Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Việt Nam có nên phá giá đồng tiền?

Nhân đọc bài "Tăng tỉ giá: Đừng quá lạc quan!" của TS Lê Đăng Doanh, tôi có nhớ lại giai đoạn 1999-2002 đã kiên trì đề nghị Việt Nam nên phá giá 30%, tốt nhất là 50%, nhưng thất bại vì ai cũng sốc trước những con số khổng lồ đó. Dưới đây là một trong các bài phê phán quan điểm của tôi (đến năm 2002, để giảm sốc tại Hội thảo, tôi đã đưa mức phá giá khuyến nghị xuống chỉ 15-20%).
Việt Nam có nên phá giá đồng tiền?
Thứ bảy, 1/6/2002 09:47 GMT+7
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đi những bước chuyển tiếp trên đường hội nhập, quan điểm ủng hộ việc phá giá mạnh tiền đồng nhằm tạo ra những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế đã được các chuyên viên kinh tế Phạm Đỗ Chí, Lê Việt Đức và Trần Thị Thu Hằng đưa ra tại TP HCM trung tuần qua.
Một trong những tác động của việc phá giá tiền đồng là 
làm cho nhiều doanh nghiệp không trả được nợ nước ngoài.
Tại hội thảo 'Thách thức của hội nhập", ông Phạm Đỗ Chí (giáo sư kinh tế và tài chính ban thạc sĩ kinh doanh trường American University tại Washington SC), ông Lê Việt Đức (chuyên gia kinh tế tổng hợp tại Bộ Kế hoạch và đầu tư), bà Trần Thị Thu Hằng (chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề hội nhập kinh tế Bộ Thương mại) cho rằng, dù đồng Việt Nam vẫn mất giá hàng năm, nhưng mức tỷ giá này lại không hỗ trợ cho hàng xuất khẩu cạnh tranh, nhất là những năm gần đây. Theo tính toán của họ, nếu lấy tỷ giá năm 1992 làm mốc thì từ năm 1995 đến nay, đồng Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-17% so với tiền của 18 bạn hàng lớn nhất. Các chuyên viên này cũng đưa ra hàng loạt các số liệu để chứng minh chính sách tỷ giá hiện nay là không hợp lý.

Họ cho rằng, hậu quả lớn nhất của việc định giá cao đồng nội tệ là làm giảm tăng trưởng xuất khẩu và kích thích nhập khẩu. Điều này cũng hạn chế sự phát triển nông nghiệp, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, và tăng hàng rào bảo hộ mậu dịch. Phá giá tiền đồng Việt Nam, theo nhóm chuyên viên này, nên được xem là một trong những nhân tố cơ bản giải quyết nhiều vấn đề nan giải của nền kinh tế. Một gợi ý táo bạo của nhóm chuyên gia này là có thể phá giá đồng tiền khoảng 15-20%, làm ngay một lần trong năm và sau đó duy trì ở mức bình quân. Ông Phạm Đỗ Chí nhấn mạnh: "Nếu Chính phủ chấp nhận phá giá mạnh cộng với việc phá bỏ sự độc quyền trong việc mua nông sản thì khu vực nông thôn sẽ được hưởng lợi rất lớn, sản xuất nông nghiệp sẽ có bước phát triển mới".

Tuy nhiên, nhiều chuyên viên kinh tế khác tỏ ra không đồng tình với quan điểm trên vì cho rằng, phá giá đồng Việt Nam ở thời điểm này là khá phiêu lưu. Ông Đinh Xuân Quân, cố vấn kinh tế chương trình viện trợ của Mỹ tại Indonesia nói: "Khi bàn đến chính sách tỷ giá ở Việt Nam phải liên tưởng ngay đến một số lượng ngoại tệ đang nằm trong dân cư. Do đó phải rất cẩn thận khi đề cập đến vấn đề này không thể dựa vào các số liệu thống kê chính thức để đưa ra các quyết định về phá giá". Ông Quân còn tỏ ý nghi ngờ việc phá giá mạnh tiền đồng sẽ mang lại lợi ích lớn cho nông dân.

Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TP HCM cho rằng, trước khi đưa ra quyết định phá giá, các nhà hoạch định chính sách xuất nhập khẩu và các nhà quản lý điều hành tiền tệ phải giải cho được bài toán đầu ra cho xuất khẩu. "Tức là phải cân nhắc nếu phá giá thì khu vực xuất khẩu được gì và cụ thể là ngành nào được? Đồng thời phải dự đoán được các khoản nợ của nền kinh tế sẽ ra sao?", ông Lịch nói.

Hai chuyên viên kinh tế Trần Tô Tử và Huỳnh Bửu Sơn nêu lên một tác động khác của việc phá giá mạnh tiền đồng là khiến cho nhiều doanh nghiệp đang nợ nước ngoài không trả được nợ, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư máy móc để đổi mới công nghệ sẽ bị phá sản. Bên cạnh đó, theo ông Tử, cái mà doanh nghiệp cần là chính sách tỷ giá ổn định để an tâm làm ăn. Nhiều doanh nghiệp đã nói rằng, phải mất một thời gian rất lâu họ mới giảm được nỗi ám ảnh về đồng tiền bị mất giá, thoát khỏi ý nghĩ găm giữ ngoại tệ. Vì thế, không có lý do gì chúng ta lại gieo tâm lý bất ổn cho họ vào lúc này.

Ông Trương Văn Phúc, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank cũng đồng ý rằng, việc phá giá đồng Việt Nam trong thời điểm hiện nay đồng nghĩa với việc phá đi lòng tin của công chúng vào sự ổn định của chính sách tiền tệ. Chính phủ nên chọn một chính sách tỷ giá phù hợp nhưng linh hoạt hơn, tức là biên độ dao động theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày phải được nâng lên, lý tưởng là 5%.

Dù còn có những cự ly khác nhau về một tỷ giá tối ưu cho đồng Việt Nam, những người tham dự hội thảo đều đồng ý việc cần làm là phải lựa chọn một chính sách tỷ giá như thế nào cho phù hợp. Chính sách đó phải góp phần tích cực trong việc tăng trưởng kinh tế, không những cho hiện nay mà ngay cả khi Việt Nam hội nhập mạnh hơn về nền kinh tế thế giới.

(Theo TBKTSG)

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/viet-nam-co-nen-pha-gia-dong-tien-2668903.html
http://vietbao.vn/Kinh-te/Viet-Nam-co-nen-pha-gia-dong-tien/10772711/87/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét