Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

(7) Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)

Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)

(tiếp theo)
Trong lúc cách mạng khó khăn, mấy anh tiểu tư sản đã chạy làng , đảng chỉ tìm được chỗ dựa ở công nhân thôi.
Nhân vật thứ hai Khắc được xứ uỷ cho móc nối là  chị Gái, công nhân xi măng . Đã là công nhân thì không thể có chuyện dao động, ngại khó, ngại nguy hiểm . Quả nhiên Khắc tới, chị Gái mừng lắm, bố trí nơi ở an toàn cho anh và hẹn :
Tôi đã báo tin anh về cho các đồng chí ở xi măng rồi . Các anh ấy mừng lắm và muốn gặp anh ngay…”
Thế là như cá trở lại nước, đồng chí phái viên xứ uỷ đã tìm được cơ sở đảng và bắt tay vào hành động.  Lực lượng trung kiên của Đảng còn lại gồm toàn công nhân. Trí thức tiểu tư sản đố  anh nào chen vào được . Đó không phải thực tế như vậy mà chính là “thực tại trong tiểu thuyết “ bị đòi hỏi phải như thế. Giữa cái “ đang là” và cái “phải là, tất nhiên ông nhà văn chọn cái “phải là” thì mới thể hiện được tính đảng và tính giai cấp .
Uốn nắn “thực tại ” theo quy luật vận động của “cuộc cách mạng vô sản”, Nguyễn Đình Thi cố gán ghép “động lực cách mạng Việt Nam” cho mấy anh thợ xi măng, thợ mỏ thực ra là sai bét. 
Giai cấp công nhân Việt Nam ốm yếu ra sao, có thực sự hợp thành một giai cấp như  định nghĩa kinh điển của Mác không, nhà lý luận mác xít Trần văn Giàu đã chỉ ra rất rõ trong công trình nghiên cứu của ông. Sự thực, lực lượng xách động và tổ chức quần chúng nổi dậy mùa Thu năm 45 phần lớn là trí thức tiểu tư sản hoặc trí thức quan lại đã bị chói loà bởi “thời cơ giải phóng dân tộc” và “sổ tay hướng dẫn làm cách mạng” được các học viên Đại học Phương Đông từ Liên xô đất nước của đồng chí Xít-ta-lin vĩ đại mang về làm cẩm nang hành động chứ chẳng phải do sức mạnh tự thân, “quật khởi” của giai cấp công nhân Hải Phòng, Hòn Gay .
Nhân vật điển hình cho lãnh đạo có rồi, vậy còn quần chúng cách mạng ? 
Theo đúng bài bản “ giai cấp công nhân hình thành phần lớn là do nông dân bị phong kiến bóc lột, bần cùng hoá phải lên thành phố kiếm sống mà trở thành công nhân, đội ngũ tiên phong của cách mạng..”, Nguyễn Đình  Thi cũng đưa ra một nhân vật đúng khuôn mẫu như vậy. Đó là anh nông dân tên Côi, sống ở quê rất nghèo, yêu chị Quế, gái goá . Anh Côi phải đi phu 3 tháng rồi bỏ về Hải Phòng kiếm sống. Khi đã có một món tiền rồi, Côi trở về làng cưới chị Quế và nếu diễn tiến  tiểu thuyết y như thế thì làm gì có anh Côi sau này thành cán bộ hoạt động trên thành phố. Chính vì vậy nhà văn đã phải cho chị Quế…chết đi bằng nguyên nhân ngớ ngẩn là đi mò cua giẫm mảnh sành về ốm mà chết. Vậy là anh Côi không còn cớ gì ở lại quê nữa, phải lên thành phố thành công nhân cách mạng thôi.
“Quế thì đã chết rồi. Thôi, Côi không thể ở lại đây được nữa. Côi nhớ lại bao nhiêu chuyện anh đã thấy ở Hải Phòng , những chuyện làm cho anh và Mầm nhiều đêm nằm rì rầm bàn với nhau không sao ngủ được. Chưa biết phải đi đâu , nhưng Côi phải đi thôi . Đi để tìm một cái gì , chưa biết, nhưng hình như phải tìm thấy một cái gì , Côi mới sống được …”
Cái gì – đó chính là cách mạng. Là cái ông nhà văn dụng công dàn dựng để tất cả những ai  nghèo khổ, nhưng ai bị áp bức trên thế gian này, đều sẽ gặp nó trên đường đời.
Tính chân thực, tiêu chuẩn hàng đầu của nghệ thuật đã bị Nguyễn Đình Thi  gạt qua bên để xây dựng cho được bức tranh hoành tráng về phong trào cộng sản ở Việt Nam theo một quy tắc nghệ thuật vị chính trị, dẫn tới một hiện thực phi hiện thực. Chính  cái sai phạm  chết người đó đã làm Nguyễn Đình Thi thật uổng công  biết chừng nào khi vắt tâm não lên trên hai ngàn trang tiểu thuyết mà giá trị của nó chẳng được bao nhiêu.
Xưa nay người ta vẫn cho rằng Nguyễn Đình Thi là “đứa con Hà Nội” bởi những tác phẩm ông viết về cái “quê hương tinh thần” của trí thức Bắc kỳ này. Ngày nay, mở đầu cuộc họp của các “Hội đồng hương Hà Nội”  ở Sàigòn và các thành phố lớn phía Nam, người ta thường  đứng cả dậy đồng thanh cất tiếng hát :” Đây hồ Gươm, Hồng hà, hồ Tây…”. “Bài ca người Hà Nội “ của Nguyễn Đình Thi từ lâu đã trở thành bài hát chính thức của các hội đồng hương này.
Nhưng đó chỉ là trong âm nhạc hay chính xác hơn trong duy nhất một bài hát. Tiếc thay trong văn chương, hay hẹp hơn, trong tiểu thuyết Vỡ bờ, mặc dầu đổ rất nhiều công sức viết về Hà Nội những năm 1940-45, Hà Nội của những “Hanoiennes”,  của Thạch Lam trong “ Hà Nội, 36 phố phường ”, của Vũ Bằng trong “ “Thương nhớ mười hai”…; Nguyễn Đình Thi chỉ dựng được một Hà Nội méo mó bởi  thiên kiến chính trị, nhìn đâu cũng thấy sự “phân chia giai cấp”, sự hằn thù thực dân , ý thức đạp đổ tiến lên làm cách mạng…
Đọc những chương Nguyễn Đình Thi viết về Hà Nội, người ta nhận thấy ông đã tự giam mình trong những chuẩn mực rất thực dụng của cách mạng, tự ngăn mình không tới được những phong vị đặc trưng rất Hà Nội trong văn hoá, trong cái đẹp thuần khiết; tự biến mình thành một kẻ tục tử chối từ những hương sắc tế vi, vẻ lung linh mà đất kinh kỳ chỉ giành cho những đứa con đích thực của nó như Bùi Xuân Phái trong “phố Phái”, Hoàng Dương , Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác …trong những ca khúc “rất Hà Nội.”
“ Một tối thứ bảy, nhà hát Tây có buổi biếu diễn long trọng của nữ sinh các trường học ở Hà Nội…” và Nguyễn Đình Thi đã nhìn “những tà áo dài trắng”, những “dáng kiều thơm” không phải vẻ đẹp của họ mà ở…thành phần xuất thân :
” Về phía các nữ sinh người Nam thì ở đây cũng đã kén chọn các bậc hoa khôi trong hàng tiểu thư , lệnh ái các quan tuần , quan phủ hoặc các công thương gia , thượng lưu trí thức…”
Và ông dè bỉu :
“ Các nhà phê bình nghệ thuật trên mấy tờ báo Curiê  hoặc Vôlônggiê cũng như Đông Pháp hay Trung bắc lại bàn nhiều về cuộc thi tài giữa hai trường phái  nhạc và múa ở đất Hà thành văn vật : một bên là trường phái của vợ chồng giáo sư Rôbe dạy trường lytxê và bên kia là trường phái của trung tá Phécnăng chỉ huy đội kèn lính khố xanh và giáo sư nhạc trường nữ học An Nam…”
Nhà hát lớn thành phố Hà Nội được NĐT mô tả  không kém “ riễu cợt ” vì nó là sản phẩm của “thực dân Pháp” :
” Cái nhà hát làm theo kiểu thế kỷ 19 ở Pháp, đèn điện thắp sáng choang. Từ ngoài cửa chính vào , đã trải thảm đỏ cho đến tận cầu thang lên tầng giữa . Một xe ô tô đỗ sịch, cửa mở ra , lại có một ông Tây áo đen , nơ đen , một bà đầm mặc váy loà xoà , bước xuống và khoác tay nhau leo lên các bậc thềm , giữa sự chú ý của mọi người…” . 
Những ông tây , bà đầm này, sang thời hiện đại , ngay cả lúc sinh thời Nguyễn Đình Thi đã lại bỏ tiền chỉnh trang Nhà Hát lớn như một công trình văn hoá, một kỷ niệm của nền văn minh Pháp mang tới đất kinh kỳ vào thời người Hà Nội còn chưa nghe nói tới chủ nghĩa Mác và nước Liên xô thành trì của cách mạng thế giới cũng chưa ra đời. Tiếc thay cho ông nhà văn, Liên xô đã tan từ lâu mà cái Nhà Hát lớn thành phố Hà Nội do thực dân Pháp dựng nên, vẫn  còn lại mãi.
Thế còn “ Khách đi  xem hôm nay toàn là các nhà quý phái, bậc thượng lưu của đất Hà Nội “  thì ra sao ?
Họ là “Một bà mặc áo nhung đỏ tóc uốn quăn, mặt phấn trắng như bột , đang cười  cười và nói tiếng Pháp liến láu, đi sóng đôi với một ông tây to béo , râu mép đen rậm bước lên cầu thang. À…madam Ngọc Oanh đi với ông Giám đốc học chính Đông Dương . Ai không biết rằng bà Ngọc Oanh, bà đốc trường nữ học An Nam. Bạn của bà toàn là các quan tây cả. Đấy , như hôm nay , người An Nam có ai được lên tầng giữa đâu , vậy mà bà vẫn đàng hoàng được mời lên trên ấy.Con mụ có lẽ đã ngủ với gần hết các vị nguyên thủ Bắc kỳ . Lão thống sứ Satiền, nhân tình của mụ, mới về tây có hơn một tháng , bữa nay đã thấy  mađam  đi với lão này rồi…”
Oh Mon Dieu, lậy đức Mẹ Đồng Trinh, một phụ nữ ở cương vị cao quý là hiệu trưởng trường nữ học Hà Nội như trường Trưng Vương, trường Thanh Quan …mà lại phải mang thân đi ngủ với đủ các ông tây thì thử hỏi ở những công sở khác, các  quý bà quý cô thời đó có còn ai không phải là điếm ? 
Chẳng hiểu Nguyễn Đình Thi đã lấy nguyên mẫu ở đâu để đẻ ra cái  nhân vật “bà đốc trường nữ học An Nam Ngọc Oanh “ này hay chỉ là sự vu cáo bỉ ổi và trắng trợn, sản phẩm của “ con quái thú “ có tên là “tưởng tượng” được nuôi dưỡng bằng lòng căm thù “thực dân Pháp” và ghen ghét trí thức thượng lưu Hà Nội ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét