Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Viết Essay thế nào?

Câu chuyện nước Mỹ: Viết Essay thế nào?

Đau đầu vì essay. Ảnh: internet
Hiệu Minh: Sau một số entry về du học bên Mỹ, chọn trường, tìm thông tin, xin tiền cha mẹ, các ứng viên trẻ 17-18 tuổi đứng trước một câu hỏi mà phía tuyển sinh nước ngoài rất hay hỏi “Tại sao anh/chị lại chọn trường và môn học này?”
Không ai có thể trả lời giùm, trừ chính ứng viên. Người ta có thể giúp sửa ngữ pháp, lỗi chính tả, đặt lại câu cú, nhưng tại sao đi đến lựa chọn này, thì ứng viên không có cách nào tránh trả lời được. Hãy đối mặt với việc tưởng chừng dễ ăn nhất này.
Trong một bài liên quan đến cách dạy trong trường học Việt Nam “Môn chính môn phụ, sao có đổi ngôi”, tôi có kể về cảnh khóc dở, mếu dở khi phải viết Essay 500 từ.

Số là sau hơn chục năm làm việc lương bổng thấp, tôi nghĩ đến xin việc ở các tổ chức quốc tế hay xin đi du học. Gửi đơn xin học bổng bên Úc, tôi nhận được một thư cảm ơn rất lịch sự, yêu cầu viết và gửi một đoạn tự sự (Essay) 500 từ tại sao xin đi học. Đương nhiên viết bằng tiếng Anh.

Thú thật với vốn “tiếng Anh miền núi” chuyên học tại chức vào buổi tối, học là phụ, tán các em chính, tôi không viết nổi rồi, dù có khiếu nói đôi chút. Phỏng vấn trực tiếp thì không sợ, nhưng bảo viết là sợ “vãi linh hồn”.

Trong cái khó, ló cái khôn. Tôi nghĩ viết bằng tiếng Việt trước và thuê người dịch, trường xứ tận Úc làm sao biết được. Nhưng viết được đúng một câu “Thưa quí ông/bà …” thì tịt ngóm vì không biết tiếp tục như thế nào. Tự đánh vật với 500 từ bằng tiếng Việt mới thấy thấm thía môn văn quan trọng như thế nào.

Người phương Tây khi tuyển sinh hay lựa nhân viên vào các chức danh có thang lương bậc trung hay cao cấp, thường kiểm tra kỹ năng giao tiếp viết và trình bày ý tưởng. Sau đó họ mới kiểm tra kinh nghiệm làm việc hay kết quả học tập. Đọc Essay có thể đoán ứng viên có khả năng tư duy hay không, có viết từ trải nghiệm của bản thân hay chỉ là copy/paste trên mạng internet với những mẫu vô hồn.

Nhờ một giáo sư lâu năm và có kinh nghiệm về viết lách xem có giúp được gì. Ông thở dài, trong đầu trống rỗng, viết tiếng mẹ để không xong, làm sao có thể diễn tả bằng ngoại ngữ.

Năm 2004, sang Mỹ một thời gian, công việc hàng ngày là viết và trả lời email, cuối tuần viết báo cáo về tình hình IT trong khu vực, gửi cho sếp. Nhiều khi họ đưa vào báo cáo tháng cho Phó Chủ tịch WB. Cuối năm ấy, sau khi nhận xét tốt về kỹ thuật, khả năng quản lý, nhưng lão cho một câu làm mình đau điếng “kỹ năng giao tiếp có vấn đề”. Câu ấy liên quan đến cả lương tăng % bé tý, thế mới đau.

Lão sếp gợi ý tôi đi học một lớp về writing skills – kỹ năng viết và presentation skills – kỹ năng trình bày, mỗi lớp kéo dài 1 tuần. Lúc ấy mới vỡ ra nhiều điều về cách viết lách của mình có nhiều thứ cần học lại.

Cách dạy văn trong trường ở Việt Nam thường theo mẫu. Tả bà ngoại phải là cụ già tóc bạc phơ, răng móm mém, nhai trầu bỏm bẻm và nhất định là hiền. Trong khi ngoài đời, các bà ở tuổi nội ngoại thời nay rất trẻ trung. Nhiều “cụ” còn mặc váy sexy, xẻ trước, hở sau, phóng xe hơi đi nhảy đầm. Về nhà văng tiếng Tây, tiếng Tầu, quát mắng chồng con như những bà chủ. Thảm họa cho cháu nào mà tả một bà ngoại như thế.

Trong lúc ở bên Mỹ, học sinh viết văn được tự do sáng tạo. Em nhìn sự việc thế nào thì tả nguyên như thế. Vì thế, nếu tả bà ngoại thì 100 em có 100 bà khác nhau.

Cu Luck về Việt Nam năm ngoái (2012). Quay lại DC, vào lớp 6, cậu được cô giáo ra đề “Em hãy viết về những kỳ nghỉ hè vừa qua”.

Cu cậu thản nhiên viết, Việt Nam, một đất nước còn khổ, nhiều người vô gia cư. Nhà cô dì (chắc ý nói bên bà ngoại) rất nghèo. “Nếu mẹ tôi không lấy bố tôi thì tôi sẽ là đứa trẻ khá nghèo khổ”.

Các cậu về quê đi xe Ford của chú em út, vi vu khắp nơi. Ở Trích Sài cũng có điều kiện hơn bên bà ngoại. Thấy dân quần đùi áo may ô ra hóng mát ở Hồ Tây, ăn ốc luộc, câu trộm cá, các cậu tưởng là người homeless – vô gia cư, vì bên Mỹ, dân không nhà cửa mới ra đường ngồi.

Mẹ đọc xong choáng luôn, nhưng cô giáo lại khen hết lời. Có lẽ đọc 20 bài của lớp cu Luck sẽ được 20 bài cảm xúc khác nhau về kỳ nghỉ hè của các cháu ngây thơ.

Hai cách dạy văn khác nhau, nên ai định xin học bên Mỹ đành phải theo cách của họ. Họ muốn biết tại sao chọn trường, môn học, mục đích ra sao, và phải đưa ra những compelling argument – chứng cứ thuyết phục. Qua đó biết được kỹ năng và trình độ của ứng viên.

Mỗi người ở một hoàn cảnh cụ thể, xin vào một trường cụ thể, một khoa cụ thể, một môn cụ thể, nên tìm một mẫu essay cụ thể là không tưởng.
Essay writing. Ảnh: internet.

Có một chị xin du học master chỉ vì muốn bỏ chồng, do ông ấy hay ghen, đánh vợ. Về chuyên môn rất tốt, tiếng Anh cũng vậy. Luật di trú Úc bắt học xong phải về đúng hẹn. Cô viết rất hay bằng tiếng Anh, từ ngữ chọn rất kêu, yêu môn tâm lý học như thế nào, có kinh nghiệm lâu năm, và học xong sẽ về nước tiếp tục công việc này để giúp xã hội thay đổi hành vi. Cao siêu quá.

Nhờ người bạn có kinh nghiệm xem giúp. Anh ấy bảo, phần nói về chuyên môn thì OK, nhưng tiêu chí là do trường nổi tiếng, có nhiều giáo sư giỏi, rồi về phục vụ đất nước, kiểu XHCN, nghe chừng khuôn sáo. Anh bảo, viết personal – mang tính cá nhân, tất nhiên phải liên quan đến việc du học, có khi lại hay.

Nên nói có khả năng chuyên môn, đủ trình độ theo học, với vài chi tiết cụ thể liên quan đến thành tích trong công tác, nhưng trạng thái gia đình hiện không cho phép theo hướng đang theo đuổi. Gia đình là nơi trú ngụ cuối cùng trong cả tình cảm và sự nghiệp, nhưng phần tình cảm đã hỏng, chị nên nói là muốn du học để tạm xa một thời gian, sẽ tập trung vào chuyên môn. Biết đâu, nó sẽ chữa vết thương lòng cho cả hai. Kết quả, chị kia được cả bằng master và gia đình đoàn tụ sau hai năm.

Người xét Essay có kinh nghiệm thường nhìn ra bài nào do ứng viên tự viết, bài nào do thuê hay copy lại của người khác. Vì thế, Essay phải tự mình viết, cố vấn cũng cần, nhưng tác phẩm vài trăm từ đó nhất định phải rút ruột mà viết ra. Phải tin vào điều mình viết, nắm chắc nó, và đưa ra bằng những ví dụ sống động của chính mình đã từng trải qua, liên quan đến đề tài định du học.

Người ta bảo văn là người rất đúng nên Essay cũng là hình ảnh của ứng viên.

Đọc xong entry này, bạn hãy làm ly café, suy nghĩ và thử viết 500 từ bằng tiếng Việt xem sao. Nếu thấy tiện, cứ gửi lên Cua Times, đảm bảo đăng nguyên văn, không sai một dấu phẩy.

HM. 10-8-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét