Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Không có danh xưng, quả là buồn lắm!

Không có danh xưng, quả là buồn lắm!

Có thể thấy, ra đường bây giờ, gặp ai mà không phải là nhà nọ nhà kia, kiểu như nhà thơ, nhà báo, nhà giáo hay ít ra cũng phải là nhà kinh doanh hay nhà đầu tư thì quả là người ta dễ thất vọng lắm lắm.
Ảnh: Thanh Niên
Đến ngay trong giáo dục, trong phần khai nghề nghiệp, xưng chức danh của bố, mẹ, từ thời bao cấp, đa phần các cô giáo đã để ý đến phần này lắm để có gì còn…nhờ vả. Nhất là bố mẹ làm trong ngành hàng thực phẩm thì…nhất rồi, cô giáo “nhắn cháu về bảo mẹ” là có ngay gạo, thịt, rau…tùy theo cửa hàng “mẹ cháu” bán gì, khỏi phải xếp hàng khổ sở.
Ngày nay, nhất là trong thời kỳ giáo dục đang “mở” nên các nhà nghiên cứu hay nhà khoa học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng vô cùng nhiều. Nhất là mới đây, trên báo Lao động có phản ánh chuyện hai cuốn sách về Đặng Văn Hòa và Đặng Huy Trứ cũng đã bị dư luận phản ứng gay gắt vì những thông tin trong đó sai lệch và chắp vá, thế nhưng tác giả của nó cũng được cho là “nhà nghiên cứu lịch sử”, nhưng trước đó chưa từng hoạt động nghiên cứu. Và vì thế, không phải tới lúc này, xã hội mới bàn về chuyện loạn danh xưng.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên của Hội Nhà văn Hà Nội, cho rằng:Thực ra không có quy định cụ thể nào cho thấy, viết được vài tác phẩm văn chương có thể gọi là nhà văn, nhà thơ, hay hát mấy bài thì được gọi là ca sĩ. Nhưng cái quan trọng là người xưng danh phải hiểu mình cần đạt đến trình độ nào để tự nhận danh xưng ấy mà không thấy xấu hổ. Tương tự, theo ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật biểu diễn của Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đồng tình cho rằng: “Người đi hát có thể được gọi là ca sĩ, nhưng không thể tùy tiện nhận mình là danh ca”.
Thế nhưng, giữa thời buổi trọng hình thức như hiện nay, thậm chí đôi khi chỉ cần cái danh xưng là CSGT cho đi mà không phạt, thì chuyện thấy xấu hổ hay không đang là một điều đòi hỏi “quá xa xỉ”.
Theo nhìn nhận của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, loạn chuẩn danh xưng này đã lan ra khắp các lĩnh vực. Nổi bật nhất là loạn các danh hiệu trong giới showbiz, tiếp đến là những người hoạt động trong giới văn học nghệ thuật.
Thiết kế được vài bộ quần áo, bạn đã trở thành “nhà thiết kế”. Đoạt giải trong cuộc thi người mẫu cấp thành phố, người đó nghiễm nhiên có thêm chữ “siêu” đi cùng từ “người mẫu”. Tham gia thi Iron chef bạn sẽ có thể được xướng danh là “siêu đầu bếp”, hay sáng tác vài truyện ngắn được đăng trên báo, tôi cũng có thể là…nhà văn.
Trong khi tại Mỹ, các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chẳng bao giờ đưa học vị “PhD” lên danh thiếp của họ. Còn một vị nhạc sĩ nước ngoài đã khiến những người Việt Nam ngạc nhiên khi chẳng thấy ông ghi trên danh thiếp các chức danh và câu hỏi của chúng ta đã khiến ông ngạc nhiên bởi chỉ cần tên ông trên danh thiếp là đủ. Đúng là khi người ta đã nổi tiếng, họ chẳng cần chức danh, bằng cấp gì nhiều, chỉ nội cái tên của họ đã đảm bảo cho danh tiếng của mình mà ai cũng biết đến và tôn trọng.
Câu chuyện xưng danh sai chỉ được coi như …nói dối, chả có cơ quan quản lý nào có thể xử phạt nổi chuyện này và theo ông Nhân, tội lớn nhất là do có sự tiếp tay của truyền thông, tự đặt cho nhân vật của mình những danh “hot” để câu khách. Thực chất, nguyên nhân cho chuyện này thì có nhiều, người thì cho rằng do loạn chuẩn văn hóa, do nghe mãi thành quen nên có “lạm dụng” tý ty. Nhưng hơn hết là sự hình thức của cả một xã hội luôn mong muốn phải trở thành ông nọ bà kia nên danh xưng mới bị “vãi” ra để “chém gió” cho thiên hạ lác mắt.
Đến ngay cả cuộc thi hoa hậu Quý bà “sang trọng và danh giá” nên thí sinh toàn “nhà đầu tư chứng khoán” nghe “oách” kinh lên được, nhưng xưng danh là vậy không hiểu họ bị ban tổ chức ép “lên đời” làm “nhà” hay chính thí sinh cũng “huếnh”. Nó khiến cho người xem thấy sự “hình thức” rỗng ngay từ cái danh xưng.
Đổ lỗi cho truyền thông chưa xong, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn đổ tại công chúng cũng có lỗi nhận thức, nghe thấy thế mà chẳng phản ứng gì. Thế nhưng, xin thưa, công chúng cũng đang mải “tướt bơ” lo cho bản thân giữa cái thời buổi kinh tế khó khăn, nghe cũng chỉ loáng thoáng, xem cũng chỉ để giải trí, danh xưng lại càng như gió thoảng.
Với công chúng, xưng danh gì không quan trọng bằng thực chất anh ra sao. Nếu anh xưng danh quá lên những cái mình có thì công chúng cũng lặng lẽ tẩy chay, chả cần phải nói nhiều hay phản ứng làm gì cho mệt. Suy cho cùng, cái danh xưng cũng do chính nền giáo dục “hình thức” này đã tạo ra, và tồn tại cũng khá lâu rồi, chưa kể, nó cũng khiến cuộc sống thăng hoa với chính người xưng danh và cả với người nghe: à, hóa ra nước mình cũng nhiều “nhà” và nhiều “siêu”, thế là mừng rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét