Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Ô tô phải nộp phí 21 trạm khi đi dọc quốc lộ 1?

Ô tô phải nộp phí 21 trạm khi đi dọc quốc lộ 1?
Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính, cứ 70km sẽ được lập một trạm thu phí BOT. Như vậy, dọc tuyến quốc lộ 1, nếu tính tổng số 1.700km sẽ có khoảng hơn 21 trạm thu phí.
 Tăng phí “ra vào” cửa ngõ Thủ đô là theo cam kết
Chiều 2/4, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp báo thông báo về tình hình hoạt động quý I/năm 2013. Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề nóng liên quan đến ngành giao thông đã được đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giải đáp.
Trước lo ngại về việc, để thu hút nhà đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), Dự án mở rộng quốc lộ 1 được Bộ Giao thông Vận tải cắt thành nhiều đoạn nhỏ và xen kẽ với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Nhiều người lo ngại, sau khi tuyến quốc lộ này hoàn thành vào năm 2020 sẽ dày đặc trạm thu phí, làm tăng thêm gánh nặng cho chủ phương tiện; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính, cứ 70km sẽ được lập một trạm thu phí BOT. Như vậy, nếu tính ra với tổng số 1.700km sẽ có khoảng 21 trạm.
Theo dự kiến của Bộ Giao thông vận tải, sau khi Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 hoàn thành, toàn tuyến đường dài 1.700km này sẽ có khoảng 21 trạm thu phí. Ảnh: Tùng Nguyễn
Theo Thứ trưởng Trường, quốc lộ 1 từ Hà Nội- TPHCM dài hơn 1.700 km là tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam. Đến nay, lượng xe đi lại đã quá tải, nhiều đoạn không đáp ứng được. Khảo sát của Bộ Giao thông cho thấy, một số đoạn mật độ phương tiện quá lớn, trung bình từ 20.000-30.000 xe/ngày đêm nên không đáp ứng được về năng lực vận tải, chất lượng đường xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Do đó, Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đã được phê duyệt, với phương án 4 làn xe. Đến năm 2016, mở rộng xong các đoạn, tuyến trọng yếu và cơ bản hoàn thành vào năm 2020. Tổng số vốn dự toán phải dùng cho dự án khoảng 120.000 tỷ đồng.

Khẳng định số tiền bỏ ra đầu tư nâng cấp dự án quốc lộ 1 quá lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, khó khăn như hiện nay, Thứ trưởng Trường cho biết, để đủ kinh phí thực hiện dự án, phải huy động nguồn lực của xã hội qua hình thức BOT và PPP. Chính vì vậy, khi Bộ Giao thông đề xuất, Chính phủ đã đồng ý cho đầu tư tuyến đường này.

Theo đó, tuyến quốc lộ có tổng chiều dài 1.700km này, sẽ có khoảng 1.000km sẽ được đầu tư theo hình thức BOT, còn 700km sẽ được đầu tư bằng tiền ngân sách Nhà nước. Vì vậy, để huy động nguồn lực xã hội và giảm gánh nặng ngân sách. Bộ sẽ xây dựng đề án đặt trạm BOT thu phí.

“Theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính, cứ 70km sẽ được lập một trạm thu phí BOT. Các trạm thu phí này sẽ tồn tại khoảng 25 năm để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư. Như vậy, toàn tuyến quốc lộ 1 khi hoàn thành xong sẽ có khoảng 21 trạm,” Thứ trưởng Trường cho biết.

Theo ông Thứ trưởng Bộ Giao thông, việc đặt các trạm thu phí đã được liên Bộ Giao thông, Tài chính phê duyệt theo đúng cự ly của Thông tư 90 nên không có chuyện dày đặc trạm thu phí.

Từ năm 2016, phí qua trạm BOT sẽ tăng gấp 3,5 lần

Đề cập tới mức thu phí, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trường cho biết, từ năm 2016, mức thu phí tại các trạm sẽ được tăng lên 3,5 lần so với mức giá hiện nay và áp dụng cho từng đoạn tuyến.

Lý giải cho việc tămg mức thu phí này, ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đơn vị này đã tham khảo nhiều đề án BOT của các nước Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Vì vậy, mức phí của Việt Nam nếu có sự điều chỉnh cũng chỉ ở mức trung bình.

“Lộ trình thực hiện sẽ bắt đầu có sự điều chỉnh tăng mức thu phí trạm từ năm 2016 nhưng không phải đồng loạt hơn 20 trạm thu phí cùng một lúc, một mức, mà có thể từ 2-3,5 lần đối với từng đoạn tuyến,” Thứ trưởng Trường cho hay.

Trước lo ngại, việc đặt quá nhiều trạm thu phí BOT sẽ tác động đến giá cước vận tải, đẩy giá cước tăng; Thứ trưởng Trường cho rằng, đầu tư mở rộng quốc lộ 1 cần khoảng 120.000 tỷ đồng, đây là một con số không nhỏ với ngân sách hiện nay. Việc phát hành trái phiếu chính phủ đầu tư quốc lộ 1 là rất khó khăn. Do đó phải sử dụng hình thức BOT, nếu đợi ngân sách mới làm thì sau năm 2020 may ra cả tuyến đường mới có một số đoạn đường tốt.

“Bộ Giao thông phấn đấu sẽ hoàn thành toàn tuyến quốc lộ này vào năm 2020, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại trên toàn tuyến. Vì thế, các đơn vị vận tải phải đóng thêm phí để bù đắp số tiền đầu tư. Về bản chất, thu phí BOT không làm tăng phí, không làm khó doanh nghiệp mà còn làm thuận lợi, giảm nguy cơ mất an toàn, tăng hiệu ứng vận tải,” Thứ trưởng giải thích.

Để minh chứng cho nhận định trên, ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngay cao tốc TPHCM – Trung Lương sau khi đưa vào khai thác lưu lượng xe giảm xuống 40%. Sau 3 tháng, đường Trung Lương cũ tắc nghẽn, lượng xe quay sang đi đường Trung Lương mới rất nhiều do thời gian đi lại sẽ rút ngắn, giảm chi phí xăng dầu.

“Thu phí BOT thuận lợi hơn cho việc đi lại cho nên doanh nghiệp và người dân cũng phải có sự chia sẻ với Chính phủ”, ông Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói.

Tùng Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét