Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

(1) Chủ nghĩa hiện thực tân cổ điển và các lý thuyết về chính sách đối ngoại

Chủ nghĩa hiện thực tân cổ điển và các lý thuyết về chính sách đối ngoại
Nguồn: Gideon Rose (1998). “Neoclassical Realism and Theories of Foreign Policy”, World Politics, Vol. 51, No. 1 (Oct.), pp. 144-172. >>PDF
Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Ánh | Hiệu đính: Trương Minh Huy Vũ
Download: CNHT tan co dien va ly thuyet CSDN.pdf
Trong suốt hai thập niên, lý thuyết về quan hệ quốc tế chủ yếu bị chi phối bởi cuộc tranh cãi giữa các học giả theo chủ nghĩa hiện thực mới và các học giả theo các trường phái khác [1].
Nội dung của hầu hết các cuộc tranh cãi xoay quanh những câu hỏi về bản chất của hệ thống quốc tế và tác động của nó lên các vấn đề quốc tế như chiến tranh và hòa bình. 
Theo đó, các học giả tranh luận về việc một hệ thống đa cực hay một hệ thống hai cực sẽ tạo ra nhiều mâu thuẫn hơn hay các thể chế quốc tế có gia tăng khả năng hợp tác quốc tế hay không.Vì chủ nghĩa hiện thực mới (CNHTM) tìm cách giải thích những hệ quả mà sự tương tác giữa các quốc gia mang lại, nên nó là một học thuyết về chính trị thế giới. 
CNHTM bao gồm các khái niệm tổng quát về những động cơ của các quốc gia đơn lẻ, tuy nhiên, học thuyết lại không hề đề cập đến cách hành xử của các quốc gia ở mức độ chi tiết. Như Kenneth Waltz đã viết:


Một lý thuyết về chính trị quốc tế…có thể mô tả những hệ quả mà hành động của các quốc gia cũng như sự tương tác giữa chúng trong một hệ thống định sẵn mang lại, và lý thuyết cũng có thể chỉ ra những mong muốn khác biệt của mỗi quốc gia một khi hệ thống thay đổi. Lý thuyết cũng cho chúng ta biết các hệ thống có cấu trúc khác nhau sẽ tạo ra những sức ép và những khả năng khác nhau. Song lý thuyết lại không thể chỉ ra cách mà các đơn vị trong hệ thống có thể đối phó với các sức ép cũng như khả năng đó một cách hiệu quả… Chừng nào các động lực của hệ thống đó kìm hãm sự tự do của các tác nhân nằm trong hệ thống, thì hành vi của các đơn vị cũng như hệ quả của cách hành xử ấy có thể tiên đoán được… Nhưng nhìn chung, một lý thuyết về chính trị quốc tế cũng liên quan đến chính sách đối ngoại của các quốc gia dù tuyên bố chỉ giải thích một vài khía cạnh nào đó của chúng.[2]

Từ quan điểm đó, rất nhiều các sự kiện diễn ra hàng ngày trong quan hệ quốc tế phải để cho các lý thuyết về chính sách đối ngoại (CSĐN) giải thích. Những lý thuyết này không coi các hệ quả từ sự tương tác giữa các quốc gia mang lại là các biến số phụ thuộc, mà các biến số phụ thuộc chính là hành vi của các quốc gia đơn lẻ. Các lý thuyết về CSĐN tìm cách lý giải việc các quốc gia muốn đạt được gì từ thế giới bên ngoài và khi nào thì quốc gia sẽ hành động để đạt được điều đó. Tuy nhiên, sự phát triển của lý thuyết ở cấp độ này đã nhận được tương đối ít sự quan tâm của các học giả.

Một vài học giả, cũng giống như Waltz, loại bỏ hẳn chủ đề này vì tính phức tạp của nó. Waltz cho rằng các lý thuyết phải xem xét logic xuyên suốt của “các lãnh địa tự trị” (autonomous realms). Bởi vì CSĐN bị chi phối bởi cả các nhân tố trong lẫn ngoài nước, nên nó sẽ khó có thể được phân tích như một lãnh địa tự trị; do đó, chúng ta không nên cố gắng tìm ra một lời giải thích mang tính thuần lý thuyết về nó. Thay vào đó, chúng ta nên dựa trên những “phân tích” hay “những thông tin thu thập được” bao gồm mọi nhân tố liên quan tới một trường hợp cụ thể nào đó.[3] Những học giả khác thì phản đối quan điểm thiếu tự tin nêu trên, và những nỗ lực gần đây của họ nhằm xây dựng một lý thuyết chung về chính sách đối ngoại đã tạo ra một vài trường phái rõ rệt.

Trường phái đầu tiên và phổ biến nhất là các lý thuyết Innenpolitik, nhấn mạnh đến ảnh hưởng của các yếu tố quốc nội lên chính sách đối ngoại. Các trường phái khác đều là biến thể của chủ nghĩa hiện thực (CNHT) và coi trọng ảnh hưởng của hệ thống quốc tế lên cách hành xử của quốc gia. “CNHT tấn công” đảo ngược hoàn toàn lập luận của Innenpolitik và cho rằng những nhân tố trong hệ thống mới đóng vai trò chi phối CSĐN. CNHT phòng thủ, nhẹ nhàng hơn, cho rằng trên thực tế, các nhân tố trong hệ thống chỉ chi phối một vài chứ không phải tất cả các hành vi của một quốc gia.[4]

Nội dung bài bình luận này sẽ nhằm giới thiệu trường phái thứ tư, trường phái mà tôi gọi là “CNHT tân cổ điển”. Nó là sự kết hợp chặt chẽ của các biến số ở cả trong lẫn ngoài nước, được đưa ra trên cơ sở cập nhật và hệ thống hóa các quan điểm của CNHT cổ điển. Những người theo trường phái này cho rằng phạm vi và mục đích của chính sách đối ngoại của một nước được đề ra trước hết dựa trên vị trí của nước đó trong hệ thống quốc tế và đặc biệt là dựa trên khả năng quyền lực tương đối mà nước đó sở hữu. Điều này giải thích vì sao họ được gọi là Hiện thực. Tuy nhiên, họ lại cho rằng tác động của những khả năng quyền lực nói trên lên CSĐN là gián tiếp và khá phức tạp bởi vì những sức ép từ hệ thống sẽ bị chuyển hóa thông qua các biến số can thiệp ở cấp độ đơn vị. Điều này giả thích vì sao họ được gọi là Tân cổ điển.

Những nhà hiện thực tân cổ điển lập luận rằng quyền lực vật chất tương đối sẽ tạo ra những tham số cơ bản cho CSĐN một quốc gia; họ dẫn công thức của Thucydides “kẻ mạnh làm tất cả những gì mình có thể, kẻ yếu phải chịu đựng tất cả những gì mà họ phải chịu.”[5] Nhưng họ cũng chỉ ra rằng không có bất kỳ một sự liên hệ trực tiếp và hoàn hảo nào giữa các năng lực vật chất với chiều hướng của CSĐN. CSĐN được lựa chọn bởi các nhà lãnh đạo chính trị và giới tinh hoa, do đó, chính nhận thức của họ về quyền lực tương đối, chứ không phải đơn giản là số lượng tương đối các nguồn lực vật chất hoặc nguồn lực con người, mới là quan trọng. Có nghĩa là, trong ngắn và trung hạn, CSĐN của các quốc gia không nhất thiết phải theo dõi những xu thế quyền lực vật chất khách quan một cách chặt chẽ và liên tục. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo và giới tinh hoa cũng không thể tùy ý sử dụng và điều khiển các nguồn lực quốc gia theo mong muốn của mình. Vì vậy, khi phân tích về quyền lực cần quan tâm tới sức mạnh và cấu trúc của các quốc gia liên quan đến xã hội các quốc gia đó vì chúng ảnh hưởng đến sự cân đối của các nguồn lực quốc gia – những thứ có thể sẽ được sử dụng trong CSĐN. Điều này có nghĩa là, những nước có các khả năng tương ứng nhưng tồn tại trong các cấu trúc khác nhau sẽ có xu hướng hành động khác nhau. Và cuối cùng, những sức ép cũng như sự tác động từ hệ thống có thể sẽ định hình những đường nét rõ ràng và hướng đi của CSĐN nhưng lại không đủ mạnh và rõ ràng để xác định những hành động cụ thể của quốc gia. Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của những nhân tố hệ thống sẽ rõ nét hơn khi nhìn từ xa thay vì nhìn từ góc độ gần – ví dụ như nhân tố hệ thống sẽ giới hạn tổng số lựa chọn CSĐN mà các nhà lãnh đạo có thể có trong một thời điểm cụ thể hơn là bắt buộc họ phải chọn một biện pháp cụ thể này chứ không phải một biện pháp khác trong số các lựa chọn đó.

Vì tất cả những lý do trên, các nhà hiện thực tân cổ điển tin rằng, việc tìm hiểu sự liên kết giữa quyền lực và chính sách đòi hỏi sự xem xét kỹ càng những bối cảnh mà trong đó CSĐN được đề ra và thực hiện.[6] Sau khi tóm tắt sơ qua lý thuyết của các trường phái đối lập, phần còn lại của bài bình luận sẽ được giành để thảo luận những nghiên cứu chính yếu, những quan điểm tiêu biểu của CNHT tân cổ điển cũng như đánh giá những đóng góp của nó đối với lĩnh vực này.[7]

Bốn lý thuyết về chính sách đối ngoại

Các chính khách, nhà sử học và chính trị học đã nghiên cứu từ lâu những nguyên nhân khiến các quốc gia áp dụng các chính sách đối ngoại khác nhau. Nhưng họ chỉ tìm thấy câu trả lời trong hàng loạt các nhân tố áp dụng cho từng trường hợp cụ thể và vì thế cho rằng thật ngạo mạn khi nghĩ rằng ai đó có thể xây dựng nên những học thuyết đơn giản nhưng có khả năng giải thích cao về chính sách đối ngoại. Trong khi đó, những nhà phân tích quan tâm tới việc xây dựng học thuyết lại có xu hướng đi theo một trong ba nhóm chính sau:

Theo cách tiếp cận phổ biến nhất, CSĐN được đề ra dựa trên nền chính trị trong nước. Học thuyết Innenpolitik này cho rằng các yếu tố trong nước như tư tưởng kinh tế, chính trị, đặc tính quốc gia, chính trị đảng phái hay cấu trúc kinh tế-xã hội sẽ quyết định cách thức mà các quốc gia ứng xử với thế giới bên ngoài. Một phiên bản nguyên gốc của lý thuyết trên theo quan điểm tự do chính là khái niệm về cách hành xử của các nền dân chủ sẽ khác hẳn với các nền phi dân chủ. Một phiên bản đã qua điều chỉnh là khái niệm về “hòa bình nhờ dân chủ” – tức các nền dân chủ sẽ đối xử với nhau khác khi đối xử với các nền phi dân chủ. Cách tiếp cận theo Innenpolitik có rất nhiều biến thể, mỗi biến thể lại thiên về một biến số độc lập trong nước cụ thể, thế nhưng tất cả đều thừa nhận CSĐN chính là sản phẩm của các nhân tố nội trị của một quốc gia. Để tìm hiểu nguyên nhân một quốc gia riêng biệt sẽ hành xử theo một cách riêng biệt, các nhà nghiên cứu cần nhìn vào bên trong, xem xét các ưu tiên và định hình của các nhân tố chính yếu bên trong quốc gia đó.[8]

Vấn đề chính của học thuyết Innenpolitik này là những lý giải ở cấp độ phân tích đơn thuần ấy không thể giải thích tại sao các quốc gia có hệ thống chính trị tương tự nhau lại có CSĐN khác nhau và tại sao những quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau lại hành xử giống nhau trong những tình thế tương tự. Một vài học giả đi theo CNHT mới đã lý giải những điều trên bằng cách bổ sung mô hình chính trị quốc tế của CNHT mới vào phân tích cách hành xử của một quốc gia độc lập cũng như những hệ quả của chính trị quốc tế. Họ đề ra hai học thuyết về CSĐN là CNHT tấn công và CNHT phòng thủ. Cả hai trường phái này đều cho rằng hệ thống quốc tế được cấu thành bởi các quốc gia có lý trí, động cơ của các quốc gia này là tìm kiếm an ninh. Điểm khác biệt giữa hai trường phái này là ở quan điểm của chúng về những động cơ mà hệ thống quốc tế mang lại cho các quốc gia và cách thức các quốc gia phản ứng lại với những động cơ đó; cũng như đối với mức độ mà chúng cho rằng các mâu thuẫn vốn có trong môi trường vô chính phủ có thể được điều chỉnh bởi các nhân tố khác như kỹ thuật quân sự của một nước.

CNHT tấn công cho rằng tình trạng vô chính phủ nhìn chung là mang tính chất hỗn mang kiểu quan điểm của Hobbes – tức là, ngoài những tình trạng như hệ thống hai cực hay răn đe hạt nhân thì an ninh là khan hiếm và các quốc gia phải cố gắng để đạt được nó bằng cách tối đa hóa những lợi thế tương đối của họ.[9] Trong thế giới của các nhà hiện thực tấn công, các quốc gia có lý trí muốn theo đuổi an ninh sẽ có xu hướng thực hiện những hành động có thể dẫn đến mâu thuẫn với các quốc gia khác – và thường là như vậy: “Các quốc gia đều xuất phát từ mục đích tự vệ, nhưng cấu trúc của hệ thống quốc tế lại buộc chúng phải suy nghĩ và đôi khi là hành động theo kiểu tấn công.”[10] Sự khác biệt bên trong của các quốc gia là không quan trọng vì những sức ép mà hệ thống quốc tế (HTQT) tạo ra là đủ mạnh để khiến các quốc gia rơi vào những hoàn cảnh tương tự sẽ hành động giống nhau mà không quan tâm tới những đặc điểm chính trị đối nội bên trong. Theo quan điểm này, hoạt động đối ngoại là câu chuyện về những quốc gia đang lo sợ, tìm mọi cách để đạt được một vị thế nào đó trong khuôn khổ một mô hình quyền lực mang tính hệ thống. Để tìm hiểu nguyên nhân một quốc gia hành động theo một cách riêng, các nhà hiện thực tấn công đề nghị cần xem xét những khả năng tương đối của quốc gia cũng như môi trường tác động bên ngoài vì các yếu tố này sẽ trực tiếp quy định nội dung của chính sách đối ngoại và định hình cách thức mà quốc gia chọn lựa để gia tăng lợi ích của mình.

Ngược lại, CNHT phòng thủ cho rằng tình trạng vô chính phủ mang tính ôn hòa hơn – tức an ninh không phải là khan hiếm mà luôn sẵn có và các quốc gia bình thường có thể hiểu và học được điều đó cùng với thời gian.[11] Trong thế giới của các nhà hiện thực phòng thủ, các quốc gia có lý trí muốn theo đuổi an ninh có thể bình tĩnh và chỉ cần trỗi dậy khi cần đối phó với các mối đe dọa hiếm hoi từ bên ngoài. Ngay cả đến khi phải đối phó, những quốc gia này cũng chỉ phải đối phó bằng cách cân bằng lại để ngăn chặn mối đe dọa và tránh xảy ra xung đột. Ngoại lệ của trường phái này là khi xảy ra những tình trạng khiến các quốc gia đang tìm kiếm an ninh cảm thấy bất an về nhau, ví dụ như việc tấn công để giành thế chủ động trong một cuộc chiến.[12] Theo quan điểm này, hoạt động đối ngoại là câu chuyện về các quốc gia có lý trí đang phản ứng một cách thích hợp trước những kích thích hệ thống, và chúng chỉ đi đến xung đột trong những trường hợp đặc biệt như khi tình trạng lưỡng nan an ninh đạt đến đỉnh điểm. Nhưng theo các nhà hiện thực phòng thủ, mẫu hình này thường xuyên bị phá vỡ bởi các quốc gia bất hảo vốn cố tình hiểu sai hoặc làm ngơ trước các kích thích thực sự có liên quan đến an ninh từ môi trường hệ thống.

Trong khi học thuyết Innenpolitik về CSĐN xem trọng các biến số độc lập nội trị, CNHT tấn công lại xem trọng các yếu tố mang tính hệ thống. Mặc dù cả hai trường phái đều rất rõ ràng, táo bạo và có tính dự báo, nhưng những dự báo của cả hai đều còn quá đơn giản và thiếu chính xác. (Những học thuyết đơn thuần mang tính hệ thống cũng phải đối mặt với các ngoại lệ trái ngược với phía những học thuyết Innenpolitik: Các quốc gia có vị trí cấu trúc tương tự không phải lúc nào cũng hành động giống nhau). Những người theo CNHT phòng thủ cũng xem chủ nghĩa này là một học thuyết về hệ thống, nhưng trên thực tế, họ lại dựa vào cả các biến số bên trong lẫn bên ngoài một quốc gia để lý giải cho sự khác nhau trong CSĐN của các nước. Các nhà hiện thực phòng thủ xem HTQT là nguyên nhân dẫn đến cái gọi là cách cư xử “tự nhiên”, bao gồm phương sách chỉ tấn công khi kỹ thuật quân sự hoặc các yếu tố chủ yếu khác trở thành những nguy cơ thực sự, đòi hỏi phải tấn công trước. Họ xem các hành động tấn công còn lại là “không tự nhiên” và lý giải nó bằng những giả thuyết phụ liên quan đến những biến số nội trị.

CNHT tân cổ điển nghi ngờ các yếu tố chủ chốt của cả ba trường phái trên. Theo CNHT tân cổ điển, học thuyết Innenpolitik đã đi chệch hướng bởi lẽ nếu có tồn tại một nhân tố đơn nhất và quan trọng tác động đến mô hình CSĐN ở các quốc gia qua các giai đoạn thì đó chính là quyền lực tương đối của các quốc gia ấy so với các quốc gia còn lại trong HTQT – và vì thế, đó chính là nơi những phân tích về CSĐN bắt nguồn. CNHT phòng thủ cũng mắc phải sai lầm tương tự, vì việc nhấn mạnh vào phản ứng của các quốc gia trước các mối đe dọa đã khiến nó bỏ qua một thực tế là những nhận thức về sự nguy hiểm của một quốc gia một phần xuất phát từ quyền lực tương đối của quốc gia đó. Học thuyết cũng còn khá thiếu sót vì chỉ dựa trên luận điểm chính là yếu tố hệ thống, nó đã không giải thích được nhiều các hành động trên thực tế của quốc gia, đo đó các học giả của trường phái này đã buộc phải dùng tới các biến số bên trong một quốc gia để giải thích cho một phần lập luận của mình.[13]

Những nhà hiện thực tân cổ điển tin rằng những biến số độc lập mà học thuyết Innenpolitik đưa lên hàng đầu nên được hạ xuống vị trí thứ hai bởi lẽ trong dài hạn, CSĐN của một quốc gia không thể vượt quá những giới hạn cũng như cơ hội mà môi trường quốc tế tạo ra. Một trong những học giả của trường phái này viết “Một lý thuyết tốt về CSĐN trước tiên phải đề cập đến những tác động của HTQT lên cách hành xử của một quốc gia vì đặc điểm tổng thể mạnh nhất của một quốc gia trong HTQT chính là vị thế tương đối của nó trong hệ thống ấy.”[14] Hơn nữa, vì ảnh hưởng của những yếu tố cấu trúc như quyền lực tương đối là không rõ ràng, ngay cả các nhà chính trị học cũng khó xác định chính xác, nên các nhà CNHT tân cổ điển khuyến cáo rằng các nhà phân tích nếu không bắt đầu xem xét kỹ càng tầm ảnh hưởng này thì sẽ dễ mắc phải sai lầm khi cho các các nhân tố dễ quan sát được là các nhân tố chính yếu, nhưng trên thực tế chúng lại chỉ là các nhân tố bổ trợ mà thôi.

Bằng việc xem quyền lực tương đối như biến số độc lập chính trong học thuyết của mình, các nhà hiện thực tân cổ điển buộc phải chọn lựa một bên trong cuộc tranh cãi về cách thức mà khái niệm này được định nghĩa và đưa vào sử dụng. Nhìn chung, họ đều đối diện trực tiếp với vấn đề này, đưa ra những lý do giải thích tại sao khái niệm “quyền lực” nên được dùng để chỉ “những khả năng hoặc nguồn lực…mà dựa vào đó các quốc gia có thể gây ảnh hưởng lên nhau.” (Wohlforth, 4).[15] Họ phân biệt những nguồn lực quyền lực này với những lợi ích CSĐN của quốc gia, vốn được họ định nghĩa là những mục tiêu và ưu tiên quyết định cách hành xử của quốc gia với bên ngoài.

Thay vì giả định rằng các quốc gia tìm kiếm an ninh, các nhà hiện thực tân cổ điển cho rằng các quốc gia đối phó với những bất ổn của tình trạng vô chính phủ quốc tế bằng việc tìm cách kiểm soát và định hình môi trường bên ngoài. Bất chấp việc các quốc gia định có thể xác định lợi ích của họ theo vô số cách, trường phái này lập luận rằng các quốc gia đều muốn tăng tầm ảnh hưởng ở bên ngoài và sẽ theo đuổi tầm ảnh hưởng đấy cho tới chừng nào họ còn làm được như vậy.[16] Từ đó, CNHT tân cổ điển đưa ra một dự đoán là trong dài hạn, quyền lực tương đối mà các quốc gia sở hữu sẽ định hình phạm vi và mục tiêu của CSĐN – giống như một cái phong bao: Khi quyền lực tương đối tăng, các quốc gia sẽ tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài, và khi nó giảm, các quốc gia sẽ thu hẹp những hành động và tham vọng của mình lại.

Các nhà hiện thực tân cổ điển cho rằng một lý thuyết về CSĐN mà chỉ giới hạn trong những yếu tố mang tính hệ thống thì có vẻ không được chính xác. Đây chính là lý do khiến CNHT tấn công mắc sai lầm. Theo họ, để hiểu được cách thức mà các quốc gia nhận thức và đối phó với môi trường bên ngoài, các học giả phải phân tích việc các sức ép từ hệ thống được chuyển hóa thế nào thông qua các biến số can thiệp ở cấp đơn vị như nhận thức của các nhà lãnh đạo và cấu trúc bên trong của quốc gia. Trong thế giới của CNHT tân cổ điển, các nhà lãnh đạo có thể bị thúc ép bởi các yếu tố chính trị trong lẫn ngoài nước. Hơn nữa, tình trạng vô chính phủ không mang tính chất hỗn mang kiểu quan điểm của Hobbes, cũng không ôn hòa mà là mơ hồ và rất khó nắm bắt. Các quốc gia đã có một thời gian hết sức khó khăn để có thể hiểu được an ninh là sẵn có hay khan hiếm và đã mò mẫm tìm đường tiến lên phía trước, giải thích những chứng cứ mơ hồ và không hoàn chỉnh dựa theo những nhận định chủ quan của mình.

Do đó, về mặt này, các nhà hiện thực tân cổ điển đã lựa chọn đứng giữa các nhà lý thuyết cấu trúc đơn thuần và các nhà kiến tạo. Các nhà lý thuyết cấu trúc đơn thuần thừa nhận mối liên kết rõ ràng và trực tiếp giữa những căng thẳng ở cấp hệ thống và cách hành xử ở cấp đơn vị; các nhà kiến tạo thì lại cho rằng không có bất kỳ một căng thẳng cấp hệ thống khách quan nào, thay vào đó họ cho rằng thực trạng quốc tế thường được kiến tạo thông qua tương tác xã hội và rằng “tình trạng vô chính phủ là những gì các quốc gia tạo ra.”[17] Những nhà hiện thực tân cổ điển nhận định rằng thực ra có tồn tại cái gọi là thực tế khách quan của quyền lực tương đối và nó sẽ tác động sâu sắc lên sự tương tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, họ lại không cho rằng các quốc gia nhất thiết phải nắm rõ cái thực tế đấy một cách chính xác qua những sự vụ hằng ngày. Hans Morgenthau đã có một lập luận tiêu biểu cho rằng với lý thuyết của ông, các học giả có thể nhìn thấy cả trách nhiệm mà các chính khách phải gánh vác; những nhà hiện thực tân cổ điển cũng tin như vậy nhưng cảm thấy rằng, làm như vậy giống như thể đang đeo một cặp kính râm. Do đó, thế giới nơi mà các quốc gia rốt cục tồn tại trong đó thực ra chính là sản phẩm mà họ tự tạo ra.

Có người sẽ thắc mắc là tại sao lại không gọi những học giả với quan điểm như trên là những nhà hiện thực “cổ điển”- tại sao phải thêm một biệt ngữ khác vào một từ đã quá quen thuộc. Lý do chính là thật không may khi không có một thứ CNHT cổ điển đơn giản nào. Thay vào đó, thuật ngữ này dùng để chỉ chung cho một nhóm các học giả có các quan điểm khác nhau về các giả định, mục tiêu và phương pháp luận, do đó dùng thuật ngữ này sẽ không giúp ích cho những mục đích phân tích hiện tại.[18] Các học giả theo quan điểm này được công nhận như một trường phái riêng là nhờ vào bản chất phổ biến của vấn đề họ nghiên cứu – để phát triển một học thuyết về CSĐN rõ ràng và tổng quát – cũng như là nhờ vào các luận điểm chung trong các lập luận của họ. Mối bận tâm lớn nhất của họ chính là dựa vào và phát triển những nghiên cứu về quyền lực tương đối của các học giả đi trước bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng vai trò của những biến số can thiệp từ chính trị trong nước, hệ thống hóa cách tiếp cận, kiểm chứng với các trường phái đối lập cùng thời. Những điểm khác biệt của bốn học thuyết trên được tóm tắt trong Bảng 1.

Vì CNHT tân cổ điển nhấn mạnh đến vai trò của cả những biến số độc lập lẫn can thiệp nên nó cũng sử dụng một phương pháp luận đặc trưng được hỗ trợ bởi các phân tích đối chứng rõ ràng, truy nguyên những cách thức mà những nhân tố kết hợp khác nhau để đề ra những CSĐN riêng biệt. Tác phẩm đầu tiên của trường phái hiện thực tân cổ điển là Lịch sử chiến tranh Peloponnese của Thucydides, tác phẩm này dựa trên nền tảng của nhận định mang tính lý thuyết rằng “nguyên nhân thực sự” dẫn đến chiến tranh chính là “sự gia tăng sức mạnh của Athens, và Sparta cảm thấy bị đe dọa vì điều đó”, tác phẩm cũng mô tả cách thức các yếu tố trong hệ thống thông qua các biến số cấp đơn vị tác động tới CSĐN của rất nhiều thành bang Hy Lạp.[19]

Tiếp nối truyền thống của tác phẩm này, những nghiên cứu chính của các nhà hiện thực tân cổ điển cho đến ngày nay vẫn là những câu chuyện, những sự kiện liên quan đến việc các cường quốc đã đối phó thế nào với sự thăng trầm của quyền lực vật chất tương đối như: Fareed Zakaria nghiên cứu về Mỹ; William Curti Wohlforth nghiên cứu Liên bang Nga; Thomas J. Christensen nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc; Randall L. Schweller nghiên cứu về những bên tham chiến trong Thế chiến thứ 2. Những tác giả kể trên cũng thảo luận các vấn đề từ việc hình thành các liên minh đến vai trò của chính trị quốc nội đối với việc phát động chiến tranh ứng phó với những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải đối mặt. Những nghiên cứu của họ đã trình bày được một vài khía cạnh quan trọng và phức tạp của CSĐN đang tồn tại hiện nay.[20]

còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét