Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Fulbright: Quá khứ không quên nhưng hãy sống cho hiện tại

Fulbright: Quá khứ không quên nhưng hãy sống cho hiện tại
LTS: Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, được bầu chọn làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam đang là tâm điểm dư luận. Với trách nhiệm thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam khép lại mạch bài này bằng phát biểu của một số cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo, nhà chính trị. Mời độc giả cùng tham khảo và suy ngẫm.
Nhà văn Bảo Ninh: Đừng "đánh trận bằng mồm, đào công sự trên giấy"
Bob Kerrey, Đại học Fulbright, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Bình, chiến tranh, Tổng thống Obama
Nhà văn Bảo Ninh
Cựu chiến binh, tác giả của "Nỗi buồn chiến tranh"
Dư luận luôn đa chiều khi bàn về những chuyện như thế này. Chỉ ngồi một lúc ở quán cà phê cũng có thể cãi nhau bởi các dòng suy nghĩ khác nhau quanh chuyện ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác trường Fulbright Việt Nam.
Họ chủ yếu là các công chức và sinh viên. Tôi đã lắng nghe và thấy họ có quyền bày tỏ suy nghĩ của mình. Chuyện bình thường.
Tôi từng là người lính của chính cuộc chiến tranh ấy. Chiến tranh luôn vô cùng khủng khiếp. Có những gia đình bị giết sạch. Có những ngôi làng không còn bóng người.
Cho nên bây giờ đã tính hết được những mất mát đau thương do cuộc chiến này gây ra đâu. Làm sao có thể quên được, không ai có thể quên được cả.
Chúng ta vẫn thường nói “hãy khép lại quá khứ”. Có thể câu ấy đã trở nên nhàm nhưng nếu không khép lại những đau thương mất mát ấy thì ai có thể sống tiếp? Nếu chúng ta cứ nuôi mãi hận thù thì làm sao đất nước có được ngày hôm nay?
Cả hai bên đều đã phải mất một thời gian rất dài, trải qua một chặng đường đầy nhọc nhằn mới khép lại được quá khứ để vui vẻ với nhau. Vậy vì sao phải khới lên những hạt sạn vào lúc này? Khi mới hôm qua thôi, trên ti vi vẫn còn chiếu cảnh người dân Việt Nam nồng ấm đón chào Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm. Hay trước đó, phía Mỹ đã đón tiếp chu đáo, trọng thị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thực ra, bản thân những người như ông Bob Kerrey,…. những người đã phạm tội ác cũng đã phải vượt qua sự lên án từ chính bản thân họ, từ chính cộng đồng của họ, ngay tại nước Mỹ. Tội lỗi ám ảnh dày vò họ khủng khiếp lắm.
Ngay bản thân xã hội Mỹ, vẫn còn nhiều ý kiến không tán đồng việc Chính phủ Mỹ và Việt Nam xích lại gần, đặc biệt là giới trẻ. Thú vị ở chỗ, hầu hết những người phản đối lại là những người chưa từng cầm súng, chưa từng đào công sự, họ chưa từng trải nghiệm “nỗi buồn chiến tranh”.
Lên mạng thì thấy, toàn những người đánh trận bằng mồm, đào công sự trên giấy rất hung hăng. Chuyện này không chỉ phổ biến ở nước Mỹ đâu, có cả ở Việt Nam nữa đấy. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không biết những người đang hăng hái tranh luận quanh chuyện trường Fulbright, họ đã từng tới Thạnh Phong chưa, họ có biết Thạnh Phong ở đâu không?
Tôi đã nhiều lần cùng các đoàn cựu binh Hàn Quốc, về thăm lại miền Trung Việt Nam, nơi họ đã từng gây ra những tội ác vô cùng tàn bạo. Tôi đã chứng kiến người dân nơi ấy ứng xử thế nào với những cựu binh này. Họ đã ôm nhau và khóc.
Tôi còn biết chuyện các cựu binh Hàn Quốc kêu gọi, động viên con cháu, những người trẻ tuổi ở nước họ, tìm đến Miền Trung Việt Nam để nghe chính người dân ở đây kể lại những tội lỗi  mà cha ông họ đã từng gây ra tại đây.
Và tôi cũng chứng kiến những người trẻ này, hàng năm thành lập các nhóm tình nguyện, tìm tới đây để giúp những người dân nơi này khám chữa bệnh, dọn dẹp vệ sinh và nhiều công việc khác.
Quay lại với câu chuyện đang gây tranh cãi quanh chuyện ông Bob Kerrey được chọn làm Chủ tịch Hội đồng tín thác trường Fulbright Việt Nam, có ai đã trở lại Thạnh Phong để hỏi dân ở đó xem họ nghĩ gì? Sao không tìm gặp những người lính đã từng đối mặt với bom đạn hỏi xem họ nghĩ gì?
Riêng tôi, tôi đã hỏi các đồng đội của tôi, ít nhất 70% trong số họ ủng hộ khép lại quá khứ, ủng hộ ông Bob Kerrey và Đại học Fulbright. Chẳng ai trong số chúng tôi lãng quên lịch sử. Chúng tôi nhớ, nhưng chúng tôi khép nó lại.
Thạc sĩ Đỗ Minh Thuỳ: Tôi đã đến Thạnh Phong
Bob Kerrey, Đại học Fulbright, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Bình, chiến tranh, Tổng thống Obama
Thạc sĩ Đỗ Minh Thùy
Nguyên trợ lý báo chí Tạp chí TIME Magazine; Bà Thùy từng tham gia đoàn nhà báo quốc tế tới Thạnh Phong, Bến Tre phỏng vấn nhân chứng còn lại từ vụ thảm sát do ông Bob Kerrey chỉ huy năm 1969.
Một ngày năm 2001, chúng tôi vượt con đường đất bụi đỏ để tới Thạnh Phong, Bến Tre nơi từng xảy ra vụ thảm sát năm 1969. Làng vẫn nghèo với những ngôi nhà nhỏ, thấp lúp xúp. Cuộc sống của người dân nơi đây lại xáo trộn, vết thương cũ bị chạm đến trước những thông tin về sự thú tội của ông Kerrey ở bên kia bán cầu - nước Mỹ.
Gặp được nhân chứng là bà Lành, chúng tôi hỏi chuyện bà và hỏi cảm nhận của người dân. Dù cuộc chiến đã hết, quá khứ đau thương còn đó trong từng mái nhà. Hình ảnh cuộc thảm sát cũng có lúc được kể lại trong các cuộc nói chuyện của người dân, lưu giữ tại nơi tưởng niệm nạn nhân.
Nhưng một trong những điều chúng tôi ghi nhận trong câu chuyện là người dân cũng không còn mang nỗi hận thù. Vất vả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày, họ cũng không dành thời gian găm giữ sự hận thù ấy. Họ đang cố gắng vun đắp cho cuộc sống hiện tại.
Từ đó tới giờ, lại thêm 15 năm nữa trôi qua. Bao nhiêu đổi thay ở ngôi làng đó, ai còn, ai mất? Ai quan tâm tới cuộc sống hàng ngày của họ. Trước đây, họ còn không găm giữ nỗi căm thù, thù hận đối với người gây ra nỗi đau đớn và mất mát cho họ, thì tới giờ, có lẽ mọi thứ đã trở lại bình thường hơn và rõ ràng cuộc sống mới đã hồi sinh hoặc ít nhất họ đang cố gắng trồng những mầm chồi mới.
Sự kiện gần đây liên quan tới việc Đại học Fulbright Việt Nam chọn ông Bob Kerrey làm Chủ tịch hội đồng tín thác xới lại câu chuyện và gây sóng trong dư luận. Chúng ta không quên nỗi đau của quá khứ, nhưng cũng không nên lại chà xát, rắc muối vào vết thương. Người dân nơi ấy đã chọn bước tới. Chiến tranh lùi xa, hậu quả còn ở lại, nhưng không có nghĩa là sống mãi với thù hận mà cần cùng nhau khắc phục hậu quả.
Người dân Việt Nam vốn có truyền thống nhân đạo và hòa hiếu, độ lượng. Tôi mong rằng mọi người có đủ độ lượng để nhìn nhận những lời xin lỗi chân thành và những nỗ lực mà Bob Kerrey đã mấy chục năm âm thầm vận động nối lại quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ  cũng như nỗ lực mong bù đắp lại cho những tội ác người lính trẻ năm xưa gây ra. Hàn gắn vết thương chiến tranh, giải quyết hậu quả cuộc chiến, và hướng tới xây dựng một tương lai Việt Nam tốt hơn luôn là cái đích để đi tới.
Lịch sử vẫn còn ghi những gì đã xảy ra. Quá khứ sẽ không bao giờ ngủ yên. Chúng ta không quên những đau thương của người dân. Nhưng hãy như những người dân làng quê nghèo ấy, chúng ta cũng có thể chọn nhìn về phía trước và nỗ lực làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: 'Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?'
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
Bob Kerrey, Đại học Fulbright, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Bình, chiến tranh, Tổng thống Obama
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
Về phía Việt Nam, giáo dục là một lợi ích có ý nghĩa chiến lược. Do đó tôi ủng hộ và đã có mặt tại buổi trao giấy phép thành lập cho ĐH Fulbright Việt Nam ở TP HCM hôm 25/5. Và như mọi người, hy vọng rằng đây sẽ là một trường góp phần tạo động lực cho nền giáo dục đại học Việt Nam lành mạnh, chất lượng và hội nhập thế giới.
Tuy nhiên, khi biết rằng cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch của Đại học mới, tôi vô cùng bàng hoàng và không thể hiểu nổi.
Ông Bob Kerrey là người đã trực tiếp tham gia vào cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong vào tháng 2/1969. Điều này không thể chối cãi và chính ông Kerrey cũng thừa nhận.
Có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều mức độ khác nhau, cả phía Việt Nam và phía Mỹ. Nhưng một điều chắc chắn, sự việc đó là đủ để kết luận Bob Kerrey, nói theo cách nhẹ nhất, hoàn toàn không thể giữ vị trí Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Và cũng không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật đó. Vì rằng:
Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết và chỉ có mình ông Kerrey biết. Không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ.
Tôi biết nhiều trường hợp cựu chiến binh Hoa Kỳ không trực tiếp dính tới các vụ thảm sát hiện sống trên lãnh thổ Việt Nam và góp phần ở các địa phương để giảm thiểu hậu quả chiến tranh như Chuck Searcy với dự án tháo gỡ bom mìn ở Quảng Trị, hay hàng năm về tận nơi để tìm kiếm sự tha thứ của những nạn nhân Mỹ Lai như Billy Kelly (dù không hề tham gia thảm sát nào).
Bob Kerrey quan niệm giữ vị trí lãnh đạo ĐH Fulbright góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, như ông đã trả lời Financial Times (Anh) cách đây 1-2 ngày, ông sẵn sàng từ chức, nếu sự tham gia của ông có thể tổn hại đến dự án.
Tôi nghĩ, không cần chần chừ hơn nữa, nếu ông rời vị trí ngay bây giờ như ông tuyên bố “sẵn sàng” thì cử chỉ đó là cử chỉ tự trọng và sẽ được người Việt Nam đánh giá cao. Thiết nghĩ, nhiều người Mỹ sẽ đồng tình với quyết định đó của ông. (Theo Newszing)
Bà Nguyễn Thị Bình: Ông Bob được giao việc này là không thích hợp
Bob Kerrey, Đại học Fulbright, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Bình, chiến tranh, Tổng thống Obama
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch Nước
Tôi đã đọc một số ý kiến về việc ông Bob Kerrey làm Chủ tịch trường Đại học Fulbright. Tôi chia sẻ ý kiến của một số người trong đó có ý kiến của chị Tôn Nữ Thị Ninh không ủng hộ việc bổ nhiệm ông Bob là Chủ tịch trường - trường đại học lớn, đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo tôi, đây không phải chỉ là vấn đề ngoại giao, hay chính trị mà chủ yếu về giáo dục văn hóa và tâm lý. Ông Bob được giao việc này là không thích hợp. Nói như vậy không phải là không đánh giá cao sự đóng góp của ông và nhiều người vào quá trình vận động và hình thành nhà trường.
Giáo sư Chu Hảo: Điều thuyết phục tôi nhất ở Bob Kerrey
Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức
Bob Kerrey, Đại học Fulbright, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Bình, chiến tranh, Tổng thống Obama
GS Chu Hảo
Tôi chưa một lần gặp mặt Bob Kerrey, chỉ tìm hiểu về ông  khi theo dõi những việc xảy ra sau Lễ công bố Quyết định thành lập ĐH Fulbright Việt Nam (FUV). Qua hồ sơ vụ thảm sát thường dân ở Bến Tre năm 1969, qua các bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông về các vấn đề có liên quan, qua một vài người bạn thân hữu của ông, và những ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Sự việc không đơn giản chỉ là sự lựa chọn người thích hợp vào một chức vụ cụ thể, mà nó phản ảnh một cách sâu sắc cách chúng ta hiểu về cuộc chiến tranh đã qua, cách chúng ta nhìn nhận quá khứ và hướng tới tương lai. Nhưng đó là một câu chuyện rất dài và rất phức tạp. Phức tạp đến nỗi sau 50 năm mà ít, rất ít người có lương tri, hiểu biết và nghiêm túc ở cả hai phía, dám tự nhận là mình có thể trả lời một cách rõ ràng và đầy đủ các câu hỏi: Cuộc chiến tranh tàn khốc và đau đớn ấy thực chất là cuộc chiến tranh gì? Là “Ý thức hệ ủy nhiệm”? “Xâm lược”? hay “ Giải phóng”? Trách nhiệm của từng người trong cuộc (người dân, người lính đến các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo Quốc gia ) đến đâu?
Còn hệ lụy thì nhiều, nhưng được cô đọng lại trong lời thơ bất hủ của Nguyễn Duy ghi trên tường thành Angkor Wat, vào ngày cuối cùng quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia, tháng 8 năm 1989: “Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Đối với Việt Nam và Hoa Kỳ thì cái thất bại nhất mà nhân dân cả hai phía đều gánh chịu phải chăng là nỗi ám ảnh của cuộc chiến tranh: nó quằn quại và không rứt ra được! Xin các bạn hãy đọc lại tác phẩm để đời “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh…
Ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của FUV nằm trong bối cảnh kể trên. Tùy vào cách đối xử với nỗi ám ảnh ấy mà mỗi người lựa chọn thái độ của mình. Lý lẽ của bên phản đối là rất rõ ràng: Đã là đao phủ thì không bao giờ trở thành thánh thiện, “tôn vinh” một kẻ đã giết hại thường dân trong chiến tranh là xúc phạm đến anh linh của những người đã mất và tình cảm thiêng liêng của nhân dân.
Nhưng những người đã mất thì không phát biểu được nữa, còn nhân dân thì bao gồm cả những người có trách nhiệm bổ nhiệm Bob Kerrey và những người ủng hộ (có vẻ như ngày càng đông). Họ nói rằng: Sát nhân mà biết hối cải chân thành, không chỉ bằng lời nói (vốn đã rất đáng quý) mà còn bằng việc làm (trong trường hợp cụ thể của Bob Kerrey là rất có sức thuyết phục) vẫn có thể trở thành Bồ tát. Họ còn nói thêm rằng: Sự bổ nhiệm Bob Kerrey vào cương vị mới không những là lựa chọn thích hợp vì tính hiệu quả mà còn mang tinh thần nhân bản giúp chúng ta vượt qua nỗi ám ảnh của chiến tranh.
Lý lẽ này đã thuyết phục tôi. Nhưng điều thuyết phục tôi nhất lại là thái độ đàng hoàng, đúng đắn (chứ không phải chỉ là đứng đắn!) của ông. Ông đã nói khá nhiều và nhất quán quan điểm của mình về vấn đề đang được thảo luận, và lời trần tình sau đây có lẽ là tiêu biểu: “Tôi đã làm những điều tồi tệ và sẽ sống với nó suốt đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ. Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Không nên đòi hỏi gì hơn ở một con người đàng hoàng, tử tế, khiêm cung và trí tuệ như vậy!
Với tinh thần cẩn trọng, Bob Kerrey đã tuyên bố sẵn sàng rút lui nếu sự tham gia của ông ảnh hưởng tới cơ hội thành công của FUV. Riêng tôi nghĩ rằng: ông tuyệt đối không nên rút lui vào lúc này, không phải chỉ vì lợi ích riêng của FUV mà những người quyết định lựa chọn ông đã cân nhắc, mà còn vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta.     
Nguyễn Xuân Thành: Lý do lớn nhất tôi ủng hộ Bob Kerrey
Bob Kerrey, Đại học Fulbright, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Bình, chiến tranh, Tổng thống Obama
TS Nguyễn Xuân Thành
Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – FETP
Tôi gặp ông Kerrey lần đầu tiên vào tháng 6/2007 khi làm phiên dịch cho cuộc gặp giữa Bob Kerrey và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại TP New York. Với vai trò là Hiệu trưởng Đại học New School, Bob Kerrey và các học giả Hoa Kỳ tổ chức một chương trình đối thoại về chính sách giáo dục đại học cùng với phái đoàn của Chủ tịch. Ngay sau đó, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Harvard, Thomas Vallely có nói với tôi về lỗi lầm lớn của Bob Kerrey ở Việt Nam. Tôi cũng chỉ biết vậy và nghĩ mình không ở vào vị trí có thể phán xét.
Trong thời gian chuẩn bị thành lập FUV, tôi tiếp xúc và làm việc nhiều hơn với Bob Kerrey. Trong tất cả các cuộc họp mà tôi được tham dự, Bob đều thể hiện sự băn khoăn về việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác. Nhưng với đề nghị của thành viên hội đồng quản trị Quỹ TUIV – tổ chức sáng lập FUV, ông đã can đảm nhận lời.
Kerrey làm vì thấy lợi ích mà FUV đem lại cho xã hội lớn hơn là tổn thương cá nhân – điều mà ông sẽ phải chịu khi biết chắc quá khứ của mình sẽ bị đưa ra soi xét một lần nữa. Sự can đảm này là lý do lớn nhất mà tôi ủng hộ ông ở vai trò lãnh đạo FUV.
Đúng như thông tin trả lời chính thức của FUV, Bob sẽ đảm nhận vai trò cố vấn và huy động nguồn lực cho Trường Đại học. Những kết quả khách quan về nguồn lực huy động, số lượng sinh viên đào tạo, chất lượng đào tạo và nghiên cứu theo những tiêu chí được lượng hóa ở ĐH New School và Dự án Minerva mà Bob Kerrey lãnh đạo đối với tôi quan trọng hơn là những ý kiến phản đối hay lá phiếu không tín nhiệm.
Năng lực cố vấn từ bề dày kinh nghiệm quản lý đại học và năng lực huy động nguồn lực thành công là lý do thứ hai mà tôi ủng hộ Bob Kerrey.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Bob Kerrey đã hối lỗi không chỉ bằng lời
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội
Bob Kerrey, Đại học Fulbright, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Bình, chiến tranh, Tổng thống Obama
GS Nguyễn Minh Thuyết
Báo chí cũng như dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường. Một số ý kiến cho rằng Bob Kerrey không phù hợp cho vị trí này, phía Mỹ nên bổ nhiệm một người khác để không khơi gợi những vết thương trong quá khứ.
Trường hợp của Bob Kerrey lại một lần nữa cho thấy đối diện với lịch sử chưa bao giờ là đơn giản. Song, cũng chính vì thế, mỗi chúng ta càng cần có cái nhìn điềm tĩnh hơn, suy nghĩ toàn diện hơn trước khi phán xét.
Chia sẻ trên báo chí, ông Bob Kerrey cho biết dù đã công khai xin lỗi và nhắc lại lời xin lỗi người dân Việt Nam một cách rất chân thành và cầu thị, ông vẫn bị ám ảnh bởi ký ức cuộc chiến.
Sự hối lỗi của Bob Kerrey không phải chỉ thể hiện bằng lời. Cũng giống như nhiều cựu binh khác của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, Bob Kerrey sửa chữa lỗi lầm bằng cách đóng góp vào việc chấm dứt cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ủng hộ việc mở rộng quan hệ song phương và đặc biệt là có những đóng góp rất thiết thực, hiệu quả vào việc thúc đẩy các dự án đào tạo nhân lực cho Việt Nam thông qua Chương trình Fulbright, trong đó có dự án thành lập Đại học Fulbright Việt Nam.
Đọc ý kiến của ông trên VietnamNet: “Tôi sẽ vui mừng mà rút lui nếu tôi tin rằng sự có mặt của tôi đặt sự phát triển của ngôi trường này vào tình thế khó khăn”, tôi nhận thấy trong thái độ sẵn sàng chấp nhận đó có cả sự ngậm ngùi lẫn trách nhiệm của ông với ngôi trường mà suốt 25 năm nay ông đã bỏ rất nhiều tâm sức xây dựng dự án, vận động tài chính để nó có thể ra đời vào đúng dịp Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, chuyến thăm không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ mà còn ghi đậm dấu ấn về tinh thần hòa hiếu, nhân văn của của dân tộc Việt Nam như cảm nhận của chính ngài Tổng thống: “sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi”.
Tôi từng nghe kể câu chuyện năm 1998, năm kỷ niệm 30 năm cuộc thảm sát Sơn Mỹ, Đài truyền hình CBS đã đưa Hugh Thompson và Lawrence Colburn – hai phi công Mỹ dùng trực thăng cứu hàng chục người dân Sơn Mỹ khỏi cuộc thảm sát bởi những lính Mỹ khác – tới Quảng Ngãi. Họ muốn có một cuộc gặp giữa hai ông với chính quyền tỉnh, nhưng Quảng Ngãi từ chối.
Đúng lúc đó thì Thủ tướng Phan Văn Khải công cán đến Quảng Ngãi và khi nghe được câu chuyện, Thủ tướng đã nói với Bí thư Tỉnh ủy: Sao lại không tiếp họ? Ngay cả những người lính đã bắn vào mình trong cuộc thảm sát đó mà tới đây, muốn gặp, mình cũng sẵn sàng gặp để nghe xem họ muốn nói gì.
Phải chăng đó là biểu hiện của tinh thần nhân văn Việt Nam, đồng thời cũng là tâm thế rộng lượng, khoan hòa của người chiến thắng?
Theo tôi, việc bổ nhiệm một cựu Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Tổng thống làm Chủ tịch HĐ Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam chứng tỏ phía Mỹ rất coi trọng sự hợp tác, coi trọng vai trò của cơ sở giáo dục đại học này.
Chúng ta đã nhiều lần đón tiếp trọng thị, gặp gỡ thân mật, hợp tác trong công việc với các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam như Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Thượng nghị sĩ John McCain,… Nước Mỹ từng cử ông Pete Peterson – một phi công từng lái máy bay ném bom Miền Bắc Việt Nam và bị cầm tù 6 năm ở nhà tù Hỏa Lò làm Đại sứ đầu tiên của cường quốc này tại nước ta. Vị Đại sứ đầu tiên này được Nhà nước Việt Nam chấp nhận, và trong thời gian làm Đại sứ cũng như sau này, ông Pete Peterson đã có nhiều đóng góp để phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tôi không nghĩ ông Bob Kerrey là một ngoại lệ. Dĩ nhiên, nước Mỹ hoàn toàn có thể tìm người thay thế ông. Nhưng chúng ta có nên mở đầu một dự án đầy tham vọng về giáo dục theo cách đó không?
Thu Hà - Mỹ Hòa - Minh Châu - Lê Văn
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/308257/fulbright-qua-khu-khong-quen-nhung-hay-song-cho-hien-tai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét