Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Chủ tịch HOREA lớn tiếng kêu đừng gửi tiền ngân hàng

Chủ tịch HOREA lớn tiếng kêu đừng gửi tiền ngân hàng
Giữa lúc vốn bất động sản chết ngắc ở những dự án ma, nhà vắng tềnh hênh thì mới đây ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA - cho biết Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đã tìm cách “vực dậy” thị trường, không phải thông qua nỗ lực kinh doanh, mà là kiến nghị phương án đánh thuế thu nhập từ những khoản tiền gửi tiết kiệm.
Đánh thuế tiền tiết kiệm: Đòi hỏi của “đứa trẻ hư”! (PetroTimes 3-3-13) --  
Một kiến nghị thiếu hiểu biết, vô đạo đức (PLTP 3-3-13)
Đề xuất đánh thuế tiết kiệm: Ích kỷ, mù quáng và thiếu hiểu biết! (DT 3-3-13)
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA - cho hay kiến nghị này đã được trình lên Thủ tướng, NHNN. Ông Châu phản bác chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát, dù không ai biết con số lạm phát thực tế méo tròn ra sao, chỉ biết số trên báo cáo bao giờ cũng đẹp) và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm đang thi hành hiện nay. Tăng nguồn thu cho ngân sách và “nắn” dòng tiền trong dân hướng vào đầu tư sản xuất, kinh doanh thay vì gửi ngân hàng đã được ông Châu cẩn thận lựa chọn làm bình phong cho cái đề xuất đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên. Ông cũng không quên lấy “nước ngoài” ra làm ví dụ, dù ông chẳng đưa ra cái tên nào cụ thể, càng không so sánh điều kiện sinh sống, kinh tế giữa Việt Nam và cái “nước ngoài” ông nói.
Đừng gửi tiền ngân hàng nữa!
Trong khi người dân, trong bất cứ trường hợp nào cũng phải đầy đủ nghĩa vụ thuế (đóng mác nghèo ít nhất vẫn cứ phải VAT) thì “một bộ phận không nhỏ” doanh nghiệp chỉ cần lỗ khéo lại được ưu ái với vô số kích thích từ chính sách, thậm chí còn được nhận thêm tiền để qua thời kỳ khó khăn nếu có cái “chứng chỉ” doanh nghiệp nhà nước, số tiền tương ứng mức độ khủng của cái trụ sở, còn những người ra quyết sách chi tiêu sai lầm thì lại bóp trán suy nghĩ tìm cách… bòn thu tiếp.



Dù kiến nghị này có được thông qua hay không, thì đây đã trở thành lời kêu gọi của ngài Chủ tịch HOREA với 89 triệu dân Việt Nam: đừng gửi tiết kiệm ngân hàng nữa, hãy ném tiền vào chảo lửa kinh doanh! Bằng mục tiêu vô cùng cao cả này, ông Châu đã nghiễm nhiên phủ định vai trò hút tiền trong dân và bơm tiền cho kinh doanh của ngành ngân hàng, bác bỏ sự hiện diện của định chế tài chính lớn nhất trong lịch sử loài người.

Nên khó thấy lạ được chuyện ông Châu tố cáo NHNN “lách luật”, cáo buộc NHNN đã không làm tròn chức trách khi không công bố lãi suất cơ bản mà chỉ đưa ra “trần lãi suất huy động” và coi đó như là lãi suất cơ bản. Theo ông, ngân hàng cố tình bỏ rơi khái niệm “lãi suất cơ bản” bởi theo Bộ luật Dân sự, các NHTM và tổ chức tín dụng không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản. Khi quá sẽ phạm luật hình sự với tội danh “cho vay nặng lãi”. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là BĐS, phải vay lãi nặng trong thời gian vừa qua.

Dẫu vậy, cái kêu than trên của ông chẳng khác gì lời thừa nhận: tiền gửi tiết kiệm không nằm chết dí trong ngân hàng, nó vẫn đi vào sản xuất kinh doanh đấy chứ, có điều là gần đây không còn đi vào cái ngành kinh doanh BĐS nữa thôi. Người dân gửi tiết kiệm, ngân hàng lấy tiền đó đem cho vay, bơm tứ phía song chính yếu cũng chỉ có bất động sản, bơm đến mức độ kiệt quệ và ôm về một đống nợ xấu (theo NHNN, nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ BĐS) và không thể cho vay được nữa. Giới ngân hàng trở nên dè dặt trong các khoản vay, hết chỗ dựa, BĐS đành quay hướng khác.

Kém nhưng vẫn lém bém “xin” tiền

Với lãi suất 9%/năm, thu nhập từ khoản tiền gửi 500 triệu đồng chỉ là 3,75 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 4 triệu đồng và càng kém xa so với con số 9 triệu sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2013.

Trong khi ông Châu đau đớn về bộ mặt điêu tàn của khối sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xây dựng bất động sản (tất nhiên), thì ông ngang nhiên áp đặt thêm phí cho người dân. Những người gửi tiền tiết kiệm đa số là người lao động làm công ăn lương với thu nhập trung bình và thấp, tích lũy cả đời chỉ phòng trừ những lúc “nhỡ ra…” Song theo ông Châu thì những người này thường không bao giờ gửi quá 500 triệu đồng. Có lẽ ông không tính đến ít nhất có một bộ phận đông đảo người cao tuổi đã tích cóp cả cuộc đời gửi tiền ngân hàng an hưởng tuổi già và dành phần con cháu. Cả cuộc đời họ há không đủ nổi 500 triệu đồng được hay sao?! Mà nếu ông có tính đến thì có sao, khi ông có thể coi đây là một bộ phận… không lớn, và không có giải pháp công bằng cho tất cả mọi người - như lời Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã nói.

Ông Châu coi những người có thể gửi tiết kiệm trên 500 triệu cũng phải con nhà khá giả cả, chịu thuế là điều đương nhiên. Có vẻ ông không phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nên không thèm đếm xỉa đến khoản thuế TNCN họ phải chịu. Như nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm đã nói: “Tiền gửi tiết kiệm của người dân từ thu nhập đã nộp thuế TNCN, tức đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước rồi. Nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nữa chẳng khác gì đánh thuế 2 lần. Đó là một kiến nghị vô cùng phi lý.”

Adam Smith có câu nói nổi tiếng rằng: “Chúng ta có thể thường thỏa mãn mọi đòi hỏi về công lý khi ngồi im và không làm gì cả”. Không cần đẻ sòn sòn các loại thuế phí hay bất cứ lời khuyên nhủ nào từ những Hiệp hội như HOREA, chỉ cần thị trường có cơ khởi sắc, nói thẳng ra là có chỗ để mà tin, tự khắc dòng vốn trong người dân lại đi vào sản xuất kinh doanh như thường. Chỉ hiềm là bao nhiêu giải pháp hay ho được đưa ra, chưa có giải pháp nào là hữu hiệu khi cái cần “dỡ bỏ” là sự thiếu minh bạch từ giá cả đến chất lượng lại không có một cơ quan nào đứng ra “nhận thầu”. BĐS tê liệt, chứng khoán đầy hồ nghi, vàng chổng lên rồi lại chõm xuống, chẳng vì điều gì cả. Một tương lai mù mờ mà cứ vặn người dân phải bỏ tiền đầu tư, kể cũng ngộ!

Mặc ông Châu hết sức phân bua ông lo nghĩ cho toàn bộ khối sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế chẳng ai đi nhờ ông kêu hộ, và cũng thật khó để không tin ông đang lùa tiền cho “nhóm lợi ích” bất động sản. TS Nguyễn Thị Thủy - ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM - cho rằng việc Hiệp hội kiến nghị đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm để có mục đích hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường bất động sản là vô lý. Miễn thuế là nhằm khuyến khích tiết kiệm, tăng vốn cho ngân hàng chuyển vào các lĩnh vực kinh tế một cách hiệu quả nhất thông qua các hoạt động đánh giá rủi ro, không thể vì một ngành BĐS mà lại phải hy sinh toàn bộ nền kinh tế.

Tổng Giám đốc một doanh nghiệp BĐS chia sẻ trên tờ Thanh niên: “Nếu đánh thuế, người dân sẽ không gửi tiền nữa, hoặc có gửi thì cũng chẻ nhỏ ra, gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau, cuối cùng cũng không đánh thuế được. Mà ngân hàng không huy động được tiền thì các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS sẽ vay tiền ở đâu? Thị trường chứng khoán thì èo uột, các kênh huy động vốn khác như trái phiếu thì quá hạn chế. Có khi chính doanh nghiệp BĐS lại chết trước vì kiến nghị này”.

Với thành tích kém cỏi trong thời gian qua, bất động sản chẳng có mã gì để hút đầu tư, càng không có tư thế để đi mặc cả. Càng kêu than, các đại gia bất động sản chỉ càng vạch ra sự khốn cùng đến thảm hại của mình. Làm ăn kinh doanh đáng ra là phải chấp nhận lỗ lãi. Khi lãi thì chẳng biết tiền đi vào túi ai, song khi lỗ cứ đè hết thuế này đến phí kia để tận thu tiền trong túi người dân. Làm ăn dễ thế, việc gì phải suy tính làm sao không lỗ cho chóng chống gậy!

Lục Dương

http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/chu-tich-horea-lon-tieng-keu-dung-gui-tien-ngan-hang-nua

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét