Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Ký ức về đánh tư sản dưới trướng Đỗ Mười

Đã từng làm việc với ông Trân và ông Mười, thậm chí vài lần giúp ông Trân viết các bài phát biểu, hồi ức về thời hoạt động của ông, nên tôi cũng nghe được một số thông tin. Theo tôi nhớ, khi giải phóng miền Nam, hai người lãnh đạo cao nhất vào tiếp quản và chỉ huy toàn diện là ông Phạm Hùng, lúc đó là Bí thư Trung ương Cục, phụ trách công tác Đảng, và ông Nguyễn Văn Trân, ủy viên thường vụ Trung ương Cục. Ông Trân là đại diện Chính phủ, là lãnh đạo cao nhất của Chính phủ tại miền Nam, kiêm trực tiếp phụ trách công tác cải tạo công thương nghiệp miền Nam (trong bài dưới gọi là đánh tư sản). Ông Trân quyền cao chức trọng hơn ông Mười. Ông Trân là người kết nạp ông Mười vào Đảng, là Bí thư Trung ương Đảng từ tháng 1 năm 1961, Bí thư thành ủy Hà Nội từ năm 1968 đến 1974, trong khi ông Mười đến năm 1969 mới lên được chức Phó Thủ tướng. 
Ông Trân là Trưởng ban cải tạo tư sản miền Nam đầu tiên, đợt I; trong khi ông Mười làm Trưởng ban đợt II. Ông Trân bị đánh giá là không kiên quyết cải tạo tư sản, nên bị cắt chức; để có nơi làm việc cho ông Trân, Bộ chính trị quyết định thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (quyết định do Tổng bí thư Lê Duẩn ký) và đưa ông Trân sang đó làm Viện trưởng, giao nhiệm vụ Trưởng ban cải tạo tư sản cho ông Mười. 
Ông Mười bản chất võ biền, rất hăng hái thực hiện chỉ đạo của cấp trên, nhưng trong chuyện này ông còn tích cực hơn vì bài học của ông Trân sờ sờ ngay đó; nếu ông Mười không hăng hái, sẽ bị đánh giá là nhân nhượng, thỏa hiệp với tư sản, dễ dàng mất chức, kết thúc sự nghiệp chính trị y như ông Trân. Trung ương hồi đó rất kiên quyết, liên tiếp có nhiều nghị quyết về vấn đề này; ông Mười không chấp hành không được. Ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư thành ủy Sài Gòn (sau này là Tổng bí thư), vì chần chừ thực hiện một số chỉ đạo đánh tư sản của cấp trên mà bị mất chức Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương, Bí thư thành ủy Sài Gòn và cả chức Trưởng ban Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa của Trung ương, bị điều về làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. 
Bài "cải tạo công thương nghiệp" trên trang wikipedia có đoạn: "Ngày 04/9/1975 chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản miền Nam lần I. Ngày 15/7/1976, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết 254/NQ/TW về những công tác trước mắt ở miền Nam, hoàn thành việc xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản, tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Tháng 12 năm 1976, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản lần II. Tiếp theo, Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 3 năm 1977 quyết định hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam trong 2 năm 1977-1978. Tại trung ương lúc đó có một ban chuyên thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư doanh có tên Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương. Đến năm 1983, Ban này được giải tán, song lại thành lập Vụ cải tạo công thương nghiệp tư doanh thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Tại TP HCM, lúc đó, ông Đỗ Mười là người đứng ra thực hiện công tác cải tạo và làm rất tích cực".
Ký ức về những đợt đánh tư sản dưới trướng Đỗ Mười
Diễm Thi, RFA 2018-10-04 - Đối với nhiều người, khi đề cập đến nhân vật Đỗ Mười họ không thể quên chiến dịch đánh tư sản sau năm 1975 trên toàn miền Nam. Cơ quan chức năng chính quyền Hà Nội gọi là Cải tạo kinh tế tại miền Nam Việt Nam tiếp quản từ Việt Nam Cộng Hòa. Nhà báo Huy Đức dẫn lời ông Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng "Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn."

Tổng bí thư ĐCSVN Đỗ Mười nói chuyện với các nhà báo trong thời gian nghỉ tại Đại hội đảng lần thứ 8 tại Hà Nội ngày 30 tháng 6 năm 1996.



Bị tịch thu nhà và đẩy đi kinh tế mới
Chỉ trong vòng mấy năm sau ngày 30/4/1975, người dân miền Nam Việt Nam phải chịu mấy đợt gọi là ‘đánh tư sản’, đưa dân đi vùng kinh tế mới. Kèm theo đó là mấy đợt đổi tiền.
Đối với nhiều người đó là những ký ức không bao giờ phai trong tâm trí, đặc biệt là nạn nhân. Một cô bé chỉ mới 10 tuổi vào thời điểm 1975 kể với chúng tôi:
Khi đó tôi lên 10 nhưng tôi nhớ rất rõ là bị đánh thức vào lúc 2 hay 3 giờ sáng gì đó… và rồi người ta đã lục xạo nhà tôi. Họ kiểm tra từng viên gạch, từng bát nhang trên bàn thờ, từng chân nến, từng khe cửa, từng bộ quần áo. Và chúng tôi ra khỏi nhà đúng nghĩa là hai bàn tay trắng.
Đợt đánh tư sản đầu tiên là vào tháng 9/1975 tại khắp các tỉnh thành phía Nam, tịch thu nhà cửa của những cư dân bị cho là tiểu tư sản, tư sản mại bản và cưỡng bức dân đi kinh tế mới. Một người dân nay đã hơn 80 tuổi nói với RFA:
Nó nhảy tường vô nhà nó lấy cớ là trốn quân dịch rồi nó khám xét tứ lung tung, nhưng nhà bác chẳng có gì cả, chỉ có mấy cái đồng hồ tốt thì nó lấy giống như ăn cướp ấy. Nó bắt ký giấy rằng của cải không phải của bác mà là tiền lấy của dân. Sau đó nó đến nhiều lần, nó đóng chốt rồi nó mang bác nhốt ở phường một đêm. Có mấy cái máy đan len đâu phải là tư sản, càng ngày bác càng biết ra nó ăn cướp. Nó cứ đổ oan cho mình vì mình sợ quá. Nó cứ bắt đi họp rồi nó bảo nhà này phải đi kinh tế mới.
Trong cuốn “Bên thắng Cuộc” của tác giả Huy Đức có đoạn ông Nguyễn Văn Trân, viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương nói rằng “Khi bắt đầu chiến dịch, Bộ Chính trị chuyển anh Nguyễn Văn Linh sang làm Dân vận rồi đưa anh Đỗ Mười vào vì anh Đỗ Mười đã làm cải tạo công thương nghiệp ở Hà Nội. Anh Mười vào Sài Gòn áp dụng y chang những gì đã làm ở miền Bắc trong năm 1960”.
Lên trên đó thì cứ mỗi sáng ông già phải đi làm. Nó khoán cho mình một khu đất trồng mía, thơm. Không hoàn thành thì nó cắt phần lương thực của mình. Đi kinh tế mới từ năm 1977 đến năm 1980 sống khổ quá mấy anh em trốn về trước. - Anh Đông
Câu chuyện đánh tư sản và đẩy dân đi kinh tế mới chỉ lạ với người dân miền Nam vào thời điểm đó, nhưng với người dân miền Bắc thì họ không hề lạ gì. Bà Đức nói với RFA:
Tôi vào miền Nam từ năm 1954 thế nhưng tôi có một người anh kẹt lại ở miền Bắc và ông sống gần như suốt đời ở đó. Năm 1977 ông có vô miền Nam thăm gia đình, và ông đặn tôi rằng, thứ nhất là phải giữ chặt quyển sổ mua gạo. Thứ hai là phải “bám chặt” lấy cái cột điện và đường nhựa. Ý ông ấy dặn tôi là phải ở thành phố chứ đừng nghe người ta dụ đi kinh tế mới.
Anh Đông, một người từng đi kinh tế mới năm 1977, hiện sống ở Colorado nói với chúng tôi rằng vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân lúc đó không có điện, không có nước, không có trường học. Mỗi hộ gia đình được cấp một cái chòi chỉ có mái, tứ bề trống rỗng. Anh nói thêm:
Lên trên đó thì cứ mỗi sáng ông già phải đi làm. Nó khoán cho mình một khu đất trồng mía, thơm. Không hoàn thành thì nó cắt phần lương thực của mình. Đi kinh tế mới từ năm 1977 đến năm 1980 sống khổ quá mấy anh em trốn về trước.
Lấy hết tài sản rồi “mượn” nhà
Một nhóm người Việt Nam gần cổng trại tị nạn Pillar Point ở Hồng Kông ngày 30 tháng 5 năm 2000.
Một nhóm người Việt Nam gần cổng trại tị nạn Pillar Point ở Hồng Kông ngày 30 tháng 5 năm 2000. AFP
Chị Cẩm Vân, hiện ở Canada, con gái của ông Bùi Văn Lự, một tư sản lớn ở Sài Gòn trước năm1975, chủ nhiều kios kinh doanh phụ tùng xe gắn máy ở trung tâm quận 1 kể cho chúng tôi câu chuyện của gia đình chị mà đến bây giờ, ba chị đã 95 tuổi vẫn còn bị ám ảnh trong giấc ngủ.
Rạng sáng ngày 10/9/1975, cả gia đình đang ngủ thì họ đến họ bao vây hết hai khu nhà, một bên là 29-29bis Ngô Tùng Châu, một bên là 62-64 Ngô Tùng Châu. Nó đập cửa vô và đọc giấy “Vi phạm luật giao thông”. Tôi mới nói các ông nói vô lý vì ba giờ khuya cả nhà đang ngủ, không ai chạy xe mà lại bắt tội vi phạm luật giao thông. Lúc đó họ mới nói “đó là cái cớ để bắt gia đình này”.
Lúc đó nó kiểm kê và niêm phong hết hàng hóa, còn tiền bạc nó lấy đi. Gạo từng bao cả trăm ký nó chở đi hết. Nó nhốt cả nhà vô phòng mà trong không ra được, ngoài không vô được. Sáng hôm sau nó chở ba tôi lên bót ở đường Trần Hưng Đạo và giam ở đó đến 24/12/1975 mới chở về và nó đọc lệnh phải chịu sự quản lý của nó. Hàng hóa thì thuộc về Sở Công nghiệp, còn căn nhà ở số 62-64 Ngô Tùng Châu phải ký giấy cho Sở Công nghiệp mượn 10 năm.
Tháng 12 năm 1976, chính phủ tiến hành Chiến dịch cải tạo tư sản lần thứ hai. Gia đình chị Cẩm Vân lại một lần nữa bị đánh tư sản:
Năm 1978 là chiến dịch cải tạo công thương nghiệp lần thứ nhì là ông Đỗ Mười làm mạnh dữ lắm. Cũng vô nhà tôi đóng chốt mà lúc đó hàng hóa của mình nó lấy đi hết rồi, tiến bạc nó lấy đi hết rồi, nghĩa là mình không có cái gì để mình sinh sống hết. Lúc đó khổ lắm. Nó bắt mình lên phường ký giấy để đi kinh tế mới nhưng ba tôi và gia đình không ai chịu ký giấy, cứ ngồi ở phường, nó nhốt hai, ba ngày cũng chịu, nhất định không đi kinh tế mới.
Hậu quả
Nhà báo Võ Văn Tạo, cũng là một cựu binh vô Sài Gòn năm 1978 nói với chúng tôi cảm giác của ông về vùng đất phồn thịnh mà ông chỉ được coi qua sách báo trước đó:
Năm 1978 Sài Gòn như một thành phố chết. Mọi hoạt động công nghiệp gần như không còn nữa. Những người dân có tiền trước đó, những tiểu thương bị tống đi kinh tế mới hết nên thành phố nó thưa, nó vắng.
Rồi nạn ngăn sông cấm chợ nên người dân quê lấy gạo trắng cho vịt cho heo ăn vì có đem lên Sài Gòn bán được đâu, trong khi Sài Gòn thì đói kinh khủng vì không có gạo với chủ trương tỉnh nào giữ cho tỉnh nấy.
Ngoài chính sách kinh tế sai lầm thì còn sự thù hận về mặt chính trị... Có hiện tượng vượt biên thì phải xử tội chính phủ này chứ không phải xử tội người vượt biên. - Ông Võ Văn Tạo
Dù không chứng kiến kinh tế Sài Gòn trước 1975 nhưng ông chắc chắn rằng sau 1975 thì Sài Gòn tiêu điều đi rất nhiều. Chính vì điều đó dẫn đến làn sóng vượt biên vì người dân không sống nổi thì phải bỏ nước ra đi thôi dù biết là đi thì một sống một chết. Ông nói thêm:
Ngoài chính sách kinh tế sai lầm thì còn sự thù hằn về mặt chính trị. Con em của những người tham gia quân lực hay chính quyền VNCH thì có học giỏi mấy cũng không được vào đại học. Những chuyện đó họ thấy nghẹt thở thì họ phải đi tìm tự do thôi. Có hiện tượng vượt biên thì phải xử tội chính phủ này chứ không phải xử tội người vượt biên.
Mấy mươi năm đã trôi qua, hậu quả của các đợt đánh tư sản trong Nam cũng như cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc để lại những nỗi đau thương, mất mát cho người dân qua biết bao thế hệ cả về tinh thần lẫn vật chất.
Nhà báo Huy Đức dẫn lời ông Võ Văn Kiệt thừa nhận rằng "Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản nhưng tràn lan hơn."
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-muoi-and-the-consequence-of-fighting-bourgeois-in-vietnam-after-1975-10042018145622.html

1 nhận xét:

  1. Đó. Là lãnh vực kinh tế. Vậy còn bên y tế thì sao? Đã đành Y khoa thì phải thí nghiệm cho có bước tiến về sau ! Nhưng chỉ làm cho người bệnh đau đớn thêm hơn là chửa lành. Mổ ruột thừa không gây mê. Đây là chuyện thật không phải bịa ra. Cái thằng Lila xấu số sợ quá trước khi mổ lần thứ hai xin chuyển về BV Chợ Rẫy mổ cho chắc chắn. Không cho chuyển đi Bác sĩ Hồ Sáu phó viện Đại học Y Hà Nội cứ nói là mổ được ở đây . Ở đây là BV Tây Ninh năm 1978 cứ đi ngang xẻ dọc cái bụng của thằng Lila như bản đồ thế giới !!!! Sau nầy Lila đi máy bay qua Mỹ. Lila duoc975 ngồi ở ghế phi hành đoàn. Vì phi công nhìn vô cái bụng của Lila rồi phi công cứ thế mà bay hỏng có lạc chổ nào hết.
    Gởi những chị Y Tá phòng mổ BV Tây Ninh 1978: Chị Bảy Lan Chị Hột Chị Ngọc Anh Chị Thoa và chị Lê Hồng Phượng. Nay chắc về nghỉ hưu.

    Trả lờiXóa