Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Cầm bút ở tuổi xưa nay hiếm

Cầm bút ở tuổi xưa nay hiếm
Trước hết, tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành đối với báo Đại biểu nhân dân đã mời tôi tham gia hội nghị cộng tác viên, lần này là lần thứ hai, và dành cho tôi sự ưu ái mở đầu phần tham luận.
Để diễn đạt được niềm vui của tôi ở giờ phút này có lẽ tôi phải dùng cả ba từ gặp lại, mới và đươc nhân lên. Gặp lại đồng nghiệp từ sau hội nghị tại Buôn Mê Thuột. Mới vì được biết nhiều gương mặt mới tại đây, Huế, một cố đô đang vươn mình đi tới, lần đầu tiên tiếp nhận hội nghị cộng tác viên. Được nhân lên với những nỗ lực của Hội đồng nhân dân các tỉnh thành phố mà tôi được cảm nhận được qua nhiều bài báo trên báo Đại biểu nhân dân và sự lớn mạnh của tờ báo và đội ngũ cộng tác viên của báo.
Với niềm vui đó, tôi xin chúc các đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những thành tựu mới trong công tác của mình. Chúc Đại biểu nhân dân luôn mạnh tiến, chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Tôi xin được chia sẻ với các đồng chí và đồng nghiệp đôi điều về con đường đã dẫn tôi đến cầm bút viết báo ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Cuối nhiệm kỳ QH Khóa XI, năm 2007 một phóng viên báo Người Đại biểu nhân dân, nay là báo Đại biểu nhân dân, đã phỏng vấn tôi: “Sau nhiệm kỳ này, không tiếp tục làm ĐBQH nữa, ông có những kế hoạch gì cho công việc tương lai của mình?”

Tôi đã trả lời: “Với tôi, đóng cánh cửa hoạt động nghị trường, tôi sẽ trở về với khoa học, tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình với đất nước. Tuy nhiên sau 15 năm làm ĐBQH, tôi sẽ tiếp tục quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, góp ý kiến xây dựng với tư cách là một công dân. Đó là cách tôi cám ơn cử tri đã gửi gắm niềm tin vào tôi”.
Trở về với khoa học đối với tôi không khó bởi tôi là giáo sư trong chuyên ngành Toán, cơ, máy tính. Tuy nhiên tôi đã chọn địa bàn đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng đất này là quê hương tôi. Nhưng chọn ĐBSCL tôi tiếp tục một công việc dang dở. (Từ năm 1983 đến năm 1990, tôi là chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (mã số 60-02, 60-B). Mặt khác vùng đất này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ sự ấm lên của khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
Tôi trở về với ĐBSCL còn vì hai lời dặn dò. Đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn nhắc tôi rằng ĐBSCL là mảnh đất mà suốt đời, và nhiều thế hệ, nhân dân ta phải nghiên cứu. Khi khai thác nó ắt sẽ có những vấn đề mới đặt ra. Đây là một bài toán hệ thống biến động, rất hay và vì thế không dễ.
Hai tuần lễ trước khi đồng chí Võ văn Kiệt lâm bệnh rồi qua đời, đồng chí còn dặn dò tôi phải đi khảo sát kinh nghiệm của Hà Lan, xem cách làm của họ và suy nghĩ việc áp dụng vào ĐBSCL. Mặt khác ráng huy động trí tuệ của anh em trí thức trong và ngoài nước để giải quyết vấn đề bồi lắng ở cửa Định An, cửa Tiểu, cửa Đại. Phù sa lắng đọng là của cải trời cho, chúng ta không nên vét bỏ đổ đi nơi khác một cách lãng phí.
Thành tựu ở ĐBSCL rất to lớn, nhưng thách thức cũng không kém. Năm 1986, cả ĐBSCL chỉ mới sản xuất được gần 7 triệu tấn lúa. Năm 2012, sản lượng đã tăng lên 33 triệu tấn. Thế nhưng từ nhiều năm rồi chúng ta xuất khẩu gạo nhiều lúc giá thấp, và xuất ít khi giá cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân bớt trồng giống IR 50404 chuyển sang trồng lúa chất lượng cao để được giá khi xuất khẩu. Nhưng cơ chế thu mua không đi kèm. Thu nhập của người nông dân vẫn không cao. Bài toán của thủy sản thì xuất khẩu nhiều nhưng bấp bênh lại liên tục bị kiện bán phá giá.
Vui mừng bao nhiêu trước những thành tựu thì xót xa bấy nhiêu trước những hạn chế bất cập, trước những công trình chỉ vài năm sau khi khánh thành đã bị phế bỏ do xây dựng không đúng quy luật. Đau hơn nữa khi thấy những công trình nhiều ngàn tỷ đồng, biết rõ là lãng phí, sẽ không có hiệu quả nhưng bất lực nhìn chúng cứ được triển khai, ngốn tiền ngân sách.
Trước những thực tế đó, tôi thấy mình phải viết, viết cho các cấp lãnh đạo, cho cử tri, cho đại biểu dân cử các cấp để cùng nhau phát huy những mặt tích cực, hạn chế những lãng phí, tiêu cực; để cùng suy nghĩ cải tiến, thay đổi các cơ chế, chính sách đang kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL cũng như của cả nước nói chung.
Đó là lý do dẫn cho tôi đến cầm bút viết báo ở cái tuổi đã cổ lai hy.
Một điều thú vị là hai mảng việc, trở về với công tác khoa học và tiếp tục đóng góp với Quốc hội, tưởng chừng biệt lập với nhau, lại rất gắn với nhau, và như ông bà mình vẫn nói “làm một công được đôi việc”!
Tại sao tôi chọn viết bài cho báo Đại biểu nhân dân, lý do trên đây đã nói. Trước khi về dự hội nghị, tôi đếm lại từ tháng 1.2008 tới cuối tháng 3.2013, tôi đã viết được gần 70 bài báo, trong đó 59 bài xuất bản trên ĐBND. Quá trình cộng tác với báo là một quá trình trao đổi về nội dung, về cách viết với đồng chí Tổng biên tập, với các biên tập viên, phóng viên của báo. Đến nay công việc đã trôi chảy. Tôi xin cám ơn Báo về quá trình cộng tác này.
Nhiều người nói với tôi: “Anh đã phát biểu nhiều tại nghị trường Quốc hội, viết nhiều bài báo nhưng anh thấy có hiệu quả không?”
Đương nhiên tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi này. Những điều tôi phát biểu hoặc viết đều xuất phát từ thực tế và đã được kiểm chứng, được tôi tự phản biện trước. Càng tin ở ý kiến của mình, tôi càng chờ đợi ý kiến phản hồi với thái độ không cho rằng mình là duy nhất đúng và yêu cầu phải có kết quả ngay.
Đã có nhiều phản hồi từ các bộ ngành, các địa phương cho thấy những góp ý đã được “nghe” trong một chừng mực nào đó.
Khi góp ý tôi sẵn sàng chấp nhận mình thiểu số, nhưng tôi tin rằng cái gì đúng sẽ có tiếng nói cuối cùng, nếu cần thiết với phép chứng minh bằng mâu thuẫn quen thuộc trong toán học.
Luật Giáo dục (1999), Luật Giáo dục (2005), rồi Luật Giáo dục 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, cũng như Luật Giáo dục đại học đã được QH thông qua. Nhưng tôi tin rằng chúng sẽ còn được sửa đổi, bởi lẽ cái mà xã hội cần là một Luật Giáo dục chứ không phải một luật khung được chắp vá và liên tục được sửa đổi nhưng vẫn không hoàn chỉnh được; cái mà đất nước cần là một Luật Giáo dục đại học thực chất và đổi mới, không cho phép đồng tiền lũng đoạn việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thực sự cho đất nước.
Tôi phát biểu và viết báo còn vì trách nhiệm và vì lương tâm của một cựu đại biểu dân cử, của một người làm khoa học, vui đã làm điều cần làm.
Có người hỏi lương tâm là cái gì ở thời buổi mà tiền bạc, vật chất đang cuốn hút, chi phối, nếu không phải, như một số người nghĩ, quyết định tất cả.
Đối với tôi, lương tâm vẫn tồn tại trong mỗi người, buộc mình phải tự hỏi và trả lời, nhất là trước khi nhắm mắt lìa trần, hai câu hỏi: thứ nhất đã làm được gì cho đất nước; thứ hai với gia đình, đã sống như thế nào, với cha mẹ, vợ chồng, con cháu. Tất cả cái khác đều là phù du.
_________________________
Tham luận tại Hội nghị công tác viên toàn quốc của Báo Đại biểu nhân dân, tổ chức tại Huế, ngày 29.3.2013
Nguyễn Ngọc Trân
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại


http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=276327

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét