Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Nghĩa tử là nghĩa tận, song đen trắng phải rạch ròi

Nghĩa là tình nghĩa, tận là cuối cùng. Câu "nghĩa tử là nghĩa tận" ý nói tình nghĩa thể hiện với người chết là tình nghĩa cuối cùng với người đó, không còn bất kỳ cơ hội nào khác. Vì vậy hãy bỏ qua mọi hiềm khích, xung đột trong quá khứ đã có với người chết, đến thăm viếng họ lần cuối để họ ra đi thanh thản. Tuy nhiên, câu này chỉ đúng với người từng quen biết người chết. Còn đối với người chẳng quen biết gì thì không thể cư xử theo câu này được. Xưa nay vẫn có câu: Cáo chết để da, người chết để tiếng. Có thế là tiếng tốt, tấm gương sáng cho con cháu ngàn năm nhưng cũng có thể là tiếng xấu được lưu truyền mãi mãi. Chết đi là xong phần người đó. Nhưng tội ác mưu mô thủ đoạn của người đó vẫn được người đời bàn luận hết thế hệ này sang thế hệ khác. Nên mới có câu: Chỉ khi đóng nắp quan tài xong, người đời mới định luận công đức và tội lỗi. Người yêu thì bình công, kẻ ghét thì luận tội.
Nghĩa tử là nghĩa tận, song đen trắng vẫn phải rạch ròi
03/10/2018 - FB Lê Nguyễn - Trong cuộc sống bộn bề, có những lúc hồi ức bất chợt ùa về, như dòng nước lũ giữa mùa bão giông, không gì ngăn cản nổi. Những năm tháng sau 30.4.1975, những gì đã diễn ra cho số phận mấy chục triệu người miền Nam, nhiều bạn chưa ra đời hay còn quá nhỏ nên không có một ý niệm rõ rệt nào về những gì mà cha anh họ đã trải qua.Image result for NghÄ©a tá»­ là nghÄ©a tận
Những năm tháng ấy, hàng trăm ngàn người tay không tấc sắt, ngoan ngoãn chui vào các trại cải tạo, sống cuộc đời đày ải từ miền này sang miền khác, từ năm này sang năm khác; hàng chục ngàn chủ doanh nghiệp đổ mồ hôi, sôi nước mắt gần cả đời người, dành dụm chút tài sản, chỉ một sớm một chiều trắng tay, có người phải ăn xin ở cửa nhà của chính những người từng chịu ơn họ.

Song đau đớn nhất có lẽ là những phụ nữ chân yếu tay mềm, con thơ nheo nhóc, chồng bị tù đày, rời bỏ nhà cửa đi đến những vùng gọi là kinh tế mới, khai hoang, vỡ đất, làm được 1-2 mùa lại phải dời đi chỗ khác, lại vỡ đất, khai hoang. Cuối cùng, sức chịu đựng của con người có hạn, họ dắt díu nhau trốn về thành phố, sống lây lất nơi phố chợ, gầm cầu.

Những năm 1982-1983, trên khắp các nẻo đường Sài Gòn, tôi nhìn thấy những con người nằm vạ vật ở khắp các lề đường, cạnh tường rào của những gia đình khá giả, tài sản duy nhất là chiếc bị cói trên tay, nhà cửa không còn, tài sản bay vèo theo cơn lốc thời cuộc. Mãi đến hàng chục năm sau, những số phận lay lắt đó vẫn còn là nỗi ám ảnh của một thành phố trong thời kỳ đổi mới.

Một chiều 30 tết năm 1990, tôi trực cơ quan nằm trên góc đường Tú Xương – Trương Định, ngồi vẩn vơ nhìn những nam thanh nữ tú mặc quần áo mới đi mua sắm dập dìu. Hình ảnh đó quá trái ngược với hình ảnh cặp vợ chồng ngồi tựa bức tường của nhà trẻ Hoa Hồng ở góc đường bên kia. Họ thật bình thản trước nhịp sống đang quay cuồng trước mắt. Người vợ thò tay vào lục cái gì đó trong chiếc bị cói, anh chồng nằm ngữa trên nền gạch lát vỉa hè, yên lặng nhìn lên trời như đang tìm kiếm một hình bóng nào ở đó. Hình như ngoại cảnh lúc ấy đối với họ chỉ là con số không.

Tôi chạnh lòng với ý nghĩ: giữa đêm giao thừa, họ sẽ ở đâu trong giờ phút thiêng liêng sum họp của mọi nhà? Cái chiều ba mươi tết đó, tôi đã nhìn cặp vợ chồng ấy thật lâu, và tôi đã … khóc. Hình như khi con người ta đi đến tận cùng của sự bất hạnh, họ không còn biết cảm xúc nữa. Họ yên lặng, cam chịu, bình thản nhìn cuộc sống lừng lững trôi qua. Tưởng như họ không còn tồn tại trên chính quê hương của mình.

Chẳng hiểu sao, khi (một người nguyên là lãnh đạo tối cao) vừa nằm xuống, tôi chợt nhìn thấy khúc phim thời gian đang chiếu qua trước mắt mình hình ảnh cay nghiệt của những ngày “non sông liền một dải”, những ngày mà chỉ một cánh tay giơ lên, một lời nói sắt máu trên sóng truyền hình đủ định đoạt số phận của hàng triệu con người.

Có thể con người đó đã nhúng tay sâu vào những oan trái trong một thời khoảng quan trọng của lịch sử chăng? Lúc này, người ta thường khuyên nhau câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, song có những cái chết lại gợi lên trong lòng hình ảnh của một thời cay nghiệt, khi con người đối xử với nhau như loài thú dữ, truy cùng đuổi tận như đang trở về một thuở hồng hoang. Có những nỗi đau khó quên, khi cơn lốc cuộc đời thổi qua từng số phận, làm bật tung những ký ức đắng lòng nhất.

Nhắc lại để thế hệ hôm nay và mai sau đừng lặp lại bài học của cha anh mình. Mong rằng vào một đêm nguyệt tận nào đó, họ sẽ nâng chén rượu hồng lên, nhìn sâu vào mắt nhau để thấy ở đó thật long lanh tình dân tộc, nghĩa đồng bào:

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này (Tô Thùy Yên)

Cảm ơn các bạn, hãy để lại đây những cảm nghĩ nhẹ nhàng và bao dung bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét