Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

(2) Ảnh hưởng của vay nợ nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế

Bài viết của tôi năm 2003:
ẢNH HƯỞNG CỦA VAY NỢ NƯỚC NGOÀI TỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - LÝ THUYẾT, KINH NGHIỆM THẾ GIỚI VÀ THỰC TIỄN Ở NƯỚC TA 
II- VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ

Vai trò tích cực của vốn FDI đối với tăng trưởng và công nghiệp hoá đã và đang được khảng định tại nhiều nước đang phát triển. Lý thuyết và thực tế cho thấy trong môi trường tự do hoá và toàn cầu hoá, các nước đang phát triển có thể tăng cường khả năng cạnh tranh của mình bằng cách tận dụng những lợi thế do vốn FDI đem lại.
Tuy nhiên, nguồn vốn FDI đưa vào các nước đang phát triển thường được thực hiện thông qua các công ty xuyên quốc gia, trong khi mục tiêu của các công ty xuyên quốc gia và các nước chủ nhà thường khác nhau (chính phủ muốn phát triển kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi các công ty xuyên quốc gia tìm cách tăng khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế để thu lợi nhuận). Vì vậy, chính phủ các nước đang phát triển cần phải nghiên cứu hiểu rõ vai trò, đặc điểm của FDI để hướng nguồn vốn này vào thực hiện mục đích của mình.
1) Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hai thập kỷ gần đây
Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển châu á được thể hiện qua đồ thị dưới đây (tình hình tương tự đối với luồng vốn chảy vào các nước đang phát triển).

  Đồ thị 2: Luồng vốn FDI và ODA đưa vào các nước đang phát triển châu á (tỷ USD)




Nguồn số liệu: Indicators of Developing Asian and Pacific Countries, ADB, 2002.


Đồ thị cho thấy trong thập kỷ 80, dòng vốn này tăng lên rất chậm nhưng sang thập kỷ 90, tốc độ tăng trưởng của nó đã tăng lên rất nhanh. Về giá trị, nếu như năm 1980, các nước đang phát triển châu á chỉ thu hút được khoảng 4,2 tỷ USD vốn FDI, năm 1990 thu hút được 18,5 tỷ thì  năm 1995 đã thu hút được 67,9 tỷ USD và năm 2000 thu hút được 132,9 tỷ USD.

Các số liệu trong bảng dưới đây cho thấy có ba xu hướng khác nhau về huy động vốn FDI để phát triển kinh tế và công nghiệp hoá tại 3 nhóm nước. Nếu như tỷ trọng vốn FDI trong tổng luồng vốn ròng chảy vào các nước Nam á tương đối ổn định trong suốt 2 thập kỷ 70 và 80 (khoảng 2%) phản ánh vị trí khiêm tốn của loại vốn này trong chiến lược phát triển và công nghiệp hoá tại các nước Nam á, thì tình hình hoàn toàn khác tại 2 nhóm nước còn lại. Nhóm các nước Đông Nam á lúc đầu phát triển và công nghiệp hoá dựa rất lớn và luồng vốn tư nhân, trong đó vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng, nhưng sau đó giảm dần vai trò của nguồn vốn này mà chuyển sang huy động vốn ODA; tỷ trọng vốn FDI giảm từ 33% giai đoạn 1970-1975 xuống còn gần 25% vào đầu thập kỷ 80 và chỉ còn khoảng 15% vào cuối thập kỷ 80. Ngược lại, nhóm các nước công nghiệp hoá mới ở châu á luôn luôn nhấn mạnh vai trò của luồng vốn tư nhân, trong đó vốn FDI chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Tỷ trọng vốn FDI tăng vọt từ 19,8% giai đoạn 1970-1975 lên khoảng 37,6% vào đầu thập kỷ 80 và tăng tiếp tới 250% vào cuối thập kỷ 80.

  Bảng 3: Dòng tài chính ròng vào một số nhóm nước châu á (%)

Loại vốn
1970-1975
1976-1980
1983-1986
1987-1988
Các nước Nam áa




 Vốn chính thức:




   - ODA không hoàn lại
31,8
44,5
40,3
37,1
   - ODA cho vay
67,9
50,5
42,1
36,3
   - Vốn không ưu đãi
0,4
2,5
7,9
16,4
 Vốn tư nhân




   - Đầu tư nước ngoài trực tiếp
2,3
1,2
1,5
2,2
   - Đầu tư qua chứng khoánb
-0,4
-0,5
3,8
6,3
   - Tín dụng xuất khẩu
-2,0
1,9
4,4
1,8
Các nước Đông Nam ác




 Vốn chính thức:




   - ODA không hoàn lại
15,5
13,8
19,0
26,6
   - ODA cho vay
30,4
23,2
17,1
30,3
   - Vốn không ưu đãi
10,1
23,1
32,7
40,1
 Vốn tư nhân




   - Đầu tư nước ngoài trực tiếp
33,0
16,0
3,4
14,9
   - Đầu tư qua chứng khoánb
0,1
9,7
19,6
-2,7
   - Tín dụng xuất khẩu
10,8
14,2
8,3
-9,2
Các nước công nghiệp mớid




 Vốn chính thức:




   - ODA không hoàn lại
7,4
2,2
6,4
5,9
   - ODA cho vay
16,7
5,5
-4,2
-3,8
   - Vốn không ưu đãi
31,1
30,5
8,8
-83,9*
 Vốn tư nhân




   - Đầu tư nước ngoài trực tiếp
19,8
23,4
113,2
249,6**
   - Đầu tư qua chứng khoánb
5,8
5,3
-11,3
-43,4
   - Tín dụng xuất khẩu
19,1
33,0
-12,9
-24,5

Nguồn: Rana P.B. và Dowling J.M. (1990); trích từ OECD, Geographical Distribution of Financial Flows to Developing Countries, Paris, various issues.

a Bangladesh, Ấn độ, Mianma, Nepal, Pakistan và Srilanka

b Kể cả vay ngân hàng

c Indonêxia, Malaixia, Philippin và Thái lan

d Hồng Kông, Hàn Quốc, Sinhgapo và Đài loan

* Dấu âm chỉ dòng vốn ra nhiều hơn dòng vốn vào; ** Dấu dương chỉ dòng vốn ra ít hơn dòng vốn vào. Như vậy, các nước công nghiệp mới đã dùng nguồn vốn FDI để bù đắp cho việc các nguồn vốn khác chạy ra nước ngoài

  Tại sao các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không chạy từ các nước giàu sang các nước nghèo ? Câu hỏi này đã được Lucas đặt ra từ gần 20 chục năm nay, nhưng đến nay các phân tích khác nhau về ngoại thương và tăng trưởng dựa trên lý thuyết tân cổ điển vẫn chưa trả lời được câu hỏi này. Theo lý thuyết này, vốn FDI phải chạy từ các nước công nghiệp dư thừa vốn sang các nước nghèo thiếu vốn, thừa lao động; nhưng trên thực tế, luồng vốn không mạnh như dự đoán của lý thuyết. Mặc dù các chính phủ đã có nhiều chính sách thu hút vốn FDI nhưng trong khi có một số nước thu hút được nhiều vốn FDI và nhờ đó nền kinh tế tăng trưởng nhanh; thì bộ phận khác lại chỉ thu hút được một lượng vốn FDI rất khiêm tốn và nền kinh tế không thể cất cánh được.

  2) Quan hệ giữa vốn FDI và tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hoá

  a) Phân tích qua các nghiên cứu định tính:

  Vốn FDI được hầu hết các nước đang phát triển coi là một kênh quan trọng để bổ sung nguồn lực cho quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá vì những thế mạnh sau (Helleiner, 1987, Karel Jansen, 1995):

  (1) Về vốn: nguồn vốn FDI thường ổn định hơn so với các loại vốn nước ngoài khác, ví dụ so với vốn vay thương mại hay vốn đầu tư gián tiếp, và mang tính dài hạn hơn vì các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các công ty xuyên quốc gia thường đầu tư vào các dự án dài hạn.

  (2) Về công nghệ: công nghệ các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào thường rất đa dạng, có thể là công nghệ mới hoặc công nghệ thích ứng với đặc điểm của nước chủ nhà; hoặc nâng cấp công nghệ hiện có hay thay đổi mô hình tiêu dùng hiện có. Đôi khi các nhà đầu tư còn xây dựng các cơ sở nghiên cứu và triển khai (R&D) ở nước chủ nhà nên cũng góp phần làm thay đổi công nghệ của các doanh nghiệp trong nước qua tấm gương của họ. Chính vì vậy mà tiến bộ kỹ thuật trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thường tăng nhanh hơn khu vực sử dụng vốn trong nước (De Melo, 1988; Van Wijnbergen, 1986).

  (3) Về thị trường: các nhà đầu tư nước ngoài có thể tạo điều kiện tiếp cận thị trường nước ngoài cho một số hàng hoá và dịch vụ được sản xuất tại nước chủ nhà và hỗ trợ nước chủ nhà phát triển các loại hình sản xuất và dịch vụ mới nhằm khai thác tốt hơn lợi thế cạnh tranh của nước đó. Lợi ích thu được qua quá trình này cũng rất lớn; các doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi được kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, tăng được hiệu quả kinh tế, mở rộng cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới...

(4) Về kỹ năng và phương pháp quản lý: khi triển khai các dự án FDI, các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện các chuyển giao kỹ năng và tri thức qua các khoá đào tạo. Các doanh nghiệp trong nước cũng có thể tiếp thu các kiến thức mới thông qua học hỏi trực tiếp các chuyên gia. Lợi ích của việc chuyển giao tri thức này rất lớn, không chỉ đối với doanh nghiệp trong nước mà ngay cả đối với các doanh nghiệp có vốn FDI, vì sau khi cải tiến để thích nghi với tình hình mỗi nước, các kỹ năng, tri thức và phương pháp quản lý sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài duy trì được khả năng cạnh tranh của họ.

(5) Về môi trường: thông qua việc đưa công nghệ sạch và hệ thống quản lý môi trường hiện đại vào các nước chủ nhà, các dự án FDI có khả năng tác động tới phương pháp quản lý và công nghệ thực hiện tại các doanh nghiệp trong nước cũng như bản thân các doanh nghiệp có vốn FDI để hướng các doanh nghiệp này phát triển theo quan điểm sạch hơn và phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

(6) Đặc biệt, vốn FDI có một ảnh hưởng rất tích cực tới đầu tư của khu vực tư nhân. Vì vốn FDI là một thành phần của đầu tư tư nhân; do đó việc tăng lượng vốn FDI bản thân nó cũng là tăng vốn đầu tư của khu vực tư nhân. Hơn nữa, vì vốn FDI và vốn tư nhân trong nước cùng được xác định bởi một số biến phản ánh môi trường đầu tư của đất nước nên khi dòng vốn FDI chảy vào nhiều thì các nhà đầu tư tư nhân trong nước sẽ nghĩ rằng môi trường đầu tư đã tốt hơn, do đó tăng thêm đầu tư. Tăng đầu tư tư nhân nói chung sẽ kéo theo tăng tổng cung và tổng cầu theo cơ chế nhân tử (thu nhập) và cơ chế gia tốc (đầu tư).

Mặt khác, các dự án FDI mới thường huy động thêm nguồn vốn trong nước để bổ sung; và do trong các dự án liên doanh, vốn trong nước thường được triển khai nhanh hơn vốn nước ngoài nên khi có huy động vốn nước ngoài thì tốc độ tăng trưởng của vốn tư nhân trong nước thường tăng lên khá mạnh (Helleiner, 1987). Ngoài ra các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho các doanh nghiệp có vốn FDI, do đó cũng có thêm cơ hội phát triển.

  b) Phân tích qua các nghiên cứu định lượng:

Do tác dụng tích cực của vốn FDI tới đầu tư trong nước nên người ta dễ đi đến kết luận rằng vốn FDI có tác dụng tích cực tới tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển. Quan hệ này càng tỏ ra hợp lý đối với các nước có nguồn thu nhập ngoại tệ hạn chế. Chenery và Strout (1966), Taylor (1993) đã phân tích quan hệ nhân quả giữa vốn nước ngoài, đầu tư và tăng trưởng theo mô hình hai (hoặc ba) thâm hụt.

Quan điểm của mô hình hai thâm hụt nguyên gốc, trong đó vốn nước ngoài được xem là nguồn bổ sung cho vốn trong nước, đã bị Griffin (1970) phê phán vì cho rằng phần vốn đưa vào có thể được sử dụng để tiêu dùng chứ không phải để đầu tư. Hậu quả là thu hút vốn bên ngoài có thể làm giảm tỷ lệ tiết kiệm nội địa, làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế; hoặc tốc độ tăng trưởng đầu tư xã hội thấp hơn tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài. Quan điểm mới của ông đã gây ra nhiều cuộc thảo luận về quan hệ giữa vốn nước ngoài và tiết kiệm nội địa. Tuy nhiên, Gupta và Islam (1983) đã tổng hợp và cập nhật các nghiên cứu đa quốc gia và nhận thấy đa số các nghiên cứu đều đi đến kết luận vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp có tác động tích cực tới đầu tư và tăng trưởng.

Luồng vốn bên ngoài đưa vào không chỉ làm tăng khối lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế mà còn làm tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tức là làm hệ số ICOR giảm đi hoặc tăng chậm lại. Đó là nhờ những tác dụng nêu trên của nguồn vốn này. Trong khi các nguồn vốn vay thương mại hay vốn ODA thường được dành cho khu vực kinh tế nhà nước, vốn FDI thường được đưa vào khu vực kinh tế tư nhân và làm tăng đầu tư tư nhân. Vì ảnh hưởng của đầu tư tư nhân tới tăng trưởng mạnh hơn ảnh hưởng của đầu tư nhà nước (Khan và Reinhart, 1990) nên hiệu quả của đầu tư FDI tới tăng trưởng kinh tế cao hơn so với luồng vốn nước ngoài khác. Hơn nữa, người ta còn thấy vốn FDI thường được đưa vào khu vực thương mại quốc tế được, do đó nó góp phần làm tăng sức cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế. Đây cũng là điểm khác so với các nguồn vốn nước ngoài khác, ví dụ vốn vay thương mại hay vốn vay ODA thường được đưa vào khu vực kinh tế nhà nước để tài trợ cho các dự án thuộc khu vực không thương mại quốc tế được như cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của vốn FDI tới tăng trưởng thường được thực hiện theo hai tiếp cận: Tiếp cận thứ nhất xem xét quan hệ giữa hai chỉ tiêu này theo số liệu đa quốc gia nối tỷ lệ tăng trưởng GDP đồng thời với luồng vốn FDI đem vào và tổng số vốn FDI tích luỹ. Tiếp cận thứ hai xem xét quan hệ này qua sử dụng phương trình tăng trưởng GDP với chuỗi thời gian của một nhóm nước; trong tiếp cận này, vốn đầu tư được chia làm nhiều thành phần và mỗi thành phần lại có một ảnh hưởng khác nhau đến taưng trưởng; như vậy có thể xác định được ảnh hưởng của vốn FDI.

Hầu hết các nghiên cứu đi theo tiếp cận thứ nhất đều thất bại và bị phê phán về cơ sở phương pháp luận (Grieco, 1986; Helleiner, 1989). Theo cách tiếp cận thứ hai, Gupta và Islam (1983) nhận thấy hệ số của vốn FDI ít có ý nghĩa khi thực hiện các phương trình hồi quy đa quốc gia thời kỳ 1950-1973. Ngược lại, với những chuỗi số liệu gần đây hơn (1970-1990), Husain và Jun (1992) nhận thấy biến FDI có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa tới tăng trưởng kinh tế của các nước khối ASEAN. Rana và Dowling (1990) cũng rút ra các kết luận tương tự khi nghiên cứu trường hợp 23 nước đang phát triển châu á.

Do còn có sự khác nhau trong nghiên cứu thực nghiệm, nên các nghiên cứu sau này đã chia các nước nghiên cứu thành các nhóm nước với những đặc trưng khác nhau. Kết quả là người ta thấy ảnh hưởng của vốn FDI tới tăng trưởng phụ thuộc vào đặc trưng của từng nước và trong từng thời kỳ Karel Jansen, 1995). Bên cạnh đó, nghiên cứu của Buffie (1993) còn cho thấy ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào từng loại vốn FDI.

Vai trò của đầu tư FDI đối với tăng trưởng và công nghiệp hoá cũng được phân tích kỹ trong các cuộc đàm phán giữa các nước giàu và nước nghèo. Trong khi cả hai nhóm nước đều đồng ý với nhau rằng vốn nước ngoài có tác dụng tích cực tới tăng trưởng, công nghiệp hoá và chống nghèo đói thì các nước đang phát triển lại nhấn mạnh vai trò của vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nước công nghiệp lại nhấn mạnh vai trò của vốn FDI. Theo các nước công nghiệp, sử dụng vốn FDI sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với sử dụng vốn ODA vì nó được sử dụng vào những khâu có lợi nhất, không lãng phí như sử dụng vốn ODA; mặt khác nó cho phép tăng tính thị trường và tính sáng tạo của các nền kinh tế đang phát triển.

Các nghiên cứu thực nghiệm còn cho thấy việc huy động vốn FDI để công nghiệp hoá phụ thuộc lớn vào chính sách công nghiệp của các chính phủ chứ ít phụ thuộc vào trình độ phát triển. Hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với nhóm các quốc gia công nghiệp mà cả đối với nhóm các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia Đông á có trình độ công nghiệp hoá cao là Hàn Quốc và Malaixia, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư FDI trên GDP của Hàn Quốc vào loại thấp nhất, trong khi tỷ lệ này ở Malaixia lại vào hàng cao nhất. Tương tự, ở nhóm các nước kém phát triển hơn, trình độ công nghiệp hoá của Trung Quốc và Philippin thuộc hàng thấp nhất nhưng tỷ lệ huy động vốn FDI / GDP của Trung Quốc lại rất cao trong khi tỷ lệ này của Philippin lại thấp nhất.

III- VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ

  Cho đến gần đây, các cuộc tranh luận về vai trò của vốn hỗ trợ phát triển chính thức (hay viện trợ) tới tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước đang phát triển vẫn chưa kết thúc. Một số nhà kinh tế cho rằng viện trợ sẽ nâng đỡ các chính phủ xây dựng các chính sách phi hiệu qủa và mở ra môi trường bất lợi cho các hoạt động kinh tế. Một số khác lại cho rằng các nước giàu thường thông qua con đường viện trợ để lồng quyền lợi của mình vào; do đó viện trợ sẽ không đem lại hiệu quả mà nước tiếp nhận mong đợi. Số còn lại cho rằng viện trợ nước ngoài có tác dụng tích cực tới tăng trưởng của các nước đang phát triển, nhưng chỉ khi nước đó có những chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại và cơ cấu hợp lý; trong trường hợp ngược lại, viện trợ nước ngoài sẽ không có tác dụng tích cực tới tăng trưởng. Trong khi còn có những khác nhau như vậy thì người ta đều thống nhất rằng chỉ có một số ít nước được nhận viện trợ với khối lượng lớn và trong một khoảng thời gian dài, và cũng chỉ có số ít trong các nước đó có tỷ lệ tăng trưởng và công nghiệp hoá cao đi kèm với giảm nghèo.

Trong mục này, chúng ta sẽ xem xét kinh nghiệm thế giới về ảnh hưởng của viện trợ tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trước hết, cần nhìn lại tình hình viện trợ trong thời gian gần đây.

  1) Xu hướng tiến triển của luồng vốn ODA trong giai đoạn gần đây

  Đồ thị 4 mục trên cho thấy luồng vốn ODA có xu hướng tăng lên trong hai thập kỷ gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng rất chậm so với luồng vốn FDI. Nếu như vào năm 1980, các nước đang phát triển châu á thu hút được gần 10 tỷ USD vốn ODA thì năm 1990 thu hút được 17,6 tỷ USD và năm 1997 thu hút được 24,9 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đỉnh cao vào năm 1997, luồng vốn này giảm mạnh, chỉ còn 15,6 tỷ USD vào năm 2000. Do tốc độ tăng trưởng chậm đáng kể so với luồng vốn FDI, tỷ trọng của vốn ODA trong tổng luồng vốn chảy vào các nước đang phát triển châu á đã giảm mạnh trong khi tỷ trọng luồng vốn tư nhân tăng rất nhanh. Đáng lưu ý là tình hình trên diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và tốc độ công nghiệp hoá ở các nước châu á trong thập kỷ 90 cao hơn hẳn trong thập kỷ 80. Điều này có nghĩa là nhiều nước đang phát triển châu á đã giảm mạnh mức độ phụ thuộc vào luồng vốn ODA nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

  Một đặc điểm khác của nguồn vốn ODA là biến động cơ cấu; thường tại một quốc gia, sau mỗi cuộc khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng vốn FDI sẽ chậm lại, hoặc vốn FDI giảm xuống so với trước; nhưng tốc độ tăng trưởng vốn ODA sẽ tăng lên để bù đắp. Để quá trình này diễn ra, luồng vốn ODA thường được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng cho các nước gặp khủng hoảng và giảm tỷ trọng cho các nước không gặp khủng hoảng hoặc gặp khủng hoảng ở mức độ thấp.

Số liệu của các tổ chức tài chính quốc tế cho thấy cơ cấu dòng tài chính chảy vào các nước đang phát triển châu á thay đổi mạnh khi trình độ phát triển tăng lên. Trong thập kỷ 70, hầu hết số vốn chảy vào các nước đang phát triển Nam á là vốn chính thức, trong đó vốn ODA chiếm tỷ trọng cao tuyệt đối (99,7% giai đoạn 1970-1975 và 95% giai đoạn 1976-1980) trong khi vai trò của vốn tư nhân cực kỳ thấp. Tuy nhiên, sang thập kỷ 80, vai trò của vốn ODA giảm đi rất mạnh trong khi vai trò của các loại vốn không ưu đãi, mang tính chất thị trường tăng lên rất nhanh. Tình hình tương tự diễn ra với nhóm các nước Đông Nam á và các nước công nghiệp mới. Hơn nữa, nếu so sánh tiến triển của tỷ trọng vốn ODA giữa ba nhóm nước trong bảng thì thấy rất rõ tỷ trọng này có xu hướng giảm khi trình độ phát triển và công nghiệp hoá tăng lên; ví dụ đến cuối thập kỷ 80, nguồn vốn ODA chỉ còn chiếm 73,4% tổng nguồn vốn chạy vào các nước đang phát triển Nam á, 56,9% tổng nguồn vốn chạy vào các nước đang phát triển Đông Nam á, và 2,1% tại các nước công nghiệp mới ở châu á. Số liệu trên cũng cho thấy đến cuối thập kỷ 80, vai trò của nguồn vốn ODA vẫn rất quan trọng tại các nước đang phát triển chưa thực hiện công nghiệp hoá thành công.

  Về cơ cấu nguồn vốn ODA, ở các nước Nam á, trong giai đoạn 1970-1975, tỷ trọng vốn ODA vay cao gấp 2 lần tỷ trọng vốn ODA không hoàn lại, nhưng sau đó quan hệ tỷ lệ này đã co lại đáng kể, đến cuối thập kỷ 80, tỷ trọng vốn ODA vay đã giảm xuống thấp hơn tỷ trọng vốn ODA không hoàn lại. Ngược lại, vài trò của vốn vay chính thức không ưu đãi đã tăng lên rất mạnh, từ tỷ trọng 0,4% tăng lên 16,4%. Tình hình tương tự đã diễn ra tại hai nhóm nước còn lại.

Như vậy, trình độ phát triển và công nghiệp hoá có ảnh hưởng mạnh tới cơ cấu huy động vốn chính thức. Trong giai đoạn đầu phát triển, các nước đang phát triển (trường hợp các nước Nam á) phụ thuộc rất nhiều vào tài chính ưu đãi từ các nước tài trợ; nhưng sang giai đoạn phát triển cao hơn (trường hợp các nước Đông Nam á), dòng vốn chính thức không ưu đãi và các khoản vay của khu vực kinh tế nhà nước từ nguồn tín dụng tư nhân nước ngoài (được nhà nước hoặc ngân hàng nhà nước bảo lãnh) đã trở lên rất quan trọng. Cuối cùng, trong giai đoạn phát triển cao hơn, tiếp cận với trình độ công nghiệp hoá (trường hợp các nước công nghiệp mới), vốn vay chính thức đã trở lên không đáng kể, kể cả vay ưu đãi hay không ưu đãi, trong khi vai trò của tín dụng tư nhân tăng lên rất mạnh, và trở thành nguồn vốn quan trọng nhất.

2) Quan hệ giữa vốn ODA và tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hoá

  Quan hệ giữa vốn ODA và tăng trưởng kinh tế cũng đã được đề cập đến trong một số lý thuyết. Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển là một trường hợp cụ thể. Theo lý thuyết này, các nước nghèo thường có tỷ suất lợi nhuận cao hơn và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với các nước giầu trong quá trình tiến tới tình trạng tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, vẫn có một số nhân tố ảnh hưởng bất lợi đến quá trình này; ví dụ ràng buộc tiêu dùng tối thiểu thường xuyên gây sức ép rất lớn, hoặc thị trường tài chính yếu kém, hoặc những lệch lạc về thể chế và chính sách... nên mặc dù có tỷ suất lợi nhuận cao, các nước nghèo vẫn khó có thể tăng trưởng nhanh được. Trong bối cảnh này, viện trợ ODA có thể hỗ trợ đẩy nhanh quá trình tiến tới tình trạng tăng trưởng bền vững theo quan điểm của thuyết tân cổ điển.

  Thực tế, dựa trên mô hình của thuyết tân cổ điển, Boone (1994, 1996) đã nghiên cứu trường hợp 54 nước đang phát triển, và thấy rằng viện trợ ODA không có ảnh hưởng tới đầu tư và tăng trưởng tại các nước này. Nghiên cứu của Rana và Dowling (1991) với mô hình tân cổ điển gồm 2 phương trình nêu trên (xem phần vốn nước ngoài và tăng trưởng kinh tế) cho thấy vốn ODA có tác động tiêu cực tới tiết kiệm và đầu tư của các nước đang phát triển châu á (xem các bảng 1 và 2).

  Tuy nhiên, các mô hình nêu trên chưa tính đến vai trò của yếu tố chính sách. Burnside và Dollar (1997) đã đặt câu hỏi liệu vốn ODA có hiệu quả tích cực tới tăng trưởng trong bối cảnh chính sách kinh tế của nước tiếp nhận tốt không ? Câu trả lời của các ông là có; hơn thế nữa, các ông còn thấy rằng vai trò tích cực của vốn ODA đối với tăng trưởng tăng lên nếu như mức độ lệch lạc của môi trường đầu tư giảm đi.

Mô hình của Burnside và Dollar về bản chất vẫn là mô hình tân cổ điển, theo đó cần phải cực đại hoá hàm lợi ích của người tiêu dùng với ràng buộc về tổng thu nhập của nền kinh tế; trong đó thu nhập này có hai nguồn: nguồn trong nước và nguồn viện trợ ODA. Burnside và Dollar đã xem xét ảnh hưởng của tiết kiệm nội địa tới tăng trưởng GDP khi có nguồn vốn ODA và khi không có nguồn vốn ODA, khi có những méo mó lệch lạc trong cơ chế chính sách và khi không có những méo mó này. Phương trình ước lượng là hàm tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người phụ thuộc vào thu nhập tại điểm xuất phát (để đo lường khả năng hội tụ), vào các biến chính sách, thể chế và môi trường chính trị, viện trợ ODA. Những biến chính sách và thể chế chính trong mô hình là thâm hụt ngân sách, nợ chính phủ, lạm phát, chi tiêu chính phủ, tỷ lệ tiền tệ M2 trên GDP và độ mở cửa của nền kinh tế (tương tự như cách làm của Sachs và Warner, 1995); ngoài ra còn có một số biến công cụ khác là dân số và lãi suất tiền vay.

Áp dụng mô hình cho chuỗi số liệu của Ngân hàng thế giới về viện trợ ODA của 56 nước đang phát triển ở các châu á, Phi và Mỹ là tinh với khoảng thời gian từ 1970-1973 đến 1990-1993, các ông nhận thấy: Thứ nhất, có quan hệ âm giữa viện trợ ODA/GDP và tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người nếu chưa xét đến môi trường chính sách gồm 3 yếu tố: tỷ lệ thâm hụt ngân sách, tỷ lệ lạm phát và độ mở cửa của nền kinh tế. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người của nước tiếp nhận sẽ giảm tới 0,16% nếu tỷ lệ vốn ODA/GDP tăng thêm 1%. Trong trường hợp loại bỏ các nước có thu nhập trung bình, sẽ còn lại 40 nước thu nhập thấp (dưới 1900 USD/người) thì mức độ giảm ít hơn: khoảng 0,07%. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng tiêu cực của vốn ODA đối với các nước thu nhập trung bình cao hơn; đó là vì các nước này có thể tiếp cận dễ dàng thị trường vốn quốc tế và hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường có hiệu quả cao hơn nên khi sử dụng vốn ODA thì sẽ kém hiệu quả hơn.

Thứ hai, khi xét đến môi trường chính sách kinh tế tốt theo những tiêu chuẩn giả định trước, các tác giả nhận thấy viện trợ ODA/GDP có tác dụng tích cực tới tỷ lệ tăng trưởng GDP; tính chung cho 56 nước, khi tỷ lệ ODA/GDP tăng thêm 1% thì tỷ lệ tăng trưởng GDP có thể tăng thêm tới 0,2%; đây là một mức độ rất cao. Tương tự, nếu loại bỏ các nước có thu nhập trung bình, thì ảnh hưởng này có thể lên tới 0,7%.

Như vậy, theo nghiên cứu thực nghiệm của Burnside và Dollar, vốn ODA chỉ có tác dụng tích cực đối với các nước đang phát triển nếu môi trường chính sách ở đó là tốt. Trong trường hợp ngược lại, vốn ODA sẽ có tác dụng tiêu cực. Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu khác như đã nêu ở trên. Đối với khu vực châu á, nơi có môi trường chính sách được đánh giá là rất tốt, nghiên cứu của Rana và  Dowling (1990) cho thấy khi luồng vốn ODA vào các nước này tăng thêm 10% thì sẽ làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng thêm 0,47%; đây là một tác động có ý nghĩa. Tuy nhiên, tăng vốn ODA thêm 10% lại gây tác động tiêu cực làm cho tỷ lệ tiết kiệm nội địa của các nước châu á giảm 0,16%. Như vậy, nghiên cứu của Rana và  Dowling đã góp một tiếng nói ủng hộ quan điểm là huy động tiết kiệm nước ngoài thông qua vốn ODA mặc dù có tác dụng tích cực làm tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, nhưng lại có mặt tiêu cực là làm giảm tiết kiệm trong nước, tức là có sự thay thế lẫn nhau giữa hai loại vốn này. Đáng lưu ý thêm là nghiên cứu của Rana và  Dowling còn cho thấy vốn ODA có ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn nền kinh tế.

IV- VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI GIÁN TIẾP (IFI) VÀ QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ

  Vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp chủ yếu bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và vay ngân hàng. Các khoản vay ngân hàng ngắn hạn, chủ yếu bằng đồng đô la, thường được các tổ chức tài xchính trong nước đứng làm trung gian, mà các tổ chức này sẽ biến chúng thành những khoản vay trung hạn cho các doanh nghiệp trong nước. Vì thế các tổ chức tài chính trong nước phải cọ xát với rủi ro về kỳ hạn và tiền tệ. Mặc dù các quốc gia châu Á có tỷ lệ tiết kiệm trong nước khá cao - phần lớn là từ tiết kiệm của các hộ gia đình, và đôi khi thêm các khoản tiết kiệm qua bảo hiểm xã hội rất cao - để đầu tư, nhưng nhu cầu tài chính vẫn vượt quá xa so với nguồn tiết kiệm nội địa. Một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Singapo và Malaixia, tập trung thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nhưng một số nước khác lại chấp nhận đầu tư gián tiếp, chủ yếu qua cổ phiếu và trái phiếu, và thêm các khoản vay ngân hàng.

Điều dễ nhận thấy là những nước không tập trung thu hút vốn FDI lại là những nước đã tiếp nhận được các luồng vốn gián tiếp rất lớn trong thời kỳ trước khủng hoảng năm 1997, ví dụ Hàn Quốc, Inđônêxia, Thái Lan và Philippin. Ngược lại, những nước huy động vốn trực tiếp nhiều như Trung Quốc, Malaixia có tỷ lệ huy động vốn gián tiếp trên GDP rất thấp. Sự khác biệt giữa các nước trong việc huy động vốn nước ngoài vừa phản ánh các chính sách huy động vốn khác nhau của các nước, vừa phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào từng nền kinh tế.

Bảng 4: Tỷ lệ vốn nước ngoài gián tiếp / GDP (%)

Năm
Hàn Quốc
Malaixia
Thái Lan
Indônêxia
Philippin
Trung Quốc
1982
-0,02
2,25
0,19
0,33
0,00
0,01
1983
0,66
2,22
0,27
0,43
0,02
0,01
1984
0,93
3,26
0,37
-0,01
0,00
0,03
1985
1,84
6,21
2,30
-0,04
0,06
0,25
1986
-0,31
0,11
-0,07
0,33
0,04
0,54
1987
-0,22
0,44
0,68
-0,12
0,06
0,37
1988
-0,33
-1,29
0,86
-0,12
0,13
0,30
1989
0,00
-0,28
2,06
-0,18
0,69
0,03
1990
0,09
-0,59
-0,04
-0,09
-0,11
0,00
1991
0,79
0,35
-0,08
-0,01
0,28
0,14
1992
1,61
-1,92
0,83
-0,07
0,29
0,08
1993
3,17
-1,10
4,36
1,14
1,65
0,61
1994
2,14
-2,28
1,72
2,19
1,41
0,73
1995
304
-050
243
204
353
010
1996
437

198
220
614
029
1997
278

280
-123
067
085



  Tương tự như với các nguồn vốn ODA và FDI, việc đánh giá vai trò tác dụng của vốn nước ngoài gián tiếp tới tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá vẫn đang là câu hỏi lớn vì tình hình trái ngược nhau tai nhiều nước, hoặc tại ngay cùng một nước nhưng trong các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, có một kết luận được đa số các nhà kinh tế nhất trí; đó là vốn nước ngoài gián tiếp tới tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá nếu như chính sách kinh tế của chính phủ phù hợp. Trong trường hợp ngược lại, kết quả rất nhập nhằng.

  Đặc biệt, việc huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ngắn hạn quá nhiều, nhất là trái phiếu và các khoản vay ngân hàng, và sử dụng để đầu tư dài hạn trong quá trình công nghiệp hoá, thường được coi là nguyên nhân gây tổn thương thị trường tài chính và thị trường ngoại hối của một nước, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tăng trưởng dài hạn và công nghiệp hoá. Trong nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, những khoản dư nợ khổng lồ phải trả (chủ yếu là nợ ngân hàng và nợ ngắn hạn) là nhân tố chính khiến các quốc gia mắc nợ lâm vào kiệt quệ. Ngược lại, các quốc gia chủ yếu dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (điển hình là Trung Quốc) thường không vướng vào các khủng hoảng tiền tệ. Ngay cả những nước bị tác động của khủng hoảng, nhưng do huy động vốn nước ngoài chủ yếu qua hình thức vốn FDI nên việc thoát ra khỏi khủng hoảng cũng không mấy khó khăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét