Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Sính ngoại cả khi đọc sách khiêu dâm

Sính ngoại cả khi đọc sách khiêu dâm
(LĐO) - Thứ ba 16/04/2013 
"50 sắc thái" - sách người lớn chính hiệu (giới hạn độ tuổi 18+) từ nước ngoài sang bán đến 65.000 bản, báo chí xúm vào khen, còn "Sợi xích" - sách người lớn không chính hiệu (không có giới hạn độ tuổi) của Việt Nam, thì lại bị dập tơi tả.
Vì sao khẳng định "50 sắc thái" và "Sợi xích" là sách khiêu dâm?
Thứ nhất, riêng ở "50 sắc thái" thì số lượng các cảnh sex tràn ngập, "Sợi xích" ít hơn "50 sắc thái", nhưng vẫn tính là nhiều.
Thứ hai, cả hai cuốn sách đều mô tả các cảnh này ở góc độ “nhòm” (cách nói của nhà văn Thủy Hướng Dương), chứ không phải “nhìn” (tức là nhà văn phải có dụng ý nghệ thuật khác chứ không chỉ mô tả đơn thuần).
Bên trọng, bên khinh
Hai cuốn sách về chất lượng văn học đều là con số 0 hoặc số âm, nhưng câu chuyện trong "50 sắc thái" cuốn hút và khả năng viết lách (đặc biệt là phần mô tả các cảnh sex) của E.L. James khá hơn hẳn Lê Kiều Như. Nhưng ở thị trường Việt Nam làm gì có nguyên tắc “sách dở không được xuất bản”. Ở đây chỉ xét ở khía cạnh đều là sách khiêu dâm, một nội, một ngoại mà gặp phải cách đối xử khác hẳn nhau.

"50 sắc thái" được chào đón như thế nào? Theo thông tin từ đơn vị xuất bản, bộ sách này (3 tập) hiện đã bán được 25.000 cuốn tập một, 21.000 cuốn tập hai và 19.000 cuốn tập ba kể từ đầu năm, tổng cộng 65.000 cuốn. Đây cũng là bộ sách có doanh số kỷ lục của công ty. Trên báo, cuốn sách cũng được ca ngợi “táo bạo, trực diện, thẳng thắn về tình dục”. Rõ ràng lời ca ngợi này hoàn toàn sai chỗ, vì đã là sách khiêu dâm chẳng lẽ lại không trực diện về tình dục?

Còn "Sợi xích" được coi như trường hợp sách khiêu dâm gây ầm ỹ đầu tiên ở Việt Nam khi bị tịch thu và lên án mạnh mẽ hồi năm 2010 (đồng thời cũng khiến nhiều người tìm đọc hơn).

Mới đây, tiểu thuyết "Người tình Sài Gòn" của tác giả Linh Lê vừa ra mắt, có một bài báo cũng vội vàng đăng ý kiến của vài độc giả nào đó quy kết tác phẩm là “dâm thư” vì có những cảnh sex trực diện. Thực ra, toàn bộ cuốn "Người tình Sài Gòn" hơn 200 trang có vài ba cảnh ngắn, hoàn toàn không giống kiểu "50 sắc thái" hay "Sợi xích" và cũng đã có một chút gì là “nhìn” chứ không phải “nhòm” như sách khiêu dâm thuần túy. Chỉ có điều, mô tả còn yếu và thô, nhưng như đã nói ở trên, ở thị trường Việt Nam làm gì có nguyên tắc “viết cảnh sex dở không được xuất bản”.

Hồi năm 2011, vẫn ở Việt Nam có tập truyện ngắn "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông" của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, toàn bộ tập sách không phải là sách khiêu dâm, chỉ có một số tác phẩm bị đánh giá là “dâm ô, đồi trụy” (chẳng hạn: Bản tường trình kèm theo những tra cứu khác nhau xoay quanh một sự cố không khớp kể về một cuộc làm tình không thành công).

Riêng trong trường hợp này, giới phê bình chính thức lên tiếng (sau một cuộc họp của NXB Hội Nhà văn), phản đối ý kiến quy kết sách là “dâm ô”, cũng phản đối cách giải quyết tịch thu tác phẩm, mà cho rằng nên viết lời nói đầu để khuyến cáo người đọc về lối viết của tác giả, để người đọc tự quyết định có nên đọc hay không.

Trả lại vị trí cho sách người lớn

Thực ra, thể loại sách người lớn, hoặc chính xác hơn là sách khiêu dâm, mấy cuốn sách đó có vị trí của nó, chừng nào độc giả còn muốn đọc. Chính "50 sắc thái" từng bị một loạt thư viện ở Florida, Mỹ rút khỏi giá sách vì nội dung dâm dục, nhưng sau đó họ phải bày lại các bản sách vì độc giả yêu cầu. Sang Việt Nam, tác phẩm không gặp phải rắc rối gì. Bản tiếng Việt ghi ngoài bìa là “Độc giả cân nhắc trước khi đọc”. Ban đầu, nhà làm sách định giới độ tuổi 18+ nhưng đây là cách làm chưa có tiền lệ, sợ độc giả Việt Nam chưa quen.

Ở nước ngoài, "50 sắc thái" được xếp vào dòng “tiểu thuyết lãng mạn khiêu dâm” (erotic romance - kể về một mối quan hệ tình cảm phát triển gắn chặt với tình dục và các cảnh sex là không thể thiếu), rõ ràng thuộc về dòng sách người lớn. Sách dành cho người trên 18 tuổi, khi sang Việt Nam thì chỉ được ghi ở bìa “Độc giả cân nhắc trước khi đọc”.

Còn trường hợp các cuốn sách của Việt Nam nói trên- nói ngắn gọn, nên có giới hạn độ tuổi. Không nhất thiết là 18+ mà có thể là nhỏ hơn, tùy theo nội dung sách. Cách làm này tiết kiệm thời gian và công sức cho cả độc giả (khi chọn sách), giới phê bình (khi xếp loại tác phẩm) và cơ quan quản lý (khi giải quyết các vụ ỳ xèo sau đó).

Với "Người tình Sài Gòn", nhiều độc giả nhân danh phụ huynh nói rằng họ lo con mình (tuổi thiếu niên) đọc được vì sách có vẻ thu hút độc giả trẻ. Một nhãn giới hạn độ tuổi sẽ là cần thiết, ít nhất để cho các phụ huynh và con cái họ hiểu cuốn sách dành cho đối tượng nào, chứ không phải tự đọc rồi đoán mò như hiện nay.

Với "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông", độc giả chưa có trải nghiệm tình dục và thiếu sự chín chắn nhất định sẽ khó mà hiểu được dụng ý của tác giả khi viết về sex. Giới hạn độ tuổi là điều cần thiết.

Một nhà phê bình nói với tôi, sẽ khó quản lý khi giới hạn độ tuổi cho sách. Bởi không như khi đi xem phim, độc giả không phải trình chứng minh thư mới mua được sách. Thực ra không cần, độc giả sẽ tự chịu trách nhiệm với những thứ mình chọn đọc vì họ đã được cảnh báo đàng hoàng rồi. Một cái nhãn giới hạn độ tuổi sẽ trả cuốn sách về đúng vị trí của nó và cũng không có chuyện thỉnh thoảng lại tịch thu sách gây xôn xao dư luận.

Còn nếu cuốn sách “dơ và dở” (lời nhà báo Ngô Nguyệt Hữu) như "Sợi xích" thì sẽ tự ra đời và tự chết, độc giả cũng không phải kêu ca vì sách đã được dán nhãn.

Tóm lại, đã đến lúc cần quản lý một cách chuyên nghiệp sách khiêu dâm hay sách dành cho người lớn (lưu ý đây là hai dạng sách khác nhau) ở thị trường Việt Nam, bởi sự thật là dòng sách đã và đang xuất hiện ồ ạt, nhấn mạnh, do nhu cầu của độc giả. Lâu nay, sách ngôn tình đam mỹ Trung Quốc vẫn xuất bản ồ ạt, không thiếu nội dung sex nhưng chẳng hề dán nhãn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét