Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá

Có thể tiếp tục điều chỉnh tỷ giá
(HQ Online)- Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về khả năng hạ lãi suất trong thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, có khả năng lãi suất sẽ tiếp tục giảm xuống. Điều này thực hiện được trên cơ sở nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh tỷ giá.
Ông Lê Xuân Nghĩa.
Trong thời gian gần đây, ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, còn dư địa để NHNN giảm lãi suất. Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo quy luật, muốn kéo lãi suất xuống, NHNN phải tăng cung tiền, nhưng ngay tập tức tỷ giá sẽ tăng lên. DN đề nghị giảm lãi suất nhưng cũng mong muốn ổn định tỷ giá là điều khó thực hiện.
Trong cuộc họp Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban tư vấn có bàn bạc, trao đổi với nhau rằng, vào thời điểm này, không còn khả năng hạ lãi suất được nữa, nhưng nếu Thủ tướng đồng ý cho phép từ nay đến cuối năm điều chỉnh tỷ giá thêm 1% thì sẽ mở ra cơ hội giảm lãi suất.
Nếu điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các DN NK?
Giữa XK và NK bao giờ cũng có sự chênh lệch. Ví dụ như để XK 1 tấn cá được 5 nghìn USD, DN phải NK khoảng 3 nghìn USD, như vậy DN vẫn được lợi chênh lệch 2 nghìn USD.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về các điều kiện để điều chỉnh tỷ giá?
Trước đây, khi lãi suất tiền đồng cao, các ngân hàng bán USD chuyển sang tiền đồng để cho vay. Giờ khi lãi suất tiền đồng giảm, các ngân hàng lại mua USD về hoàn trả lại trạng thái ngoại tệ theo quy định của NHNN. Khi ngân hàng bán ngoại tệ lấy tiền đồng cho vay quá trình diễn ra chậm chạp, tạo trạng thái ngoại hối âm 1,2 tỷ USD trong toàn hệ thống ngân hàng nhưng đến khi hoàn lại thì quá trình hoàn khá nhanh. Trong vài ba tuần lễ trạng thái ngoại hối từ âm 1,2 tỷ USD còn âm hơn trên trăm triệu USD, tức là đã mua vào trên 1 tỷ USD. Đây là sự biến động mạnh trên thị trường, thực sự là sự dịch chuyển tài sản chứ không phải là do tác động của yếu tố tâm lý.
Bên cạnh đó, dữ trữ ngoại tệ bắt buộc ở ngân hàng Trung ương cũng tăng. Đầu năm số tiền dự trữ bắt buộc vượt yêu cầu khoảng 350 triệu USD, đến thời điểm tháng 6 đã tăng lên 450 triệu USD. Một hiện tượng khác có thể nhìn thấy là tiền gửi bằng ngoại tệ của các ngân hàng ra nước ngoài khá lớn. Nhìn từ cán cân thanh toán quốc tế, con số này lên tới trên vài tỷ USD và năm nay các ngân hàng gửi ngoại tệ ra nước ngoài nhiều hơn năm ngoái. Từ những yếu tố này có thể thấy, sự dịch chuyển tài sản của các ngân hàng là khá mạnh.
Vậy còn sự dịch chuyển của khu vực dân cư như thế nào, thưa ông?
Dân cư cũng đang có sự dịch chuyển tài sản. Nhiều người dân đã rút tiền đồng ra mua USD rồi lại gửi vào ngân hàng. Sự dịch chuyển này cũng được thể hiện ở số tiền gửi của dân cư bằng ngoại tệ tăng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm đã tăng 15-16%. Bên cạnh đó, tiền gửi bằng ngoại tệ của DN cũng tăng. Điều này chứng tỏ cả khu vực DN và dân cư đều đang có sự đề phòng tỷ giá biến động.
Ngoài ra chúng ta cũng thấy một hiện tượng khác. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng từ 1,2 -1,5% lãi suất qua đêm lên trên 5%. Điều này là do NHNN chủ động điều chỉnh để chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng dãn ra.
Ông dự đoán như thế nào về lãi suất trong thời gian tới?
Từ nay đến cuối năm trong điều kiện điều chỉnh tỷ giá 1% đồng nghĩa có thêm dư địa hạ khoảng 0,5% lãi suất.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Huệ (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét