Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

(2) Cách mạng Rumani xử tử nhà độc tài Ceausescu

Cách mạng Rumani 1989 và vụ xử tử vợ chồng nhà độc tài N. Ceausescu
Victor Sybestyen - Sai lầm thứ nhất: Đại mít-tinh
Thứ tư 20-12. Nicolae Ceausescu từ Iran trở về thủ đô Bucharest khoảng 3 giờ chiều. Từ giây phút trở về, ông đã đưa ra một loạt những phán đoán sai lầm nghiêm trọng.
Kết quả hình ảnh cho Nicolae Ceausescu
Sai lầm đầu tiên là vội vã quyết định tổ chức một cuộc đại mít-tinh ngay trung tâm Bucharest vào ngày hôm sau để mọi người thấy ông vẫn là vị lãnh tụ được dân yêu mến. Ông khăng khăng tin mình được yêu chuộng, đến chết vẫn thế, chỉ cần ông nói chuyện với người dân Rumani với tư cách lãnh tụ, cho họ thấy sức mạnh và quyền lực của ông bao trùm họ thì họ sẽ lắng nghe, vỗ tay và ngoan ngoãn vâng lời như từ trước đến nay. Ông và cả vợ không hề có ý niệm là dân chúng ghê tởm họ đến mức nào. Thực ra thì bọn nịnh thần liếm gót vây quanh ông bà cũng có biết nhưng chẳng ai dám hé răng. Cũng chẳng ai gợi ý cho ông rằng một cuộc tập trung lớn theo cách thông thường không còn là việc làm khôn ngoan nhất vào thời điểm đó nữa.

Đảng bộ tại thủ đô Bucharest đã cật lực làm việc thâu đêm để có được một đám đông tràn ngập người ủng hộ chào đón ngài Tổng tư lệnh tại quảng trường Palace. Việc tổ chức những sự kiện như thế này cần cả một guồng máy trơn tru để bắt đám đông tham gia chứng tỏ lòng trung thành với chế độ.

110.000 khán giả
Từ sáng sớm thứ năm 21-12, cán bộ đảng trong các xí nghiệp, sở, ban, ngành đã huy động công nhân viên. Họ chọn người tham gia theo từng phòng ban. Ai từ chối sẽ có nguy cơ bị đuổi việc.
Người ta chở họ bằng xe buýt tới trung tâm Bucharest. Tại đây họ được phát cờ đỏ, bảng có hình Ceausescu và các băng-rôn, biểu ngữ ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Rồi họ bắt đầu diễu hành thành một dòng người đi dần về quảng trường Palace. Tới nơi, họ bị kiểm tra lần nữa để loại bỏ những phần tử bất hảo có khả năng gây rối trà trộn. Mặc dù vậy, nhiều người đi trên các phố chính của Bucharest như phố Calea Victorei gần đó đã bị lùa vào đám diễu hành để nhanh chóng nâng cao tổng số người tham gia. Những người trung thành nòng cốt thì mang bảng có hình lãnh tụ và biểu ngữ đứng hàng đầu. Dân thường thì đứng ở phía sau. Mật vụ Securitate có mặt đông đảo nhưng được trải rộng để trà trộn vào đám đông lên tới 110.000 người.

Phút yếu đuối của Chủ tịch
Giữa trưa, nắng mùa đông rực rỡ, cuộc mít-tinh bắt đầu. Đám đông có vẻ bàng quan khi vài cán bộ đảng ít được biết tên lên phát biểu khởi động.
Đúng 12 giờ 31, Ceausescu với bà Elena bên cạnh xuất hiện tại ban-công trụ sở đảng. Họ đứng trước một cụm 4 micro để phát biểu. Ban đầu, mọi sự diễn ra như thường lệ. Quần chúng hoan hô Ceausescu và tiếng vỗ tay đều nhịp thỉnh thoảng vang lên như điểm xuyết cho những phát biểu nhạt nhẽo của ông. Nhưng 8 phút sau khi ông diễn thuyết, một điều chưa từng có đã xảy ra. Từ phía cuối đám đông có những tiếng ù à, huýt sáo rồi tiếng hô trầm trầm, cất lên chuỗi âm thanh TI-MI-SOA-RA chầm chậm, rền rền. Riếng hô ban đầu nhỏ nhưng càng lúc càng vang to, càng dứt khoát.
Ceausescu chợt hụt hẫng, lặng đi trong chốc lát. Rồi ông gắng gượng đọc tiếp bài diễn văn soạn sẵn về "những phần tử phát-xít kích động âm mưu phá hoại chủ nghĩa xã hội". Nhưng tiếng hô vang vẫn tiếp tục, giờ đây lại đệm thêm nhiều tiếng huýt sáo. Truyền hình Rumani, hôm đó được lệnh truyền hình trực tiếp cuộc mít-tinh, vẫn tiếp tục phát hình.
Nhà đại lãnh tụ bỗng im bặt, đông cứng lại, miệng mở ra, trễ xuống.

Đả đảo và lương hưu
Đó là giây phút yếu đuối chết người của nhà độc tài và đám đông nắm bắt được điều đó. Quần chúng bắt đầu la to "Ceausescu! Dân là chủ!" và "Đả đảo kẻ giết người!". Trong cơn bối rối, ông đưa tay phải lên. Nhưng hành vi này lại làm quần chúng sôi lên. Elena nói to với ông, không để tiếng lọt vào micro: "Nói đi! Hứa hẹn gì đó đi!".
Ceausescu nhìn luống cuống. Ông lúng ta lúng túng khi loan báo sẽ tăng lương hưu và trợ cấp gia đình lên 2.000 lei (khoảng 2 đô-la Mỹ mỗi tháng). Nhưng chỉ vậy rồi thôi, ông cạn lời, không nói thêm được gì nữa.
Tiếng la ó, huýt sao càng lúc càng to. Giám đốc Đài truyền hình tự ý ra quyết định ngưng phát sóng. Màn hình TV trống trơn, chỉ còn mỗi chữ "truyền hình trực tiếp". Tay hộ vệ lực lưỡng của Ceausescu, tướng Marin Neagoe, vội vã đưa lãnh tụ rời khỏi ban-công.
Nhiều người sau này cho rằng mình là người khởi xướng những tiếng hô phản đối nhà độc tài trong cuộc mít-tinh này. Vài năm đầu, ai cũng nghĩ người khởi xướng là sinh viên Nica Leon nhưng sau đó thì có nhiều hoài nghi về những gì Nica tự nhận. Một người đáng tin hơn, đứng ở hàng đầu đoàn mít-tinh, là tài xế taxi Adrian Donea. Anh kể: "Chúng tôi đều thấy ông ta thực sự sợ hãi. Lúc đó chúng tôi mới thấy mình có sức mạnh, mình là một lực lượng"” Còn người đầu tiên cất lên tiếng hô "Timisoara" là những công nhân đến từ nhà máy điện Turbomecanica ở ngoại ô Bucharest.

Náo loạn đường phố
Hầu hết các cuộc cách mạng của đám đông thường hỗn độn. Đám đông tại quảng trường Palace đã làm nhà độc tài bị chấn thương trầm trọng dù không bắn phát đạn nào. Nhưng rồi đám đông lại không biết phải làm gì sau đó.
Nếu lúc đó mật vụ Securitate dùng vũ lực tấn công và buộc những người chống đối rời khỏi đường phố Bucharest thì diễn biến Cách mạng Rumani có thể đã rẽ qua một hướng hoàn toàn khác. Nhưng họ đã không đàn áp.
Ngay sau đó, hàng ngũ những người biểu tình được bổ sung hàng ngàn người từ nhà túa ra. Họ vừa xem truyền hình trực tiếp, thấy Ceausescu trên TV từ một nhà độc tài toàn năng bỗng hóa thành một lão già yếu đuối. Người khác thì nghe kể lại và cũng túa ra đường xem thực hư thế nào, xem có thực Ceausescu mất mặt hay không?
Chiều hôm đó, xung đột đã diễn ra tại ba điểm chính ngay trung tâm Bucharest: tại quảng trường Đại học, nơi có khách sạn InterContinental, từ nơi này, các phóng viên quốc tế không phải đi đâu xa để thấy những hỗn loạn đang diễn ra; hai điểm kia là quảng trường Palace và Đài truyền hình Rumani ở phía bắc thành phố. Trong vài giờ đồng hồ, các lực lượng an ninh án binh bất động. Họ để mặc người biểu tình náo loạn.
Ông Pavel Campeanu - người cộng sản lão thành từng ở chung nhà tù với Ceausescu nhưng đã không nhìn mặt nhà độc tài mấy chục năm qua - nhận định rằng: "Ngay lúc đó, Ceausescu vẫn còn có thể chọn giải pháp đối thoại với sinh viên, với những người bất đồng và với những người cộng sản cải cách. Nhưng để làm vậy, ông phải đổi hẳn cái nhìn thâm căn cố đế của mình. Đó là điều ông không làm được".

Gạch đá chọi súng
Thay vì đối thoại, Ceausescu chọn giải pháp đàn áp và dùng chiến thuật đã áp dụng ở Timisoara vài ngày trước đó. Từ 6 giờ tối, nhân viên mật vụ Secirutate và các đơn vị công an đã xả súng bắn vào người biểu tình khi vũ khí tự vệ duy nhất của họ là bom chai tự chế, gạch đá và lá chắn là những chiếc xe hơi lật ngang trên đại lộ thành phố. Một người tham gia cách mạng cho biết: "Khắp nơi, chỗ nào cũng náo loạn. Nhưng chúng tôi quyết tâm trụ lại trên đường phố để phản kháng, ít nhất là trong đêm đó, rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra".
Không có bộ đội chính quy nào dự phần vào cuộc đàn áp. Họ ở lại trại. Vài người được phái đến nhưng hầu hết đều là tân binh, họ cũng hoang mang, không biết phải nã súng vào ai.

Sai lầm thứ hai: Cố bám
Bên trong trụ sở Đảng Cộng sản tại quảng trường Palace, Ceausescu phạm sai lầm lớn thứ hai. Vốn là người rất lo lắng cho an ninh bản thân, ông đã mướn nguyên một đội cận vệ với 80 mật vụ được đào tạo kĩ thuật cao, được đãi ngộ và trả lương hậu hĩnh để trung thành tuyệt đối. Không những thế, dưới đất trụ sở đảng là một hệ thống đường hầm bí mật nối kết với những dinh thự khác của ông tại Bucharest. Với điều kiện như vậy, Ceausescu có thể dễ dàng thoát khỏi thành phố, đến nơi khác để tập hợp những kẻ trung thành và xoay chuyển tình thế. Nhưng ông đã không dùng biện pháp này. Cũng không ai hiểu vì sao.
Suốt buổi chiều và đêm hôm đó, Ceausescu co cụm trong trụ sở cùng các cận vệ và quan chức thân cận. Một lần, ông nói với họ rằng: "Tôi sẽ ở lại chiến đấu… Tôi sẽ không bỏ chạy dưới áp lực, và vợ tôi cũng đồng quan điểm".
Chẳng ai buồn thuyết phục ông làm khác đi. Thậm chí một số người đã đổi chiều với toan tính riêng để tự cứu. Những người khác thì tiếp tục im lặng vì sợ hãi, như xưa nay vẫn vậy.

Đêm không ngủ
Đêm đó, quần chúng trụ lại trên đường phố. Thỉnh thoảng cũng có những cuộc đụng độ đây đó khiến khoảng 35 người chết nhưng mật vụ Securitate và công an chống bạo động đã biến mất trước khi mặt trời lên.
Một đám rất đông người nhưng rất ôn hòa đã chiếm đóng quảng trường Palace. Alex Serban nhớ lại: "Chúng tôi nghĩ có gì đó sẽ xảy ra. Nhưng chẳng biết đó sẽ là gì".
Đài truyền hình Rumani lại tiếp tục truyền hình trực tiếp các cuộc biểu tình. Không ai ra lệnh cho họ ngưng ghi hình nhưng có thể thấy là để các nhà quay phim tiếp tục giữ máy ghi hình, họ phải có lòng dũng cảm.
Sai lầm thứ ba: Đổ tội
Lúc 9 giờ sáng thứ sáu 22-12, bên trong trụ sở đảng, nhà độc tài Ceausescu đã đưa ra một quyết định khiến quân đội xoay chiều, chống lại ông, làm ông tiêu tan mọi hi vọng.
Ceausescu cho rằng phải có kẻ chịu trách nhiệm về những bạo loạn trong thành phố nên ông chĩa mũi dùi vào Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Vasile Milea. Ông nói Milea mắc tội "phản quốc" vì đã không ra lệnh cho binh lính bắn vào người biểu tình và quyết định sa thải Milea.
Những gì xảy ra cho Milea ngay sau đó đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn. Theo ý kiến của gia đình Milea, của bạn bè và một số thuộc cấp thì ngay sau 10 giờ sáng, theo lệnh của Ceausescu, một nhóm mật vụ đã áp giải Milea lên tầng trên, vào phòng làm việc của ông và sau đó bắn ông chết. Một diễn giải khác, được các nhóm sĩ quan khác đưa ra, cho rằng Milea được đưa vào phòng làm việc của mình và ông đã tự sát ở đó. Thông báo chính thức phát đi lúc 11 giờ thì nói: "Tướng Milea, tên phản quốc, đã tự sát". Dù cách nào đi nữa thì tin này đã có một ảnh hưởng vô cùng sâu sắc. Ngay khi tin được loan ra, một loạt những tiếng la ó phản đối đã vang lên dữ dội quanh quảng trường Palace.
Ai cũng rõ tướng bụng phệ 62 tuổi Milea suốt bao nhiêu năm qua là một trong những kẻ nham hiểm nhất trong hàng ngũ những tên nịnh hót bao quanh Ceausescu. Ông được một số sĩ quan cao cấp nể trọng nhưng các sĩ quan cấp dưới thì chẳng xem ông ra gì. Tức khắc, ông được biến trở thành vị tử đạo của cuộc cách mạng đang diễn ra.

Quân đội về với nhân dân
Tư lệnh của cả ba binh chủng quân đội đều đồng loạt từ bỏ Ceausescu và xem ông như kẻ không còn mảy may chính nghĩa. Binh sĩ của họ cũng lập tức đứng về hàng ngũ những người đang nổi dậy. Binh lính tháo băng đạn ra khỏi nòng súng và huơ lên cao cho dân thấy. Một số xe tăng sáng hôm đó được lệnh án ngữ các đại lộ trung tâm thành phố, giờ đây nắp xe tăng mở tung và lính binh chủng tăng cũng đứng lên vẫy chào quần chúng xung quanh. Một tiếng hô nữa lại vang dội trên Quảng trường Palace và lan ra toàn thành phố: "Quân đội đã về với nhân dân".
Khoảng 11 giờ 30 sáng, một chiếc trực thăng trắng đã đáp xuống sân thượng trụ sở đảng trong tiếng la ó của quần chúng bên dưới. Ceausescu cố gắng nói chuyện với dân chúng lần nữa nhưng ông đã hoàn toàn thất bại. Ông bước ra ban-công tầng một, nơi ông đã đọc diễn văn hôm trước. Nhưng lần này thì quần chúng lấy gạch đá và những gì có thể nhặt được ném ông. Cận vệ kéo ông và bà vợ Elena rời khỏi ban-công, đi về phía thang máy.

Người dân vào nhà, chủ tịch lên mái để thăng
Một nhóm người biểu tình lúc đó đã phá được cổng thép lớn dẫn vào tòa nhà. Với số đông, họ áp đảo và đoạt súng của lính gác. Họ chạy ùa lên thang, nơi cận vệ Ceausescu chống cự. Nhưng sau khi chống cự quyết liệt được vài phút, những cận vệ này cũng đầu hàng. Đám đông tiếp tục tràn vào, băng qua phòng làm việc của Ceausescu và xuất hiện trên ban-công, nơi họ được hàng ngàn người đứng dưới quảng trường hoan hô, cổ vũ. Không ai trong số người nổi dậy này biết rằng lúc đó họ chỉ đứng cách nhà độc tài bị họ ghê tởm có vài mét mà thôi. Lúc này, ông đang bị kẹt trong thang máy và thoát được chỉ nhờ may mắn.
Biệt đội mật vụ bảo vệ ông đã quyết định không đi xuống tầng hầm, nơi những người còn sót lại cùng ông có thể dùng hệ thống đường ngầm bí mật để thoát hiểm. Họ quyết định đi lên sân thượng. Nhưng rủi thay, điện bị mất khi các cuộc đụng độ xảy ra, thang máy kẹt cứng trước khi đến được tầng cao nhất. Sau vài phút loay hoay vất vả, các cận vệ cậy bung được cánh cửa thang máy và đưa lãnh tụ và vợ, lúc này đang thở gấp, đứt đoạn và hốt hoảng, leo lên sân thượng. Họ được hai người tin cậy nhất tháp tùng: Thủ tướng Emil Bobu và Phó thủ tướng Manea Manescu, một trong những anh em rể của Ceausescu.

Trực thăng nóc nhà
Cánh quạt trực thăng Ecureuil do Pháp chế tạo lúc đó đang quay phần phật. Họ phải quyết định nhanh.
Phi công trực thăng, thiếu tá Vasile Malutan, 46 tuổi, cũng có chiếc bụng phệ, tiếp đón họ. Ông là phi công riêng của Ceausescu trong 8 năm qua nhưng lần này ông lại không hề muốn tham gia vào chuyến di tản bất đắc dĩ. Ông kể: "Tôi được lệnh bay đến sân thượng tòa nhà và ở đó chờ. Ban đầu, thực ra là có 4 chiếc trực thăng, ba chiếc để chở thành viên chính phủ. Nhưng nhiệm vụ của 3 trực thăng kia đã bị hủy bỏ. Bản thân tôi cũng nghĩ tới việc bay khỏi nơi này mà không đón bất cứ ai. Nhưng tôi thấy một số tay mật vụ chuyên bắn tỉa trên các mái nhà gần đó. Tôi sợ nếu họ thấy tôi bay đi mà không đón ai thì họ sẽ bắn hạ tôi ngay. Tôi gọi điện về căn cứ hỏi: "Tôi có cần ở lại không?". Họ trả lời: "Có, cứ ở lại chờ!". Lúc đó Malutan biết rõ những gì đang xảy ra dưới kia vì căn cứ liên tục kể cho ông nghe những gì dân Rumani đang thấy trên TV. Khi phát hiện số người chuẩn bị lên máy bay quá đông, Malutan thốt lên: "Đông quá, không chở hết!". Nhưng ngay lúc đó, một số người biểu tình đã leo lên được mái nhà và có thể ào lên trực thăng trong giây lát. Thế là đám người tháo chạy mặc kệ lo ngại của phi công, trèo lên trực thăng. Khi cất cánh, chiếc trực thăng đã phải ì ạch, may mắn lắm mới rời khỏi nóc nhà. Phi công kể: "Nếu đậu trên mặt đất, tôi không nghĩ mình có thể bay lên".
Lúc đó là 12 giờ trưa. Trong trực thăng có tổng cộng 9 người, gồm cả 3 người tổ bay. Quá chật đến nỗi một người trong tổ bay phải ngồi trên đùi một cận vệ. Bà Elena khóc như mưa. Ceausescu hoàn toàn suy sụp.
Sau vài phút bay, phi công Malutan quay hỏi Ceausescu: "Đi đâu?". Vị lãnh tụ bối rối. Ông và Elena tranh cãi một lát rồi cuối cùng Ceausescu nói: "Đi Snagov", một điểm cách Bucharest 60 km về phía tây bắc, nơi ông có một dinh thự ven hồ.

Ồ-lê, Ô-lế, Ô-lề
Niềm vui vỡ oà tại quảng trường Palace khi quần chúng nhìn thấy chiếc trực thăng của chủ tịch hối hả rời thành phố. Khắp nơi, đâu cũng thấy lá cờ Rumani ba màu đỏ, xanh dương, vàng với một lỗ tròn chính giữa - huy hiệu búa liềm giữa cờ đã bị đục bỏ còn lại một lỗ tròn vo.
Quần chúng cất tiếng hát, hầu hết theo giai điệu bài hát bóng đá nổi tiếng được cất lên trong bất cứ trận bóng nào. Họ hát rằng: "Ole, Ole, Ole, Ole - Ceausescu unde é? - Ole, Ole, Ole, Ole - Ceausescu nu mai é!" (Ồ-lê, Ồ-lê, Ồ-lế, Ô-lề - Ceausescu đâu rồi? -
Ồ-lê, Ồ-lê, Ồ-lế, Ô-lề - Ceausescu hết thời!).
Hàng trăm người tràn ngập trụ sở đảng. Khi ùa vào tòa nhà, họ tin rằng họ là những người khởi nghĩa và chính họ đã lật đổ nhà độc tài. Nhưng đó là một đoàn người hỗn độn, ngẫu nhiên hình thành vì có mặt vào đúng nơi, đúng lúc. Trong số đó có công nhân xí nghiệp, tài xế taxi, thư kí văn phòng, giáo viên… Một trong những người đầu tiên lọt vào sảnh trung tâm tòa nhà là một cô phục vụ quầy rượu tại khách sạn du lịch InterContinental gần đó. Trong văn phòng khổng lồ, nơi Ceausescu từng làm việc, họ thảo luận hàng giờ đồng hồ nhưng hoàn toàn không có tổ chức. Không ai trong họ có kinh nghiệm làm việc trong guồng máy chính quyền hoặc thuộc phe đối lập. Ai cũng có ý kiến nhưng không ai có quyền lực. Giữa tình thế hỗn độn này, quyền lực lại nằm ở chỗ khác.
Truyền hình giữ một vai trò then chốt trong Cách mạng Rumani nhưng không phải các đài phát thanh hay truyền hình quốc tế đã tạo nên bước chuyển. Vào ngày hỗn loạn đầu tiên, sau khi Ceausescu bỏ chạy, các studio ghi hình của Đài truyền hình Rumani đã bỗng nhiên trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng. Gelu Voican-Voiculescu, một trong những lãnh đạo đầu tiên thời kì hậu Ceausescu, cho biết: "Thành công của chúng tôi là thành công trong việc sử dụng sức mạnh truyền hình".

(Phan Trinh dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét