Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Sở – Tề diễn nghĩa

Sở – Tề diễn nghĩa
28, 10, 2018 Nguyên tác Chu Mộng Long. 
Kết hợp chính sử và dã sử thời Chiến quốc.
Quản Trọng dụng kế phá núi rừng,
Sở Vương mắc mưu diệt nguyên khí.

Sau khi chinh phục các nước xung quanh, Tề Hoàn Công muốn đánh Sở. Nước Sở ở phía đông, địa thế hiểm trở, lại là nước mạnh trong các nước chư hầu. Sở Vương lâu nay tuy sợ Tề, nhưng cũng đã chính phục được hai nước Sái và Trịnh, lại liên quân với nước Giang, nước Hoàng, thế mạnh đang lên và muốn thoát Tề. Tề Hoàn Công nói:
– Ta muốn hội quân chư hầu đi đánh Sở, nhưng nếu Sở biết ắt phòng bị, khó mà đánh được.
Quản Di Ngô can:
– Đại chiến mười mấy năm trước tại biên giới với Sở, dù gọi là dạy cho Sở một bài học, nhưng ta lại tổn thất quá lớn. Lần này đánh cũng sẽ lưỡng bại câu thương, không chừng lại mang tiếng lấy thịt đè người, các nước cười chê.

Tề Hoàn Công nheo mắt đôi mắt hí nhìn Quản Di Ngô:

– Ngươi có kế gì chăng?

Quản Di Ngô thưa:

– Diễn biến hòa bình. Chọc thủng vào dạ dày, xong gõ thẳng vào đầu nước Sở. Không cần dàn binh đánh trận vẫn lấy được nước Sở trong tay.

Lập tức Quản Di Ngô cho thương gia sang Sở rao giá mua hươu, từ trị giá 2 quan một con lên đến 5 quan một con. Vua quan nước Sở nổi máu tham lập Hội Hươu gồm vua và giới quý tộc đến cả triệu người chuyên đi săn hươu. Nước Sở lâu nay tự hào rừng vàng nhờ bầy hươu rất đông. Núi rừng mênh mông bị chặt phá để săn hươu. Thấy vậy, Quản Di Ngô cho tăng vọt giá từ 5 quan lên đến 10 quan một con. Đội quân săn hươu của Sở Vương càng hăng hái tàn phá rừng. Hàng vạn hecta rừng bị đốn và đốt sạch. Tiền vô như nước. Nhiều quan xây cả biệt phủ trong rừng để săn hươu và nhốt hươu.

Quản Di Ngô nói với Tề Hoàn Công:

– Nước Sở sắp mất rồi!

Nói đoạn, Quản Di Ngô cho người sang Sở loan truyền mua gỗ quý với giá cao ngất ngưởng. Vậy là một công đôi việc, quan quân nước Sở càng thi nhau vừa chặt phá rừng khai thác gỗ vừa săn hươu. Đến lượt dân thấy vậy cũng bỏ cả ruộng vườn vào núi chặt cây và săn hươu. Mạnh quan quan phá, mạnh dân dân phá, không thể nào kiểm soát nổi.

Sở Vương ra lệnh đóng cửa rừng, nhưng hậu quả là chỉ cấm được dân. Cửa rừng đóng để các quan yên ổn xây biệt phủ ăn chơi hú hí vời đàn hươu ngay giữa rừng phòng hộ.

Mùa mưa năm ấy, lũ quét tràn xuống, bao nhiêu bản làng ngập trong bùn lũ.

Đại phu nước Sở là Tử Văn và Khuất Hoàn thấy tình thế nguy khốn, không chừng mắc mưu Tề. Tử Văn tâu:

– Tiền của ta bây giờ nhiều như nước. Nhưng tiền mà như nước thì nó cũng có thể cuốn trôi cả triều đình. Lòng tham có thể làm chìm đắm cả một cơ đồ.

Khuất Hoàn tiếp lời:

– Quản Di Ngô là người túc kế đa mưu. Không dưng mà ông ta hào phóng trong trò buôn bán đó. Mong chúa công đề phòng.

Sở Vương không tin vì cho rằng tình hình Tề – Sở không có gì mới. Quan hệ giữa hai nước vẫn đang hữu hảo, đôi bên cùng có lợi. Dẫu sao Sở cũng đề phòng. Bán gỗ thì vẫn bán gỗ, săn hươu thì vẫn săn hươu, nhưng vẫn mua vũ khí và dàn binh biên giới để phòng ngự. Tiền nhiều lo gì không đủ mạnh để chống Tề nếu Tề muốn khởi binh đánh Sở.

Quản Di Ngô biết Sở có không ít kẻ tài trí hơn người, bèn dùng tiếp kế gõ vào đầu nước Sở. Triệt tiêu hiền tài, nước Sở mất hết nguyên khí. Nhân lễ mừng thọ, Tề Hoàn Công viết thư mời Sở Vương sang dự yến. Sở Vương nhân cơ hội sang giao hảo để làm kế hoãn binh. Tề Hoàn Công tiếp đãi trọng thể bằng buổi tiệc trà. Sở Vương cầm ly trà tay run bắn nhưng vẫn phải khen:

– Trà nước Tề ngon hơn trà nước Sở.

Xong tiệc, Tề Hoàn Công gửi Sở Vương mang trà về cho Tử Văn và Khuất Hoàn để tỏ lòng mến mộ hiền tài.

Khuất Hoàn uống thứ trà được xem là hảo hạng ấy chưa đến vài hôm thì tự lăn ra mà chết. Tử Văn nghi ngờ không dám dùng trà, lại thấy cái chết của Khuất Hoàn mà kinh hoảng bèn lặng lẽ vứt đi.

Trong lúc thiên hạ dị nghị trà của Tề có độc, Quản Di Ngô cho người sang điều tra cái chết của Khuất Hoàn và kết luận: bệnh suy thoái, tự diễn biến. Sở Vương chỉ tin đó là bệnh lạ bèn ra lệnh chống. Quản Di Ngô cười thầm: Chống cái đầu mày!

Thấy vua Sở vẫn hả hê với tình hữu hảo Sở – Tề, mê tiền hơn cả cơ đồ tiên tổ, mặc dân chúng chết trong bão lũ, Tử Văn vội xin ra khỏi Hội Hươu. Một số đại phu thấy vậy cũng ào ạt tuyên bố ra khỏi Hội. Sở Vương nổi giận ra án lưu đày cả loạt rồi lu loa bọn này đang bị lây nhiễm bệnh tự diễn biến, suy thoái tư tưởng.

Quản Di Ngô nghe tin các đại phu trí tuệ nước Sở đồng loạt ra khỏi Hội Hươu và bị lưu đày, bèn mật kế với Tề Hoàn Công:

– Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Thập niên thọ mộc, bách niên thọ nhân. Mười năm mới trồng được cây lớn, trăm năm mới trồng được người tài. Nay vua Sở chặt cây phá rừng, lại đày đọa hiền tài, vậy là vận mạt đến rồi. Bây giờ Tề có thể xỏ mũi con bò Sở Vương dắt đi đâu cũng được.

Nói đoạn Quản Di Ngô ra lệnh đóng cửa khẩu, dừng nhập hươu và gỗ quý. Lại ra lệnh cấm vận, các nước chư hầu không được bán lương thực cho nước Sở.

Bấy giờ lúa gạo trong nước đắt hơn cả giá hươu và gỗ. Toàn bộ số tiền trong ngân khố phải chi ra để mua lương thực nuôi quân. Chỉ trong vòng một năm, ngân khố cạn kiệt. Triều đình lập các trạm thu giá, vơ vét đủ các loại thuế phí cũng không thể lấp nổi vào ngân khố. Dân tình điêu đứng và thây chết đầy đồng vì lũ lụt, đói khát.

Đúng lúc đó quân Tề ào ạt khởi binh áp sát biên giới. Tề Hoàn Công bắt loa kêu gọi Sở Vương đầu hàng. Sở Vương bủn rủn tay chân, bò đến trước doanh trại quân Tề dâng biểu đầu hàng và mang cả nước Sở dâng cho Tề để kiếm cái ăn.

(Còn nữa)
https://chumonglong.wordpress.com/2018/10/28/so-te-dien-nghia/#more-9804

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét