Việt – Trung ngoảnh đầu nhìn về hai hướng
Chủ tịch Nhà Nước Trung Quốc giận dữ khẳng định đừng có quốc gia nào kỳ vọng vào việc ép Trung Quốc nuốt một hoàn thuốc đắng. (Hình: AP)Trước đó, sau khi Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ phương thức nào có tính áp đặt nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hoặc có sự can dự của bên thứ ba.
Truyền thông quốc tế tiết lộ, ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã từng cảnh cáo Trung Quốc rằng, Hoa Kỳ sẽ hành động nếu Trung Quốc tiếp tục ứng xử theo kiểu khiêu khích tại Biển Đông. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đã từng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Và hôm 1 tháng 7, 2016, phát biểu nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Thành Lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình bảo rằng, Trung Quốc không sợ phiền phức.
Chủ tịch Nhà Nước Trung Quốc nói trống không rằng, Trung Quốc không bao giờ xuất hiện trước cửa nhà của người khác để biểu diễn, bởi điều đó không thể hiện được sức mạnh và không thể nào có thể làm Trung Quốc sự sợ hãi.
Cho dù Trung Quốc tỏ ra hết sức giận dữ về việc Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc xác định Trung Quốc như một bị đơn, tiếp nhận và phân xử yêu cầu của Philippines, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng vẫn lên tiếng về phán quyết mà tòa sắp công bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết, Việt Nam theo dõi sát diễn biến vụ Philippines kiện Trung Quốc và mong tòa có phán quyết công bằng, khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách ôn hòa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, khẳng định “lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các giải pháp ôn hòa theo luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công Ước về Luật Biển.”
“Lập trường nhất quán” của Việt Nam mâu thuẫn với “lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông” (Trung Quốc có chủ quyền “bất khả tranh biện” đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông là việc riêng giữa Trung Quốc và từng quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông. Phải giải quyết tranh chấp này bằng đàm phán song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia có bất đồng về chủ quyền, Trung Quốc không chấp nhận sự can dự của bên thứ ba, kể cả các tòa án quốc tế).
Từ khi Philippines nộp đơn kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông (22 tháng 1, 2013) đến nay, đây là lần thứ hai Việt Nam chính thức lên tiếng về những vấn đề có liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Lần đầu là vào ngày 11 tháng 12, 2014, Việt Nam đề nghị Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc “cân nhắc đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Việt Nam” song song với tuyên bố có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa.
Cuối cùng “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) cũng trở thành viển vông.
Tin mới nhất liên quan đến Biển Đông là ngay sau khi nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đại sứ Nhật tại Liên Hiệp Quốc vừa thông báo rằng nếu có thành viên nào yêu cầu, Biển Đông sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. (G.Đ)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét