Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Ngôi mộ không bia đá

Ngôi mộ không bia đá 
 

Được mua với giá nửa cân muối và một bịch quần áo, Ota Benga sang Mỹ như một đồ vật kỳ lạ để mua vui cho khán giả tại một… sở thú. 5h chiều này 20.3.1916, anh nhóm một đống lửa trước căn lều. Người lùn sau đó bắt đầu nhảy múa với một cái khố trên người, cất lời một bài hát truyền thống của người Pigmee, như công việc mua vui thường nhật. Chỉ khác là đến đoạn cuối, anh lôi ra một khẩu súng lục, ấn nòng súng nơi trái tim và bóp cò.
Cuộc đời 32 năm của con người bất hạnh ấy chấm dứt, đánh dấu kết thúc một cuộc hành hạ bởi những con người vẫn xem mình là văn minh.
Ota Benga vốn sinh sống ở Congo tại vùng đất bị vua Bỉ Leopold kiểm soát. Sau một vụ thảm sát man rợ nhằm chiếm rừng cây cao su, vợ Benga đã bị giết cùng với rất nhiều người trong bộ tộc. Rất may, Benga thoát chết. Nhưng liền ngày sau đó, anh đã bị bắt như một nô lệ. Anh, cùng với 4 người lùn Batwa và 5 thổ dân khác được nhà truyền giáo kiêm tiến sĩ tên Samuel Verner mua lại với một cái giá rẻ mạt: một cân muối và một bịch quần áo. Trước đó, Verner đã kí hợp đồng với Hội chợ Thế giới Saint Louis cho việc tìm kiếm những gì độc đáo để trưng bày tại hội chợ. Trong lá thư hỏa tốc gửi về nhà, Werner đã giới thiệu “chiến lợi phẩm” của mình là “Nhanh như mèo, dẻo dai như khỉ và cực kỳ khỏe mạnh với chiều cao 1m49”.


http://a402.idata.over-blog.com/650x975/1/15/09/26/Septembre-2010/NGIMBI.jpg 
 Tại hội chợ, Benga là người nổi tiếng nhất, anh được miêu tả như là “sinh vật ăn thịt ở châu Phi duy nhất đã có mặt ở Mĩ” và có bộ răng nhọn hoắt vô cùng đặc biệt. Để thêm phần dị biệt, và làm vui mắt những con người văn minh, những người Inuit phải khoác áo lông thú giữa mùa hè, còn người Pigmee, vốn quen với nắng nóng, thì phải cởi trần đóng khố giữa mùa đông văn mình băng giá. Cả nhóm người của Benga bị đối xử man rợ như những người nguyên thủy hay kẻ tù nhân.
Benga sau đó được Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên “thuê” làm vật trưng bày sống trong bảo tàng. Từ đó, anh đóng khố đi lại giữa những mẫu hổ báo nhồi trấu, xương voi Ma mút…như một tiêu bản sống. Giám đốc sở thú khi đó mắc cho Ota Benga một cái võng để anh nằm trong chuồng đười ươi. Vào ngày Chủ nhật, 9 tháng 9 năm 1906, tại khu nhà lồng giam khỉ của sở thú Bronx, các du khách đọc một bảng quảng cáo còn ướt nước sơn như sau: “Người lùn Phi châu, Ota Benga, 23 tuổi, cao 4 feet 11 inches (khoảng 1,4m), nặng 103 pounds (khoảng 46kg). Tiến sĩ Samuel Verner mang về từ sông Kasai, Congo, Phi Châu. Triển lãm vào tất cả các buổi chiều trong tháng 9”.
Đằng sau tấm bảng quảng cáo là một cái nhà lồng khỉ thật lớn, mà trên nền nhà, người ta rắc một ít xương như để nhấn mạnh tình trạng còn man rợ của một người đàn ông bé xíu, đang ngồi trên võng, mặc một cái áo khoác và một cái quần, nhưng chân không có giày, đang bện một tấm chiếu, thỉnh thoảng đứng lên để bắn vài mũi tên vào một đống rơm bên cạnh. Một con đười ươi cũng được nhốt chung chuồng với người đàn ông bé xíu này. Khi người này và con đười ươi chơi đùa, đuổi bắt nhau là lúc đám đông đứng ngoài thưởng ngoạn và reo hò vỗ tay thích thú.
Vào ngày Chủ nhật hàng tuần, có tới hơn 40.000 du khách tới sở thú và điều họ làm chỉ là đến xem người đàn ông hoang dã tới từ châu Phi. Họ tới đây, la hét, chế giễu, trêu ghẹo và thậm chí, chọc vào mạng sườn Benga rồi lấy đó làm niềm vui lớn.
Cũng không phải là không có những ý kiến. “Chủng tộc da đen bị giày xéo quá đủ, chưa phải bị trưng bày cùng khỉ”- Giám đốc một trại mồ côi bấy giờ lên tiếng. Tuy nhiên, tờ New York Times lên tiếng “Chúng tôi không hiểu tại sao người ta làm ầm ĩ lên vì Ota Benga”. Trên số báo ra ngày 11.9.1906, người ta đọc được những dòng chữ sau “Người Pigmee ở nấc dưới cùng của bậc thang tiến hóa, và những người đề nghị cho Ota đến trường thay vì ngồi sở thú có lẽ không biết rằng đi học là hành hạ anh ta. Quan niệm cho rằng mọi người đều bình đẳng và được tiếp cận giáo dục một cách công bằng là sai lầm”.
Rút cục, các tu sĩ da đen đã giải phóng cho Ota Benga. Họ sửa lại răng cho anh. Cho anh mặc quần áo. Anh được đến trường học chữ và làm việc tại một nhà máy thuốc lá. Nhưng con người bị giằng xé giữa 2 nền văn hóa đó không bao giờ lành được những vết thương đã quá sâu.
Mùa xuân 1916, Ota Benga có khách. Một nhóm trẻ con đến rủ anh vào rừng đi săn. Nhưng anh không mở miệng trả lời. Mắt đẫm lệ, anh xua lũ trẻ khỏi lều. Và khi chúng đã đi, Ota Benga ra trước lều nhóm một đống lửa…
Mộ Ota Benga không có bia. 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgPCdpmbZOHvHzL4O3FGCJuW39hrWQf5UyOvPD0mYiOv5aysBp_tApH1toUZb5CklyWnc_glHGGsB1aZl1R7qJLb9oY6Uj9pzXMNXi7P5iuT2Pzm5xrqVHjDjlDnwnitqlca79TAp9cVOM/s1600/cover.jpg


(Tổng hợp theo Lê Quang, Bumha và wiki)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét