Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Giảm phát hay thiểu phát, chúng ta đang ở đâu ?

Bài viết cũ của tôi:
LẠM PHÁT, GIẢM PHÁT HAY THIỂU PHÁT, CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU ?
Lai Tran Mai: Giá cả giảm liên tục trong 5 tháng gần đây đang làm cho giới kinh tế đau đầu. Lạm phát, giảm phát hay thiểu phát, chúng ta đang ở đâu ? Câu hỏi quá quan trọng không chỉ xét trên góc độ khoa học mà chủ yếu mang ý nghĩa cực kỳ quyết định đối với xã hội nước ta vì mọi chính sách kinh tế đang phụ thuộc vào câu trả lời cho nó. Rõ ràng các liều thuốc chống suy giảm kinh tế trong điều kiện lạm phát hay điều kiện thiểu phát hoàn toàn khác nhau.

Nước ta đã trải qua gần hai thập kỷ lạm phát cao kéo dài ngay từ khi thống nhất đất nước đến tận năm 1991, tiếp đến là thời kỳ giảm phát kéo dài từ năm 1992 đến nay. Tỷ lệ lạm phát cao nhất trong thời kỳ giảm phát là 17,6% năm 1992,và thấp nhất có lẽ là năm nay: 3%. Đặc biệt, từ năm 1996, đã xảy ra những hiện tượng chưa từng có là giá cả liên tục giữ nguyên hoặc giảm trong nhiều tháng liên tiếp. Tình hình càng trở lên rõ nét từ tháng 3 năm nay. Cũng từ năm 1996, đã có một số phân tích cảnh báo áp lực thiểu phát sẽ ngày càng tăng lên trong nền kinh tế và đề nghị điều chỉnh chính sách để đối phó với nguy cơ thiểu phát, song cho đến nay, quan điểm này rất ít được chia sẽ vì tất cả các nhà chính trị và kinh tế nước ta chỉ sống qua những năm tháng lạm phát mà chưa hề biết thế nào là thiểu phát cùng với tác hại của nó.



Hôm nay, dù biện minh bằng những định nghĩa kinh viện khác nhau kiểu nào về thiểu phát, chúng ta vẫn phải thừa nhận một sự thật là nền kinh tế đã chịu những áp lực giảm giá cực kỳ lớn và đang đi vào giai đoạn thiểu phát. Những dấu hiệu cơ bản nhất gồm:

Một là, các doanh nghiệp không còn muốn tiếp tục đầu tư nữa, kể cả đầu tư bằng sử dụng nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đang mang gánh nặng tài chính rất lớn do nợ nần chồng chất trong khi giá hàng hạ và các đơn đặt hàng giảm liên tục. Đa số các ngành công nghiệp đang phải hoạt động dưới công suất. Tỷ lệ bất động sản không được sử dụng rất cao, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, du lịch, dịch vụ khách sạn và chế tạo tư liệu sản xuất. Trong nhiều ngành, tỷ suất doanh lợi còn thấp hơn nhiều so với giá vốn buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm đầu tư. Khi đầu tư giảm hoặc không tăng đến một ngưỡng tối thiểu thì không thể hy vọng tạo ra việc làm và đảo ngược đà suy giảm kinh tế hiện nay. Hậu quả là áp lực thiểu phát sẽ tiếp tục gia tăng.

Hai là, các hộ gia đình đang cố gắng cắt giảm chi tiêu và tăng tối đa tiết kiệm phòng ngừa để đối phó với tương lai được dự báo là khó khăn hơn, nhất là để tồn tại khi thu nhập giảm đột ngột hoặc khi mất việc làm. Tâm lý bi quan, mất phương hướng đang bao phủ toàn xã hội. Nỗi lo về tài sản tiếp tục bị mất giá, lo cho cuộc sống khi về hưu, ốm đau bất ngờ, cho tương lai của con cái... đang đè nặng lên tâm trí người dân. Nhiều quan niệm, giá trị xã hội bắt đầu bị lung lay.

Ba là, hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng cực kỳ lo ngại do tỷ lệ vốn không thu hồi được đã quá cao và có xu hướng gia tăng. Đây vừa là dấu hiệu, vừa là nguyên nhân gia tăng thiểu phát vì giá hạ, các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phá sản, dẫn tới không thể thanh toán nợ ngân hàng đúng hạn. Đây là hậu quả của chính sách cho vay không hiệu quả tích tụ qua nhiều năm, ví dụ như chỉ tập trung cho khu vực doanh nghiệp nhà nước vay, cho vay không tuân theo các chuẩn mực của kinh tế thị trường, cho vay dưới những áp lực chính trị và hành chính, trình độ quá non kém và sự suy đồi đạo đức của một số cán bộ ngân hàng...

Bốn là, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP giảm liên tục qua các năm các tháng gần đây cũng là một biểu hiện của thiểu phát vì tăng trưởng kinh tế thấp trong khi nợ ngân hàng cao buộc các doanh nghiệp phải liên tục hạ giá bán để giải phóng hàng tồn kho và trả nợ vay ngân hàng. Vì giá hạ, sản xuất trì trệ nên phải tỷ lệ thu ngân sách giảm. Từ đầu năm nay, chính phủ đã có chủ trương nới lỏng chính sách tài chính tiền tệ, song những biện pháp cụ thể còn chưa đủ tầm và quá trình triển khai chậm nên nền kinh tế chưa có dấu hiệu thoát khỏi nguy cơ suy thoái và thiểu phát.

Năm là, dấu hiệu quan trọng nhất của thiểu phát là mặt bằng giá chung giảm liên tục qua nhiều tháng. Ở các nước công nghiệp, sau một giai đoạn tăng trưởng kinh tế thấp và giảm phát kéo dài, chỉ cần mặt bằng giá giảm liên tiếp quá hai tháng và có dấu hiệu còn giảm tiếp là tình trạng thiểu phát sẽ chính thức được công nhận để buộc chính phủ phải tìm giải pháp cứu chữa. Ở nước ta, giá cả đã trì trệ kéo dài từ nhiều năm, thậm trí giảm trong nhiều tháng liên tiếp.

Nếu như ở các nước công nghiệp, thiểu phát được xem như là quá trình giảm giá trong bối cảnh kinh tế trì trệ thì ở các nước đang phát triển, quan niệm có khác. Nhiều nhà kinh tế cho rằng khi giá cả hàng hoá quá thấp và kéo dài so với giá trị thật của chúng thì đã có hiện tượng thiểu phát. Ở nước ta, căn cứ vào nhiều nhân tố, chúng tôi cho rằng tỷ lệ tăng giá hàng năm hợp lý khoảng 4-5%, do đó khi tỷ lệ tăng giá thực tế thấp dưới ngưỡng đó thì đã có thể coi là nền kinh tế đang nằm bên ngưỡng của sự thiểu phát.

Như vậy, nền kinh tế nước ta hiện đang chính thức đi vào giai đoạn thiểu phát. 


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó hai nguyên nhân cơ bản là chính sách tiền tệ chặt được áp dụng quá lâu (lãi suất thực quá cao, tỷ giá bị giữ cố định quá dài, tỷ lệ tăng cung tiền tệ quá thấp...) và đi theo mô hình phát triển dựa quá nhiều vào vốn nước ngoài. 

Để chống thiểu phát và sự trì trệ của nền kinh tế, cần quay trở lại cội nguồn của mọi quá trình tăng trưởng. Đó không phải là kích cầu tiêu dùng và cầu đầu tư do nhà nước chủ động tiến hành, dù rằng các biện pháp này cũng có tác dụng bổ sung nhất định, mà cái chính phải là trí tuệ sáng tạo của giới doanh nhân.

Chúng ta đang có một đội ngũ các doanh nhân khá đông đảo, đầy nhiệt huyết, có trình độ, lại được sự ủng hộ của thân nhân ở nước ngoài, sẵn sàng tham gia kinh doanh để đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Cần phải mở ra môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho họ, giải phóng họ để họ tự nguyện chủ động tìm tòi sáng tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm ra vốn, công nghệ và các nguồn lực khác để kinh doanh làm giầu, từ đó đưa đất nước trở lại thời kỳ tăng trưởng cao và ngày càng thịnh vượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét