Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Chuyện Trẻ Con & Truyện Người Lớn

Chuyện Trẻ Con & Truyện Người Lớn

Luật trời ban cho mọi động vật cơ quan sinh dục để truyền giống.
Thuở xưa, ai đẻ nhiều con là hiếu thảo với ông bà tổ tiên nên người ta thi đua hưởng khoái lạc. Có gia đình 10 đứa chưa đủ, phải chẵn 12 mới vừa lòng thân phụ mẫu. Giầu thì nhiều vợ, nhiều con đã đành nhưng điều đáng nói là phận càng nghèo lại càng đông con tựa như sướng “cu” nên mù cả hai mắt...
Chỉ khổ đàn bà là “cái máy đẻ”! Ờ... thật tình cũng chẳng biết ai sướng, ai khổ bởi ở lãnh vực tình yêu, cái sướng đã nằm sẵn trong cái khổ nên ai cũng say mê chẳng có cảnh “quýt làm cam chịu” bao giờ! Luật bù trừ “sướng trước, khổ sau” cũng là chuyện bình thường.
Đối với hai phái nam nữ, “làm tình” là bản năng cần thiết có sẵn trong cơ thể, tạo cảm giác thú vị vào bậc nhất trần gian vì thế người đời coi chuyện ấy là một loại trong tứ khoái.

Thời xưa, khoa học chưa khám phá ra cách phòng ngừa thụ thai, vợ chồng cũng vẫn thỏa thích yêu đương vì được tiếng thơm có phước đông con khi sanh nở.

Chuyện đời xoay vần hết trắng rồi lại đen. Ngày nay, mỗi gia đình duy nhất chỉ có một hay hai con... Xã hội cấm đẻ con nhiều ở quê nhà. Khoa học giúp họ ngăn ngừa hay lỡ mang bầu... con gái thì phá đi! Bố mẹ ai cũng biết chuyện thất đức ấy nhưng nhắm mắt làm ngơ, tự hỏi đến bao giờ gió sẽ đổi chiều: giữ con gái và phá con trai?

Có lẽ sẽ không lâu! Chuyến về thăm quê gần đây, tôi gặp toàn “cậu ấm” trong những gia đình trung lưu hay khá giả... Chưa khôn lớn mà duyên tình mai sau đã thấy nhiều trắc trở bởi vì con gái đã ít đến tuổi lại đi lấy chồng xứ ngoại để mong “xóa đói giảm nghèo” một bước làm vợ mà nên phận giầu sang do đó hay có những lỡ lầm đáng tiếc sẩy ra.

Không muốn lạc đề, tôi xin nói rõ việc sinh nở trai hay gái không phải là đề tài bài viết này mà sự giáo dục con cái trong cái xã hội “ít con” vào thời đại “điện tử” hôm nay làm tôi phân vân với những ý tưởng tiêu cực...

Miền quê Sơn Tây, tôi gặp cậu bé Khôi, tuổi lên 7, sống chung với bố mẹ và ông nội. Bố có gian hàng bán đồ thời trang nên dành hết thời giờ vào sự buôn bán. Mẹ may vá suốt ngày ở xưởng, chiều tối mang đồ về nhà tiếp tục ngồi may! Sau bữa cơm chiều, cố gắng đạp đến nửa khuya, ngủ được mấy tiếng, lúc trời còn mờ sương đã vội vàng trở dậy, đưa con đi học rồi lại đến xưởng may, cứ thế ngày qua ngày...

Sau giờ học, Khôi về nhà với ông nội và con chó vện. Thỉnh thoảng tôi đến thăm, bàn chuyện thời sự cho đỡ buồn vì Sơn Tây tỉnh nhỏ. Ông nó nghiện thuốc nên lúc nào phòng khách cũng mờ khói! Thằng Khôi chăm chú lắng nghe truyện người lớn trong lúc hít và thở khói thuốc. Nhiều lần, thấy nó đăm chiêu như tự vấn xem đề tài gì mà khó hiểu nên mặt đờ đẫn không dám hỏi.

Đôi lúc cao hứng, quên bẵng mình là trẻ con, nó cắt ngang lời ông và lên tiếng thì cứ 10 lần, thằng bé bị quở trách 8 lần vì ông đã dặn con nít không được xen vào truyện của người lớn. Nó bị ông phạt, ngồi một mình cả buổi trong phòng riêng nhưng chứng nào tật ấy... không chừa!

Khi con vện sủa vang nhà làm lời nói của ông bị đứt quãng, cũng quy vào lỗi nó vì chăm chú nghe nên không để tâm coi con vật nghiêm chỉnh. Mỗi buổi đến chơi, tôi thường liên tục nghe tiếng ông quát tháo “dậy bảo” thằng Khôi và con chó vện. Thằng Khôi tuổi đang lớn, thích nhận xét người lớn từ lời nói đến hành động để bắt chước nhưng ông nội lại “phiền” vì “thất sách”, trẻ con mà lại thích xen vào truyện người lớn.


Ở tiệm ăn, thằng Khôi được ông cho phép, thích gì cứ tự động gắp. Đĩa mực xào rau cần, người lớn chưa ai đụng đũa đã thành đĩa nộm vì thằng bé tung hê lên tìm hết con mực để ăn vì nó thích! Ông nội thấy bất bình thường nhưng lặng yên vì thương cháu.

Xét kỹ mới hiểu thằng Khôi cô đơn... Con nít thời nay ít chơi đùa ngoài phố vì chẳng có nhiều bạn như thời xưa. Bố mẹ nó chỉ biết lo cơm tiền nên vắng nhà, còn cha có mẹ mà như trẻ mồ côi! Sống với ông nội khác chi cảnh “cha già con cọc” và đành hấp thụ lối giáo dục “cổ lỗ sĩ” của một cụ già nhà quê.

Vào đến Sài Gòn, tôi gặp bé Tân, cũng trạc tuổi thằng Khôi nhưng thuộc gia đình giầu có ở chốn phồn hoa đô hội. Bố nó đi làm xa, lâu lâu ghé về thăm nên Tân sống với mẹ như một người bạn nhỏ.

Mỗi lần gập Tân, tôi thấy nó một mình một thế giới vì mọi tiếng cười, tiếng nói chung quanh không làm nó bận tâm... Bạn của nó chính là cái máy điện tử đắt tiền trên tay. Tân chơi “game” nên phải tập trung đầu óc, đôi mắt và cả hai tay để ăn thua với “bạn máy” đầy sức lôi cuốn.

Nó ngước đôi mắt lạnh lùng nhìn người đối diện khi bố hay mẹ ra lệnh phải chào hỏi người quen. Mẹ nói trước, nó nói sau, lập lại lời như con vẹt... Tôi đưa tay bắt làm quen, cười tỏ tình với nó nhưng chỉ giây phút sau câu chào là “mãn tuồng”, nó lại cúi đầu vào “bạn máy”. Mẹ nó hiện rõ nét mặt hân hoan tự đắc vì có đứa con “ngoan” nên bà yên thân nhẹ gánh mà tiếp khách.

Tân ngồi cùng bàn ăn với người lớn vì bố mẹ nó muốn thế... Nói cho cùng, nó là đứa trẻ duy nhất trong gia đình và bữa tiệc. Con nít ngày nay hiếm hoi nhưng lạ lùng khi thấy một sự thật đau thương là trẻ mồ côi trong cô nhi viện thì vô số kể!

Tuổi nhỏ nhưng vai trò của Tân lại rất to, nó ngoan ngoãn ngồi yên không cần biết ai và chẳng nghe ngóng câu truyện của người lớn. Bố mẹ nó nói mà không bao giờ sợ nó xen vào vì tâm hồn nó không ở bàn ăn... đầu cúi xuống và hai tay luôn luôn bận rộn. Mẹ gắp gì thì ăn nếu nhịn đói cũng chẳng sao vì nó không thể xa chiếc máy điện tử nhưng thân nó lúc nào cũng phốp pháp tròn trịa vì cơm canh thịt thà no đủ.

Trong đời sống, mọi chuyện đều là thói quen, liệu khi lớn lên Tân có còn biết phép xã giao bình thường mà tuổi nhỏ bây giờ đã vô tình đánh mất? Hình ảnh của Khôi và Tân chính là những câu chuyện trẻ con cô đơn nhưng hai cuộc sống hoàn toàn đối nghịch... Một đứa thì bạn với ông nội ở miền quê, cô đơn đang ở tuổi tò mò nên thích bắt chuyện người lớn và một đứa sống bên mẹ ở chốn thành thị, cũng đơn độc nhưng văn minh, mẹ kết bạn cho chiếc máy điện tử nên luôn luôn bận bịu với chính nó.


Phải chăng chuyện trẻ con vừa kể chính là truyện người lớn nếu bàn đến lãnh vực bổn phận giáo dục trẻ thơ? Những đứa bé như Khôi và Tân chính là nạn nhân của xã hội và gia đình thời “tân tiến”! Người lớn đã đưa đẩy cuộc đời hai đứa trẻ mỗi đứa vào một hoàn cảnh. Cả hai tuổi thơ ngây đều buồn... Đứa nói nhiều, đứa nói ít, không bạn bè cùng lứa nên cô đơn bất thường mà người lớn “vô tư” cố tình quên đi sự sai lầm!

Tính tình những đứa trẻ này mai sau sẽ phát triển ra sao? Liệu có nhiều phần khác nhau và tất cả sẽ bi quan hay tích cực lạc quan? Nếu ai trả lời đúng câu hỏi ấy thì có thể suy đoán được tương lai của đất nước.

Cao Đắc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét