Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

(3) Cách mạng Rumani xử tử nhà độc tài Ceausescu

Cách mạng Rumani 1989 và vụ xử tử vợ chồng nhà độc tài N. Ceausescu
Victor Sybestyen - Lên Đài
Từ sáng 22-12, bất cứ ai ở Bucharest có chút ảnh hưởng hoặc nghĩ mình có chút ảnh hưởng đều ghé đến trụ sở của Đài truyền hình Rumani, một tòa nhà bằng bê-tông xấu xí nằm trên một đại lộ trung tâm thành phố.
Kết quả hình ảnh cho tử hình Ceausescu
Ion Iliescu, được biết tới trong hàng ngũ Đảng Cộng sản như một đối thủ cẩn trọng của Ceausescu, kể lại rằng khoảng giữa sáng hôm đó, anh mật vụ Securitate vẫn lẽo đẽo theo dõi ông trong bao nhiêu năm nay tự nhiên biến mất. Thế là ông đi thẳng đến Đài truyền hình.


Tướng Victor Stanculescu, mới được phong chức Bộ trưởng Quốc phòng sáng hôm đó thay cho tướng Milea đã chết, cũng là người khuyên Ceausescu thoát thân bằng trực thăng, cũng đến Đài truyền hình cùng một số sĩ quan cao cấp khác.
Nhà thơ phản kháng Mircea Dinescu cũng thế. Ông bị quản thúc tại gia ở Bucharest suốt 6 tháng trước vì dám trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp Libération. Ông cũng đi thẳng đến Đài truyền hình. Đến Đài truyền hình vô tình trở thành một việc làm tiêu biểu của Cách mạng Rumani. Ông kể lại: "Sáng thứ sáu 22-12, một người hàng xóm gọi điện báo cho tôi rằng mấy anh mật vụ Securitate có vũ trang đứng gác trước cửa nhà tôi đã đi rồi, không còn nữa. Thế là tôi đi ra ngoài, đảo một vòng xem sao. Đúng vậy, họ đi rồi! Thế là tôi lang thang vào thành phố. Rồi một đám đông người biểu tình ùa đến với tôi, họ nhấc bổng tôi lên. Họ đặt tôi đứng trên một chiếc xe bọc sắt và loan báo với binh lính chung quanh rằng: "Đây là Dinescu! Hãy đưa ông ấy đến Đài truyền hình!". Mọi sự diễn ra như trong một cuốn phim dở về cách mạng".
Diễn viên Nhà hát quốc gia, Ion Caramitru, một trong những nghệ sĩ được ưa chuộng nhất trong nước, cũng được chở đến Đài truyền hình trên nóc một chiếc xe tăng.

"Có biết gì đâu"
Một giờ đồng hồ sau khi Ceausescu tẩu thoát, giữa những hỗn độn, không biết phải làm gì, ban điều hành Đài truyền hình đã cho ngưng phát sóng. Nhưng khoảng 1 giờ chiều, truyền hình trực tiếp lại được tiếp tục và những người đầu tiên xuất hiện trên TV là nhà thơ và diễn viên kể trên. Họ mỉm cười thật rạng rỡ và vui vẻ. Nhà thơ Dinescu công bố: "Nhà độc tài đã bỏ chạy". Đến cuối ngày thì nhà thơ này sẽ trở thành một bộ trưởng trong chính phủ mới.
Với hàng triệu người Rumani sống bên ngoài thủ đô Bucharest thì đó là bản tin đầu tiên họ được nghe về cuộc cách mạng ở Bucharest. Một trong số đó là Silviu Brucan, một trí thức phản kháng, kẻ đối đầu với Ceausescu (lúc đó bị giam lỏng ở ngoại ô Bucharest) nghe xong bản tin, ông cũng đến Đài truyền hình.
Diễn viên Caramitru tâm sự: "Cảm giác giải thoát và phấn khích sau ngần ấy năm ngộp thở quả thực là hết sức say mê! Nhưng chúng tôi có biết gì đâu! Làm sao chúng tôi thành lập được chính phủ bây giờ? Tôi chỉ là diễn viên mà thôi. Tôi hoàn toàn không có một khái niệm mình sẽ là tổng thống hay gì khác".
Nhưng trong số đó vẫn có những người nắm được bản chất của quyền lực. Ion Iliescu và những người theo phe ông thấy ngay cơ hội kiểm soát cuộc cách mạng và họ lập tức nắm lấy.

Mới như cũ
Khi Ion Iliescu đến Đài Truyền hình thì mọi sự đang hỗn loạn. Ông kể: "Ai cũng muốn nói, cũng cho thấy thiện chí. Song tôi cảm thấy phải tái lập trật tự vì thiện chí và cảm xúc thuần túy có thể dẫn đến tình trạng vô chính phủ". Ông và một vài quan chức cộng sản bị Ceausescu đối xử tệ, không thăng chức trước đó cùng một số đông tướng lĩnh và một vài trí thức phản kháng đã thành lập chính quyền từ các mảnh đổ nát còn sót lại của nền độc tài Ceausescu.
Cũng vì vậy, một giả thuyết được lan truyền rộng rãi rằng có một âm mưu tiếm quyền được tính toán kĩ lưỡng. Giả thuyết này được người dân Rumani và các nơi khác tin là thật. Sự xuất hiện của quá nhiều người cộng sản cũ, chưa hề thay da đổi thịt trong chính quyền mới và sự khó khăn của quá trình dân chủ hóa sau đó càng làm giả thuyết kể trên nghe đáng tin hơn.
Thật ra không có chứng cớ, tài liệu gì khẳng định giả thuyết ấy là đúng. Nó cũng tự mâu thuẫn: một mặt công nhận tình hình hỗn loạn không thể dự đoán khi quần chúng nổi dậy và nhà độc tài bỏ chạy, một mặt lại nói tới âm mưu được tính toán cẩn thận hàng tháng trước. Rõ ràng mặt này phủ nhận mặt kia, khiến kết luận về một âm mưu lật đổ có từ trước trở nên khó tin.

Không thể và có thể
Vẫn có nhân vật, như tướng Nicolae Militaru, người trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền mới, khẳng định là đã có một kế hoạch từ trước. Ông nói kế hoạch lật đổ Ceausescu dự tính diễn ra vào tháng 2-1990. Ceausescu sẽ bị bắt giam khi đang ở ngoài Bucharest, sẽ bị vô hiệu hóa bằng súng bắn thuốc mê, lúc đó quân đội và lực lượng cách mạng nòng cốt sẽ tuyên bố đảo chính. Tuy nhiên, súng bắn thuốc mê sẽ chỉ được chuyển đến vào giữa tháng 1-1990, vì thế cuộc cách mạng vừa rồi đã đi trước cuộc đảo chính dự định. Chính phủ mới dự định sẽ được đặt tên là Mặt trận Cứu nguy Tổ quốc và Ion Iliescu sẽ là người đứng đầu.
Tuy nhiên, Ion Iliescu và các thành viên hàng đầu của chính quyền hậu Ceausescu đã bác bỏ ý kiến về âm mưu kể trên. Iliescu nói: "Nhiều người đã bàn về việc cần làm trong tương lai, về cách để thoát khỏi thảm trạng hiện nay. Tôi cũng có nói chuyện với giới quân sự. Nhưng liệu họ có dám hành động để loại bỏ chế độ Ceausescu không? Có kế hoạch, cũng phải có điều kiện thuận tiện cho kế hoạch thành công. Chúng tôi bàn xem có thể làm gì nhưng… mọi sự đã rõ, từ những người ở trong quân đội hay các tập thể khác, rằng không thể làm được bất cứ điều gì!".
Khi Iliescu nói chuyện trên TV chiều thứ sáu 22-12, ông tỏ ra là một nhân vật có uy quyền, ông hứa sẽ đưa kẻ bấy lâu đầy đọa người dân Rumani ra "xét xử trước công chúng". Ông cũng nói nhiệm vụ trước mắt là tái lập trật tự vì vào lúc đó chưa ai biết chắc liệu Ceausescu có phản pháo hay không. Rồi ông kêu gọi "mọi người dân có trách nhiệm" đứng ra thành lập các ủy ban cứu nguy Tổ quốc.
Đến 6 giờ tối cùng ngày, quân đội xem như đã hoàn thành việc đưa Iliescu lên làm người đứng đầu chính quyền mới, một chính quyền còn chao đảo, yếu ớt, ra đời trong bất định và hỗn độn nhưng có một nhiệm vụ cấp bách bậc nhất: dập tắt nguy cơ một cuộc nội chiến.

Mật vụ trở thành khủng bố di động
Súng đã nổ lúc 7 giờ tối. Các nhóm nhỏ sĩ quan mật vụ Securitate trung thành với Ceausescu bắt đầu nổ súng bừa bãi vào đám đông trên đường phố đang ăn mừng cách mạng. Các cuộc nổ súng đã diễn ra nghiêm trọng trong một ngày hai đêm rồi thưa thớt hơn một ngày sau đó. Thật khó xác định ai bắn vào ai và vì sao. Hầu hết các vụ bạo động diễn ra gần như vô cớ và tùy tiện. Chẳng hạn vụ bắn phá Thư viện quốc gia, với kiến trúc tân cổ điển rất đẹp, trong lúc thư viện không có một ai. Rút cuộc, chỉ có hàng trăm pho sách quý hiếm bị tiêu hủy.
Mật vụ Securitate hoạt động chiếu theo công lệnh có mã số 2600, vốn quy định cách chiến đấu trong tình huống có ngoại xâm hoặc có nổi dậy nghiêm trọng. Không rõ ai đã kích hoạt lệnh này vì những người cao cấp nhất của Securitate, gồm cả tướng Vlad, đều đã bỏ qua hàng ngũ cách mạng. Chiến thuật được dùng không nhắm mục tiêu quân sự mà được thiết kế để khủng bố, làm dân chúng sợ bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Trước tình thế này, quân đội cũng không biết đáp trả ra sao. Phần lớn binh lính vừa nhập ngũ, chưa được huấn luyện kĩ, cũng chưa từng bắn phát súng sát thương nào. Phân biệt đâu là bạn, đâu là thù thật khó, nhất là khi có hàng ngàn thường dân được binh lính giao vũ khí lấy từ các trại lính. Mật vụ "khủng bố" lại hay mặc thường phục hoặc ngụy trang thành lính. Họ chia thành từng toán nhỏ, đi trong các đường ngầm và cống rãnh để di chuyển quanh Bucharest, sau đó chui lên, tấn công các đơn vị quân đội hay mục tiêu dân sự rồi đột ngột lặn mất.

Tấn công Đài truyền hình
9 giờ tối thứ sáu 22-12, mật vụ tấn công Đài truyền hình nhưng dường như không để chiếm đóng. Lúc này Đài truyền hình đã được nhiều xe tăng bao quanh để bảo vệ. Lực lượng bảo vệ cũng là tân binh, chỉ được huấn luyện trong vòng chưa đầy hai tháng và lại mặc áo giáp hạng nặng, phù hợp chiến trường lớn hơn là để chống du kích chiến trên đường phố. Cuộc đọ súng nổ ra trong khoảng một tiếng. Có 62 người chết, phần lớn là thường dân mắc kẹt giữa hai làn đạn. Đài truyền hình còn bị tấn công vài lần nữa trong mấy ngày kế tiếp. Tuy vậy, tin đồn lại lan ra rằng hàng ngàn người đã chết và Bucharest đã tắm máu, giao tranh diễn ra dữ dội.
Trên toàn cõi Rumani, số người chết chính xác là 1.104, trong đó 493 chết tại Bucharest và một phần ba là những tay mật vụ "khủng bố". Có 3.352 người bị thương, 2.000 trong số đó là ở Bucharest. Sự kiện riêng rẽ tệ hại nhất là một vụ quân mình bắn quân ta. Sáng sớm ngày thứ bảy 23-12, binh lính canh gác phi trường Otopeni của Bucharest đã vô tình nổ súng vào xe chở lực lượng tiếp viện đến bổ sung quân số cho họ.
Theo lời kể của Valentin Gabrielescu, Chủ tịch cuộc điều tra của Thượng viện về các vụ giao tranh trong thời gian cách mạng thì phần lớn người chết là "thường dân vô tội, bị kẹt giữa làn đạn của một bên là lính mới đang hoảng loạn và một bên là thường dân nã súng vào bọn khủng bố. Cùng với quân đội và công an, hàng ngàn thường dân cũng được vũ trang, họ lại bị áp lực vì tin đồn thất thiệt và những mối nguy tưởng tượng… Người này cứ thế bắn vào người kia. Thật hỗn loạn".

Cuộc tẩu thoát bi hài
Cuộc tẩu thoát của Ceausescu phải nói là vừa bi vừa hài. Xế chiều hôm đó thì cặp vợ chồng sẽ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa và bị bắt. Nhưng trước hết, hãy trở lại với cuộc tháo chạy bằng trực thăng vào ngày thứ sáu 22-12.
Sau khi thoát nạn trong gang tấc khi bay khỏi nóc nhà trụ sở đảng, họ tiếp tục bay trong 20 phút đến Snagov, nơi ông bà có dinh thự 42 phòng, nhưng cũng không ở đây lâu. Ceausescu gọi một loạt cuộc điện thoại nói chuyện với các bí thư tỉnh ủy xem còn nơi nào sẵn sàng cho ông đến lánh nạn không. Hai ông bà không tính đến chuyện trốn ra nước ngoài. Ceausescu cau mày khi được báo cáo cách mạng đã lan ra khắp nơi.
Họ lên căn phòng trên tầng một, lục tung tủ rả, đổ mọi thứ từ ngăn kéo ra, lật ngược nệm giường rồi dồn mọi thứ vào những túi màu xanh, kể cả hai ổ bánh mì. Sau 15 phút, khoảng 1 giờ 20 chiều, họ vội vã chạy trở lại trực thăng đang chờ. Họ cho hai hành khách bất đắc dĩ là Thủ tướng Bobu và Phó thủ tướng Manescu rời đoàn để đi bằng xe, tự lo cho bản thân. Trước khi đi, Manescu (em vợ Ceausescu) đã quỳ xuống, hôn tay Chủ tịch.

Bi hài trên không
Giờ thì vợ chồng Ceausescu chỉ còn có hai người cận vệ đi theo, Trung úy Florian Rat và Marian Rusu. Viên phi công thì nãy giờ nóng lòng muốn bỏ mặc Chủ tịch và bầu đoàn của ông nhưng hai cận vệ cứ chĩa súng vào anh, bảo anh phải làm những gì Chủ tịch yêu cầu.
Phi công Malutan kể: "Khi đã vào chỗ trên trực thăng, Ceausescu hỏi tôi: "Anh ở phe nào? Ta đi đâu đây?". Tôi đáp: "Ông bảo đi đâu thì đi đó!". Chúng tôi cất cánh lúc 1 giờ 30 chiều. Hai cận vệ rất căng thẳng. Họ cứ chĩa súng ngắn tự động vào tôi. Trong khi đó thì qua tai nghe, tôi nghe tiếng chỉ huy của mình nói rằng: "Vasile, nhớ nghe radio. Cách mạng đang diễn ra!". Ngay sau đó, Ceausescu lệnh cho tôi cắt đứt liên lạc radio với căn cứ. Tôi rất muốn thuyết phục ông ta cho tôi hạ cánh nhưng tôi có một mình, lại bị cắt đứt liên lạc với chung quanh".
Phi công được lệnh bay đi Pitesti ở tây nam Rumani. Anh cố tình bay lên cao "để ra-đa phát hiện ra chúng tôi" nhưng một trong hai cận vệ đoán được ý đồ của anh nên hỏi: "Vasile, anh làm quái gì thế?". Phi công quay qua nói với Ceausescu: "Chúng ta bị ra-đa phát hiện rồi!". Vợ chồng Ceausescu rất hốt hoảng. Ceausescu la to: "Bay xuống! Hạ cánh gần đường lộ!".
Phi công cho trực thăng hạ cánh trên một cánh đồng cách Titu 4 km, ngay bên ngoài làng Salcuta. Lúc đó là 1 giờ 45 chiều.

Bi hài trên cạn - Cận vệ phản chủ
Cận vệ Marian Rusu ngoắc hai chiếc xe hơi đi ngang. Vợ chồng Ceausescu và cận vệ Florian Rat lên một xe. Còn Rusu, cận vệ riêng của Elena trong nhiều năm, lên chiếc xe còn lại. Rushu hứa sẽ bám theo họ ngay phía sau nhưng Rusu đã bỏ rơi họ ngay sau đó.
Chiếc xe vợ chồng Ceausescu ngồi là chiếc Dacia màu đỏ do bác sĩ Nicolae Deca lái. Ông bác sĩ lập tức nhận ra ai đang ngồi trong xe mình và ông tìm cách tránh xa các vị khách bất đắc dĩ này càng sớm càng tốt. Ông nói xe hết xăng. Dĩ nhiên là nói dối nhưng lại nghe rất có lí trong tình hình khan hiếm ở Rumani lúc bấy giờ.
Cận vệ Rat lại bắt một tài xế khác chở, đó là Nicolae Petrisor, 25 tuổi, khi anh đang ở trước cửa nhà mình. Ceausescu bảo anh lái xe đến Targoviste, nơi có một nhà máy kiểu mẫu, xây chỉ đề làm màu, lấy tiếng mà ông đã ghé thăm vài lần cùng quan khách nước ngoài. Người ở đó là những công nhân được đặc biệt ưu đãi, là những người cộng sản trung thành, chắc chắn họ sẽ đón tiếp ông bà, Ceausescu nói với Elena như thế nhưng bà vẫn tỏ vẻ nghi ngại.
Khi họ đến Targoviste thì oái oăm thay, thị trấn này cũng đang tưng bừng ăn mừng tin cách mạng nổ ra. Họ bỏ cận vệ Rat bên ngoài thị trấn. Sợ bị nhận diện, hai vợ chồng cứ phải cúi đầu, giấu mặt. Petriso được lệnh lái xe đến một đồn điền mà hai ông bà đã thăm viếng nhiều lần. Giám đốc đồn điền, Victor Seinescu, cho họ vào. Nhưng đến khoảng 2 giờ 45 chiều, Seinescu lại gọi dân quân địa phương và báo cho họ biết lai lịch của hai vị khách. Vợ chồng Ceausescu được hai dân quân mặc đồng phục dẫn đi. Nhưng phải 3 giờ sau đó, họ mới được giao nộp cho quân đội dù trại lính chỉ cách đó 450 mét.
Cũng như rất nhiều những sĩ quan cao cấp chiều hôm đó, Seinescu phải quyết định mình theo phe nào. Cuối cùng ông quyết định giao vợ chồng Ceausescu cho quân đội. Gần 6 giờ tối, họ được đưa tới trại lính ở Targoviste, nơi đóng quân của một đơn vị pháo phòng không.

Chỗ ở cuối cùng của vợ chồng nhà độc tài
Thật khó đưa hai người đến trại lính mà không bị ai phát hiện. Vì vậy, vợ chồng Ceausescu được đưa lên một xe bọc sắt để tránh ánh mắt của công chúng và xe phải đi đường vòng tới trại lính. Chuyến đi mất khoảng 5 phút. Đến nơi, ông bà được đưa tới nơi trú ngụ cuối cùng. Một văn phòng được biến thành hai khu riêng, cách nhau một dãy bàn. Hai chiếc giường lính đặt trong góc phòng, có chăn nhưng không có khăn trải. Một lò sưởi lớn bằng gốm nằm ở góc phòng còn lại, cạnh đó là bồn rửa có vòi nước lạnh. Khu vực tầng trệt này của trại lính được cách li với mọi người, chỉ trừ một vài sĩ quan và hạ sĩ quan được chọn lọc đặc biệt. Thiếu tá Ion Secu là người có mặt với hai vợ chồng trong hai ngày rưỡi cuối cùng sắp tới của họ.
Thoạt đầu, Secu cho biết: "Ceausescu cư xử như ông vẫn đang là Tổng tư lệnh tối cao. Câu đầu tiên ông nói là: "Tình hình thế nào rồi? Báo cáo tôi nghe!". Tôi đáp rằng: "Chúng tôi ở đây là để bảo vệ ông khỏi quần chúng. Nhưng chúng tôi phải tuân lệnh những người cầm quyền tại Bucharest!". Câu đó làm ông nổi nóng, châm ngòi cho một chuỗi những lời nguyền rủa bọn phản bội đã chủ mưu chống lại ông. Phải một lúc sau ông mới hiểu ra thực trạng là mình đang bị giam giữ. Tâm trạng của ông biến động, lúc thì im lặng, tuyệt vọng, lúc thì kích động la lối, nguyền rủa bọn "phản bội". Người chỉ huy, trung tá Mares, lo lắng cho an ninh của ông trên hết. Lúc đó trong căn cứ có 500 binh sĩ và 40 nhân viên dân sự. Ai biết được sự có mặt của Ceausescu đều bị hạn chế rời khỏi căn cứ.

Một triệu đô-la và nạt nộ
Thi thoảng Ceausescu dở trò dụ dỗ người khác. Một trong số người canh giữ ông 24/24 kể lại rằng: "Ông đến gần tôi… chìa tay ra cho tôi, nói rằng: "Tôi sẽ cho cậu một triệu đô Mỹ và bất cứ cấp bậc nào trong quân đội mà cậu thích, nếu cậu giúp đưa chúng tôi ra khỏi đây!". Nhưng tôi không tin ông ấy nói thật lòng. Tôi nghĩ thầm chưa chắc đã được triệu đô mà có khi lại ăn ngay một viên đạn vào gáy sau khi xong việc. Nên tôi nói với ông: "Không được đâu!".
Với Elena thì đó là 3 ngày bà càm ràm không ngừng. Người canh gác bà kể lại: "Bà chê hết cái này đến cái khác! Bà ấy sợ nhưng lúc nào cũng giận dữ, cơn giận của bà cũng thật đáng sợ. Ông Ceausescu bị tiểu đường nên phải đi vệ sinh nhiều lần mà nhà vệ sinh cuối hành lang thì lại bốc mùi hôi thối. Bà dứt khoát không chịu dùng nhà vệ sinh kia! Thế là chúng tôi phải đưa cho bà một cái bô để đi trong phòng. Lúc nào tôi nói điều gì với ông thì bà đều nạt nộ rằng: "Anh dám ăn nói với vị Tổng tư lệnh như thế à?!".
Đêm đầu tiên đó, theo lời Secu kể lại, họ ngủ chung một chiếc giường đơn, co cụm lại, hai người già giang tay ôm lấy nhau. Secu cho biết: "Họ nói thì thầm nhưng dù đang ôm nhau họ vẫn cứ càm ràm cãi qua cãi lại. Có lúc Ceausescu nói: "Nếu bà nói tôi biết sớm mấy chuyện bà biết thì tôi đã xử thằng Iliescu đó rồi! Tôi đã cho nó đi đời mùa hè vừa rồi. Nhưng bà đâu có cho tôi biết!". Bà thì cũng có lúc cự lại ông rằng: "Tất cả là lỗi tại ông. Đáng lẽ mình không nên đến đây ngay từ đầu. Tại ông hết!".

Những ngày cuối cùng...
Họ không chịu ăn bất cứ thứ gì, ngoại trừ bánh mì và táo, và chỉ uống nước trà không đường. Thức ăn được đưa đến cho họ từ nhà ăn của các sĩ quan nhưng họ không đụng đến, dường như sợ thức ăn có thuốc độc.
Buổi sáng đầu tiên hôm sau, các sĩ quan cho họ mặc quần áo lính để nếu trại lính có bị mật vụ Securitate trung thành với ông bà tấn công thì chúng cũng khó tìm ra ông bà. Họ yêu cầu Ceausescu cởi áo choàng sẫm màu và mũ lông để mặc quần áo lính. Elena không chịu thay quần áo. Lính gác phải dùng sức mạnh để lột chiếc áo choàng cổ lông thú trên người bà rồi choàng cho bà chiếc áo khoác quân đội mùa đông và chụp lên đầu bà chiếc mũ lính.

Dụ dỗ cuối cùng, súng nổ đêm Giáng sinh
Đêm đó, Ceausescu một lần nữa tìm cách dụ dỗ người khác để thoát thân. Theo lời kể của thiếu tá Secu: "Ông thấy tôi lơ mơ ngủ gật. Bà Elena thì ở trên giường nhưng mắt dõi theo mọi thứ, bà hoàn toàn tỉnh táo và chăm chú. Ông nói với tôi: "Anh mệt phải không? Mệt là đúng rồi!", rồi ông hỏi thăm gia đình tôi. Tôi bảo tôi có vợ và một con, hiện sống trong một căn hộ nhỏ. Ông nói: "Khó đấy! Anh xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế. Tôi bảo này, tôi có thể cho anh một biệt thự ở Kieseleff (một quận nhà giàu, thời thượng ở Bucharest). Biệt thự có 7 hoặc 8 phòng, nhiều hơn nếu anh muốn. Và một nhà để xe, chiếc xe trong đó cũng không nhất thiết phải là chiếc Dacia xoàng xĩnh". Tôi không nói gì và ông lại tiếp tục thuyết phục: "Anh không nên hi sinh cả đời mà chẳng được cái gì! Nếu anh đưa tôi ra khỏi đây và đến Đài truyền hình để tôi nói chuyện với nhân dân thì tôi thấy là tôi có thể cho anh một triệu, không, hai triệu đô-la!".
Vào đêm Vọng Giáng sinh 24-12, lực lượng mật vụ Securitate cuối cùng cũng tìm ra chỗ giam giữ vợ chồng Ceausescu và dàn quân ngay trước trại lính. Vừa quá nửa đêm, họ nổ súng nhưng cuối cùng đã bị lực lượng quân đội đẩy lui. Trước đó một giờ, vợ chồng Ceausescu đã phải mặc áo choàng kín, được đưa vội vã vào xe bọc sắt đặt trong một khu vực có che chắn và được yêu cầu nằm úp mặt xuống sàn xe. Họ đã ở đó suốt 5 giờ, đến khi giao tranh kết thúc. Một lần nữa họ được đưa trở lại căn phòng của mình trong trại. Đó là nơi ở cuối cùng, trong đêm cuối cùng đời họ.

(Phan Trinh dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét