Chỉ những kẻ hèn nhát mới có hành vi lạm dụng động vật.
Hằng ngày, tôi hay thấy những cái tin “trộm chó bị đánh chết” lan tràn trên tất cả các báo. Khỏi phải nói về mức độ hung tợn của những tên “cướp chó” – phải dùng từ đó mới chính xác, hoặc sự tàn nhẫn của các hành động mà những đám đông – trong cơn cuồng nộ và gần như mất lý trí – giáng xuống bọn cướp chó. Nếu Google từ khóa “trộm chó bị đánh chết,” bạn sẽ có 3,8 triệu kết quả trong 0,23 giây, với đủ mọi hình thái bi kịch của câu chuyện này.Bây giờ tôi không còn đọc những cái tin như thế nữa. Tôi có đọc ở đâu đó, đại ý rằng, nếu bạn tiếp nhận quá nhiều tin xấu thì bạn sẽ trở thành người mất niềm tin vào cuộc đời, một thái độ không tốt cho cuộc đời bạn.
Nhưng khi thấy những tiêu đề đó, tất nhiên, tôi phải suy nghĩ về những con chó, những tên cướp và những người xung quanh mình.
Tôi vẫn nhớ mình có 1 lần ăn thịt chó. Khi đó tôi còn rất nhỏ, ở quê, xung quanh mọi người cũng ăn thịt chó. Thời đó, có thịt ăn là sướng rồi, vì đói khổ, thiếu vitamin. Tôi thấy nó cũng như các món thịt khác. Sau này, người ta có món giả cầy, tức giả thịt chó.
Rồi có lần, năm 2007, ở London, tôi đến phòng thu của một đài phát thanh tư nhân. Hôm đó họ làm chương trình trực tiếp vợ của John Lennon là Yoko chuẩn bị ăn thịt một con corgis, giống chó Hoàng gia Anh đang nuôi, để phản đối Hoàng gia săn bắn động vật hoang dã. Thực ra, bà ấy không ăn thịt chó, chỉ dọa như vậy để gây chú ý mà thôi.
Chuyện cướp chó rồi bị cả đám đông đánh chết, có lẽ hiếm xảy ra trên thế giới. Tôi nhớ mình hầu như chưa từng đọc được những tin dạng này ở các bản tin thế giới. Chó với những nước văn minh, phát triển, là những người bạn thân thiết, một thành viên quan trọng rất trung nghĩa của gia đình. Còn ở Việt Nam, nó cũng là một thành viên, nhưng người ta vẫn có thể làm thịt ngay thành viên đó.
Vậy tại sao lại không nên ăn thịt chó?
Vì giờ đây, chúng ta đã có nhiều lựa chọn thức ăn rồi, không nhất thiết phải ăn thịt chó mới sống được. Tôi rất đồng ý với quan điểm của cô Michele Brown, nhà hoạt động bảo vệ động vật:”Ở thời đại này, thực phẩm đã đầy đủ hơn, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn, đặc biệt là ở Việt Nam, chúng ta không cần phải ăn thịt chó, thịt mèo.”
Vì nếu ăn thịt chó ở bất kỳ một cửa hàng thịt chó nào không rõ nguồn gốc, người ăn thịt chó tiếp tay cho hành động cướp chó, giết người. Bất kỳ miếng thịt chó nào được ăn cũng có thể xuất phát từ một con chó đã bị cướp, chủ nhân của nó vô cùng đau khổ, những đứa trẻ mất đi bầu bạn tìm kiếm khắp nơi, để lại những người sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để chuộc lại. Mất mát tinh thần rất lớn.
Vì người ăn thịt chó gián tiếp gây ra những cảnh đau thương của biết bao gia đình. Bọn cướp chó, dù 80% trong số đó là nghiện hút ma túy, sẽ không đi cướp nữa nếu giá chó không cao mà cái giá chúng có thể phải trả quá lớn. Khi cầu còn thì cung sẽ còn. Cầu nhiều thì cung nhiều, cầu ít thì cung ít. Bạn ăn thịt chó không rõ nguồn gốc có thể bị quy vào “là một hành động tiêu thụ đồ ăn cướp, đồ gian,” bình thường có thể bị đi tù. Nhưng luật pháp Việt Nam chưa chặt chẽ, chưa động đến những người ăn thịt chó mà thôi.
Người ăn thịt chó gián tiếp gây ra một xã hội bất ổn, mà trong đó, người ta sử dụng luật rừngđể xử nhau.
Bạn có thể nói những người không ăn thịt chó, mèo, là đạo đức giả, vì nếu họ ăn gà, chim, cá, thì cũng là ăn động vật. Nhưng gà, chim, cá…không được mọi người gọi là “bạn của con người,” và giết nó cũng không gây ra những thảm cảnh kinh hoàng như cướp chó, cho dù với nhiều người, họ nuôi gà cảnh, chim cảnh, cá cảnh. Gà, bò, heo… là những con vật có thể nuôi phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt của con người. Ở những nước tiên tiến, thịt những con vật này cũng phải trải qua quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo là chúng chết một cách êm ái nhất, không dã man nhất. Tất cả những hành vi gây đau đớn cho bất kỳ động vật nào đều không để lại sự yên bình trong tâm. Tôi đọc tản văn Sorry cá kèo! của Nguyễn Vĩnh Nguyên để thấy thêm rằng, thực ra, còn lâu lắm con người mới thực sự nhận ra mình có thể thay đổi lối sống để có sự an hòa trong cuộc đời.
Tôi không ăn những con vật bị bẫy trong tự nhiên, những con vật có trong sách đỏ, những con vật đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Tôi cũng không cho rằng sừng tê giác, mật gấu, ngà voi…là những thứ cần thiết để đảm bảo sức khỏe hay làm cho mình sang trọng hơn. Thế kỷ 21 rồi, chúng ta đã có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống. Hãy để những con vật xung quanh mình yên, để chúng sống cuộc đời an bình, cũng như chúng ta muốn sống cuộc đời an bình.
Tôi vẫn nhớ một ông thầy người Mỹ của mình để trước cửa tấm thảm chùi chân, trên đó ghi những lời rất cảm kích của một tổ chức động vật khi ông nhận nuôi 1 con chó bị đối xử rất tàn tệ. Con chó bị đánh đập đến mức như bị mất trí, nửa đêm ngủ toàn gặp ác mộng, rồi khi về nhà mới, nó quấn lấy ông ấy không rời.
Nếu ở nhiều nước trên thế giới, những con chó, mèo bị đối xử tàn nhẫn có thể được đưa đến những trung tâm chăm sóc chó mèo của các tổ chức phi chính phủ. Ở Việt Nam, những tổ chức đó chưa có, hoặc hoạt động hãy còn nhỏ lẻ do thiếu nguồn kinh phí. Khi xã hội dân sự phát triển, những vướng mắc như thế này sẽ được tháo gỡ dễ hơn.
Một trong những chương trình yêu thích của tôi về chó là Dog Whisperer của Cesar, chuyên dạy các chủ nhân của chó cách đối xử và chăm sóc chó đúng cách, điều chỉnh hành vi “khùng” của cả chủ và chó để 2 bên sống vui vẻ, đem lại hạnh phúc cho nhau. Xem rất hài hước và thú vị, học được nhiều điều về bản thân mình và cách đối xử với những con vật xung quanh.
Bởi vậy, bạn có thể vẫn ăn thịt chó vì bạn…thích, quen, tin là ăn thịt chó sẽ giúp mình…đàn ông, giải đen và sành điệu hơn (!). Còn tôi, tôi sẽ thích bạn hơn nếu bạn không ăn thịt chó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét