Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

10 bài học rút ra từ xung đột Nga - Ukraine

10 bài học rút ra từ xung đột Nga - Ukraine qua góc nhìn nhà ngoại giao kỳ cựu
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - Nguyên Phó tổng thư ký ASEAN | 13/03/2022 
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN, đã chia sẻ góc nhìn của cá nhân ông về những bài học từ xung đột Nga - Ukraine, vốn vẫn diễn ra ác liệt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. "Và tất nhiên, mỗi quốc gia, tùy lợi ích và vị trí của mình trên bàn cờ chính trị khu vực và thế giới, có những góc nhìn khác nhau và có những bài học khác nhau", Đại sứ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

I. Đối với nước nhỏ:
1. Phải tự quyết định các vấn đề của chính mình dựa trên lợi ích quốc gia/dân tộc, chứ không thể dựa vào bất kỳ nước ngoài nào. Không có bất kỳ nước nào hy sinh lợi ích quốc gia của họ để bảo vệ lợi ích của anh cả.

2. Cần chọn "điểm rơi chiến lược" tốt nhất khi ra quyết sách quan trọng và luôn thuộc nằm lòng câu "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Theo lãnh đạo và đa số người dân Ukraine, quyết định gia nhập NATO và EU của họ có thể tốt cho lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, quyết định này lại đưa ra sai thời điểm khi môi trường quốc tế không còn thuận lợi nữa. Giá như họ quyết định dứt khoát từ những năm cuối 1990 như các nước Đông Âu cũ và 3 nước Cộng hòa Baltic khi lúc đó thế và lực của Nga còn yếu thì sự thể có thể đã khác.

3. Hãy nỗ lực cao nhất để tránh "cuộc chiến một chiều", tức anh chỉ bị tấn công 1 phía, và là bên chịu thiệt hại chủ yếu trong trường hợp nổ ra chiến tranh với các nước lớn.

4. Ở bất kỳ đâu và hầu như không có ngoại lệ, nước lớn luôn nhìn các nước nhỏ xung quanh qua con mắt lịch sử là "thần phục", "chư hầu"... Họ chỉ "ngả mũ" khi lãnh đạo và người dân nước nhỏ láng giềng: (i) mạnh hơn; (ii) giàu có hơn; và (iii) thông minh hơn.

Do đó, nước nhỏ ngoài việc củng cố nội lực toàn diện, thì luôn tìm cách tránh lệ thuộc một chiều vào các nước lớn thù địch về kinh tế, chính trị, an ninh trong thời bình, trong khi phải có biện pháp đáp trả tương xứng, đặc biệt về mặt quân sự, vào chính "đầu não" đối phương trong thời chiến.

5. Luôn giương ngọn cờ chính nghĩa, lấy Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế làm ngọn cờ tập hợp lực lượng, kêu gọi lương tri thời đại và biết cách để kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới kể cả khi chiến tranh đã nổ ra và mình ở thế yếu về quân sự.

II. Đối với nước lớn khi phát động chiến tranh:

6. Khi phát động chiến tranh thì phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt, từ quân sự (Hải, Lục, Không quân) đến hậu cần, lực lượng dự bị, công tác tình báo... đảm bảo đã nổ súng là phải giành chiến thắng, thắng áp đảo, làm mất ý chí của đối phương.


Thực hư chuyện lãnh đạo 1 quốc gia khuyên ông Zelensky nên chấp nhận các yêu cầu của Nga?

7. Chiến tranh là một hình thái đặc thù, với rất nhiều ẩn số và biến cố khó lường có thể xảy ra, nhất là sức kháng cự của đối phương khi bị dồn vào chân tường. Do đó luôn phải đặt ra tình huống xấu nhất là khả năng thất bại, nguy cơ sa lầy và luôn phải có Chiến lược rút lui (Exit Strategy) để bảo toàn lực lượng.

8. Chiến lược ngoại giao "bên miệng hố chiến tranh" (Brinkmanship Diplomacy), tức dùng sức ép toàn diện lên đối phương mà không sử dụng đến biện pháp dùng vũ lực, cũng có những hạn chế nhất định.

Điều này thấy rõ nhất khi "đối thủ" nhỏ hơn nhưng lại có tinh thần dân tộc chủ nghĩa và quyết không chịu nhượng bộ. Do đó, khi phát động chiến tranh thì phải lường trước hết tất cả các hệ quả vì chính bản thân nước lớn, tuy giành được chiến thắng quân sự trước mắt, nhưng có khả năng sẽ bị trả giá rất lớn bởi các đòn "trừng phạt hội đồng" và có thể gây ra sự sụp đổ về kinh tế, xã hội từ bên trong sau này.

III. Đối với các nước phương Tây muốn thực hiện "cuộc chiến ủy nhiệm", hoặc làm "chảy máu" đối thủ qua tay người khác:

9. Đã qua thời kỳ mà phương Tây có thể làm suy yếu một chiều đối phương, buộc đối phương sa lầy như cuộc chiến Afghanistan đối với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau cao độ như hiện nay, khó khăn của Nga cũng tạo ra các khó khăn, thách thức và khủng hoảng cho Mỹ, phương Tây chả kém gì Nga.


Ông Zelensky lần đầu công bố số binh sĩ Ukraine thiệt mạng: Quân Nga "tổn thất gấp 10 lần"

Ít nhất lúc này Mỹ, NATO và EU đang gánh chịu ít nhất 4 cuộc khủng hoảng: (i) Khủng hoảng về an ninh; (ii) Khủng hoảng nhân đạo (hiện giờ có ít nhất 2,5 triệu người tị nạn Ukraine đang lánh nạn ở châu Âu và con số này đang tiếp tục tăng nhanh); (iii) Khủng hoảng năng lượng; và (iv) Khủng hoảng giá cả với giá hàng hóa tiêu dùng, giá nguyên vật liệu và lạm phát đồng loạt tăng phi mã. Các cuộc khủng hoảng này xảy ra trong bối cảnh Mỹ và phương Tây vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19 và nền kinh tế thế đang trong tình trạng phục hồi bấp bênh.

Nói một cách khác, "Trạng" chết, thì "Chúa" cũng "ngắc nghoẻo".

10. Và cuối cùng là hệ quả xấu nhất, không ai mong muốn và cũng chưa loại trừ, đó là: Khi Nga bị dồn vào tình thế khó khăn, tuyệt vọng, biết đâu những lời đe dọa "sử dụng hàng nóng" (vũ khí hạt nhân) không còn là những câu dọa xuông nữa. Thế giới đã chẳng bao lần bất ngờ về sự quyết đoán cũng như khó đoán định của Tổng thống Putin rồi sao?

https://soha.vn/10-bai-hoc-rut-ra-tu-xung-dot-nga-ukraine-qua-goc-nhin-nha-ngoai-giao-ky-cuu-20220313122752417.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét