Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

VN 'tiến thoái lưỡng nan' sau phán quyết Biển Đông?

Việt Nam ở thế 'tiến thoái lưỡng nan' sau phán quyết Biển Đông?

Việt Nam vừa có cơ hội vừa ở trong thế nguy hiểm sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo nhận định của truyền thông quốc tế. Hôm 12/7, Tòa Trọng tài thường trực thuộc Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên 90% khu vực Biển Đông, và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế.
Cảnh sát cố gắng ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016. Hôm qua (17/7), một số người dân và tổ chức No-U ở Hà Nội đã tổ chức một cuộc tuần hành nhỏ bên ngoài Sứ quán Philippines ở Hà Nội để “cám ơn Philippines” và nói “các bạn là một chính phủ can đảm”, theo lời lẽ được ghi trên các biểu ngữ.

Tuy Việt Nam không phải là một bên trong vụ tranh chấp pháp lý do Philippines khởi xướng, nhưng theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, qua phán quyết của Tòa án La Haye, Hà Nội được “tiếp sức” về mặt ngoại giao và pháp lý trong những nỗ lực chống chọi lại sự xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực này.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về chính trị và ngoại giao của Đại học George Mason, Hoa Kỳ, giải thích thế “lưỡng nan” của Việt Nam:

“Thứ nhất, về cái phán quyết, nó tạo thuận lợi pháp lý về tinh thần cho Việt Nam trong những cuộc điều đình hay đàm phán sắp tới, hay những cố gắng vận động của Việt Nam, thì cái đó rất tốt cho Việt Nam. Nhưng ngược lại có rất nhiều khó khăn và trở ngại vì Việt Nam là nước mà đối với Trung Quốc là quan trọng nhất, thứ hai là [Việt Nam] dễ bị tổn thương và áp lực nhiều nhất, hơn các quốc gia Á châu. Vì thế mọi hành động của Trung Quốc, có rất nhiều cái leverages, khả năng tạo áp lực lên Việt Nam hơn các nước khác. Thành ra, Việt Nam phải đối xử rất khôn khéo. Cơ hội thì có, nhưng có rất nhiều vấn đề khó khăn, phải tính toán nhiều chuyện chứ không phải dễ như người ta nói.”

Việt Nam lâu nay vẫn “đụng độ” Trung Quốc về nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông, trong đó có các vụ ngư dân Việt bị phía Trung Quốc giết hại hay đâm chìm tàu tác nghiệp, vụ Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí đến vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền… Ngoài ra gần đây Việt Nam cũng gặp phải tình huống bị xem là yếu thế khi phụ thuộc vào nước láng giềng phía Bắc trong việc yêu cầu Bắc Kinh xả nước đập thủy điện Cảnh Hồng để cứu hạn cho các khu vực nông nghiệp của Việt Nam.

Chính vì vậy, việc Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines được nhiều người Việt Nam tán thành và xem đây cũng là một chiến thắng cho phía Việt Nam, là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hôm qua (17/7), một số người dân và tổ chức No-U ở Hà Nội đã tổ chức một cuộc tuần hành nhỏ bên ngoài Sứ quán Philippines ở Hà Nội để “cám ơn Philippines” và nói “các bạn là một chính phủ can đảm”, theo lời lẽ được ghi trên các biểu ngữ.

Tuy nhiên, cuộc tuần hành đã bị gián đoạn khi các nhân viên an ninh mặc thường phục ngăn chặn. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam chưa sẵn sàng trong việc ra mặt đối đầu với Trung Quốc, theo nhận định của truyền thông quốc tế.

Anh Nguyễn Chí Tuyến, một thành viên của nhóm No-U tham gia tuần hành, bày tỏ cảm tưởng:

“Tôi khá thất vọng. Tôi thất vọng bởi vì như thông báo của No-U ở Hà Nội, chúng tôi muốn đó là cuộc biểu dương thể hiện quan điểm, vị trí của người dân cũng như của những người cầm quyền ở Việt Nam. Nhưng họ đã không lắng nghe và họ không muốn cùng chúng tôi thực hiện việc đó, mà họ ra tay đàn áp, kiềm hãm. Họ cấm chúng tôi nói lên tiếng nói của người dân, thì quan điểm của tôi là một sự thất vọng về quan điểm của nhà nước Việt Nam.”

Ngay sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ và gọi phán quyết này là “không có cơ sở”. Nước này cũng cho biết sẽ không tuân thủ theo phán quyến của tòa án ở La Haye.

Nhưng hôm 14/7, ngay sau khi Tòa đưa ra phán quyết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hãy cùng với Bắc Kinh bảo đảm sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông. Cuộc gặp của hai nguyên thủ quốc gia diễn ra bên lề Hội nghị Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 ở Mông Cổ.

Khánh An
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét