Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Chọn toán vì... không đủ sức vào ngành khác

Hơi bất ngờ vì thông tin GS.TSKH Lê Tuấn Hoa là viện trưởng Viện Toán học, đã kiểm tra qua trang web của Viện, thấy hoàn toàn đúng. Vậy là GS.TSKH Ngô Việt Trung đã thôi chức và chuyển sang là nghiên cứu viên cao cấp. Thế hệ quen biết cũ hết dần. Như nhà thơ - chú Việt Phương thường nói: Toán học là ước mơ không thành của tôi.

Chọn toán vì... không đủ sức vào ngành khác
TT - Nỗi lo lắng về chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu toán học nói riêng, khoa học cơ bản nói chung đã được đặt ra tại Đại hội toán học VN lần 8, đang diễn ra ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
GS.TS Lê Tuấn Hoa - viện trưởng Viện Toán học, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán - cho rằng chất lượng đầu vào khoa toán học ở các trường đại học tại VN những năm gần đây là một vấn đề rất đáng lo.
“Điểm tuyển vào ngành toán thường ở nửa dưới so với điểm tuyển trung bình của các trường đại học và thậm chí có xu hướng ngày càng thấp đi. Rất nhiều sinh viên chọn ngành toán chỉ vì lượng thấy không đủ sức vào các ngành khác. Do vậy, mặc dù số lượng sinh viên không phải ít nhưng số sinh viên có năng lực và đam mê toán học vô cùng hiếm hoi” - ông Hoa thẳng thắn.
TS Hoàng Nam Dũng (32 tuổi, Trường đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: “Toán là một môn khó, đòi hỏi sinh viên phải có một trình độ nhất định thì mới có thể học tập, nghiên cứu được. Nhưng với đầu vào như vậy thì dù các thầy cô giáo trong trường có giỏi đến mức nào, số sinh viên tốt nghiệp có chất lượng chắc chắn cũng không nhiều”.

Theo báo cáo của Hội Toán học, hiện đang có sự hẫng hụt về lực lượng kế nhiệm giảng dạy, nghiên cứu toán học. Trong năm năm qua có bốn đợt phong giáo sư và phó giáo sư, nhưng toàn bộ ngành toán (không kể phương pháp giảng dạy toán) chỉ có 10 giáo sư và 34 phó giáo sư mới được phong.

Toàn hội hiện có 70 giáo sư và 200 phó giáo sư toán, nếu chia cho 400 trường đại học, cao đẳng cả nước sẽ thấy lực lượng giảng dạy thiếu thốn nghiêm trọng. Do vậy, giáo viên dạy toán thường xuyên quá tải dẫn đến không còn thời gian nghiên cứu. Số lượng nghiên cứu sinh về toán cũng chưa được cải thiện nhiều, hầu hết các cơ sở đào tạo tiến sĩ toán không tuyển đủ chỉ tiêu.

PGS.TS Bùi Công Cường (Viện Toán học) nói: “Ở Viện Toán mấy năm nay hầu như không tuyển được nghiên cứu sinh ở Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố đứng đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, vì các em đều chọn những ngành nghề theo xu hướng xã hội. Chúng ta đã mất một lượng đáng kể những nhà nghiên cứu toán học có tiềm năng và năng lực”.

Theo GS.TS Lê Tuấn Hoa, trong “khung cảnh đầy u tối khiến nguy cơ tan rã và biến mất nền toán học VN non trẻ hoàn toàn hiện hữu” như vậy đã có một số nhân tố tác động để duy trì, phát triển toán học.

Đó là sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học quốc gia (NAFOSTED) giúp những người đam mê nghiên cứu toán học có thêm kinh phí nghiên cứu khoa học và chăm lo cuộc sống; chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng phê duyệt giữa năm 2010 và sự ra đời của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tạo bước đột phá để chấn hưng, phát triển toán học VN; giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields vào tháng 8-2010 là niềm tự hào của toán học VN, thúc đẩy giới trẻ tự tin, đam mê hơn với ngành khoa học cơ bản này...

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư - tân chủ tịch Hội Toán học VN, cần phải có mức hỗ trợ, đầu tư cao hơn cho những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản vì “nếu nhà khoa học không đủ sống thì làm sao anh ta nghiên cứu được”. Ông cũng nói rằng những tài năng trẻ toán học cần được phát hiện sớm, được khuyến khích nghiên cứu đặc biệt ngay từ khi còn ở ghế nhà trường phổ thông và phải được đưa vào các lớp tài năng khi lên bậc đại học.

DUY THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét