Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị điều chỉnh tỷ giá

Doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị điều chỉnh tỷ giá
Hiểu có thể ảnh hưởng chính sách kinh tế vĩ mô nhưng các doanh nghiệp vẫn tha thiết mong Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh để xuất khẩu bớt thiệt thòi so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
Đề nghị trên được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và các lãnh đạo Hà Nội diễn ra ngày 22/3. Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu đang gồng gánh rất nhiều khó khăn. Theo ông, chi phí đầu vào mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu hiện cao hơn các nước trong khu vực khi giá cả một số mặt hàng liên tục tăng. Ông Sơn tính toán, giá xăng tại Việt Nam tăng khoảng 2.400 đồng còn giá điện tăng trên 10% trong năm 2012.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lan.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lan.
"Để đối phó với khó khăn chung, nhiều nước áp dụng chính sách phá giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Cũng vì thế mà các nhà xuất khẩu Việt Nam vừa chịu sức ép hạ thấp chi phí dù giá cả đầu vào tăng lại vừa đối mặt với việc các nước phá giá đồng nội tệ nên càng khó khăn", ông Sơn phân tích.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi và chế biến xuất nhập khẩu (Aprocimex) nói: "Vì thế mà chúng tôi không tài nào cạnh tranh được. Lúc này nói thật là nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ".
Đại diện cho lãnh đạo Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu qua câu chuyện này. Tuy nhiên, bà Sương nhấn mạnh, việc điều chỉnh tỷ giá phải cân đối với cán cân xuất nhập khẩu, cán cân tương mại cũng như mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. "Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội sẽ có trách nhiệm tham mưu, báo cáo Chính phủ và đưa ra chính sách hợp lý về vấn đề này", bà Sương cam kết với các doanh nhân.
Đề xuất phá giá nhẹ tiền đồng từng được đưa ra đầu năm nay và gây xáo trộn không nhỏ tới tâm lý cũng như diễn biến trên thị trường ngoại tệ. Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ giá cả trong ngân hàng lẫn trên thị trường tự do đều có 2 đợt sóng tăng mạnh, khác hẳn sự yên ả trong năm 2012. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định không có chuyện phá giá đồng nội tệ bởi theo nhà điều hành, xuất khẩu vẫn vẫn đang tăng trưởng, dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục.
Xem thêm

Phá giá nhẹ tiền đồng được cho là cách để hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng theo nhiều chuyên gia, với trường hợp Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu gia công và đa phần các doanh nghiệp lại phải nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc từ nước ngoài. "Như vậy, việc phá giá nội tệ chưa chắc đã tốt", một chuyên gia phân tích.
Vấn đề tắc nghẽn dòng vốn tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng được đề cập nhiều trong buổi đối thoại. Là Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) nhưng ông Đỗ Quang Hiển hôm nay phát biểu với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội với những chia sẻ tình hình của doanh nghiệp. Ông Hiển thừa nhận khó khăn lớn nhất khi vay vốn là tài sản đảm bảo. "Theo quy định, ngân hàng nào cũng đòi tài sản đảm bảo nhưng doanh nghiệp đã vừa và nhỏ thì làm gì có tài sản gì để thế chấp. Bài toán này đã đưa ra từ lâu rồi nhưng vẫn chưa có giải pháp nào", ông Hiển cho biết.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Trần Anh Vương đề nghị xem lại đối tượng được hỗ trợ. Ảnh: Thanh Lan.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Trần Anh Vương đề nghị xem lại đối tượng được hỗ trợ. Ảnh: Thanh Lan.
Ngoài các quy định, theo doanh nghiệp lãi suất cho vay hiện nay dù đã giảm nhưng vẫn còn cao so với các nước. Nói như ông Chủ tịch Aprocimex Đoàn Trọng Lý, 4 tháng vừa qua, họ "không biết làm thế nào" rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan với ngân hàng khi vừa sa lầy vào nợ lãi ngân hàng, tài sản đảm bảo cũng nằm ở ngân hàng. Ông Lý đề nghị hạ lãi suất cho vay trong quý III để doanh nghiệp có sức trụ thêm. "Tôi hiểu làm chính sách đương nhiên được chỗ này mất chỗ kia nhưng cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ là việc rất quan trọng vì đối tượng này dù mang lại lợi nhuận không cao nhưng lại đảm bảo an sinh xã hội", ông Lý phân tích.
Với nhiều doanh nghiệp, Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn lãnh đạo Hà Nội vừa đưa ra đều rất cụ thể nhưng họ vẫn lo ngại về "độ trễ" của chính sách trên thực tế. Ông Đỗ Quang Hiển thì cho rằng hiệu quả trong triển khai các giải pháp xuống doanh nghiệp chưa tương xứng với văn bản trong khi theo ông Đoàn Trọng Lý, chính sách về câu chữ không hề sai nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Về phần mình, ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội - không muốn bàn về "độ trễ" này nhưng theo ông, đối tượng được hỗ trợ "chưa trúng". Theo ông Vương, những doanh nghiệp làm ăn khó khăn, lỗ và phải trả lãi vay ngân hàng nhiều lại không được hỗ trợ. Vị doanh nhân trẻ này lấy ví dụ về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% cho các doanh nghiệp dưới 200 lao động, doanh thu dưới 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế có những doanh nghiệp nông, lâm, thủy hải sản trên 300 công nhân sẽ không thuộc diện hỗ trợ này. "Nhiều người nói với tôi thế này thì những công ty như Samsung, Canon đáp ứng đủ 2 điều kiện này, họ đang tốt không cần hỗ trợ thì lại đủ 2 điều kiện này", ông Vương dẫn chứng về mong mỏi lãnh đạo Sở Tài chính có ý kiến với Bộ.
Trả lời những băn khoăn này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định sẽ chỉ đạo lãnh đạo các ngành tiến hành ngay những giải pháp để tránh câu chuyện độ trễ chính sách như được phản ánh. Người đứng đầu thành phố ví von doanh nghiệp đang cần vốn như cơ thể cần được bơm máu và ông thừa nhận đang có những vướng mắc trong cơ chế chính sách tiếp cận vốn.
Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp có dịp đối thoại với lãnh đạo để cùng tháo gỡ khó khăn. Trước đó, hồi tháng 7/2012, một cuộc đối thoại tương tự đã diễn ra và chủ đề chính khi đó vẫn là câu chuyện tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù các bên đều tỏ ra trọng thị và mong muốn gỡ nút thắt này nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa có bước cải thiện đáng kể.
http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/tin-tuc/2013/03/doanh-nghiep-xuat-khau-kien-nghi-dieu-chinh-ty-gia/
Thanh Thanh Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét