Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Cách đánh giá mới về sự thành công của 1 quốc gia

Cách đánh giá mới về sự thành công của 1 quốc gia
Chỉ số SPI chú trọng đến những gì liên quan đến đời sống thật sự của người dân: Họ có đủ thực phẩm không? Họ có chỗ ở không? Họ có được chăm sóc sức khỏe không? Họ có cơ hội phát triển trong cuộc sống của mình không?
Có một cách mới để đo lường sự thành công của một quốc gia, gọi là Chỉ số Tiến bộ Xã hội, hay SPI.
Các kinh tế gia và các chuyên gia khác hậu thuẫn cho SPI nói rằng chỉ số này đo lường những gì ảnh hưởng trực tiếp tới người dân bình thường, như có đủ thực phẩm, cơ hội, và chăm sóc sức khỏe. Cách tính này khác với Tổng Sản Lượng Nội Địa, hay GDP, chỉ tính tới sản lượng hàng hóa và dịch vụ, mà không biết đến những thứ ví dụ như phẩm chất không khí.
Những người tạo ra SPI hy vọng phương pháp này sẽ giúp kinh nghiệm cho các lãnh đạo chính trị tại các nước đang phát triển.

Kể từ đầu thế kỷ thứ 20, Hoa Kỳ đã đứng đầu thế giới về GDP. Nhưng theo Chỉ số Tiến bộ Xã hội mới, thì quốc gia đứng đầu thế giới là Thụy Điển, Hoa Kỳ chỉ đứng hàng thứ sáu.

Chỉ số SPI được thiết kế bởi các các nhà học thuật thuộc Trường Đại Học Harvard và Viện Công nghệ MIT, hợp tác với các chuyên gia doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Chỉ số này được đưa ra tại Diễn đàn Thế giới Skoll ở thành phố Oxford của Anh.

Ông Michael Green,Giám đốc điều hành của tổ chức Social Progress Imperative, cơ quan hậu thuẫn cho dự án này, cho biết:

“Chúng tôi không đo lường những gì đại diện cho sự lành mạnh kinh tế; chúng tôi đo lường những gì liên quan tới đời sống thật sự của người dân. Họ có đủ thực phẩm không? Họ có chỗ ở không? Họ có được chăm sóc sức khỏe không? Họ có cơ hội phát triển trong cuộc sống của mình không?”

Những câu hỏi đó được dựa trên 12 thành tố khác nhau, trong đó có dinh dưỡng, sự bền vững của khung cảnh sinh sống, và các quyền cá nhân, ngay cả việc đo lường điều kiện truy cập Internet.

Nước Anh đứng hàng thứ nhì trong chỉ số này, một kết quả làm ông Michael ngạc nhiên:

“Điều khiến Thụy Điển và Anh có được kết quả tốt là hai nước này đã phối hợp mô hình của Châu Âu về an sinh xã hội tốt và chú ý đến bền vững môi trường, với mô hình của Hoa Kỳ về cơ hội, tự do, dân quyền và nhân quyền, đại loại như vậy.”

Costa Rica đứng hàng thứ 12 trong chỉ số này, là hạng cao nhất trong số các nước mới trỗi dậy trên thế giới. Costa Rica có điểm cao trong những thành tố liên quan tới giáo dục, môi trường, và cơ hội cho người dân.

Theo lời Roberto Artavia, chuyên viên trong cuộc nghiên cứu này, điều đó có được là nhờ lịch sử của Costa Rica:

“124 năm dân chủ liên tục. Nước này có một định chế xã hội bao gồm mọi thành phần từ năm 1971. Họ đã có hệ thống an sinh xã hội đầy đủ từ năm 1941. Nhờ vậy, có vẻ như họ đã có sẵn một khung sườn cho phát triển-xã hội.”

Các nhà lập ra Chỉ số Tiến bộ Xã hội khẳng định rằng chỉ số này được thiết lập không phải để xếp hạng trên phương diện chi tiêu của chính quyền về những chương trình, ví dụ như chương trình chăm sóc sức khỏe.

Ông Alvaro Rodriguez cũng là một trong những người lập ra chỉ số này:

“Không phải là về vấn đề đầu tư mà là vấn đề hiệu suất. Chúng tôi rất thận trọng khi làm việc này bởi vì nếu không thì sẽ dễ dẫn đến các chính phủ cồng kềnh và chi tiêu nhiều hơn. Đó không phải là điều chúng tôi muốn.”

Ông Michael Green, Giám đốc điều hành cuộc nghiên cứu về Chỉ số Tiến bộ Xã hội nói rằng, Ghana đứng hàng thứ 41 trong danh sách, cao hơn Nigeria 8 hạng, mặc dầu Ghana có GDP tương tự như Nigeria. Ông Green nói:

“Nigeria đứng chót về mặt an ninh. Như vậy chính phủ ở đó phải tìm cách giải quyết những vấn đề loại này.”

Ông Green nói rằng, thông điệp cho các nhà lãnh đạo là một quốc gia có thể có điểm cao về tiến bộ xã hội mặc dù GDP ở mức tương đối thấp.

VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét