Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Nằm nghe biển… thở dài


Nằm nghe biển… thở dài
Khám Phá Quang Cường 18-7-2016 Với những thanh niên, trai tráng ở xóm này, dù có sức khỏe hơn ông Lợi cũng cùng chung cảnh ngộ là nằm nhà nghe biển “réo”. Có một số người vì cuộc sống quá thiếu thốn đành phải đi lặn ven bờ bắt sò, mỗi ngày bắt được vài cân đem bán cho quán ăn và nhà hàng nhưng cũng rất khó bán vì hiếm người dám ăn, nếu bán được cũng với giá “bèo bọt” không đủ mua gạo ăn qua ngày.
Lão ngư Phạm Văn Hận: “Nhiều đêm nằm trong nhà cứ lắng tai nghe tiếng sóng biển, trằn trọc nhớ biển, nhớ cá, thèm ra khơi đến không ngủ được”. Ảnh: KP

Có đi về biển, tận mắt nhìn những con thuyền đang “đắp chiếu ngủ mê”, nghe những ngư dân trải lòng thì mới cảm nhận được những con “sóng ngầm” đang ngày đêm cuộn trào trong lòng người và lòng biển.

Hơn ba tháng, kể từ khi biển bị đầu độc bởi nhà máy Formosa, cũng đã đủ để biết cuộc sống của người dân miền biển sẽ như thế nào khi biển không còn là nơi ôm ấp, vỗ về, nuôi dưỡng họ – những con người được sinh ra từ biển. Giờ đây, trước mắt họ là một trời lo âu, những trở trăn khi sắp phải đưa ra một sự lựa chọn vô cùng khó khăn: Tiếp tục bám biển hay là bỏ biển?

Đêm nằm nghe biển… thở dài

Đến đầu xóm Xuân Thắng (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hỏi thăm về những gia đình đi biển, ai cũng chỉ đến nhà ông Phạm Văn Hận, là lão ngư có kinh nghiệm và thâm niên đi biển được xếp vào hạng nhất nhì của xã Kỳ Xuân.

Vừa vào cuộc trò chuyện, ông Hận nheo nheo mắt chỉ tay ra phía biển, nơi chiếc tàu có trọng tải 40 tấn, có thể đánh bắt xa bờ, đang dập dềnh lặng lẽ cách bờ vài chục mét. Ông Hận buồn rầu chia sẻ “Ba tháng nay, từ khi cá chết do biển bị nhiễm độc thì cả mấy cha con chúng tôi không đi biển nữa, vì đi gần bờ thì sợ cá tôm bị nhiễm chất độc, mà đi xa bờ thì đánh bắt được về cũng không ai mua, vì người dân không ai còn dám ăn hải sản do chúng tôi mang về”.

Từ khi “biển chết”, ông Hận cùng 4 người con trai không còn đi biển, cuộc sống lâm vào khó khăn như bao gia đình ngư dân khác ở vùng biển Hà Tĩnh này. Không có thu nhập, mọi chi tiêu đều phải dè xẻn từng đồng, mặc dù có gạo của chính quyền hỗ trợ nhưng cũng không duy trì được lâu đối với mọi gia đình ngư dân.

Buông tiếng thở dài, ông Hận nói: “Nếu không có sự cố cá chết thì vào thời điểm này là mùa làm ăn bội thu của của chúng tôi. Cứ nghĩ đến những đàn cá tung tăng ngoài khơi xa mà nóng ruột. Nhiều đêm nằm trong nhà cứ lắng tai nghe tiếng sóng biển, trằn trọc nhớ biển, nhớ cá, thèm ra khơi đến không ngủ được”.


Những con thuyền phơi mình trên bãi biển Kỳ Xuân không biết đến bao giờ mới lại được ra khơi. Ảnh: KP

Bao giờ lại được ra khơi?

Cách Kỳ Xuân khoảng chừng 50km theo đường bờ biển là xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh), nơi đây cũng có hàng trăm ngư dân đang lâm vào khốn khó bởi họ cũng phải gác mái chèo, đưa thuyền lên bờ phủ bạt chờ ngày biển sạch để ra khơi.

Khi chúng tôi đến nhà, ông Nguyễn Xuân Lợi (xóm Ba Đồng, xã Kỳ Lợi) đang chơi cùng đàn cháu nhỏ. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như người đàn ông 66 tuổi này đang nhàn hạ, nhưng thực sự thì ông cũng không biết làm gì vào thời gian này, khi nghề nghiệp của ông từ bao đời nay là đi biển, nhưng hiện tại ông phải cất thuyền, cất lưới.

Trước đây ông Lợi cùng các con trai đi biển bằng thuyền 8CV đánh bắt gần bờ, hải sản là nguồn thu nhập chủ yếu cho cả đại gia đình. Nhưng đã hơn ba tháng nay, từ khi cá biển chết do nhiễm độc, gia đình ông Lợi cũng như phần lớn ngư dân ở đây đều nghỉ đánh bắt, cuộc sống ngày càng thiếu thốn vì không có thu nhập.

Với những thanh niên, trai tráng ở xóm này, dù có sức khỏe hơn ông Lợi cũng cùng chung cảnh ngộ là nằm nhà nghe biển “réo”. Có một số người vì cuộc sống quá thiếu thốn đành phải đi lặn ven bờ bắt sò, mỗi ngày bắt được vài cân đem bán cho quán ăn và nhà hàng nhưng cũng rất khó bán vì hiếm người dám ăn, nếu bán được cũng với giá “bèo bọt” không đủ mua gạo ăn qua ngày.

“Mong muốn nhất của chúng tôi bây giờ là biển sớm trong sạch trở lại để ra khơi. Chúng tôi đã bao đời bám biển, nay không thể làm nghề gì khác. Nhưng bây giờ cũng không biết khi nào biển mới sạch, cũng chưa có dự tính như thế nào cho tương lai”, ông Lợi buồn rầu nói.

Ông Nguyễn Văn Nhật, một ngư dân khác ở đây cũng có cùng suy nghĩ “Khó chịu lắm rồi chú ơi, không biết bao giờ mới lại đi biển được”. Đó là tâm trạng chung của những người đàn ông miền biển ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng “biển chết”.

Chị Đậu Thị Vân (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh): “Một mình nuôi 4 đứa con bằng nghề buôn hải sản, nay ngư dân không ra khơi, hải sản không ai dám ăn, tôi cũng hết đường mưu sinh”.

Sự khó khăn, bế tắc này không chỉ đến với các gia đình ngư dân mà còn đeo bám những gia đình kinh doanh, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ ẩm thực, du lịch. Hơn ba tháng nay, họ cũng trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của việc biển bị đầu độc.

Nắm bắt được sự khó khăn của người dân, các cấp chính quyền đã nhanh chóng có sự hỗ trợ về cuộc sống trước mắt, nhưng về sinh kế lâu dài thì đang là vấn đề nan giải cho cả người dân và chính quyền.

Chính phủ cũng đã có chủ trương chuyển đổi ngành nghề với một số phương án cho người dân có nhu cầu và điều kiện phù hợp. Ví dụ như sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn để ngư dân đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ; tạo điều kiện thuận lợi và nguồn vốn vay cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt; cho người dân vay vốn để xuất khẩu lao động…

Tuy nhiên, để áp dụng từ chủ trương đến thực tiễn thì vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc khó tháo gỡ. Vấn đề cốt lõi là ngư dân chỉ quen với nghề biển, thích nghi với môi trường biển, họ rất khó để làm quen với nghề khác và khó thích nghi môi trường lao động khác.

Ông Nguyễn Xuân Lợi (xã Kỳ Lợi) có 6 người con và 13 đứa cháu đang phải mua nợ gạo để ăn, chờ bồi thường của Formosa. Ảnh: KP

Trước những gợi ý này, ông Phạm Văn Hận (xã Kỳ Xuân) nói: “Cha con tôi thì không biết làm nghề gì ngoài đi biển, nhưng bây giờ để tiếp tục đi biển thì phải có tàu lớn để đánh bắt xa bờ mà tàu của tôi hiện tại là tàu vỏ gỗ chỉ miễn cưỡng đi xa bờ khi thời tiết tốt thôi, sóng lớn không đi được. Tôi cũng đã đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo chủ trương của Nghị định 67 của Chính phủ nhưng không được, vì đóng tàu vỏ sắt cần vay vốn khoảng 12 tỷ đồng, mà theo chủ trương thì người vay phải đóng vốn đối ứng là 600 triệu đồng, chúng tôi không thể có được. Giờ phải chờ chính sách hỗ trợ khác của nhà nước”.

Nếu được nhà nước hỗ trợ thuận lợi thì những người có mong muốn như ông Hận sẽ tiếp tục ra khơi bám biển. Nhưng với những người không đủ điều kiện, trước nay chỉ đánh bắt xa bờ thì vẫn mãi loay hoay với chuyện đổi nghề.

Chị Đậu Thị Vân (thôn Ba Đồng, xã Kỳ Lợi) lại có hoàn cảnh éo le hơn. Chị góa chồng, nuôi 4 đứa con, trước đây chị làm nghề thu mua hải sản từ cảng cá Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) để buôn, thu nhập cũng đủ nuôi con, nhưng từ khi biển bị nhiễm độc, chị không buôn bán được, khó khăn chồng chất vì không có thu nhập.

“Giờ tôi cũng đã 50 tuổi, nghề nghiệp không có, đất đai cũng không, đi xuất khẩu lao động thì không ai nuôi con. Giờ chẳng biết làm gì ngoài việc hàng ngày ra âu thuyền thu mua vài cân mực, ghẹ họ đi lặn về, ai mua thì bán lại kiếm ít đồng tiền lời mà khó khăn lắm”.

Chiều muộn, bãi biển Kỳ Xuân giữa tháng 7 vắng lặng với mấy con thuyền được che phủ nằm sóng soài trên bãi cát, hoặc chông chênh dưới gốc phi lao, chúng tôi kết thúc một ngày với những ngư dân “mắc cạn”.

Cùng ăn bữa cơm đạm bạc, cùng trò chuyện tâm tình với ngư dân, và cũng nhờ họ mà tôi cảm nhận được tiếng thở dài của biển những ngày qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét