Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Minh họa và bìa trong sách cũ

Minh họa và bìa trong sách cũ
Viên Linh: Sách cũ lại trở thành tin tức nóng hổi vào tối Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013 khi trong một cuộc đấu giá tại Sotheby, New York, một cuốn sách nhỏ in năm 1640 đã bán được với giá 14 triệu 165 ngàn Mỹ kim, là giá cao kỷ lục từ xưa tới nay cho một cuốn sách tiếng Anh đầu tiên được in tại một vùng đất mà nay thuộc Bắc Mỹ.
Cuốn Bay Psalm Book được in tại Cambridge, Massachusettts, và do các nhà truyền giáo Puritan xuất bản. Tin tức nói rằng đây là bản dịch Anh ngữ trung thực nhất từ nguyên bản tiếng Hebrew. Tuy nhiên nó không phải là cuốn sách nói chung bán với giá cao nhất, danh dự này thuộc về một cuốn sách viết tay gồm ghi chú và hình vẽ của danh tài Leonardo da Vinci (1452-1519), năm 1994 đã được bán ra với giá 30.8 triệu Mỹ kim. 
Hình ảnh những cuốn sách cũ tiếng Việt với bìa sách minh họa nội dung thể hiện mỹ thuật làm sách Việt Nam trong thế kỷ trước mà nay ít thấy: sách in ở Hà Nội trước 1954 như Yêu của Hoàng Công Khanh. In ở Sài Gòn năm 1957 như Tuyết Hồng Lệ Sử của Từ Trẩm Á. In năm 1960 ở Sài Gòn như Nó Giết Người của Lê Văn Trương. (Sách và hình của Viên Linh do tác giả cung cấp.)

Tổ chức Sotheby cho biết người mua cuốn Bay Psalm Book là nhà tài chính kiêm mạnh thường quân David Rubenstein, tham dự cuốc đấu giá bằng điện thoại từ Australia. Ông cho biết cuốn sách sẽ được cho các thư viện mượn để trưng bày các nơi. [“Một tài sản như thế không nên để trong nhà mình!”] Chủ cũ của cuốn sách là Old South Church ở Boston, họ có hai cuốn, nay bán đi một. Hiện trên thế giới có 11 cuốn này, sót lại từ số 1700 ấn bản in năm 1640. [Old South Church ở Boston do Linh Mục Benjamin Franklin thành lập, và truyền giáo, và ở đó sau này đã bùng nổ sự kiện lịch sử gọi là Boston Tea Party - năm 1773, khi dân chúng ở Boston cải trang thành dân Da Ðỏ trèo lên một thương thuyền Anh, ném hàng trăm thùng trà xuống biển để phản đối một lệnh bán trà của London có tác hại cho ngành sản xuất ở địa phương.]

Chín cuốn Bay Psalm kia đang lưu giữ bởi các thư viện khác trên thế giới. Nữ Mục Sư Nancy Taylor của nhà thờ Old South Boston nói từ hồi mấy tháng trước rằng đây là một cuốn sách “ngoạn mục,” tuy nhiên qua những trang hiện trên màn ảnh của máy vi-tính, người ta không thấy một hình vẽ nào, chỉ thấy chữ lớn nhỏ mà thôi. Mà một trong những đặc điểm của sách xưa lại chính là các minh họa. Một là vì các tác giả sách xưa phần lớn là những vị tài cao, không hẳn là mấy ông thợ in ngày nay - mà thợ in hồi xưa thường lại chính là các nhà trí thức, các ông chủ bút các báo tự đứng ra sắp chữ và in sách báo của mình - hai là hồi xưa thật xưa chưa có máy chụp hình, cũng như chưa có các scanner của vi tính như ngày nay - nên thay vào đó, người ta minh họa, dùng bút vẽ ra các hình ảnh mà văn bản mô tả bằng chữ in, hay viết tay, ở trên trang sách.

Mỹ thuật trong sách cũ khác xa mỹ thuật trong sách ngày nay, mà “sách ngày nay” nói trong bài này, chỉ gồm một số những cuốn thơ văn tuyển tập của các cây bút văn nghệ “hôm nay” mà thôi. Nhiều sách thơ văn tiếng Việt in ấn ở Hoa Kỳ khoảng 40 năm nay như người này biết, thua xa các sách in hồi thế kỷ XIX, khoan nói tới các sách in trong thế kỷ XX hay XXI của Âu Châu hay của Mỹ. Mà kỹ thuật in ấn hiện nay lại do máy móc tinh tế sản xuất, tinh tế ngàn lần hơn máy móc hai ba thế kỷ trước. Lỗi trước hết là ở người, chứ không ở máy.

Một trong những tệ hại nhất của hầu hết những cuốn sách tiếng Việt in trong vòng vài chục năm nay ở Hoa Kỳ là nội dung và cái bìa không ăn nhập với nhau. Bìa sách chính ra là phải “minh họa” nội dung, ít nhất là một vài cảnh có nói ở bên trong, thì các “tác giả” lại đi nhờ, đi xin, các họa sĩ trình bày bìa sách cho mình. Họa sĩ là người vẽ tranh, đâu phải nhà trình bày bìa sách? 

Cũng như các bích chương ca nhạc dán tràn lan hiện nay trên cột đèn, trên cửa kính các cửa tiệm, nhà hàng, đó đâu phải “bích chương” (poster) đúng nghĩa? Bích là tường. Bích chương là tranh phô bày trên tường. Tấm bích chương trước hết là để cho độc giả đang di chuyển, đang đi bộ chứ không cần nói đi xe đạp, có thể đọc được. Bích chương tiếng Việt hiện nay chèn ép cả trăm cái hình và những con chữ người đang di chuyển không thể nào đọc được (trong khi bạn đang lái xe bạn vẫn có thể đọc được các bích chương, poster đúng nghĩa thực hiện bởi những người có học về trình bày các sản phẩm ấn họa cho công chúng - public). Còn kia là những bích chương dành cho những kẻ vô công rồi nghề, không có gì làm, phải đứng lại [nếu đứng lại được giữa đám đông] cả năm mười phút mới đọc hết một tờ giấy in màu mè rối loạn trước mắt.

Về những cuốn thơ văn ngoài bìa in tranh của các họa sĩ, thật sự, những cái bìa sách như thế chỉ để quảng cáo tranh cho họa sĩ, nghĩa là lẽ ra họa sĩ phải trả tiền cho tác giả để in tranh của mình lên bìa sách của người khác, thì nghe đâu các tác giả lại phải trả tiền cho các họa sĩ để họ in tranh của họ trên bìa sách của mình. 

Người viết bài này có khoảng hai chục cuốn sách đã xuất bản, chưa bao giờ in tranh của họa sĩ lên bìa sách của mình, mà nếu in tranh của ai, thì tranh đó phải minh họa một cảnh trong sách. Chẳng hạn khi in Mã Lộ (con đường ngựa chạy, Văn xuất bản, 1969), tác giả đã nhờ bạn, họa sĩ Nguyễn Trung, vẽ cảnh Năm Xích Long (người xà ích) đang chạy cái xe thổ mộ chở hoa cho nàng bán hoa tươi ở Chợ Bến Thành. Như người đọc có thể thấy. Chẳng hạn khi xuất bản Chiều Hôm Gió Cuốn, tôi đã nhờ họa sĩ Chóe vẽ cho cái cảnh một con đường chạy giữa rừng Ban Mê Thuột, như người ta có thể thấy, nếu có cuốn sách. Truyện Vườn Quên Lãng, 1970, cái bìa là tranh vẽ cả trăm cái lá xanh lá vàng bao quanh tên truyện và tên tác giả. 

Bìa sách phải minh họa cảnh trong sách, như thế họa sĩ mới có lý do để lấy họa-phí, còn nếu in tranh của mình, lại đóng khung riêng rẽ không ăn nhập gì với nhan đề cuốn sách, lẽ ra họa sĩ cần phải trả ấn phí cho tác giả, hay cho nhà xuất bản. Nhưng lỗi không ở họa sĩ đâu, mà cũng không ai có lỗi, chỉ có các nhà xuất bản đã không muốn làm gì với cái bìa sách của ông A bà B, và các tác giả A và B đã không nghĩ gì về sách và bìa sách của mình, ngoài ý muốn sao cho đẹp, dù cái đẹp này không ăn nhập gì với suy niệm hay hoàn cảnh của nhân vật trong sách hết. Thành ra lòng yêu cái đẹp khoán trắng cho người vô tâm, chỉ nghĩ vì họ, sẽ hại tới sách của mình mà thôi. Hiện có cả ngàn cuốn sách với mặt ngoài và bên trong như thế. Sự việc này nếu áp dụng câu tục ngữ “Trông mặt mà bắt hình dung,” thì sách ế là phải.

Vài cuốn sách cũ tiếng Việt có hình in trong bài này, bìa sách rõ ràng là minh họa nội dung, đẹp và ý nghĩa vô cùng, đáng cho chúng ta suy gẫm về nghệ thuật in ấn sách của người xưa, khi kỹ thuật sơ khai so với thời vi tính bây giờ, là một trời một vực.

Trở về với việc bán đấu giá sách cũ, sau đây là vài cuốn sách cũ và bản thảo đắt giá nhất hoàn vũ:

-1994, Codex Leicaster: Sách ghi chép của Leonardo da Vinci, thế kỷ XVI, đóng bìa, bán 30.8 triệu Mỹ kim.

-1999, RothschildBook of Hours: Sách cầu nguyện, viết tay, minh họa, thế kỷ XVI, bán 14.3 triệu Mỹ kim.

-2007, Magna Carta: Viết tay, chưa đóng lại, thế kỷ XIII, bán 21.3 triệu Mỹ kim.

-2010, Birds of America, vẽ tay màu sắc của họa sĩ và nhà thiên nhiên học John James Audubon, thế kỷ XIX, bán 11.5 triệu Mỹ kim.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét