc sĩ) toán ở VN, đưọc nhà thờ tìm cho việc quét dọn, kể cả lau chùi toilet trong một trường đại học.

Một anh khác có bằng kỹ sư điện được giới thiệu đi làm cho một công ty điện lực, chuyên leo cột điện để thay các bóng đèn đường bị hư (hồi đó không được văn minh như bây giờ).

Một anh là bác sĩ quân y làm trong một xưởng cưa gỗ, chuyên khuân vác.

Một số chị, vốn là làm giáo viên, thành người xếp hàng lên kệ trong các siêu thị.

Hồi mới tới Mỹ, mấy năm đầu, tôi đi rửa chén và chạy bàn cho nhà hàng ăn trong thời gian học thêm tiếng Anh trước khi vào đại học.

Trong lớp Anh văn tôi gặp một ông cựu quân nhân, cũng đã trải qua mấy năm trong trại cải tạo, rồi đi vượt biên. Biết tôi chạy bàn ở nhà hàng, ông kể lại lúc mới đến Mỹ ông cũng làm công việc đó và “tay rửa chén, xắp chén vô máy, mà nước mắt chảy nuốt vào trong”

Hỏi ra mới biết, ông từng là cậu ấm ở VN, gia đình giàu có, kẻ hầu người hạ. Nào ngờ qua Mỹ lại phải đi hầu người khác nên thấy tủi nhục.

Riêng tôi ở Việt Nam, không phải cô chiêu, chẳng có kẻ hầu người hạ, mà trái lại sống trong gia đình đông con, phải phụ má buôn bán kiếm sống từ nhỏ. Thế mà trong thời gian đầu định cư, đêm đêm nằm vắt tay lên trán, nước mắt cũng chảy thầm, vì không ngờ cuôc đời mình lại có ngày đi hầu người khác.

Chị lớn của tôi di tản cùng gia đình chồng đúng vào ngày 30-4-1975. Trong lúc chen lấn, chồng chị không lên tàu được. Sau đó, anh ấy đi học tập cải taọ và chỉ đoàn tụ với vợ con 11 năm sau đó.

Với bốn con thơ, đứa lớn nhất 8 tuổi, và đứa bé nhất mới được 11 tháng, khi tới dịnh cư ở tiểu bang Minnesota, chị tôi đã từng làm không phải một việc (job) mà là 3 việc khác nhau để có tiền gửi về nuôi chồng trong trại và giúp đỡ gia đình.

Chị được nhà thờ bảo trợ hướng dẩn để đi học y tá sơ cấp. Sau khi tốt nghiệp, đi làm cho một viện dưởng lão, nhưng nhiều người không cho chị săn sóc chỉ vì chị là người da màu.

Lúc đó chị khóc tưởng không còn nước mắt, đến nỗi cấp trên của chị phải nói cho những bệnh nhân kia biết rằng, nếu không cho chị săn sóc thì họ sẽ không có ai làm việc đó. Lúc ấy, các cụ mới cho chị sờ đến người họ.

Ngoài công việc y tá, cuối tuần chị đi lau nhà cho một số bác sĩ ở Mayo Clinic gần chỗ chị ở. Nhà thờ lại giúp chị mở một lớp dậy nấu các món ăn Việt Nam cho các hội viên nhà thờ học vào ngày chủ nhật.

Khi hai cô con gái lên 10 và 13 tuổi thì cuối tuần đi theo phụ mẹ ở lớp nấu ăn hay làm catering ở tư gia. Cậu con trai lớn, được 14 tuổi, mùa hè đi bán bắp cho các nông trại ở gần đó, hay đi cắt cỏ cho tư gia vào mùa hè.

Học lớp 12, cháu là một trong hai học sinh được chọn làm đại diện cho tiểu bang đến thăm White House và gặp Tổng Thống Hoa Kỳ.

Khi khi ông bố đến Mỷ đoàn tụ với gia đình, cậu con trai, lúc đó đã bắt đầu lên đại học, chắc muốn truyền lại nghề cắt cỏ cho bố, nên chỉ một tuần sau khi bố đến Mỷ đúng dịp mùa hè, bèn rủ ông đi cắt cỏ ở nơi mà cậu từng làm kiếm tiền giúp mẹ.

Ông bố lúc đó đã hơn 50 tuổi, sức khoẻ lại yếu sau những năm tháng trong trại. Nơi thuê cắt cỏ toàn ở nhà giầu, to đùng ngã ngửa trên đồi. Ông theo con trai đẩy cái máy cắt cỏ lên dốc gần muốn đứt hơi.

Nhiều người bị sốc vì ngoài công việc cực nhọc, còn là sự “đổi đời” qua bởi bậc thang xã hội không còn như xưa và sự kỳ thị người da màu của một số người bảo thủ ở điạ phương. Nhóm mang tiếng là “elites” tại Sài Gòn thời bấy giờ gần như là ngồi bệt trên mặt đất ở Mỹ.

Giấc mơ Mỹ đến với nhiều người
Nhưng may mắn là nước Mỹ có nhiều cơ hội, nên những người chiụ thương, chịu khó đi làm, để dành tiền, tìm cách đi học lại, về sau hầu hết có việc tốt hơn và đời sống khá hơn. Đó chính là giấc mơ Mỹ mà người ta hay nói đến.

Người anh con ông bác họ, từng lau chùi toilet trong trường đại học, một thời gian xin vào học lại ở ngay trường đó. Sau này đậu tiến sĩ toán và trở thành giáo sư đại học. Khi hay tin anh đậu tiến sĩ toán, nhà thờ từng bảo lãnh anh đi làm, muốn đứng ra tổ chức party mừng sự thành đạt của một người từng đi lau cầu tiêu.

Cả bốn cháu của chị tôi cũng đều học hành nên người. Cậu bé đi bán bắp và cắt cỏ sau này có bằng Ph.D., hai cháu gái có MBA, và một cháu có cử nhân kinh tế.

Đa số những nguời trong nhóm elites khi đến Mỹ trong độ tuổi dưới 40 trở xuống và con cái của họ, đều thành đạt và hội nhập dễ hơn (mainstream).

Với chính sách tự do cư trú, người Việt dần dần “di cư” đến những vùng ấm áp như California và Texas, để tránh tuyết và cái lạnh mùa đông, thành lập những cộng đồng người Việt.

Nhờ vào những cộng đồng người Việt thuộc hàng elites mà kinh nghiệm định cư của những người trong nhóm thứ hai và thứ ba đỡ vất vả hơn. Nhiều người có thân nhân hay bạn bè đến trước chỉ dẩn cho đường đi nước bước, làm chỗ nương dựa tinh thần và đôi khi cả vật chất lúc ban đầu.

Sau này, có các dịch vụ định cư người tỵ nạn do người Việt đảm trách cũng tạo ra nhiều thuận lợi cho những người không có thân nhân hay bạn bè.


Các anh chị của tôi đi vượt biên, ở trại tị nạn và sau được chị lớn bảo lảnh đến Minnesota. Một thời gian, họ cũng theo bạn bè đến Texas, vì có nhiều bạn bè ở đó, khí hậu ở miền Nam ít lạnh hơn, và lúc đó các công ty có hợp đồng với quốc phòng đang tuyển người vào làm dây chuyền với mức lương khá cao.

Anh rể tôi khi sau khi tốt nghiệp lớp thợ mộc ở Minnesota, thấy ở đó lạnh quá, lại kiếm việc không ra, trong khi đám em vợ ở Texas tha thiết rủ rê nên quyết định cùng gia đình “di cư” xuống Texas để làm ăn buôn bán.

Kết quả là anh chị tôi mở một nhà hàng ăn bán thức ăn Việt Nam cho . . . Mỹ. Thật thú vị, đó là nơi mà tôi từng rửa chén chạy bàn ngay sau khi đến Mỹ được đúng một tuần.

Hội Nhập (Integration)

Nhà xã hội học Milton Gordon đã đưa ra một lộ trình hội nhập, mà ông ta gọi là đồng hoá (assimilation), của người di dân vào xã hội Mỹ (từ assimilation sau này bịchỉ trích và từ integration được dùng nhiều hơn).

Lộ trình này gồm 7 giai đoạn, khởi đầu bằng sự hội nhập về phương diện văn hoá (cultural assimilation), tiếp đến là hội nhập vào các tổ chức xã hội (structural assimilation), tức là gia nhập vào các hội đoàn, các nhóm trong xã hội Mỹ, hội nhập qua hôn nhân (marital assimilation), hội nhập về căn cước (identification assimilation – coi mình là một thành phần của xã hội Mỹ), và quá trình hội nhập sẽ hoàn tất khi nhửng nhóm di dân không còn bị thành kiến và có những tranh chấp về chính trị với người điạ phương.

Dựa theo quan điểm của Gordon thì nhiều người Việt tại Mỹ đã đạt được đến mức . . . thứ tư của quá trình hội nhập. Nhiều người Việt đã lập gia đình với người điạ phương, và coi mình là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese Americans).

Các con của chị lớn của tôi đều kết hôn với người Mỹ gốc Âu Châu, và má tôi có một đàn chắt mắt xanh tóc vàng, nhưng biết bập bẹ “chào bà” (các cháu không phát âm được chữ cụ vì sợ … nhầm tai hại), biết nói “cám ơn” khi nhận tiền lì xì ngày tết.

Một số ít cũng tham gia vào sinh hoạt chính trị của dòng chính (mainstream), giữ vai trò dân cử ở cấp địa phưong, tiểu bang, và liên bang như cựu dân biểu Cao Quang Ánh.

Những người có mức độ hội nhập cao thường là những người trong nhóm di tản “elites” và những người đến Mỹ khi còn nhỏ tuổi. Còn phần đông vẫn còn coi nước Mỹ là chổ tạm dung, mặc dù không biết phải tạm nương thân đến bao giờ.

Bản thân tôi thuộc về mainstream, hàng ngày dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, chăm chỉ như công dân (Mỹ) trong các cuộc bầu cử ở phương, tiểu bang và liên bang, thường xuyên tham gia sinh hoạt chính trị và từ thiện các loại ở địa phương. Thỉnh thoảng bị đảng Dân chủ réo vào đảng, vì tôi đóng tiền ủng hộ Obama trong cả hai đợt tranh cử.

Người ta nói về giấc mơ Mỹ và những điều kỳ diệu. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ mình có một giấc mơ thật của xứ Cờ Hoa và nó hiển hiện trước mắt.

Dẫu vậy, có những sáng cuối tuần, được nằm ngủ nướng trên giường, đầu óc tôi lại suy nghĩ miên man và có một cảm giác lạ lùng, không hiểu tại sao mình lại ở nơi đây, vừa lạ, vừa thân quen, nghĩ về những ngày tháng có cả nụ cười và nước mắt.


Đã hơn 25 năm trôi qua, cảm giác không có một tổ quốc đích thực vẫn còn đó trong tôi, lẩn khuất trong đáy lòng mà không thể hiểu nổi.

Nỗi lòng tha hương phải bỏ đất nước ra đi, có lẽ nó chính là đây.

Nguồn: Ngự Bình/Hiệu Minh Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét