Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Người Việt đọc chưa đầy một cuốn sách/năm: sao phải giật mình?!

Người Việt đọc chưa đầy một cuốn sách/năm: sao phải giật mình?!
Theo số liệu thống kê của Bộ VH –TT&DL trước thềm Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc 2013, người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách/ năm. Số liệu này dù rất thấp nhưng phản ánh đúng thực tế bởi đã từ lâu, văn hóa đọc ít khi được xây dựng đúng nghĩa cho thói quen của người Việt, cộng thêm với xu thế của thời đại thông tin số phát triển chóng mặt như hiện nay, cũng chẳng có gì phải “giả vờ” giật mình!
Hội đọc sách miễn phí mang sách giá rẻ đến bạn đọc

Dựa trên báo cáo hàng năm của các thư viện gửi về Bộ VH –TT&DL, trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/ người/ năm (tức là già nửa một cuốn sách) trong khi đó ngay tại các thư viện công cộng tỷ lệ này cũng chỉ đạt 0,38 cuốn.
Điều này cũng dễ giải thích vì đa phần các thư viện đều mở cửa vào đúng giờ mọi người đi làm, vậy thì ai yêu quý sách lắm cũng chẳng có thời gian để đến chốn yên tĩnh như thư viện ngồi đọc sách trừ phi họ…trốn làm hoặc… thất nghiệp.
Hơn nữa, với thời đại thông tin trên internet phát triển nhanh chóng, có bất cứ điều gì cần tra cứu là cư dân mạng chỉ cần “hỏi anh Gúc” (trang google.com) là đã có ngay thông tin muốn tìm. Vậy thì thử hỏi, có mấy người dành được chút thời gian trong ngày để đọc sách bởi công việc bộn bề, thời gian dành cho gia đình, con cái còn thiếu, vì thế, thời gian dành để đọc sách trở nên quá xa xỉ.
Yêu thích các tác phẩm văn học của Murakami Haruki, chị Thư đã đọc ngấu nghiến Rừng Na Uy hay Nhảy, Nhảy, Nhảy một cách ham thích, thậm chí đọc đi đọc lại không chán vào thời sinh viên. Ấy thế nhưng khi có gia đình, thời gian dành cho công việc, gia đình đã chiếm phần lớn thời gian của chị. Có cố lắm thì trước khi lên giường ngủ, chị cầm lấy mấy cuốn sách mới mua của nhà văn trên để đọc thì cũng được vài trang là mắt đã díp vào không cưỡng lại được.
Hôm nào, ham quá, chị thức luôn cả đêm để đọc thì sáng hôm sau vẫn phải dậy sớm lo cho chồng con ăn sáng, chuẩn bị đi làm, đi học làm cho chị uể oải suốt cả ngày khiến chị tự nhủ, lần sau không “quá sức” như thế nữa. Và vì thế, các cuốn sách cứ được đọc vài trang, có hôm phải đọc lại bởi chẳng nhớ rõ diễn biến câu chuyện, khiến thời gian đọc xong một cuốn sách của chị cứ kéo dài ra mãi…
Đối với giới trí thức, sinh viên, học sinh, những người thường xuyên đọc sách vì yêu thích hay phải đọc để bổ sung kiến thức, số liệu trên còn thấp vậy, thì việc các giới khác trong xã hội, trong đó có cả một bộ phận nhỏ người nông dân, cả năm không đọc cuốn sách nào cũng thật dễ hiểu. Kết quả khảo sát cá nhân của ông Nguyễn Quang Thạch- người khởi xướng dự án Sách hóa nông thôn năm 2011 cho thấy trong 530 phiếu phỏng vấn, có 253 phiếu dành cho nông dân đều nhận được một câu trả lời về số lượng sách đọc hàng năm là 0.
Có thể thấy, tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam thua xa các nước trong khu vực. Đơn cử như ở Malaysia cách đây 10 năm, mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; nhưng vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10-20 đầu sách/năm, gấp 10 lần nước ta tại thời điểm hiện tại và đang tiếp tục tăng rất nhanh.
Tuy nhiên, những số liệu mới công bố trên đâu đáng để giật mình, bởi lẽ từ trước đến nay ở nước ta chưa xây dựng được một nền văn hóa đọc theo đúng nghĩa.Trong tất cả các cấp học từ tiểu học đến phổ thông và đại học, học sinh chỉ chăm chăm học hết kiến thức trong sách giáo khoa, giáo trình mà chưa được khuyến khích thói quen đọc sách hay hướng dẫn cách lựa chọn sách, cách đọc sách hiệu quả, hoặc có thói quen tra cứu thông tin, nghiên cứu trên sách.
Nhà trường đã vậy, ở gia đình, các vị phụ huynh vì bận rộn cũng ít có thói quen đọc sách để có sự ảnh hưởng và vun đắp cho con cháu niềm yêu thích sách. Bên cạnh đó, trước sự hấp dẫn của điện tử, game online, mạng xã hội, chương trình truyền hình… văn hóa đọc vốn nghèo nàn lại càng bị phai nhạt dần và đánh mất chỗ đứng trong lòng công chúng là điều không mấy ngạc nhiên.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi dư luận đã phản ứng thái quá với một cậu bé Nhật Nam, 11 tuổi, khi “tội” của bé là sở thích “yêu quý sách và thích đọc sách”.
Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc 2013 sẽ diễn ra vào ngày 20/4 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám với nhiều chương trình như giao lưu với dịch giả/tác giả Bích Lan- người đã chuyển ngữ tác phẩm “Cuộc sống không giới hạn” của người không tay chân Nick Vujicic, quyên góp sách từ thiện và bán sách giảm giá.
 Mai Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét