Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

(5) Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)

Hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng (!)
(tiếp theo)
Cùng hội cùng thuyền Hai Khanh, tầng lớp “ thống trị” có quan huyện Môn từng tâm sự :
Cái nghề làm quan bây giờ có phải dễ kiếm như vậy đâu. Xoay được của thằng dân đen vài chục bạc thì có khi vã mồ hôi trán ra. Nhất là ở huyện ông trị nhậm, mấy năm vừa rồi , được thế mặt trận bình dân , cộng sản nó mọc lên như rươi . Những thằng khố rách áo ôm cũng doạ biểu tình và giở lý sự ra với quan. Làm quan bây giờ khó, khó lắm. Thật ra là trên đe dưới búa…”
Vậy sợ chưa đủ xấu, ông nhà văn diễn tả cả cái nỗi bực của quan vì vợ mình không …chịu “hiến thân “ cho Tây :
“ Nỗi bực của ông huyện lại kéo đến. Phượng (bà huyện) chỉ cười với quan công sứ một tí thôi, tiếp người ta một tí thì mình chẳng phải lẹt đẹt mãi thế này. Ngay cả quan công sứ Hải Dương từ lần gặp Phượng ngày tết tây trên tỉnh cứ hỏi thăm bà huyện luôn. Giả thử Phượng chiều lão ta một lần đi nữa cũng có mất mát gì . Miễn là chồng bằng lòng thì thôi chứ…”
Các “quan” đã xấu vậy, vợ các “quan” làm sao tốt ?
 Bà huyện Môn thì “dâm ngầm” :
"Mắt và môi bà lúc nào cũng hơi ướt, đôi mắt mơ màng có khi bất thình lình nhìn thẳng vào một người đàn ông như hơi chế riễu và hỏi :” Ông hãy nhìn kỹ đi, có phải  tôi đẹp mê hồn không ?”. 
Bà tuần Vi thì lại :
“ngực đét như một con mắm, cái mặt luôn luôn hơi vênh lên. Tướng bà có chỗ khác người nhất là hai cái tai to tuớng chừng gần chấm xuống đến vai . Kẻ xấu miệng thì bảo bà có tính ngồi đâu cũng làm như mẹ người ta…”. 
Còn bà Phán Đệ :
 “béo nục nạc, vừa rút một cái gương con trong túi ra. Bà quay vội đi xoa thêm ít son đỏ lên cặp môi rồi lại quay trở lại nói the thé…”
Tất nhiên, con cái nhà quan cũng xấu xa không thua gì bố mẹ :
“Cậu Tường, con trai ông nghị, hai mắt cậu như bị thôi  miên bởi vẻ đẹp rực rỡ của bà huyện…”, rồi đến tối khuya, cậu rình con ở tắm để làm bậy. “ Xoan lên bờ đang mặc áo thì một cái gì ở đằng sau chồm lên vồ lấy nó…Hơi rượu phả ra nồng nặc, hai cánh tay ôm chặt lấy nó. – Im, tao bảo…Tiếng “cậu Tú” Tường lào phào , hơi rượu còn sặc sụa, tay sờ soạng ghì lấy người con gái…”
Tầng lớp “thượng lưu” càng xấu xa, độc ác, bỉ ổi bao nhiêu thì tầng lớp “ bình dân”, ngược lại , càng tốt đẹp, cao thượng, tình người bấy nhiêu.
Nhà Xoan đi ở đợ và mẹ là Mùi giống y hệt nhà chị Dậu trong “Tắt đèn” của Nguyễn Công Hoan, trong khi đám địa chủ đối xử với họ độc ác quá cầm thú thì những người cùng khổ lại yêu thương, đùm bọc lẫn nhau theo đúng “tinh thần hữu ái giai cấp”.
Tất cả nhân vật từ giới thượng lưu tới đám dân đen trong Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi đều được phát triển theo  một công thức cứng nhắc đó, tuyệt nhiên không có ngoại lệ.
Bởi lẽ nếu nhà văn để cậu tú Tường , con địa chủ Hai Khanh không ức hiếp con ở, không bóc lột người cấy rẽ…thì tức đã thừa nhận ngoài tính giai cấp ra, con người còn có một ‘tính chung” nữa – đó là “nhân tính”.
Suốt mấy chục năm lịch sử của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, cái phạm trù nhân tính này đã gây ra biết bao “tai nạn lao động” cho các nhà văn, nhà thơ, nhà kịch, nhà nghệ sĩ tạo hình…
“ Anh đã chót yêu con địa chủ
Quá yêu rồi biết bỏ sao đành…:”
Đó là cái phần “nhân tính” đã nổi lên, cần phải diệt trừ nó , bởi lẽ cách mạng tuyệt đối không thừa nhận “nhân tính”. Nhân vật của Nguyễn Đinh Thi cũng vậy, nó được quy định chặt chẽ bằng “giai cấp tính” – đã là con địa chủ hoặc tư sản phải có máu “hưởng thụ và bóc lột” , đã là con nhà công nhân nhất định phải có gien “tổ chức và kỷ luật”, con nhà nông dân thoát sao được đầu óc tư hữu, tiểu nông, con nhà tiểu tư sản thì bấp bênh, dao động…
Quy phạm về con người trong văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa rõ ràng vậy, các ông nhà văn chỉ còn có mỗi việc “sáng tạo” gia giảm liều lượng mà thôi, ông nào say sưa, quá đà để nhân vật mon men đến chỗ dính nhân tính , thế nào cũng mắc “tai nạn nghề nghiệp” .
Nguyễn Đình Thi là người đầu tiên đưa “các đồng chí đảng viên cộng sản” vào tiểu thuyết ViệtNam.
Tất nhiên trước hết là những con người vô cùng dũng cảm, sẵn sàng chết cho lý tưởng  cộng sản , lúc nào cũng lo làm  cách mạng :
“ Ừ, thằng Se suốt năm ở hầm xay lúa như trâu, thằng Đàm loẻo khoẻo mỗi lần đấu tranh cứ xông ra chịu đòn cho anh em khi cai ngục, mã tà vào banh nện dùi cui như mưa rào, thằng Chấn anh em gọi đùa nó là Giáo sư đỏ, bị bệnh lở tuột cả da từ thắt lưng trở xuống, nhiều hôm cứ ở truồng như nhộng, thịt đỏ hon hỏn ngồi xổm giảng biện chứng duy vật…”.
Trên cái nền đỏ chói ngời “khí tiết cộng sản” đó, Nguyễn Đinh Thi đã dụng công dựng nên chân dung một lãnh tụ cộng sản tất nhiên là theo chiều hướng thổi lên tận mây xanh…
Các nhà văn trong nước thường được dậy dỗ cách xây dựng nhân vật gọi là “điển hình hoá”, trong đó  theo nhà văn Lỗ Tấn “ lấy cái tai của người Sơn Đông, cái mắt người Sơn Tây , cái mũi người Sơn Nam…” mà ghép lại thành nhân vật.
Khi xây dựng “hình tượng nhân vật” là lãnh tụ cộng sản, Nguiyễn Đình Thi cũng theo phương pháp này, bởi thế anh Khắc trong truyện “ Vỡ bờ” phảng phất lý lịch mấy ông  Trần Phú, Nguyễn Ái Quốc, Lề Hồng Phong …mỗi ông một cái “tai”, cái “mắt”, cái “mũi” mà kết thành.
"Đồng chí"  Khắc xuất thân gia đình  tham gia Cần Vương, bố bị Pháp bắt tù, mới ngoài 20 tuổi Khắc đã bị đi đầy Côn Đảo, hết tù trở về hoạt động trong phong trào công nhân xi măng Hải Phòng… Thật là một lý lịch lý tưởng cho một ông lãnh tụ cộng sản.
Tuy nhiên loại nhân vật này rất hiếm hoi, các ông phần lớn “nằm vùng”, hoạt động trong bóng tối, con người  thực của mấy ông kín như bưng, ít người được biết tới, ngay đến nhà văn cách mạng Nguyễn Đình Thi cũng ít cơ hội gần gũi mấy ông, bởi thế xây dựng nhân vật này rất khó mà hoá dễ.
Khó vì sự cách bức trên mọi phương diện, cơ hội được gặp lãnh tụ đã hiếm hoi, gặp  được rồi lại chỉ toàn nghe ý kiến chỉ đạo, răn dậy hoặc giảng đạo chứ mấy khi bắt gặp được “con người thực ” của mấy ổng. 
Dễ là vì đó là những bậc “thánh thần” cứ tha hồ mà bốc lên mây xanh không sợ cấp trên thổi còi, bạn đọc cũng không phản đối vì thực hư có hay biết gì đâu ?
Có lẽ vì sự hiếm hoi của các chi tiết nhân vật, ông nhà văn bê nguyên xi cả văn bản nghị quyết vào mô tả hai nhân vật “lãnh đạo cộng sản” là đồng chí Lê – xứ uỷ và đồng chí Khắc – thành uỷ :
“Bước đường sinh tồn của dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả mọi ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng  để giành lấy giải phóng dân tộc…” Khi Lê đọc xong, họ cùng im lặng mấy phút. Những lời trong bản nghị quyết như còn bỏng lửa trong đầu óc họ…”
Nhà văn Nguyễn Đình Thi bộc lộ rõ một điều, cả Lê và cả Khắc dù là trí thức, nhưng những gì đã thành Nghị quyết Đảng đều là chân lý tuyệt đối không được  mảy may nghi ngờ.
Nghe xong nghị quyết, họ chỉ thấy nóng bỏng đầu óc tìm cách thực hiện , tuyệt nhiên không nghĩ tại sao bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương lại chỉ có mỗi một con đường đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và mọi ách ngoại xâm bất kỳ da trắng hay da vàng ? Tại sao các nước như Thái LanSingaporeIndonesia…không đi theo con đường đó mà dân tộc họ vẫn sinh tồn và phát triển lại tránh được núi xương sông máu ?
Cái hạt nhân “hiện thực” nhà văn NĐT vô tình để lại trong xây dựng nhân vật lãnh đạo cộng sản là sự tuân phục răm rắp những gì cấp trên đã răn dậy, đã trở thành nghị quyết, tuyệt đối không xét lại, không bàn luận chỉ có nhắm mắt chấp hành và chấp hành .
Ý thức tuân phục chẳng những là “cố tật” của lãnh đạo cộng sản mà tràn lan sang cả những trí thức , tự nguyện  thiến  bỏ phẩm chất cốt lõi nhất của họ  – đó là sự “ngờ vực”  để tự biến thành một thành phần  “trang nghiêm” trong đàn cừu .
 Cho mãi tới tận ngày nay, cái khả năng “ngờ vực” ấy xem ra vẫn chưa được hồi phục trong những người được gọi là “ trí thức trong nước “ bởi lẽ mọi suy nghĩ của họ xem ra vẫn ” nghĩ  trong  những điều Đảng nghĩ” và như thế liệu họ có đáng được  gọi là  trí thức   không ?”   
Một khi chỉ cần tới những người chỉ biết “tuân phục”, tự cắt bỏ khả năng “ngờ vực” thì suy cho cùng cách mạng đâu cần tới trí thức ? Đó là căn nguyên rốt ráo vì sao mới ra đời, còn trứng nước, Đảng đã đòi “ đào tận gốc, trốc tận rễ”  các tầng lớp  “ trí phú địa hào” – trong đó anh “trí thức ” là đối tượng số 1, vì sao lãnh tụ cộng sản Mao Trạch Đông lại coi trí thức không bằng “cục cứt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét