Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Trọng cung hay trọng cầu để “cứu” nền kinh tế?

Đối với các nước đang phát triển, dài hạn và trung hạn thì phải trọng cung, nhằm tạo ra một trục phát triển đúng với tiềm năng nhưng về ngắn hạn thì phải trọng cầu để điều chỉnh những méo mó, lệch lạc nhất thời trong quá trình tăng trưởng để nắn quỹ đạo tăng trưởng thực tế về sát với trục tăng trưởng dài hạn.
Các chương trình ổn định kinh tế (dựa trên kiểm soát chặt cầu, tức là áp dụng chính sách khắc khổ) của IMF áp dụng trong những năm 60-70 đã thất bại vì kéo quá dài; lẽ ra chỉ áp dụng ngắn hạn để ổn định kinh tế theo đúng mục tiêu, khi các cân bằng kinh tế cơ bản đã bắt đầu được khôi phục thì phải chuyển sang trọng cung song IMF đã không làm nên thất bại.
Từ cuối thập kỷ 70, đầu những năm 80, IMF đã chuyển sang chính sách điều chỉnh kinh tế với mục tiêu là trọng cung, nhưng không phải là trọng cung thông qua đầu tư ào ạt như VN mà qua sửa chữa những méo mó, lệch lạc trong cơ chế chính sách để khơi thông các nguồn vốn trong dân, từ đó vừa làm tăng vốn đầu tư tự có vừa nâng cao hiệu quả đầu tư.
Sau khủng hoảng kinh tế, tài chính châu Á 1997-1998, IMF đã điều chỉnh một bước mô hình phát triển trên bằng cách phối hợp với các tổ chức khác tạo thêm nhiều cơ chế cho phép vốn quốc tế lưu thông thuận lợi hơn giữa các nước để giúp nước cần vốn có thể huy động thêm vốn từ nước dư thừa. Đây cũng là một cách trọng cung.
VN đã đi theo mô hình trọng cung dựa hoàn toàn vào vốn đầu tư mà không chú ý tới hiệu quả sử dụng vốn. Đặc biệt từ khi thủ tướng Dũng lên nắm quyền thì tốc độ đầu tư được đẩy lên rất cao, dẫn tới khủng hoảng. Hiện nền kinh tế vẫn trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, cần tiếp tục kiểm soát chặt cầu để ổn định trở lại, đặc biệt là khôi phục lòng tin bằng những chính sách và cam kết dài hạn hợp lòng dân; trên cơ sở ổn định từng bước sẽ dần dần nới lỏng kiểm soát cầu và hỗ trợ tăng cung để đưa nền kinh tế trở lại trục tăng trưởng tiềm năng. Để làm được điều này ở VN, nên có một cuộc đổi mới kinh tế lần thứ 2 dựa trên tư duy phát triển mới thì quá trình phát triển dài hạn mới bền vững. Tiếc thay chính phủ vẫn chưa làm được gì nhiều để khôi phục lại lòng tin. Do đó nếu áp dụng ngay chính sách trọng cung ồ ạt thì nền kinh tế và đất nước sẽ nhanh chóng rơi vào tổng khủng hoảng...
Bổ sung 10.4: GS Trần Hữu Dũng nhận xét: Một diễn giả nói như đinh đóng cột: “Quản lý tổng cầu là hết sức sai lầm, thế giới đã chứng minh rõ ràng rồi”. "Thế giới" nào vậy? (Sinh viên kinh tế nào đi dự mấy cái diễn đàn này nên trang bị một bộ lọc nhiễu (noise filter) cực mạnh!).
Trọng cung hay trọng cầu để “cứu” nền kinh tế?
Tranh luận chưa ngã ngũ về lựa chọn chính sách quản lý cho nền kinh tế...
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, thành tựu của nền kinh tế từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đến 2005 - 2006 hoàn toàn là do chính sách trọng cung.
Chưa đủ để tạo nên một cuộc tranh luận cho ra nhẽ, song kiến nghị “phải quay về chính sách trọng cung” của ông Bùi Trinh cũng khiến nhiều vị chuyên gia phải hơn một lần đứng lên tại một diễn đàn kinh tế vừa diễn ra cuối tuần qua.
Không mấy quen thuộc tại những hội nghị, hội thảo do các cơ quan của Quốc hội chủ trì, song cái tên Bùi Trinh lại được chính một số chuyên gia kinh tế và nhà quản lý nhắc đến với sự vị nể nhất định về chuyên môn trong một lĩnh vực chuyên về các con số.
Xuất hiện với lời tự giới thiệu chỉ là “nhân viên” của Tổng cục Thống kê, ông Trinh cũng nhấn mạnh rằng ông chỉ trình bày ý kiến cá nhân, không thay mặt ai cả.
Trước khi ông Trinh được mời phát biểu, khá nhiều chuyên gia kinh tế đã đăng đàn chẩn bệnh và kê đơn cho sức khỏe vốn đang trầm trọng đến mức không hấp thụ được cả thuốc bổ của nền kinh tế, theo nhận xét của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên.
“Thành tựu của nền kinh tế từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đến 2005 - 2006 hoàn toàn là do chính sách trọng cung. Nhưng rất tiếc là sau đấy đã quay sang quản lý tổng cầu nên cứ loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại kích thích tăng trưởng”, ông Trinh vào đề.
Nhấn mạnh quản lý tổng cầu chỉ mang tính nhất thời, ngắn hạn, thế nhưng một số vị chuyên gia lại gây sức ép với Chính phủ về điều hành theo hướng đó, ông Trinh cho rằng, “nền kinh tế đất nước bị thế này có đóng góp không nhỏ của các chuyên gia, nhà kinh tế”.

Giữa không ít tiếng cười bật lên cùng những luận bàn nho nhỏ trong hội trường đang có mặt của hơn 100 nhà quản lý, chuyên gia, ông Bùi Trinh vẫn đều giọng: “Các chuyên gia phải có trách nhiệm với nền kinh tế đất nước”.

Kiến nghị rất mạnh mẽ là phải quay về chính sách trọng cung để phát triển bền vững, song nhà thống kê này cũng lường trước không ít khó khăn. Vì “mình hô hào chống tham nhũng nhưng chi phí ngầm của doanh nghiệp ngày càng cao và trắng trợn, tỷ suất lợi nhuận không cao bằng lãi suất thì nếu có quay sang trọng cung cũng khó”.

“Quản lý tổng cầu là hết sức sai lầm, thế giới đã chứng minh rõ ràng rồi”, ông Trinh thêm một lần nhấn lại quan điểm, trước khi trao micro cho diễn giả khác.

“Nhất trí ý kiến anh Bùi Trinh, nên quay về trọng cung, tập trung cho sản xuất và cung tiền cho phù hợp với sản xuất”, TS. Nguyễn Văn Trình (Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM) ngay lập tức hưởng ứng.

Chủ tọa phiên thảo luận hơi bối rối khi cùng lúc đón nhận nhiều tín hiệu muốn phát biểu. Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển được “ưu tiên”, dù trước đó ông đã đăng đàn chính thức với bản tham luận về tái cơ cấu nền kinh tế.

“Sau này sẽ cùng nhau tranh luận về trọng cung hay trọng cầu, còn đặt vấn đề trọng cung lúc này là không hợp lý. Vì hàng tồn kho đang rất cao, cầu quá yếu”, ông Tuyển nói.

Trung hòa quan điểm, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Hữu Từ cho rằng trong lúc này phải “trọng cả hai”. Bây giờ trọng cầu thế nào, ngân sách chỉ có bằng ấy tiền, thu nhập của dân có thế, thu nhập thực tế của dân giảm, cầu thực tế thì giảm xuống thì trọng cầu thế nào? Còn trọng cung một cách tổng thể cũng không giải quyết được vì doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn nhiều.

“Bây giờ nên tính đến câu chuyện trọng cơ hội, tìm cơ hội và hướng chính sách vào các cơ hội”, ông Từ góp ý.

Cũng phát biểu lần thứ hai, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nói, 5 năm trở lại đây chính sách kinh tế vĩ mô chủ yếu đối phó với bất ổn, vì thế đau đâu chữa đó chứ không trọng cái nào hết. Và việc trong cùng một năm có thể chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia để ứng phó đã khiến cả doanh nghiệp và người dân đều “xác xơ không chịu nổi”.

“Thất bại”. Được mời phát biểu khi diễn đàn đã gần khép lại, Đinh Tiến Minh - vị giảng viên tuổi đời còn khá trẻ - đã không ngần ngại dành cho chính sách trọng cầu hai chữ này.

Khi muốn thúc đẩy tăng trưởng thì mở rộng đầu tư và mở rộng tiền tệ, rồi để kìm lạm phát phát thì lại thắt chặt, đến khi kinh tế suy thoái quá thì lại kích cầu, cứ như thế. “Tất cả các biểu hiện đó thuộc về nhóm chính sách quản lý tổng cầu, và chính sách đấy đã thất bại”, ông Minh khẳng định.

Theo ông Minh, để chuyển dịch từ chính sách trọng cầu sang chính sách trọng cung đặng tái cơ cấu nền kinh tế thành công thì đòi hỏi phải có sự hy sinh tạm thời. Điều này rất cần sự gương mẫu dẫn đầu của Chính phủ trong cắt giảm bộ máy, cắt giảm chi tiêu thường xuyên, kể cả phải hy sinh đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP từ 27 – 28% hiện tại về mức 15% hoặc thấp hơn nữa.

“Nếu chỉ trông chờ vào sự hy sinh mất mát của dân thì không thể tái cơ cấu thành công”, ông Minh tỏ rõ quan điểm.

Vị diễn giả trẻ ngừng lời, từ vị trí điều hành phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã ngay lập tức lưu ý, “nếu bạn đánh giá 10 năm qua việc thực hiện chính sách tổng cầu là một sự thất bại thì không nên kết luận như thế. 10 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao, thoát ra khỏi nước thu nhập nghèo, thấp để chuyển qua thu nhập trung bình là một kỳ công”.

“Tôi hay nhắc các bạn trẻ nói hay nhưng đừng cao hứng quá”, ông Giàu nhẹ nhàng.

1 nhận xét:

  1. Cần trọng pháo chứ chẳng cần cung hoặc cầu trong kinh tế

    hôm nay

    Trả lờiXóa