Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Bia và cuộc sống



Có dịp đi ngang một quán bia góc phố và thử nhìn vào trong, bạn sẽ thấy thường thì quán nào cũng đông, đa số là những khuôn mặt rất trẻ mới ngoài hai mươi, ba mươi. Chuyện đó dễ hiểu. Những người trẻ này còn thuộc nhóm người độc thân vui tính, chưa phải vướng bịu, nên có nhiều thì giờ để gặp gỡ bạn bè ở những chỗ đông người. Mà chỗ đông người thì không đâu lý tưởng và dễ kiếm cho bằng những quán bia. Đọc tên một quán nào đó là những người trẻ này họ biết ngay địa điểm chứ chẳng cần đến cái máy định vị GPS làm gì. Tên cù lần nào thiếu khôn ngoan tế nhị lỡ ngớ ngẩn hỏi địa chỉ ở đâu sẽ bị cho là quê mùa ngay, người chi mà “boring” thế.
Nếu thuộc lớp lớn tuổi hơn một chút, khoảng bốn mươi hoặc năm mươi chẳng hạn, thì bạn nên quên những chỗ đó đi vì lúc này có lẽ bạn đã vợ con đùm đề rồi, đã bị vướng bận nhiều và trách nhiệm của một người đàn ông sống trong thể kỷ 21 lúc nào cũng anh ách trên vai. Rục rịch một chút là bị để ý liền lập tức. Vừa xỏ chân vào đôi giày hay mới khoác chiếc áo lên là có người hỏi với theo ngay: “Này, tính đi đâu đấy?”. Chưa kịp suy nghĩ để kiếm câu trả lời cho phải phép thì liền ngay sau đó bị phán xối xả tới tối tăm mặt mũi: “Đi đâu thì nhớ về sớm đấy nhé. Đừng có vui bạn vui bè quá mà đâm say sưa rồi quên đường về. Liệu hồn”. Thì cho dù bạn có đang hăng hái cách mấy thì chắc cũng bị xìu đi phân nửa. Thôi thì cứ ở nhà cho xong chuyện và … êm chuyện.

Các cụ ta trước đây có câu “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Câu này lâu không còn nghe vì không còn ai nói nữa do không hợp thời. Bây giờ thì chẳng còn mấy ai chịu nhai trầu, không chỉ ở hải ngoại mà có lẽ ngay ở trong nước cũng thế. Vào những dịp cưới hỏi, trên mâm quà người ta còn để miếng cau lá trầu cho đúng phong tục truyền thống chứ chả còn ai dùng thứ đó nữa. Cô dâu được rước về nhà chồng từ bao lâu nhưng miếng trầu còn ở lại không ai ngó ngàng tới đến nỗi khô cong khô queo. Thế nên chúng ta cũng nên châm chước cho hợp với thời đại mà nói rằng “ly bia làm đầu câu chuyện”. Có bạn ghé nhà, ừ thì mời một chai. Thế rồi hôm nào ghé ngang thăm bạn cũng lại được bạn mời lại một chai. Và thế là câu chuyện được bắt vào một cách trơn tru. Men vào lời ra. Có lẽ vì thế mà mỗi khi bước vào bất cứ quán bia nào cũng đầy những tiếng nói cười rổn rảng và đủ mọi thứ chuyện ồn ào không dứt.

Vậy, ta có thể nói, đã là người thì hầu như ai cũng thích uống bia. Không dân tộc nào trên thế không tự sản xuất cho riêng mình một loại bia. Và mỗi năm trên thế giới có không biết bao nhiêu ngày hội bia, nếu không phải các hãng sản xuất bia thì là thành phố này hoặc thành phố kia tổ chức để mọi người có cơ hội tụ họp về cùng vui vẻ với nhau qua ly bia. Nổi tiếng nhất có lẽ là hội chợ bia Oktoberfest kéo dài nửa tháng được tổ chức tại Munich, Đức Quốc từ cuối tháng 9 qua đầu tháng 10 hằng năm. Tại đây, hầu như ai cũng có quyền được uống bia, không phân biệt già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà. Cứ ai uống được là uống.

Ngoài ra, bia còn làm được công việc hòa giải giữa loài người với nhau nữa. Cách đây mấy năm, một vụ hiểu lầm xảy ra giữa một giáo sư đại học Harvard Henry Louis Gates, người da đen, và trung sĩ cảnh sát James Crowley, da trắng, ngay trước căn nhà của giáo sư Gates ở thành phố Cambridge, Massachusettes. Vụ này được báo chí thổi bùng lên trong một thời gian và trở thành cuộc tranh luận về vấn đề kỳ thị tại Hoa Kỳ, làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực và nước bọt mà không đi tới đâu. Người bênh kẻ chống, không ai chịu ai. Cuối cùng, tổng thống Obama lên tiếng mời hai nhân vật này ghé Tòa bạch ốc uống bia và nói chuyện giảng hoà hai bên. Trong cuộc bia này gồm có bốn người là Gates, Crowley, Obama và ông phó Biden. Có điều lạ là cả ba nhân vật chính uống bia, chỉ có ông Biden là không uống bia. Cả nước Mỹ đều biết trước đây là buổi gặp gỡ uống bia giảng hòa, thế mà ông Biden đã vác xác tới nhưng lại không chịu uống bia mà uống… nước ngọt. Thế mới chán chứ. Buổi gặp mặt này được báo chí gọi đùa là “Họp thượng đỉnh bia” (Beer Summit). Có lẽ trong lịch sử cổ kim, chưa bao giờ bia lại đóng một vai trò chính trị quan trọng như thế. Và nó đã làm xong trách nhiệm được giao phó. Sau buổi gặp gỡ trên, chẳng còn ai nhắc tới chuyện kỳ thị này nữa, câu chuyện chìm xuồng.

Tuy nhiên, không phải người ta mới biết nấu/uống bia gần đây đâu mà đã từ nhiều ngàn năm trước. Trước đây có thuyết cho rằng loài người bắt đầu biết nấu bia cách đây khoảng 3.000 năm. Nhưng mới đây giáo sư Brian Hayden và một nhóm khảo cổ thuộc trường đại học Simon Frazier ở Canada nói rằng loài người đã biết nấu bia sớm hơn thế nhiều, có thể từ khoảng 10.000 năm trước, tức thuộc cuối thời kỳ đồ đá khi loài người đang chuyển từ đời sống săn bắn sang trồng trọt. Nhóm khảo cổ tìm thấy được một số vật dụng tại vùng phía đông Địa trung hải trong khu vực Lưỡng hà và rất có thể là những dụng cụ dùng để nấu bia. Các nhà khảo cổ đưa ra bằng chứng với đầy đủ vật liệu và dụng cụ kỹ thuật cần thiết bao gồm bột men, cối xay, nồi, lọ, kể cả những viên đá đánh lửa như là những dấu hiệu chứng tỏ người thời đó đã biết mồi lửa và dùng những vật liệu cũng như dụng cụ trên cho công việc chưng cất bia. Trong các vật dụng tìm được, các nhà khảo cổ đặc biệt chú ý tới một chiếc tô rất lớn được đẽo từ đá. Người ta tìm thấy dưới đáy của nó còn dính vết tích của những hạt lúa mạch và nghĩ rằng chiếc tô này có thể đã được dùng làm chiếc nồi để nấu bia.

Lúc đầu có ý kiến cho rằng lúa thóc được thuần hóa trước hết là để tạo ra lương thực cho người ta ăn. Nhưng kể từ thập niên 1950, một số học giả đã tìm ra một số bằng chứng gián tiếp ủng hộ ý kiến cho rằng ngay từ đầu loài người biết trồng trọt và bảo quản lúa mạch là để làm bia, kể cả trước khi họ biết trồng lúa để lấy thực phẩm.

Những nghiên cứu của ngành nhân loại học ở Mexico cũng đưa ra kết luận tương tự là một số loài cỏ tiền thân của những loại ngô bắp thời hiện đại thích hợp để làm bia hơn là để xay thành bột làm bánh.

Brian Hayden và nhóm khảo cổ đã xét nghiệm những dụng cụ tìm thấy và đi đến kết luận cho rằng việc nấu bia là một khía cạnh sinh hoạt quan trọng của những bữa ăn và của xã hội cuối thời kỳ đồ đá. Hayden nói rằng nhờ có bia trong những bữa ăn nên nó luôi cuốn được đông người tới cùng ngồi ăn với nhau. Và một khi được nếm thử bia một lần rồi thì người ta thấy thích quá và muốn được uống thêm. Nhưng với những kỹ thuật nấu bia thời đó còn thô sơ và đòi hỏi tốn nhiều nguyên liệu như lúa mạch cũng như thì giờ và công sức. Thế nên, nếu anh muốn uống bia thì anh phải có lúa mạch. Muốn có lúa mạch thì anh phải canh tác và muốn được nhiều lúa hơn thì anh phải ra sức thuần giống những loại còn là cỏ hoang thời đó để có thể sản xuất được nhiều hạt thóc hơn. Thế rồi chẳng bao lâu những người này trở thành nhà nông lúc nào không hay. Do cuộc sống nông nghiệp mà người ta sống quần tụ lại với nhau và tạo thành những cộng đồng văn hóa phức tạp hơn. Nhờ đó mà nhân loại tiến thêm bước nữa trên con đường phát triển văn minh.

Nói như giáo sư Brian Hayden và các nhà khảo cổ thuộc đại học Simon Frasier thì chính bia đã đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển văn minh nhân loại.

Nói cách khác, nhờ có bia chúng ta mới có được cuộc sống như ngày nay với một mái nhà để nương náu. Những hôm trời trở lạnh thì có lò sưởi, máy sưởi làm ấm da thịt. Hôm nào nóng thì đã có máy quạt, máy lạnh giúp cho cơn nóng dịu đi. Cứ thử tưởng tượng nếu con người thời đó không làm ra được bia thì không biết rồi văn minh nhân loại đi về đâu, không chừng chúng ta vẫn còn ngồi co ro bên những đống lửa ngoài trời vào những ngày giá lạnh.

Kể từ khi con người biết chưng cất bia tới nay đã có nhiều thay đổi ở nồng độ. Trước đây, chất cồn trong bia còn nhẹ lắm, chỉ khoảng từ 2 đến 4%. Nhưng từ 2.000 năm đổ lại đây, người ta càng ngày càng gia tăng độ cồn của bia đến nỗi có một ít loại bia hiện nay chiếm tới 20% cồn. Nhỡ uống phải một chai cỡ này là ngất ngư ngay. Nhưng dù có thay đổi thế nào thì bia vẫn tiếp tục làm công việc của nó là kéo người ta quây quần lại với nhau. Nó là đầu của câu chuyện, men của nó giúp người ta bớt nhút nhát đi và cởi mở hơn, tự nhiên hơn, làm cho cặp mắt người đối diện long lanh, dễ mến hơn.

Nếu con người đã có được những phát minh quan trọng làm thay đổi bộ mặt thế giới như phát minh ra giấy viết, máy in, xe hơi, máy bay, internet; vậy thì bia cũng nên được xem như một trong những phát minh quan trọng của văn minh nhân loại.

Thế mà cụ Nguyễn Công Trứ bảo cái thứ nước uống có chứa cồn đó là một trong “ba cái lăng nhăng”. Cụ sai quá rồi còn gì.

Huy Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét