Quyền lực đang bị thương mại hóa
Đó là nhận định của TS Lê Đăng Doanh. Ông cho rằng: Các DN Việt Nam hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc các mối quan hệ với quan chức. Tham nhũng qua “nhóm thân hữu”
Trước một số vấn đề nổi cộm từ nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) về mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định: Đây là hiện tượng quyền lực đang bị thương mại hóa hòng mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó, hệ quả là xã hội phải chịu thiệt thòi.
Doanh nghiệp giàu nhưng không mạnh
Tôi hoan nghênh nghiên cứu này và xem đó là một bước đi đúng hướng để nhằm làm rõ bức tranh của tham nhũng cũng như các biểu hiện và phương pháp của tham nhũng. Như vậy UBKTTƯ đã có nỗ lực đáng trân trọng. Vấn đề là từ những nghiên cứu này cần rút ra cái gì?
Có thể nói rằng các DN Việt Nam hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc các mối quan hệ. Bằng cách đó, một số DN giàu lên một cách dễ dàng, không cần cạnh tranh theo cơ chế thị trường, không cần nâng cao trình độ khoa học công nghệ, không cần lao động, không cần đầu tư đào tạo hay hoàn thiện bộ máy, quản trị của mình. Chỉ cần có mối quan hệ rồi thì đút lót để được dự án này, công trình kia.
Tôi thấy các biểu hiện cụ thể của việc đút lót này rất kỳ quặc. Tôi từng gặp trường hợp một ông giám đốc vội vội vàng vàng cáo biệt sau khi có một cuộc điện thoại gọi báo rằng mẹ của một vị quan chức nào đó bị ốm, ông giám đốc phải đi nhanh xem bà cần gì không… Những ông DN này không những chỉ lo cho bản thân các quan chức thân hữu mà còn nghe ngóng chăm lo từ bà đến mẹ, vợ, con… của vị quan chức đó. Cho nên thời gian và công sức họ đổ vào đấy rất nhiều. Với cách này, các đại gia của ta giàu lên nhanh đấy nhưng không mạnh, không có khả năng để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đấy là một nguy cơ khi VN gia nhập WTO.
Các DN Việt Nam hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và
thời gian để chăm sóc các mối quan hệ. Ảnh minh họa: HTD
Hệ thống quản lý và giám sát quá lỏng lẻo
Tình trạng tham nhũng qua nhóm thân hữu như vậy nói lên điều gì trong bộ máy của chúng ta hiện nay?
Điều này cho thấy hệ thống quản lý và giám sát của chúng ta hết sức lỏng lẻo, kém hiệu quả. Ở nhiều nước, một ông thứ trưởng đi công tác về mà các khoản thanh toán không hợp lệ, báo chí đưa lên là phải từ chức ngay. Một ông bộ trưởng Pháp vừa rồi có một tài khoản ở Thụy Sĩ bị phát hiện đưa ra ông ấy cũng phải từ chức ngay...
Ngoài ra, hiện tượng này cũng cho thấy quyền lực đang bị thương mại hóa, đã trở thành một đối tượng để mua bán, có giá hẳn hoi. Từng vị trí, chỗ nào, ở cấp nào đều có giá cả. Như vậy là đi ngược với tôn chỉ mục đích, với những gì tốt đẹp mà người dân vẫn hay nghe hằng ngày.
Theo ông sở dĩ có thực trạng này là nguyên do từ đâu, phải chăng xuất phát từ DN hay từ các quan chức, hay từ các kẽ hở của pháp luật?
Tùy trường hợp, chúng ta chưa biết trong trường hợp nào là bên DN chủ động cám dỗ nhiều hơn hay là bên các quan chức gợi ý ra, thậm chí gọi DN đến. Có nhiều DN đại gia luôn miệng khoe khoang rằng “lúc nào tôi gọi điện thoại cho quan chức này, quan chức kia mà chả được, tôi muốn gặp lúc nào cũng xong hay sắp tới đây tôi sẽ đề nghị làm cái này, cái kia”… Tức là mức độ ảnh hưởng của các mối quan hệ này trong việc bổ nhiệm cán bộ, thu xếp chương trình này, chương trình kia và cả định hướng chính sách… là rất lớn, trong đó dĩ nhiên là có lợi ích nhóm chi phối.
Làm méo mó chính sách
Khi quyền lực bị thương mại hóa và với sự xuất hiện của các “nhóm thân hữu” như vậy thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường kinh doanh?
Rõ ràng như vậy là tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh. Người ta không định hướng kinh doanh vào việc nâng cao hiệu quả năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi vì những việc này mất rất nhiều công sức. Trong khi đó, có khi chỉ cần dựa vào các mối quan hệ thân hữu thì nhiều khi chỉ cần một cuộc điện thoại, qua một đêm họ đã trở thành tỉ phú rồi. Còn những DN khác không có mối quan hệ thì đành phải lần mò từ từ.
Còn xã hội sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Một khi hai bên bắt tay quan hệ với nhau và cùng chia sẻ lợi ích với nhau thì xã hội sẽ bị thiệt. Điển hình là nhiều công trình dự án sinh ra từ các mối quan hệ này dù có kém chất lượng thì tiền đầu tư vẫn cứ được đổ vào, dự án vẫn được đẻ ra. Hệ quả của việc này là đẻ ra nhiều chính sách méo mó theo hướng có lợi cho nhóm thân hữu. Một khi chính sách méo mó thì hiệu quả quả đầu tư kém cỏi, cán bộ thì thiếu năng lực (vì không có sự cạnh tranh mà nhờ quen biết) không giải quyết được việc của dân… Tất cả những việc này người dân sẽ phải hứng chịu.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông cần có giải pháp gì?
Để ngăn chặn việc này đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của người dân, phải thực sự có sự giám sát phản biện. Trong đó phải phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, của báo chí và phải có những quan tòa thực sự độc lập thì những người có quyền lực họ mới sợ mà không bắt tay tạo thành những “nhóm thân hữu” tham nhũng như vậy. Tôi nghĩ từ điều tra này cần có kết luận đẩy mạnh cải cách thể chế thì mới mong giải quyết được.
Xin cảm ơn ông.
14 hành vi cụ thể trong mối quan hệ không bình thường
Theo nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập, tình trạng quan chức thông đồng với DN để vụ lợi xuất hiện ngày càng nhiều, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn trong tất cả lĩnh vực. Cũng theo UBKTTƯ, các quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền với DN ở nước ta hiện nay được biểu hiện thành các hành vi cụ thể của cán bộ (cả công chức), đảng viên có chức, quyền với DN như sau:
Một là, cán bộ, đảng viên có chức, quyền giải quyết công việc không đúng nguyên tắc, quy định, thẩm quyền có lợi cho DN để trục lợi.
Hai là, cán bộ, đảng viên có chức, quyền cùng DN đi nghiên cứu, học tập, tham quan ở nước ngoài theo lời mời của DN để tạo điều kiện riêng cho DN.
Ba là, cán bộ, đảng viên có chức, quyền tham dự các buổi tiệc, tặng biếu quà, du lịch, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí của DN cho bản thân hoặc người thân trong gia đình, qua đó ban hành những chủ trương, chính sách có lợi cho DN.
Bốn là, yêu cầu hoặc đề nghị DN cho vay, mượn tiền, tài sản dưới mọi hình thức để trục lợi.
Năm là, tác động, yêu cầu DN tiếp nhận vợ (chồng), con, người thân trong gia đình vào làm việc ở các DN; được nâng lương, đề bạt, bầu, bổ nhiệm trái quy định hoặc không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc được đi tham quan, học tập không đúng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Sáu là, nhận các giá trị vật chất (tiền, cổ phần, cổ phiếu) từ các DN.
Bảy là, nhận đất, nhà, căn hộ chung cư do DN biếu, tặng hoặc bán ưu đãi, thanh toán tiền, nhà đất cho bản thân (con), người thân trong gia đình dưới mọi hình thức.
Tám là, yêu cầu các DN phải tổ chức và thanh toán tiền trong các cuộc tiếp khách của bản thân với các tổ chức, cá nhân trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chín là, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hoặc không thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, có lợi cho DN và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mười là, nhận hoặc gợi ý DN tài trợ tiền, tài sản để chạy chức, chạy quyền, sau đó giải quyết hoặc tạo điều kiện cho DN hoạt động không minh bạch, lành mạnh.
Mười một là, cung cấp hoặc bán các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ, sắp ban hành để DN có cơ hội, điều kiện sản xuất, kinh doanh nhằm trục lợi.
Mười hai là, làm ngơ hoặc bao che cho cấp dưới làm trái để bảo kê, tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh, đầu tư trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, đơn vị.
Mười ba là, làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quan hệ giữa tổ chức đảng với tổ chức nhà nước trong việc giải quyết các công việc đối với DN.
Mười bốn là, làm môi giới chạy dự án, chạy vốn, chạy giấy phép cho DN để hưởng thù lao, hoa hồng trái quy định.
Lê Phi - TH
|
Theo Thu Hằng
Pháp Luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét