Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Sẽ có nhiều ngân hàng sụp đổ vào cuối năm 2013 nếu...

Quá khứ đồng nhất tương lai và ‘cái chết’ của giới ngân hàng
Như một “quyết tâm” vốn có, các ngân hàng dường như đang bắt tay nhau để cùng đóng dấu “Mật” vào trang đầu bản báo cáo quyết toán năm con rồng của họ.  Sẽ có nhiều ngân hàng phải ra đi vào cuối năm 2013 nếu không tự giải quyết được “món nợ xương máu” từ thị trường bất động sảnHơn thế nữa, sự ra đi có tính dây chuyền của các ngân hàng lại có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế, vốn chỉ còn chân đứng rất mong manh.

Các ngân hàng dường như bắt tay che giấu “bệnh nan y” nợ xấu. Ảnh: Thanh niên
Quyết tâm không công bố?
Nếu vào thời điểm kết thúc năm 2012, những ngân hàng được mệnh danh là “ngồi mát ăn bát vàng” liên tiếp công bố khoản lợi nhuận khủng với thái độ hân hoan không kém phần tự mãn, thì một năm sau đó, tình thế trở nên trái ngược một cách đầy khó hiểu.
Hoặc không thể hiểu được…
Cho tới cuối tháng 2/2013, vẫn chẳng mấy ngân hàng thương mại cổ phần cho dư luận biết về thông tin lợi nhuận thực chất của mình. Con số vài ba trên tổng số bốn chục ngân hàng là quá ít để biểu tả bức tranh được một số quan chức nhà nước cho là “đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ” về phục hồi kinh tế.
Như một “quyết tâm” vốn có, các ngân hàng dường như đang bắt tay nhau để cùng đóng dấu “Mật” vào trang đầu bản báo cáo quyết toán năm con rồng của họ. Đến giờ này, chắc chắn quyết toán đã được hoàn thành, nhưng công bố vào thời điểm nào thì “phải còn tính”.
Tuy vậy, những trang sau của bản báo cáo quyết toán lại đã lộ diện ngay từ tháng Chạp năm ngoái. Thông tin về một số ngân hàng thương mại cắt giảm thưởng tết đã nhanh chóng trở nên một phong trào rộng khắp. Vào những ngày sắp tết và sau khi cái tết u ám trôi qua, người ta đã chẳng khó khăn nhận ra bản chất của ngành ngân hàng trong năm 2012: không còn “ăn trên ngồi chốc” trước cái chết lâm sàng của ít nhất một phần ba số doanh nghiệp sản xuất, các ngân hàng đã phải ăn vào vốn của mình và nặng nề hơn thế, có khi phải ăn luôn cả vào vốn dự trữ bắt buộc - điều hiếm thấy nhưng lại chẳng có cơ quan nào chịu thống kê và công bố số liệu thực chất.

“Cái chết” của khối ngân hàng thương mại cũng vì thế đang dần đến. Ngoài một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Eximbank, Vietinbank, rất nhiều ngân hàng còn lại đã không thể trụ nổi trước cơn cuồng phong của suy thoái kinh tế.

Agribank là một tiêu biểu cho tâm chấn ấy. Cho dù là một trong những địa chỉ thu hút lượng tiền gửi lớn nhất trong dân và doanh nghiệp, nhưng nổi danh kỷ lục với số vụ quan chức bị đưa vào vòng lao lý do tham nhũng và những hành vi tiêu cực khác, ngân hàng này đã không làm sao tránh thoát dư luận về tỷ lệ nợ xấu tăng cao, trong đó không thể không nói đến nợ xấu bất động sản.

Đẩy nợ cho tương lai!

Nợ xấu bất động sản cũng là nguồn cơn kinh hoàng nhấn chìm khối ngân hàng trong cơn đại hồng thủy mà chính ngân hàng là một tác nhân quan yếu gây ra. Cho đến tận giờ này, những con số về nợ xấu bất động sản vẫn nhảy múa không ngớt. Dù đã được ém nhẹm trong suốt một thời gian dài, nhưng kể từ tháng 5/2012, những thông tin đầu tiên về nỗi sợ hãi hoàn toàn không vô hình như thế đã bắt đầu lộ ra. Khởi đầu cũng lại là Agribank, sau đó ngay cả Vietinbank đã phải tỏ ra “quan ngại về nợ xấu”, để cuối cùng vào đầu quý 4/2012, các ngân hàng thi nhau tung ra hàng loạt con số nợ xấu như một hành động gây áp lực đối với Chính phủ.

Doanh nghiệp phá sản nhiều, bất động sản tồn kho cao, nên trích lập quỹ 
dự phòng làm giảm nợ xấu chỉ là cách đẩy nợ cho tương lai. Ảnh: Lao động

Áp lực để làm gì? Người đời nói không sai: vào bất cứ lúc nào ngân hàng phải kêu gào cầu cứu thì chính đó là thời điểm nền kinh tế thực sự nguy kịch. Không còn cầm giữ được những uẩn khúc trong bóng tối, các ngân hàng đã bắt buộc phải trưng sự thật ra ánh sáng, dù biết làm như thế họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ về uy tín và khả năng huy động tiền gửi, cho vay vốn đang tồn ứ và triển khai những dự án, chương trình đặc quyền.

Trong tâm thế đặc quyền ấy, dĩ nhiên có cả động tác “tái cơ cấu nợ vay” mà các ngân hàng thương mại cổ phần đã được Ngân hàng nhà nước đặc cách “hướng dẫn” bởi văn bản 780 vào tháng 4/2012. Sau văn bản này, có khoảng 250.000 tỷ đồng đã được “sắp xếp lại”, với cái cách làm sao chưa thể trở thành nợ nguy cơ trực tiếp, giúp cho nhiều ngân hàng và doanh nghiệp con nợ tạm tránh thoát sự đe dọa cận kề.

Nhưng trong con mắt của giới phân tích về ngân hàng, hành động trên chỉ là cách “đẩy nợ cho tương lai”. Về bản chất, nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản vẫn không thay đổi, nếu không muốn nói là còn tăng lên theo thời gian do nhiều con nợ đến hạn phải trả nhưng lại không thanh toán được. Do vậy, phương châm “đẩy nợ cho tương lai” chỉ đắc dụng một khi các con nợ tìm cách tiêu thụ được hàng tồn kho và trả được nợ.


Nhưng tình hình gần một năm qua, kể từ lúc văn bản 780 của Ngân hàng nhà nước được triển khai, đã đắc dụng đến mức nào? Điều không thể đáng buồn hơn là mọi chuyện dường như vẫn không hề thay đổi. Nói cách khác, “thời điểm Minsky” - một khái niệm trong tài chính quốc tế liên quan đến đáo hạn nợ vay – đang đến rất gần, nhưng tình thế vẫn chưa có chút nào khả quan.

Thời điểm Minsky!

96% là tỷ lệ sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM trong năm 2012 so với năm trước đó. Sự công bố khủng khiếp này - đến từ chính Ngân hàng nhà nước chi nhánh tại TP.HCM – đã lần đầu tiên xác nhận cái được gọi là nguy cơ: sẽ có nhiều ngân hàng phải ra đi vào cuối năm 2013 nếu không tự giải quyết được “món nợ xương máu” từ thị trường bất động sản. Hơn thế nữa, sự ra đi có tính dây chuyền của các ngân hàng lại có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế, vốn chỉ còn chân đứng rất mong manh.

Thế nhưng, “nợ xấu được kéo giảm từ 8% về 6%” lại là một công bố vào cuối tháng 2/2013 của Ngân hàng nhà nước. Cũng cần ghi nhận, từ tháng 11/2011 cho đến nay, đã nhiều lần tỷ lệ nợ xấu nhảy múa không được giải thích cặn kẽ như thế. Từ mức 3% được coi là “không có gì nguy hiểm”, vào cuối quý 2 năm ngoái tỷ lệ này đột ngột nhảy vọt lên gần 10%, có lẽ do sức ép phải công khai thực trạng từ phía Quốc hội. Nhưng sau đó, có lẽ do được “quán triệt”, nợ xấu lại giảm về 8%. Rất nhiều chuyên gia và kể cả doanh nghiệp đã không thể duy trì được thái độ tin cậy vào thái độ trước sau không thể gọi là đồng nhất như thế.

Tương lai luôn ở phía trước. Nhưng cái khung cảnh mà giới chủ ngân hàng đang lâm vào, oái oăm thay, lại là sự đồng nhất của quá khứ với tương lai.

Phải, tất cả còn ở phía trước, khi chưa có bất cứ thay đổi nào…
 
Thuật ngữ Thời điểm Minsky được hình thành bởi Paul McCulley (PIMCO) vào năm 1998 để mô ta cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998. Khái niệm này được đặt tên theo nhà kinh tế học Hyman Minsky. Thời điểm Minsky xảy ra sau một giai đoạn thịnh vượng dài và các khoản đầu tư gia tăng giá trị, dẫn đến tình trạng kích thích các khoản đầu cơ bắt nguồn từ dòng tiền đi vay. Dần dần, hệ thống tài chính sẽ di chuyển từ trạng thái ổn định sang khủng hoảng.
 http://songmoi.vn/kinh-te-thi-truong/qua-khu-dong-nhat-tuong-lai-va-%E2%80%98cai-chet%E2%80%99-cua-gioi-ngan-hang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét