Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Khoe con như thế khác gì hại con!

Khoe con như thế khác gì hại con!
Nhận được giấy chứng nhận “siêu anh hùng nhí” của con trai 8 tuổi sau khi kết thúc một khóa học trực tuyến về kỹ năng sống, mẹ cậu bé liền đăng lên mạng xã hội (MXH). Dưới bức ảnh là hàng loạt những lời bình luận chúc mừng mẹ, khen bé giỏi, bé yêu... Nhận những lời tán dương đó, bà mẹ nhiệt tình nhắn tin lại cảm ơn, kể lể phải đầu tư bao nhiêu kinh phí cho con học tập để được giáo viên khen ngợi.

Thực tế, đó chỉ là khóa học kỹ năng sống, mà lại là học trực tuyến chủ yếu cung cấp kiến thức chứ phần thực hành không nhiều. Với trẻ nhỏ, các cô chủ yếu khen ngợi, động viên là chính. Thế nhưng mẹ của bé lại cho rằng cái chứng nhận “siêu anh hùng nhí” là rất “oách”, rất đáng tự hào nên cứ vô tư đăng lên MXH để khoe. Từ khi đăng bức ảnh này, bao nhiêu thông tin khác của con, mẹ cũng lôi ra kể lể thành những câu chuyện liên tu bất tận.

Chuyện khoe con trên MXH không hiếm. Thậm chí, nhiều người còn lạm dụng khi đưa hình ảnh và thông tin của con lên MXH. Mỗi khi con đạt được thành tích nọ, danh hiệu kia, hoặc chỉ là mua bộ quần áo mới, thay đổi kiểu tóc, đi ăn một món ngon cũng chụp ảnh con đưa lên kèm theo những lời “có cánh”. Một số cha mẹ coi việc đăng các hoạt động của con trở thành thú vui, niềm kiêu hãnh để người thân, bạn bè, cộng đồng ngưỡng mộ, ngợi khen.

Cứ tưởng chuyện khoe con trên MXH vô thưởng vô phạt, thế nhưng thực tế sẽ có tác động không tốt đến tâm lý của trẻ. Khi biết cha mẹ khoe thành tích của mình, trẻ dễ nảy sinh tâm lý tự mãn, khoe khoang, luôn thích được khen ngợi. Nếu kết quả đó không thực chất mà vẫn được cha mẹ tung hô khiến trẻ ảo tưởng về năng lực bản thân, từ đó sinh ra chủ quan, tự cao tự đại. Ngược lại, nếu kết quả học tập thấp, trẻ sẽ lo lắng, xấu hổ, sợ bị cha mẹ phê bình vì không có thành tích để khoe, từ đó có những suy nghĩ tiêu cực, phải dùng mọi cách, kể cả hành vi gian lận để có thành tích tốt. 

Việc khoe con trên MXH cũng khiến cha mẹ hay suy bì so sánh khi thấy con nhà người ta hơn con nhà mình, từ đó tác động để con ganh đua, tranh giành. Chính việc làm đó đã hình thành cho trẻ động cơ phấn đấu thiếu lành mạnh, dễ coi mình là số một, thích được đề cao, ca ngợi. Thêm vào đó, một số thông tin cá nhân đưa lên MXH dễ bị kẻ xấu lợi dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Cha mẹ nào mà chả yêu thương con hết mực. Điều quan trọng là cách thể hiện tình yêu đó sao cho đúng mực, tế nhị, văn minh. Nếu có kết quả tốt nên động viên, khuyến khích, ghi nhận thành tích của con trong phạm vi gia đình, người thân. Đặc biệt, phải lắng nghe và tôn trọng ý muốn của con, tránh việc lấy kết quả học tập, giải thưởng của con như một là món đồ trang sức để khoe mẽ, đánh bóng bản thân. Khoe con như thế khác gì hại con!

VŨ DUY
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/khoe-con-nhu-the-khac-gi-hai-con-689343

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét