Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Văn hóa đọc xuống cấp cảnh thư viện đìu hiu?

Văn hóa đọc xuống cấp cảnh thư viện đìu hiu?

Thư viện là một thiết chế văn hoá quan trọng đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…
Tuy nhiên đứng trước thực trạng hoạt động "èo uột" của các thư viện cơ sở, đặc biệt là thư viện huyện đã khiến cho không ít người cảm thấy tiếc nuối. 
Điển hình Bắc Ninh là tỉnh giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, mạng lưới thư viện tương đối phát triển nhưng hiện nay chỉ có 6/8 huyện, thị, thành phố có thư viện huyện, trong đó: thành phố Bắc Ninh có 2, các huyện: Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du mỗi huyện có 1, còn lại thị xã Từ Sơn và Gia Bình từ khi chia tách huyện vẫn chưa có thư viện. Đa số những thư viện huyện đã được xây dựng lại, hoạt động mang tính hình thức, thậm chí có nơi phải ngừng hoạt động. 

Hàng năm, số lượng thẻ được mỗi thư viện cấp cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Hầu hết các thư viện huyện đều cấp dưới 100 thẻ đọc 1 năm tiêu biểu như: Thư viện huyện Yên Phong (khoảng 80 thẻ), huyện Lương Tài (khoảng 50-60 thẻ), thư viện huyện Tiên Du không cấp.

Thư viện huyện Quế Võ đến thời điểm này có trên 500 thẻ đọc nhưng số thẻ này được tích từ nhiều năm trước. Trong số 7 thư viện thì có thư viện huyện Yên Phong, thư viện huyện Quế Võ mở cửa tất cả các ngày trong tuần, còn lại chỉ từ 2-3 ngày/tuần nhưng số lượt bạn đọc đến thư viện huyện trong các ngày mở cửa thường dưới con số 10, thậm chí không có ai đến đọc.
Trong căn phòng ẩm thấp, nóng lực chưa đầy 10m2 bao gồm cả phòng đọc, kho sách, ngay cả tấm biển trước cửa thư viện cũng không có, thủ thư Nguyễn Ngọc Oanh (thư viện huyện Tiên Du) cho biết: Mặc dù đã về công tác tại đây được nhiều năm nhưng số lượng bạn đọc rất ít, hầu như không có. Những năm trước, mỗi năm thư viện cấp vài chục thẻ nhưng từ đầu năm đến nay thư viện không có bạn đọc lui tới, đã nhiều năm nay thư viện không có phích yêu cầu tìm sách. Không có bạn đọc, những người đến mượn sách cũng dần ít đi, nhiều thời gian rảnh rỗi nên chị được giao làm thêm công việc của văn thư, thủ quỹ. 
Hiện nay, thư viện huyện Tiên Du có trên 6.000 đầu sách nhưng chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu luân chuyển sách xuống các tủ sách cơ sở. Do không có không gian trưng bày, nhiều quyển vẫn nằm im trong bao tải kê dưới đất. Thậm chí nhiều quyển do chưa một lần được mở nên vẫn được bảo quản cẩn thận trong túi ni lon. Thực tế, trong thư viện ngoài chiếc bàn cá nhân và 3 chiếc ghế nếu bạn đọc có đến đông thì cũng không có điều kiện để phục vụ. 
Tuy nhiên, điều thật sự đáng buồn là hầu hết người dân không biết đến sự tồn tại của thư viện huyện với lý do họ chưa từng đến đọc sách. Trong khi thư viện huyện nằm giữa trung tâm văn hoá, gần trường học, khu đông dân cư, buôn bán sầm uất, hầu như rất ít người biết sự tồn tại của nó.Ngay cả nhiều cán bộ đang công tác tại các ban, ngành của các huyện, thày, cô giáo, học sinh những người lẽ ra phải gắn bó với thư viện nhiều nhất lại không biết. 

Trong số những thư viện huyện đã có ở Bắc Ninh, thư viện huyện Thuận Thành đã phải ngừng hoạt động từ cuối năm ngoái để chống mối, sách vẫn bó kín trong bao tải xếp kho. Thư viện huyện Quế Võ dùng chung phòng với Hội người mù huyện và một nửa phòng dành cho nhân viên ngân hàng làm việc nhờ. Thư viện huyện Yên Phong một trong số rất ít thư viện trong tỉnh có cơ sở khang trang, tách riêng kho sách và phòng đọc những những năm gần đây cũng không dám nhận thêm sách hỗ trợ cho dù là nguồn sách của chương trình mục tiêu quốc gia vì không có giá đựng.

Trao đổi về giải pháp phát triển mạng lưới thư viện huyện, bà Phạm Thị Kim Chi, Phó Giám đốc thư viện tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện huyện, hàng năm, thư viện tỉnh Bắc Ninh đầu tư cho mỗi thư viện huyện khoảng 30 triệu đồng, thường xuyên mở cuộc giao lưu cho bạn đọc được đóng góp ý kiến…

Tuy nhiên, do một số cán bộ quản lý thư viện không được đào tạo đúng chuyên ngành, hơn nữa họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động thư viện. Mặt khác, sự nghèo nàn về cơ sở vật chất, vốn tài liệu, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các cấp quản lý chưa quan tâm,… là tổng hợp những nguyên nhân khiến thư viện tuyến huyện hoạt động kém hiệu quả.
Thư viện huyện là một thiết chế văn hoá cần phải có ở cấp huyện. Trước thực trạng hoạt động ảm đạm, giống như những kho chứa sách của các thư viện huyện hiện nay, để thư viện huyện có thể “sống” được góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về văn hoá đọc đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của nhân dân đòi hỏi các cấp, các ngành cần nhìn nhận đúng vai trò, vị trí và có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho các thư viện này./. 

Minh Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét